Cá bảy màu: đặc điểm, phân loại, giá bán và cách nuôi sao cho khỏe mạnh, lên màu đẹp

CẬP NHẬT 19/05/2023 | Bài viết bởi: Hoàng Trinh
Banner Black Friday

Nuôi cá cảnh hiện đang là thú vui tao nhã được rất nhiều người lựa chọn. Trong đó, cá bảy màu là dòng cá cảnh rất được yêu thích, kể cả người mới chơi hoặc người chơi lâu năm đều rất ưa chuộng loài cá này. Vậy, cá bảy màu có những đặc điểm gì mà lại được ưu ái đến như vậy, cách nuôi loài cá này như thế nào? Vua Nệm sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc trên ngay trong bài viết sau! 

1. Nguồn gốc, đặc điểm cá bảy màu

1.1. Nguồn gốc

Cá bảy màu hay còn gọi là cá Guppy, tên khoa học là Poecilia reticulata và thuộc họ Poeciliidae (Khổng Tước). Cá Guppy có nguồn gốc từ Jamaica thuộc Trung Mỹ và chúng được phát hiện vào năm 1866 bởi Robert John Lechmere Guppy. 

nguồn gốc cá bảy màu
Cá bảy màu có đặc điểm gì? Gồm những loại nào?

1.2. Đặc điểm

Đây là loài cá cảnh có kích thước nhỏ với những con trưởng thành chỉ dài từ 2.5 – 4cm. Cá bảy màu có rất nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau như màu đỏ, màu vàng, màu tím, màu trắng, màu đen… Loài cá này được tìm thấy chủ yếu tại các ao hồ và đầm lầy nước ngọt. Chúng có khả năng sinh sản rất nhanh, mỗi cá khỏe mạnh có thể đẻ từ 5 – 30 cá con với tần suất mỗi tháng một lần.

1.3. Cách phân biệt giới tính của cá bảy màu

Để phân biệt cá bảy màu thuộc giống đực hay giống cái, chúng ta có thể dựa vào những đặc điểm chính sau:

Đặc điểm Cá bảy màu đực  Cá bảy màu cái
Màu sắc Màu sắc nổi bật vô cùng sặc sỡ, hoa văn bao phủ trên toàn thân và đuôi. Có ít màu hơn và màu sắc không rõ ràng.
Kích thước Khoảng từ 3 – 3.5cm. Khoảng từ 4 – 6cm.
Hình dáng Cơ thể thon gọn, kích thước nhỏ. Nhìn chung lớn hơn cá đực.
Vây và đuôi Vây lưng dài, đuôi dài, rộng và có hoa văn nổi bật. Vây lưng ngắn, đuôi ngắn, không rộng.

2. Những loại cá bảy màu được ưa chuộng nhất

Cá bảy màu có màu sắc, kiểu dáng vô cùng phong phú, vì vậy loài cá này được chia thành nhiều loại khác nhau. Dưới đây là 5 loại cá bảy màu đẹp, dễ nuôi, được lựa chọn nhiều nhất hiện nay, bạn có thể tham khảo:

2.1. Cá bảy màu Thái Lan

Mặc dù chỉ mới du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng dòng cá này đã được rất nhiều người biết đến và lựa chọn. Cá bảy màu Thái Lan “lọt vào mắt xanh” người chơi cá nhờ có màu sắc độc lạ, đuôi dài uyển chuyển và cũng vô cùng dễ nuôi. Chúng được chia thành nhiều loại như là cá bảy màu full gold, AB Purple Grass, cá bảy màu full red…

2.2. Cá bảy màu rồng 

Đây là loại cá bảy màu được nuôi vô cùng phổ biến. Đặc điểm nổi bật nhất của dòng cá bảy màu này là chúng sở hữu bộ đuôi và vây có rất nhiều hoa văn, trên phần đuôi cá còn có những đường tia thẳng tạo nên điểm nhấn cực kỳ thu hút.

các loại cá bảy màu
Cá bảy màu rồng sở hữu màu sắc rực rỡ, vô cùng cuốn hút

Tùy theo từng màu sắc, cá bảy màu rồng được chia thành các loại khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là cá bảy màu rồng đỏ (Red Dragon Guppy), cá bảy màu rồng xanh (Blue Dragon Guppy), cá bảy màu rồng tím (Purple Dragon Guppy).

