Lateral thinking là gì? Cách để cải thiện tư duy ngoại biên

CẬP NHẬT 01/08/2024 | Bài viết bởi: Hoàng Trinh

Trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội hiện nay đều cần sự sáng tạo và đột phá để giải quyết những vấn đề trong công việc, cuộc sống một cách dễ dàng nhất.

Ngoài những lối tư duy logic, tư duy theo chiều dọc thường thấy thì lateral thinking là phương pháp tư duy được sử dụng nhiều nhất. Nó được áp dụng trong nhiều lĩnh vực và ngày càng cho thấy ưu thế vượt trội trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp nhanh chóng.

Vậy lateral thinking là gì? Trong bài viết này, hãy cùng Vua Nệm tìm hiểu về lateral thinking và những cách để cải thiện tư duy đường vòng – lateral thinking.

1. Lateral thinking là gì? Nguồn gốc của kiểu tư duy này

1.1. Lateral thinking là gì?

Lateral thinking còn được gọi là tư duy đường vòng, tư duy ngoại biên, tư duy theo chiều ngang, tư duy đa chiều hay tư duy phi tuyến tính. Có rất nhiều cách gọi khác nhau nhưng tựu chung lại lateral thinking là một kiểu tư duy khác biệt.

Lateral thinking sử dụng các phương pháp gián tiếp và sáng tạo để nhìn nhận, giải quyết vấn đề từ những góc độ hoàn toàn mới. Tư duy ngoại biên tạo ra các ý tưởng và giải pháp mới thông qua một phương pháp phi tuyến tính, khác thường, không theo các bước và logic vốn có.

Lateral thinking
Lateral thinking là lối tư duy theo chiều ngang, không theo các bước và logic vốn có

Thông thường, tư duy logic được sử dụng để giải quyết vấn đề một cách trực tiếp, dễ hiểu (còn gọi là tư duy theo chiều dọc). Tuy nhiên, lateral thinking – tư duy ngoại biên nhìn mọi thứ từ góc độ nghiêng (còn được gọi là tư duy theo chiều ngang), để tìm ra câu trả lời ngay lập tức.

Cách tiếp cận vấn đề ở phương pháp lateral thinking này trái ngược với lối suy nghĩ logic, từ trên xuống dưới, từng bước một. Thay vào đó, nó cho phép não bộ của chúng ta hoạt động một cách tự, theo nhiều chiều hướng khác nhau.

Tư duy đa chiều khuyến khích khám phá nhiều khả năng và giải pháp thay thế, thậm chí đó có thể là những ý tưởng điên rồ và khác thường. Tư duy đa chiều sẽ phá vỡ các kiểu tư duy truyền thống để phát triển càng nhiều ý tưởng sáng tạo đa dạng càng tốt.

Một ví dụ về tư duy đa chiều trong thực tế, đó là một nhà hàng phải đối mặt với vấn đề lãng phí thực phẩm nhiều. Thay vì vứt đồ ăn đi, nhà hàng thực hiện chính sách trả tiền cho đồ ăn thừa một cách tự nguyện và không có giới hạn chi phí.

Cách tiếp cận này không chỉ giúp giảm lãng phí thực phẩm mà còn thu hút những khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để quyên góp cho quỹ từ thiện.

1.2. Nguồn gốc của Lateral thinking là gì?

Lateral thinking là một thuật ngữ được Edward de Bono – một bác sĩ, nhà tâm lý học người Malta đặt ra trong cuốn sách “Việc sử dụng tư duy đa chiều” vào năm 1967. Đó là một cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết vấn đề, nhấn mạnh đến việc tạo ra các ý tưởng và giải pháp mới thông qua một phương pháp phi tuyến tính, khác thường.

nguồn gốc của thuật ngữ Lateral thinking
Lateral thinking là một thuật ngữ được Edward de Bono đặt ra năm 1967

Tư duy theo chiều dọc quan tâm nhiều hơn đến tư duy logic và đi theo từng bước để tìm ra giải pháp. Mặc dù tư duy theo chiều dọc có thể có hiệu quả trong một số tình huống nhất định. Nhưng ở phương pháp này, chúng ta thường dựa vào những quan niệm và ý tưởng đã được thiết lập sẵn. Do đó, nó sẽ hạn chế phạm vi sáng tạo và những giải pháp mới khả thi hơn.

