Bạn đã từng nghe đến hiệu ứng hào quang chưa? Bạn có thắc mắc thuật ngữ này đang chỉ điều gì không? Nếu bạn còn khá mông lung về hiệu ứng hào quang, hãy theo dõi ngay bài viết này của Vua Nệm để có những thông tin tổng quan về nó nhé.
Nội Dung Chính
1. Tìm hiểu về hiệu ứng hào quang là gì?
1.1. Hiệu ứng hào quang là gì?
Hiệu ứng hào quang – Halo effect là một dạng thiên kiến nhận thức – một phương pháp phỏng đoán (hoặc lối tắt trong tâm trí) khiến chúng ta đưa ra những phán đoán vội vàng. Nói cách khác, hiệu ứng hào quang khiến chúng ta chỉ xem xét một khía cạnh của một người hoặc một sản phẩm để hình thành ý kiến chung.
Những phán đoán chớp nhoáng như thế này có thể giúp chúng ta điều hướng thế giới một cách liền mạch hơn và đưa ra quyết định nhanh hơn, nhưng chúng cũng khiến chúng ta có nguy cơ đưa ra quyết định sai lầm.
Khi hiệu ứng hào quang đang diễn ra, đánh giá chung về một người hoặc đánh giá một khía cạnh trong tính cách của họ, sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận những khía cạnh khác, không liên quan trong tính cách của họ. Ví dụ: nếu chúng ta coi ai đó là người hấp dẫn, thì có nhiều khả năng chúng ta sẽ gán cho họ những phẩm chất tích cực khác, chẳng hạn như thông minh, tốt bụng hoặc trung thực.
Quá phụ thuộc vào ấn tượng đầu tiên của chúng ta có thể dẫn đến việc ra quyết định kém, vì chúng ta không thể xem xét tất cả các dữ kiện có sẵn cho mình. Một ấn tượng tích cực đầu tiên có thể gây hiểu nhầm. Ví dụ, khi bạn biết đồng nghiệp của mình học ở một trường đại học danh tiếng, bạn có thể cho rằng họ giỏi hơn thực tế.
Giống như các hình thức phỏng đoán khác, hiệu ứng hào quang là vô thức và không cố ý. Bởi vì nó làm lu mờ phán đoán của chúng ta, nên hiệu ứng hào quang có thể là nguồn gốc của sự sai lệch trong nghiên cứu.
1.2. Lịch sử ra đời của hiệu ứng hào quang
Nhà tâm lý học Edward Thorndike lần đầu tiên đặt ra thuật ngữ hiệu ứng hào quang trong một bài báo xuất bản năm 1920 có tiêu đề “Lỗi liên tục trong xếp hạng tâm lý”.
Trong thí nghiệm được mô tả trong bài báo, Thorndike đã yêu cầu các sĩ quan chỉ huy trong quân đội đánh giá nhiều phẩm chất khác nhau ở những người lính cấp dưới của họ. Những đặc điểm này bao gồm: khả năng lãnh đạo, ngoại hình, trí thông minh, lòng trung thành và sự đáng tin cậy.
Mục tiêu của Thorndike là xác định cách xếp hạng các đặc điểm này sang đánh giá các đặc điểm khác. Ông phát hiện ra rằng, nếu một điểm được xếp hạng tương quan với các điểm khác cũng được xếp hạng cao. Trong khi một điểm bị xếp hạng tiêu cực cũng dẫn đến các điểm khác bị xếp hạng thấp hơn.
1.3. Hiệu ứng hào quang ngược
Trong khi hiệu ứng hào quang đề cập đến các đánh giá tích cực, một hiệu ứng lan tỏa khác cũng có thể xảy ra khi ấn tượng đầu tiên là tiêu cực. Ngược lại với hiệu ứng hào quang là hiệu ứng sừng, được đặt tên theo “sừng của quỷ”. Khi người tiêu dùng có trải nghiệm không tốt, họ sẽ tương quan trải nghiệm tiêu cực đó với mọi thứ liên quan đến thương hiệu.
2. Tác động của hiệu ứng hào quang
Hiệu ứng hào quang có những tác động cụ thể đến một số lĩnh vực trong cuộc sống.
2.1. Trong giáo dục
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hiệu ứng hào quang có tác động đến môi trường giáo dục. Giáo viên có những tương tác với học sinh khác nhau dựa trên hiệu ứng hào quang. Ví dụ, giáo viên có kỳ vọng tốt hơn về học sinh mà họ đánh giá là xinh đẹp hơn.
Một nghiên cứu sau đó đã so sánh điểm số của học sinh trên lớp học truyền thống và trên lớp học trực tuyến. Kết quả là những sinh viên có ngoại hình trên mức trung bình có điểm số thấp hơn đáng kể khi học các khóa học trực tuyến so với khi học trên lớp học truyền thống.
Hiệu ứng hào quang có thể ảnh hưởng đến cách giáo viên đối xử với học sinh, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cách học sinh nhìn nhận về giáo viên. Một giáo viên được cho là ấm áp và thân thiện, thì sinh viên cũng đánh giá họ hấp dẫn và yêu quý hơn.