2.3. Cá bảy màu Nhật Bản

Cá bảy màu Nhật Bản có nhiều ưu điểm tương đồng với cá bảy màu Thái, nhưng lại không có quá nhiều dòng như loại cá này. Cá 7 màu Nhật có khả năng sinh sản và sức khỏe tốt nhưng giá thành cũng khá cao. Một số loại cá bảy màu Nhật Bản bạn có thể kể đến như Guppy Grass, Medusa, Guppy Ribbon….

2.4. Cá bảy màu Mỹ

Loại cá này đến từ nước Mỹ, nổi bật với kích thước lớn và hình dáng đuôi độc đáo như đuôi kiếm, đuôi tam giác, đuôi xòe quạt… Cá bảy màu Mỹ có rất nhiều màu sắc và phổ biến với những loại như Galaxy, Old Fashion, Leopard… 

2.5. Cá bảy màu Koi

Sở dĩ được gọi với các tên này là do chúng có màu sắc khá giống với cá Koi. Cá bảy màu Koi phổ biến nhất với màu đỏ, trắng và vàng. Tùy theo ánh sáng và sự thay đổi màu của chúng nên có một số con sẽ có phần thân hiện màu vàng hoặc màu cam. Những cá bảy màu Koi màu đỏ phù hợp để nuôi trong những bể tối màu, vì màu sắc của chúng vô cùng rực rỡ và thú hút.

phân loại cá bảy màu
Cá 7 màu Koi có hình dạng bên ngoài khá giống với các loài cá Koi

3. Bảng giá cá bảy màu hiện nay

Nếu có ý định mua cá bảy màu bạn có thể thảm khả bảng giá sau đây. Tuy nhiên, đây chỉ là giá tham khảo, giá bán thực tế còn tuỳ thuộc vào nơi cung cấp, nguồn gốc và thời gian mua.

  • Cá bảy màu đen trắng có giá khoảng 30.000/cặp.
  • Cá có màu xanh thường có giá khoảng 80.000/cặp. 
  • Cá bảy màu đỏ toàn tân có giá khoảng 100.000/cặp.
  • Cá bảy màu đỏ đuôi xoè quạt có giá khoảng 150.000/cặp. 
  • Và còn các loại cá bảy màu khác sẽ có giá dao động khoảng từ  5.000 ~10.000/1 con.

4. Cách nuôi cá bảy màu

Để cá bảy màu có thể sinh trưởng tốt, sống lâu và lên màu đẹp bạn cần chú ý các điều kiện và kỹ thuật nuôi sau:

4.1. Điều kiện môi trường

Cá bảy màu nên nuôi trong môi trường như thế nào?

Cá bảy màu cần một môi trường sống đáp ứng các điều kiện sau:

  • Độ pH của nước: 6.0 – 7.0
  • Nhiệt độ của nước: Khoảng 20 – 30 độ C 
  • Hàm lượng oxy dồi dào giúp cá sinh trưởng tốt hơn.
  • Nguồn ánh sáng cần duy trì trong khoảng 10 – 14 tiếng và vào cùng một khung giờ nhất định. 
  • Bể nuôi cá có kích thước không quá bé cũng không quá lớn, sức chứa khoảng 10 lít nước là tốt nhất cho sự phát triển của cá.
cách nuôi cá bảy màu
Cá bảy màu nên nuôi trong môi trường như thế nào?

4.2. Cách thả cá bảy màu mới mua về

Để cá phát triển khỏe mạnh toàn diện thì khi mới mua cá về bạn cần phải đưa cá 7 màu vào bể một cách cẩn thận.

Tốt nhất, bạn hãy cho cả nước cùng với cá mới mua vào cùng 1 cái chậu nhỏ, rồi cho thêm ⅓ lượng nước đã chuẩn bị từ trước đó (từ 1 đến 2 ngày). Sau đó, cứ 2 tiếng bạn lại cho nước thêm vào chậu cá. Việc này giúp cá dần thích nghi với môi trường sống mới. Tiếp tục thực hiện như vậy cho đến khi lượng nước trong chậu này phù hợp với lượng nước mà bể có thể chứa, sau đó bạn hãy đổ cả nước và cá trong chậu vào bể.