Trong tư duy đa chiều, trọng tâm không phải là tìm ra câu trả lời “đúng” mà là tạo ra nhiều ý tưởng và xem xét các quan điểm khác nhau. Nó thoát khỏi các khuôn mẫu hiện có và khám phá những cách nhìn mới. Cách tiếp cận này có thể đặc biệt hữu ích trong những tình huống mà các phương pháp tư duy truyền thống không làm được.

Theo Edward de Bono, tư duy đa chiều có thể giúp thay đổi những quan điểm cũ gây ​​cản trở, làm chậm kỹ năng giải quyết vấn đề của chúng ta. Trong lối suy nghĩ bình thường, chúng ta dường như không dám đi ngược lại những khuôn mẫu sẵn có và cứng nhắc.

Vì vậy mà chúng ta thường bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn, đôi khi không tìm ra giải pháp tốt hơn. Nhưng tư duy đa chiều sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những suy nghĩ thông thường để tìm được một cách giải quyết vấn đề tốt hơn.

2. Lợi ích của tư duy ngoại biên – Lateral thinking là gì?

Tư duy ngoại biên – lateral thinking ra đời nhằm khắc phục những hạn chế của các kiểu tư duy thông thường mà chúng ta thường áp dụng. Nó mang lại nhiều lợi ích như:

2.1. Tăng cường sự sáng tạo và cải tiến mới

Tư duy ngoại biên giúp nâng cao kỹ năng tư duy sáng tạo. Nó khuyến khích các cá nhân tạo ra những quan điểm mới và những ý tưởng độc đáo, thúc đẩy các giải pháp mới tối ưu hơn.

Bằng cách sử dụng tư duy đa chiều, chúng ta  có thể tạo ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phức tạp, dẫn đến tăng hiệu suất và hiệu quả làm việc. Nó cũng có thể giúp chúng ta tìm ra các cơ hội tiềm năng để đi trước đón đầu trong các ngành kinh doanh hoặc lĩnh vực mà mình làm việc.

Ngoài ra, tư duy ngoại biên có thể thúc đẩy văn hóa sáng tạo trong các tổ chức, khuyến khích nhân viên làm việc năng động và sáng tạo hơn. Từ đó đáp ứng những nhu cầu của thị trường và khách hàng đang thay đổi.

lợi ích của Tư duy ngoại biên
Tư duy ngoại biên có thể thúc đẩy văn hóa sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp

2.2. Giải quyết vấn đề hiệu quả hơn

Lateral thinking giúp chúng ta vượt qua những quan điểm cứng nhắc gây cản trở việc giải quyết vấn đề. Nó giúp tiếp cận sự việc theo nhiều quan điểm và khám phá các giải pháp khác nhau. Điều này sẽ tạo điều kiện để giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Mặt khác, nó còn tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho các doanh nghiệp, không lãng phí vào những giải pháp không tối ưu.

Hơn nữa, tư duy ngoại biên có thể giúp các cá nhân và tổ chức tìm ra các giải pháp đổi mới chưa từng được xem xét trước đó. Bằng cách này, họ có thể nhận thấy những cơ hội mới có thể đã bị bỏ qua. Điều này có thể mang lại cho các cá nhân và tổ chức lợi thế cạnh tranh và giúp họ đạt được mục tiêu hiệu quả hơn.

2.3. Tăng tính linh hoạt và khả năng thích ứng

Tư duy ngoại biên sẽ giúp tăng cường sự sáng tạo và tính linh hoạt trong suy nghĩ. Chúng ta sẽ dễ dàng thích ứng với mọi tình huống và tìm ra cách tiếp cận mới khi có sự thay đổi. Đây là kỹ năng vô cùng quan trọng cần có trong môi trường phát triển năng động như ngày nay.

