Nhà hay

7 mẹo bảo quản rau củ trong tủ lạnh để rau củ luôn tươi như mới

CẬP NHẬT 02/11/2021 | BỞI Tiến Kiều

Hiện nay, xu hướng đi chợ một lần và dùng cho nhiều ngày đang được nhiều gia đình áp dụng để tiết kiệm thời gian đi ra ngoài. Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người đau đầu chính là cho dù rau củ quả đã bảo quản trong tủ lạnh nhưng vẫn rất nhanh hỏng.

Liệu có cách nào để giữ cho rau củ quả tươi lâu hơn hay không? Cùng khám phá ngay các bí quyết để bảo quản rau củ trong tủ lạnh, giữ cho rau củ quả lâu hỏng nhất có thể bạn nhé!

1. Các hiện tượng thường xảy ra khi bảo quản rau củ quả

Một thời gian sau khi được thu hoạch, rau củ quả sẽ bắt đầu quá trình “lão hóa” và mất đi độ ẩm, không còn các chất dinh dưỡng và trở nên thối rữa. Trong điều kiện bình thường, quá trình chín, nhiễm vi khuẩn và hư hỏng của rau củ quả sẽ diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, người ta đã nghiên cứu các biện pháp để làm chậm quá trình này, nhằm giữ lại các dưỡng chất cần thiết bên trong rau củ quả và khiến chúng tươi lâu hơn.

Trong quá trình bảo quản rau củ quả sau khi thu hoạch, bạn sẽ có thể bắt gặp một vài hiện tượng như:

1.1. Hiện tượng chín

Sau khi được thu hoạch, các loại rau củ quả vẫn tiếp tục quá trình sinh hóa để có thể chuyển đường và oxy thành nước, nhiệt và cacbonic. Quá trình “hô hấp” này được diễn ra ở cường độ cao và liên tục, từ đó dẫn đến hiện tượng rau củ quả được chín dần. 

Một số loại rau củ quả như khoai tây, sau khi được thu hoạch sẽ tiếp tục quá trình trao đổi chất, gây nên hiện tượng nảy mầm, mất đi chất dinh dưỡng và bắt đầu sinh ra độc tố gây hại cho sức khỏe. 

hiện tượng chín rau củ
Khoai tây có thể nảy mầm sau khi được thu hoạch

Cũng chính vì vậy, cần phải kìm hãm quá trình sinh hoá này, từ đó làm chậm tốc độ nảy mầm và chín dần của các loại rau củ quả. Có như vậy thì mới có thể kéo dài thời gian bảo quản và giúp cho rau củ quả tươi lâu hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc bảo quản không thể ngưng quá trình chín và nảy mầm của rau củ quả mà chỉ góp phần làm chậm hiện tượng này mà thôi.

1.2. Hiện tượng nhiễm nấm, vi khuẩn

Một hiện tượng khác thường xảy ra ở rau củ quả khi để lâu ngày chính là tình trạng nhiễm vi khuẩn, nấm mốc do các vi sinh vật gây nên. Do đó, rau củ quả sẽ bị thối rữa nhanh chóng, không còn có thể sử dụng được.

2. Các yếu tố tác động đến quá trình bảo quản rau củ quả

Để có thể tìm được cách bảo quản rau củ trong tủ lạnh tốt nhất, trước tiên bạn cần phải xác định các yếu tố nào có ảnh hưởng đến quá trình chín và hư hỏng của rau củ quả. Có thể chia thành một số yếu tố chính như:

2.1. Nhiệt độ

Nhiệt độ được xem như một trong những yếu tố góp phần tác động và thúc đẩy quá trình sinh hóa trong các loại thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả. Nhiệt độ càng cao thì tốc độ phản ứng hô hấp trong rau củ quả càng diễn ra nhanh hơn. 

Hơn nữa, ở nhiệt độ cao, các tế bào chất giãn nở dẫn đến khả năng trao đổi chất cao, tính thấm màng tế bào tăng lên khiến rau củ quả nhanh hỏng hơn.

nhiệt độ bảo quản rau củ
Nhiệt độ quá cao khiến rau củ nhanh hỏng

2.2. Độ ẩm

Bên cạnh nhiệt độ thì độ ẩm cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến kết quả bảo quản rau củ trong tủ lạnh của bạn. Độ ẩm môi trường thấp khiến rau củ quả dễ mất nước và dẫn đến tình trạng héo, không còn tươi ngon như trước.

Điều này do cường độ hô hấp của rau củ quả tăng cao trong điều kiện môi trường có độ ẩm thấp. Lúc này, các hoạt động trao đổi chất trong tế bào thực vật sẽ bị rối loạn, khiến vi khuẩn dễ tấn công, xâm nhập và khiến rau củ quả dễ hỏng hóc hơn.

Ngược lại, độ ẩm cao có thể ngăn ngừa tình trạng mất nước ở rau củ quả. Tuy nhiên, môi trường bảo quản có độ ẩm quá cao cũng khiến vi sinh vật dễ dàng phát triển và khiến rau củ quả bị thối rữa. Do đó, khi bảo quản rau củ quả trong tủ lạnh, bạn thường nên chú ý sử dụng các loại hộp kín hoặc màng bọc thực phẩm để tránh rau củ mất nước trong môi trường có độ ẩm thấp.