4.2.  Cá bảy màu ăn gì? Khẩu phần và thời gian ăn như thế nào?

Thức ăn của cá bảy màu được chia thành 2 dạng đó là thức ăn khô và thức ăn tươi sống:

  • Thức ăn tươi sống: Cá bảy màu rất thích loại thức ăn này đặc biệt là trùn chỉ. Đây là thức ăn không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn giá thành rẻ. Bên cạnh đó còn có ấu trùng artemia. Nhưng bạn cũng nên lưu ý không nên cho chúng ăn quá nhiều, chỉ nên chia thành các phần ăn nhỏ để hạn chế tình trạng dư thừa thức ăn làm ô nhiễm nguồn nước.
  • Thức ăn khô: Bạn có thể mua tại những cửa hàng bán phụ kiện, thức ăn cá cảnh. Thức ăn dạng khô vừa tiện dụng mà vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, chất xơ,… để cá phát triển một cách khỏe mạnh. 

Về khẩu phần ăn, người nuôi nên cho cá bảy màu ăn mỗi ngày 2 lần, vào buổi sáng và buổi chiều. Thời gian trung bình cho cá ăn là khoảng 5 phút. Nên cho lượng thức ăn vừa phải, tuyệt đối không nên cho cá ăn quá nhiều. 

4.3. Các bệnh thường gặp và cách phòng tránh khi nuôi cá bảy màu

Sau đây là những bệnh cá bảy màu thường gặp và cách phòng tránh bạn có thể tham khảo:

4.3.1. Bệnh đốm trắng – bệnh ick

Đây là bệnh thường gặp nhất ở cá bảy màu. Nếu điều trị kịp thời thì sẽ không gây nguy hiểm cho cá. Khi mắc bệnh, chúng thường hay cọ xát da vào đá, lá cây và các thành bên của bể. Trên da và vây của cá bắt đầu xuất hiện các đốm trắng nhỏ, dần dần cá sẽ bỏ ăn. Nguyên nhân có thể là do chênh lệch nhiệt độ và độ pH trong nước một cách đột ngột, chất lượng nước kém. 

nuôi cá bảy màu
Các bệnh thường gặp ở cá bảy màu và cách phòng tránh

Bạn có thể chữa bệnh bằng cách tăng nhiệt độ nước lên một cách từ từ đến 27 độ C, thay nước trong bể một tuần một lần với khoảng 70% lượng nước của bể hoặc sử dụng muối hồ cá chuyên dụng.

Để phòng bệnh đốm trắng cho cá bảy màu, bạn cần duy trì ổn định nhiệt độ và độ pH theo tiêu chuẩn của cá, khi thay nước cho bể cá cũng phải đảm bảo giữ được các yếu tố này một cách ổn định.

4.3.2 Bệnh thối vây và đuôi

Bạn có thể nhận biết bệnh khi cá có các dấu hiệu sau: vây và đuôi bị thối rữa, rách nát hoặc xuất hiện các lỗ viền trắng, phần vây và đuôi nhìn giống như bị dính vào nhau. Nguyên nhân dẫn đến bệnh thối vây, đuôi có thể là do chất lượng nước kém, hoặc cá 7 màu bị cá khác tấn công mà không được chữa trị kịp thời. Vì vậy, bạn nên  vệ sinh bể và thay nước thường xuyên để hạn chế tình trạng mắc bệnh. Về cách điều trị bệnh, bạn có thể dùng thuốc đặc trị hoặc thuốc kháng sinh cho cá. 

4.3.3. Bệnh sán mang

Đây là bệnh vô cùng nghiêm trọng vì khi mắc bệnh, tỷ lệ cá chết thường khá cao.  

Bạn có thể nhận biết cá mắc bệnh qua các dấu hiệu như: Cá liên tục cọ xát mang vào thành bể hoặc bất kỳ đồ vật nào khác, cá thở hổn hển và thường nằm dưới đáy bể với phần mang mở rộng. Đây là bệnh khó chữa nên khi cá mắc bệnh bạn phải dùng các loại thuốc phòng bệnh cho cá cùng với tất cả các loại cá khác có trong bể (nếu có). 

4.3.4. Bệnh do động vật nguyên sinh

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do ký sinh trùng Protozoa. Ký sinh trùng này bám vào da cá rồi xâm nhập từ từ vào trong cơ thể cho đến khi nó đi được vào máu. 