2.4. Giúp đưa ra quyết định chính xác hơn

Bằng cách xem xét nhiều giải pháp khác nhau, tư duy đa chiều cho phép chúng ta đưa ra quyết định sáng suốt và toàn diện, chính xác hơn, hạn chế tối đa những rủi ro tiềm ẩn. Đồng thời, nó cũng giúp xử lý các tình huống khó khăn mà suy nghĩ thông thường không thể đưa ra được quyết định.

Khi đối mặt với một tình huống khó khăn, chúng ta thường dựa vào kinh nghiệm trong quá khứ và các phương pháp giải quyết vấn đề truyền thống. Tuy nhiên, cách tiếp cận này thường thiếu sự đổi mới và không tìm được giải pháp hiệu quả trong tình huống phức tạp.

Tư duy đa chiều tiếp cận vấn đề bằng suy nghĩ sáng tạo và những quan điểm độc đáo. Từ đó, giúp chúng ta thoát khỏi lối suy nghĩ truyền thống, tạo ra những ý tưởng mới và giải pháp sáng tạo để xử lý những vấn đề khó khăn.

lợi ích của Lateral thinking
Lateral thinking giúp tạo ra những ý tưởng mới và giải pháp sáng tạo để xử lý những vấn đề khó khăn

3. Những cách phát triển tư duy ngoại biên

Tư duy ngoại biên không khó thực hiện nếu như chúng ta biết cách sử dụng các kỹ thuật tư duy phù hợp. Dưới đây là một số kỹ năng để chúng ta phát triển lateral thinking.

3.1. Sử dụng sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy là một kỹ thuật để tập hợp những suy nghĩ và ý tưởng lại với nhau. Quá trình tạo bản đồ tư duy bắt đầu bằng một ý tưởng hoặc khái niệm trung tâm được đặt ở giữa trang giấy.

Từ đó sẽ có các nhánh tỏa ra ngoài, là những ý tưởng hoặc chủ đề phụ liên quan. Các nhánh phụ này cũng có thể sinh ra các nhánh phụ khác. Thông qua sơ đồ tư duy sẽ có vô vàn các ý tưởng được hình thành và kết nối với nhau.

Việc lập sơ đồ tư duy có thể giúp chúng ta chia thông tin phức tạp thành những phần nhỏ hơn, dễ quản lý, dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Bản đồ tư duy cũng có thể được sử dụng để xác định các mô hình hoặc nhiều xu hướng đang tồn tại. Nó giúp tạo ra ý tưởng mới hoặc giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau.

3.2. Tư duy ngược

Tư duy ngược là đảo ngược cách giải quyết vấn đề so với cách thông thường. Mục đích của tư duy ngược là thoát khỏi những khuôn mẫu suy nghĩ thông thường. Chúng ta có thể sẽ tìm ra những khả năng mới bằng cách lật ngược vấn đề. Sử dụng tư duy ngược cũng giúp phát hiện ra những rủi ro tiềm ẩn có thể phát sinh trong quá trình giải quyết vấn đề.

Kỹ thuật tư duy ngược được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, truyền thông, tiếp thị. Ví dụ, trong kinh doanh, tư duy ngược có thể được áp dụng để xác định các yếu tố dẫn đến sự thất bại của sản phẩm hoặc dịch vụ. Công ty sẽ phải tìm hiểu xem có sai sót gì để cải thiện sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

cách phát triển tư duy ngoại biên
Tư duy ngược giúp thoát khỏi những suy nghĩ thông thường

3.3. Sử dụng liên kết ngẫu nhiên

Kỹ thuật tư duy này này sẽ sử dụng các yếu tố ngẫu nhiên, không liên quan đến nhau nhằm kích thích sự sáng tạo. Bạn có thể viết ra các sáng kiến, các khái niệm dường như không có sự liên kết với nhau. Bằng cách này, rất có thể chúng ta sẽ tạo ra những ý tưởng sáng tạo từ những mối quan hệ không tưởng.