2.2. Tại nơi làm việc
Hiệu ứng hào quang có thể tác động đến nhận thức của mỗi người trong môi trường làm việc. Nó có thể trở thành một trong những thành kiến phổ biến nhất ảnh hưởng đến đánh giá hiệu suất và năng lực làm việc. Cấp trên thường đánh giá cấp dưới dựa trên nhận thức về một đặc điểm duy nhất, hơn là toàn bộ hiệu suất và đóng góp của họ cho công việc.
Hiệu ứng hào quang cũng có thể tác động đến thu nhập. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Kinh tế cho thấy, trung bình những người phục vụ nhìn hấp dẫn sẽ kiếm được tiền boa nhiều hơn khoảng 1.200 đô la mỗi năm so với các đồng nghiệp kém hấp dẫn hơn.
Những người xin việc cũng chịu tác động của hiệu ứng hào quang. Nếu một nhà tuyển dụng thấy người nộp đơn nhìn hấp dẫn, họ có khả năng đánh giá cá nhân đó là thông minh, có đủ năng lực và trình độ.
2.3. Trong tiếp thị
Các nhà tiếp thị tận dụng hiệu ứng hào quang để bán sản phẩm và dịch vụ. Khi có người nổi tiếng xác nhận về chất lượng của một mặt hàng cụ thể, nó có thể lan truyền nhận thức tích cực của khách hàng đối với sản phẩm đó.
2.4. Trong tình cảm
Hiệu ứng hào quang cho thấy rõ tác động trong suy nghĩ và tình cảm của con người đối với người khác dù chỉ mới gặp mặt lần đầu. Nếu người kia có tiếng tăm tốt, là người nổi tiếng hoặc tài giỏi về lĩnh vực nào đó, chúng ta sẽ luôn nghĩ đó là một người tốt và bỏ qua những mặt xấu khác của họ.
Người có ngoại hình xinh đẹp, điển trai cũng khiến chúng ta tin rằng họ có tính cách tích cực và có thiện cảm ngay dù chưa hiểu hết về họ.
3. Ưu điểm và nhược điểm của hiệu ứng hào quang
3.1. Ưu điểm của hiệu ứng hào quang
Hiệu ứng hào quang giúp tạo ra niềm tin và tình cảm yêu mến với một đối tượng dù chưa từng nhìn thấy hay tiếp xúc với đối tượng đó. Bên cạnh đó, hiệu ứng hào quang còn tạo ưu thế tốt trong xây dựng thương hiệu và kinh doanh, tạo lòng trung thành mạnh mẽ của người tiêu dùng với thương hiệu và giữ chân khách hàng. Ngoài ra, hiệu ứng này còn giúp tạo lợi thế bán hàng cho các sản phẩm mới của thương hiệu.
3.2. Nhược điểm của hiệu ứng hào quang
Hiệu ứng hào quang cũng là con dao hai lưỡi khi có thể tạo ra cả ấn tượng tiêu cực, được gọi là “hiệu ứng sừng”. Hiệu ứng hào quang có thể làm cho một đối tượng dính liền với hình ảnh xấu, khó thay đổi định kiến trong suy nghĩ của con người. Nếu đã từng có bất kỳ tiếng xấu hay sự kiện nào ồn ào liên quan đến đối tượng, thì người ta sẽ không muốn tiếp xúc với đối tượng nữa
Duy trì hiệu ứng hào quang cũng có thể trở thành một thách thức. Hình ảnh khắc họa của đối tượng trong suy nghĩ của công chúng có thể là một yếu tố giúp tạo ra hoặc phá vỡ thành công của đối tượng đó. Đây cũng là điểm làm cho hiệu ứng hào quang trở thành một yếu tố khó nắm bắt và kiểm soát hơn.
4. Cách làm giảm thiểu hiệu ứng hào quang
Mặc dù không thể hoàn toàn tránh được những thành kiến nhận thức hình thành bởi hiệu ứng hào quang, nhưng có một vài cách để giúp giảm thiểu tác động của nó. Hãy nhớ rằng mọi người đều dễ bị suy nghĩ thiên vị. Hãy liên tục nhắc nhở bản thân ấn tượng đầu tiên không phải lúc nào cũng đúng và có thể khiến chúng ta đánh giá sai về người khác.
Làm chậm lại quá trình suy nghĩ. Chúng ta có nhiều khả năng rơi vào hiệu ứng hào quang khi bị suy nghĩ cảm xúc hoặc trực quan chiếm lĩnh. Thay vào đó, hãy đảm bảo rằng bạn có bằng chứng rõ ràng cho các đánh giá của mình.
Tìm kiếm ý kiến đóng góp từ những người khác, đặc biệt là ai đó trung lập. Hãy chia sẻ ý kiến với ai đó không ngại phản bác hoặc trung lập khi nói đến người hoặc chủ đề cùng biết. So sánh ý kiến của họ với ý kiến của riêng bạn để xem liệu có nhận ra những phẩm chất giống nhau ở một người mà bạn đang tìm hiểu hay không.
XEM THÊM:
- Hiệu ứng pratfall là gì và những ứng dụng bất ngờ từ chúng
- Hiệu ứng nhà kính và các nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính
Trên đây là những lý giải về hiệu ứng hào quang là gì và cách giảm thiểu sự tác động của nó trong cuộc sống. Hy vọng đã giúp có cái nhìn toàn diện và tránh mắc phải suy nghĩ sai lầm do hiệu ứng này.