Ký sinh trùng Protozoa thường sẽ phát triển tại những bể cá có nhiệt độ nước thấp và chất lượng nước kém. Do đó, để phòng bệnh bạn hãy tăng nhiệt độ nước lên một cách từ từ, thay nước thường xuyên (lượng nước cần thay khoảng 70%). 

4.3.5. Bệnh nhiễm độc amoniac hoặc nitrit

Khi cá bảy màu bị nhiễm độc sẽ xuất hiện các đốm đỏ trên dạ dày và phần thân cá. Bệnh này thường gặp đối với những bể cá mới hoặc nước trong bể không được vệ sinh thường xuyên, dẫn đến nồng độ amoniac hay nitrit quá cao làm cá bị nhiễm độc.

Để phòng nhiễm độc, bạn hãy thay nước thường xuyên và có thể sử dụng các dụng cụ kiểm tra nồng độ amoniac và nitrit trong nước. 

5. Cách chăm sóc cá bảy màu khi sinh sản

Cá bảy màu có thể sinh sản mọi mùa trong năm, vì vậy để nhận biết cá đẻ, bạn cần chú ý dấu hiệu sau:

Dấu hiệu nhận biết cá bảy màu mang thai

  • Bộ phận sinh sản của cá bảy màu nằm ở phía sau hậu môn. Khi cá cái sắp đẻ, bộ phần này sẽ chuyển từ hình tròn sang hình vuông.
  • Khi không mang thai, phần bụng phía trước hậu môn của cá bảy màu cái có màu trong suốt. Nhưng đến khi cá sắp đẻ, phần bụng này sẽ chuyển thành màu đen. Bụng cũng khá lớn nên bạn có thể nhận biết dễ dàng. 
  • Trước khi cá bảy màu đẻ, chúng thường bơi chậm, không linh hoạt và thường trốn tránh các cá thể khác, tìm nơi kín đáo để ẩn nấp cho đến khi sinh xong.
  • Bên cạnh đó, sức ăn của chúng sẽ giảm đi nhiều hoặc ăn rất ít và không ăn. 
cách chăm sóc cá bảy màu
Dấu hiệu nhận biết cá bảy màu mang thai

Để cá bảy màu có thể sinh sản một cách tốt nhất, bạn cần duy trì chất lượng và nhiệt độ nước thật ổn định. Đồng thời, cho chúng ăn những loại thức ăn giàu protein để chúng nuôi trứng và cá con trong bụng. Ngoài những thức ăn tươi bạn có thể cho cá ăn cám ăn liền như: Cám Nhật, tảo spirulina, ấu trùng artemia… Bạn nên thay đổi thức ăn thường xuyên để đổi khẩu vị cho cá, giúp cá ăn nhiều hơn. 

Bên cạnh đó, bạn cần cách ly những cá bảy màu sắp đẻ ra khu vực riêng để chờ tới ngày sinh sản, đồng thời cũng nên thiết kế chỗ trú ẩn cho cá con để tránh tình trạng mẹ ăn con. 

6. Nên nuôi cá bảy màu với loài cá nào?

Cá bảy màu có tính cách hiền lành, do đó chúng có thể sống chung với những loài cá có cùng bản tính và kích thước tương đương, nên tránh những loài cá kích thước lớn và hung dữ. Vì vậy, nếu bạn muốn tạo nên một bể cá thật sinh động, bạn có thể nuôi cá bảy màu với những loài cá như: Cá Platies, cá Swordtails, cá Cory catfish, cá mỏ vịt phương Nam, cá Molly, cá đuôi kiếm, cá tam giác, cá Neon vua, cá lau kiếng…

>> Xem thêm:

Mong rằng với nội dung bài viết trên, Vua Nệm đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích về loài cá bả màu. Nếu có ý định nuôi, bạn hãy thực hiện theo những hướng dẫn trên để có được bể cá khỏe mạnh và xinh đẹp.

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Hoàng Trinh

Xin chào! Mình là Hoàng Trinh - Chuyên viên tư vấn giấc ngủ tại Vua Nệm, với hơn 5 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển nội dung chuyên sâu trong lĩnh vực nệm, chăn ga gối và chăm sóc giấc ngủ. Mình hy vọng những kiến thức được chia sẻ trên blog Vua Nệm sẽ mang đến giá trị thực sự hữu ích dành cho quý khách hàng.