Ví dụ, bạn đang cố gắng đưa ra ý tưởng tiếp thị mới cho một sản phẩm của mình. Trong đầu bạn nghĩ ra một từ khóa là “công viên”. Từ này dường như không liên quan đến sản phẩm của bạn nhưng nó lại giúp bạn nảy ra ý tưởng cho chiến dịch quảng cáo với hình ảnh trong công viên hoặc tổ chức chương trình khuyến mãi tại các công viên.

3.4. Sử dụng phép so sánh và ẩn dụ

Sử dụng phép so sánh và ẩn dụ cũng là một cách để phát triển tư duy sáng tạo. So sánh hai chủ đề khác nhau hoặc có sự tương đồng nhau có thể tạo ra một suy nghĩ mới, giải pháp mới. Việc liên hệ một sự vật, sự việc với một hình ảnh ẩn dụ hoàn toàn khác biệt cũng sẽ tạo nên những ý tưởng độc đáo hơn.

3.5. Kỹ thuật sáu chiếc mũ tư duy

Sáu chiếc mũ tư duy là một kỹ thuật tuy duy nhằm khuyến khích chúng ta nhìn nhận một vấn đề từ những góc nhìn khác nhau. Kỹ thuật này được phát triển bởi Edward de Bono, giúp một người có tư duy toàn diện và sáng tạo hơn.

Trong kỹ thuật sáu chiếc mũ tư duy, ông gán cho người tham gia những chiếc mũ có màu sắc khác nhau. Mỗi chiếc mũ tượng trưng cho một phong cách hoặc quan điểm tư duy khác nhau.

  • Chiếc mũ màu trắng thể hiện thông tin khách quan: Thu thập dữ liệu để đưa ra quyết định
  • Mũ màu đỏ là cảm xúc và trực giác: Đưa ra cảm xúc và trực giác về tình huống
  • Chiếc màu đen là sự thận trọng và tư duy phê phán: Tập trung phân tích tình huống và xác định những rủi ro, trở ngại tiềm ẩn
  • Mũ màu vàng là lạc quan và tích cực: Xác định các cơ hội và lợi ích tiềm năng
  • Màu xanh lá cây là suy nghĩ sáng tạo và đổi mới: Đưa ra những ý tưởng sáng tạo và khám phá những giải pháp mới
  • Và màu xanh lam là tổng quan và kiểm soát quá trình: Tư duy tổ chức

Bằng cách áp dụng những chiếc mũ khác nhau, chúng ta có thể khám phá nhiều góc nhìn và tạo ra những ý tưởng đa dạng.

cách phát triển lateral thinking
Sáu chiếc mũ tư duy là một kỹ thuật tuy duy nhằm khuyến khích chúng ta nhìn nhận một vấn đề từ những góc nhìn khác nhau

3.6. Liên tục đặt câu hỏi

Hãy liên tục đặt ra những câu hỏi độc đáo và bắt buộc chúng ta phải động não, không ngừng tư duy để tìm ra câu trả lời phù hợp nhất. Nó có thể thúc đẩy chúng ta khám phá những góc độ khác nhau và tạo ra những ý tưởng mới từ những câu hỏi và trả lời mà mình đã đưa ra.

Chúng ta đã biết lateral thinking là gì và cách để tăng cường, phát triển lateral thinking – tư duy ngoại biên. Nó là một kiểu tư duy hoàn toàn phi logic và phi tuyến tính. Nhưng chính điều đó sẽ kích hoạt sự sáng tạo trong não bộ của mỗi người. Hãy áp dụng những kỹ thuật tư duy ở trên để xem mình sẽ có thêm được nhiều ý tưởng sáng tạo và giải pháp mới cho công việc của mình không nhé.

XEM THÊM:

Đánh giá post