độ ẩm bảo quản rau củ
Nên dùng hộp kín để bảo quản rau củ tươi lâu hơn

2.3. Các yếu tố khác trong không khí

Trong không khí có chứa khí oxy (O2) và cacbonic (CO2) – hai yếu tố có tác động đến thời gian bảo quản rau củ của bạn. Cụ thể, lượng khí oxy càng cao thì cường độ hô hấp của rau củ quả càng cao. Tuy nhiên, nếu lượng oxy ở dưới mức cho phép, thực vật cũng không còn diễn ra quá trình trao đổi chất nữa, rau củ quả cũng sẽ bắt đầu hư và thối rữa từ đó.

Đối với khí CO2, khi hàm lượng khí càng cao thì thời gian bảo quản rau củ quả sẽ càng được kéo dài bởi khí CO2 có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của vi sinh vật và ức chế cường độ hô hấp của rau củ quả.

Bên cạnh O2 và CO2 thì C2H4 (ethylene) cũng là một khí có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình chín tự nhiên của các loại rau củ quả. Một số thực phẩm (đặc biệt là trái cây) như cà chua, bơ, chuối, đu đủ hay rau củ quả bị dập,… thường sản sinh ra lượng khí ethylene tự nhiên. Trong khi đó, các loại rau xanh hoặc rau củ như cà tím, dưa chuột, đậu Hà Lan, chanh, bông cải xanh, rau diếp,.. thường thuộc nhóm nhạy khí, dễ hấp thụ ethylene. 

Đây cũng chính là lý do bạn cần phải phân loại trước khi bảo quản rau củ trong tủ lạnh để chúng được tươi lâu hơn.

3. Cách bảo quản rau trong tủ lạnh

3.1. Kiểm tra tình trạng các loại rau củ quả, loại bỏ phần hư

Trước khi bảo quản rau củ trong tủ lạnh, bạn nên chú ý kiểm tra tình trạng của các loại rau củ để có thể bỏ đi bớt các phần hư, dập nát. Thao tác này giúp bạn hạn chế tình trạng rau củ quả bị hỏng sinh ra khí ethylene và làm ảnh hưởng đến các loại rau củ khác vẫn còn đang tươi ngon.

cách bảo quản rau củ trong tủ lạnh
Nên phân loại rau củ quả, bỏ đi các phần hư trước khi cho vào tủ lạnh

3.2. Bảo quản riêng rau củ và trái cây

Một bí quyết khác nhằm bảo quản rau củ trong tủ lạnh được nhiều người yêu thích chính là bảo quản riêng phần trái cây và rau củ. Với một thao tác đơn giản, bạn đã có thể tách biệt các loại trái cây có sinh ra khí ethylene để ngăn ngừa rau xanh hấp thụ loại khí này dẫn đến nhanh hỏng.

3.3. Không cắt nhỏ rau củ trước khi cho vào tủ lạnh

Nếu bạn muốn bảo quản rau củ quả trong tủ lạnh tươi lâu hơn, bạn nên để rau củ nguyên dạng, không cắt nhỏ. Như vậy, bạn không chỉ ngăn ngừa vi khuẩn sinh trưởng trên bề mặt rau củ mà còn hạn chế thực phẩm bị mất đi lượng dưỡng chất quan trọng.

3.4. Sử dụng túi, hộp nhựa chuyên dụng 

Một lưu ý khác vô cùng quan trọng cho bạn khi bảo quản rau củ trong tủ lạnh chính là nên đầu tư vào các loại hộp hoặc nhựa chuyên dụng. Các loại túi hoặc hộp nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể làm từ nhựa tái chế với các chất hóa học không tốt cho sức khỏe hoặc nhựa kém chất lượng, thiết kế không kín khí, dễ làm hỏng rau củ.

hướng dẫn bảo quản rau củ trong tủ lạnh
Sử dụng túi, hộp nhựa chuyên dụng để bảo quản rau củ trong tủ lạnh

3.5. Không nên rửa rau củ trước khi cho vào tủ lạnh

Để bảo quản rau củ trong tủ lạnh được tươi lâu hơn, bạn nên chú ý không rửa rau trước khi cho vào tủ lạnh. Điều này có thể khiến rau củ dễ thối rữa, hỏng mốc vì rau ướt có thể tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn và nấm mốc phát triển.

Nếu muốn rửa rau trước khi bảo quản rau củ trong tủ lạnh, bạn nên làm ráo nước hết mức có thể, sử dụng hộp chứa có phần đáy thoát nước hoặc để khăn giấy hút ẩm trong hộp rau.

3.6. Lưu ý thời gian bảo quản

Mỗi loại rau củ quả thường có thời gian bảo quản khác nhau. Thông thường, thời gian này là 3-7 ngày tuỳ theo loại rau củ.

Bạn nên ghi chú lại ngày đầu tiên cho rau củ quả vào tủ lạnh để biết chính xác thời gian đã bảo quản là bao lâu và chủ động dùng trước, tránh để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh dẫn đến hỏng mốc. 

3.7. Lau dọn tủ lạnh thường xuyên

Nếu muốn rau củ quả được tươi lâu, không có vi khuẩn sinh sôi, bạn nên chủ động lau dọn tủ lạnh thường xuyên. Việc này có thể giúp bạn loại bỏ nấm mốc, vi sinh vật đang bám trong tủ lạnh và ảnh hưởng đến các loại thực phẩm bạn đang bảo quản. 

thường xuyên lau dọn tủ lạnh
Hơn nữa, việc lau dọn tủ lạnh còn giúp bạn hạn chế tủ lạnh có mùi hôi khó chịu.

Trên đây là 7 lưu ý cần thiết để bảo quản rau củ trong tủ lạnh được tươi lâu hơn. Nếu bạn còn những mẹo khác, đừng quên chia sẻ cùng Vua Nệm ngay nhé!

Nguồn: 

Bài viết liên quan:

Tiến Kiều
Tiến Kiều