Hội chứng social jetlag và giấc ngủ: Mối quan hệ bất ngờ

CẬP NHẬT 05/01/2023 | Bài viết bởi: Hoàng Trinh
Banner Black Friday

Hiện nay, thuật ngữ jetlag hay hội chứng social jetlag được sử dụng rất nhiều, nhất là đối với những người thường xuyên có lịch trình dày đặt. Vậy bạn đã thật sự hiểu hội chứng social jetlag là gì chưa? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết về mối quan hệ mật thiết giữa hội chứng social jetlag và giấc ngủ nhé!

1. Như thế nào là hội chứng social jetlag?

Thuật ngữ hội chứng social jetlag xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2006 bởi nhà nghiên cứu Till Roennenberg. Cụm từ này được dùng để diễn tả sự thay đổi thói quen ngủ của mỗi người giữa những ngày trong tuần và cuối tuần. Sự thay đổi này có thể là nguyên nhân chính dẫn đến cảm giác uể oải của họ.

Hiện nay, những người ở độ tuổi thanh thiếu niên thường có thời gian ngủ không ổn định bởi họ đa số thuộc nhóm cú đêm. Điều này có nghĩa là họ thức rất khuya rồi ngủ nướng vào cuối tuần, sau đó lại phải dậy sớm để đáp ứng được thời gian đến trường khi một tuần mới bắt đầu.

hội chứng social jetlag
Nhiều người thường thay đổi lịch trình ngủ vào cuối tuần

Vậy tại sao việc thay đổi thói quen ngủ vào những ngày cuối tuần lại khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi? 

Nhịp sinh học là một yếu tố quan trọng của đồng hồ học sinh học bên trong cơ thể con người. Nhịp sinh học có thể báo hiệu thời điểm đi ngủ hay thức dậy và cơ chế hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào ánh sáng. Những thay đổi trong lịch trình hằng ngày của bạn có thể khiến nhịp sinh học thay đổi theo và dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

Ví dụ nếu bạn có thói quen đi ngủ lúc 10 giờ tối và thức dậy lúc 6 giờ sáng vào các ngày trong tuần, đồng hồ sinh học của bạn sẽ thích nghi với lịch trình này. Tuy nhiên, vào cuối tuần, bạn thức đến nửa đêm và dậy lúc 9 giờ sáng hôm sau, điều này sẽ khiến nhịp sinh học bị rối loạn và làm bạn cảm thấy thiếu tập trung khi phải chuẩn bị lịch trình cho ngày thứ 2.

2. Ảnh hưởng của hội chứng social jetlag

2.1. Ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng

Hội chứng social jetlag có thể khiến cho tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn. Đây là một trong những ảnh hưởng tiêu cực thường xuyên xảy ra khi cơ thể gặp phải tình trạng rối loạn nhịp sinh học. Điều này gây ra nhiều trở ngại cho bạn trong cuộc sống, làm rạn nứt mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè và người thân.

tác hại của hội chứng social jetlag
Hội chứng social jetlag dễ khiến bạn trở nên cáu gắt vô cớ

Trong một nghiên cứu vào năm 2020, các nhà khoa học đã thực hiện cuộc khảo sát trên 1400 công nhân Nhật Bản. Tất cả có độ tuổi dao động từ 18 – 78 tuổi. Kết quả cho thấy rằng những ai thường xuyên gặp hội chứng social jetlag thì khả năng mắc bệnh trầm cảm là rất cao.

2.2. Ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch

Social jetlag có thể là một trong những nguyên nhân gây ra các chứng bệnh về tim mạch. Điều này rất nguy hiểm vì khá khó để nhận ra ngay khi phát bệnh cho đến khi có các triệu chứng rõ ràng. Thậm chí có một số trường hợp gây ra tử vong. Triệu chứng của bệnh tim do social jetlag bao gồm đau tim, rối loạn nhịp tim và suy tim.

Các chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra rằng cứ mỗi giờ bạn trải qua hội chứng social jetlag, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ tăng lên khoảng 11%. Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đến tim mạch như bệnh tiểu đường, béo phì, ăn uống không lành mạnh, uống nhiều chất kích thích, lười vận động.

những tác hại của hội chứng social jetlag
Nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch sẽ tăng cao nếu như bạn bị social jetlag

2.3. Tăng nguy cơ bị béo phì

Béo phì cũng được phát hiện là một tác dụng phụ có thể xảy ra đối với những người mắc hội chứng social jetlag. Giấc ngủ không chất lượng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số BMI (chỉ số tầm soát trọng lượng cơ thể). Vì social jetlag dẫn đến tình trạng thiếu ngủ mãn tính nên các chuyên gia cảnh báo rằng nó có thể làm tăng khả năng mắc bệnh béo phì của bạn.

Bệnh béo phì có thể là yếu tố gây ra nhiều căn bệnh khác nguy hiểm hơn như tim mạch, đột quỵ, tiểu đường tuýp 2 và ung thư. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết thêm rằng điều này khiến chi phí y tế tăng cao. 

Theo đó, con số ước tính mà một người trưởng thành phải trả nếu được chẩn đoán là mắc bệnh béo phì sẽ nhiều hơn $1,429 (khoảng 35 triệu VNĐ) so với những người có mức cân nặng bình thường.

2.4. Dễ mắc bệnh tiểu đường và hội chứng chuyển hóa

Bệnh tiểu đường gồm 2 loại, là một tình trạng mãn tính và khiến cho thức ăn khó được hấp thuu để tạo ra năng lượng. Do vậy mà lượng đường (glucose) trong máu của người bệnh tiểu đường sẽ cao hơn bình thường.

Trong khi đó, hội chứng chuyển hóa xảy ra khi huyết áp cao, lượng đường trong máu tăng, mỡ quanh eo tích tụ nhiều và mức cholesterol không đều. Một nghiên cứu năm 2017 đã phát hiện ra rằng social jetlag có thể tăng khả năng bạn mắc hội chứng chuyển hóa hoặc bệnh tiểu đường loại 2.

hội chứng social jetlag có tác hại gì
Social jetlag khiến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn bình thường

2.5. Suy giảm khả năng ghi nhớ

Suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức chính là một trong những tình trạng nhắc nhở bạn nên tránh hội chứng social jetlag. Bạn có nhận thấy rằng nếu hôm trước bạn ngủ không đủ giấc, chắc chắn ngày hôm sau bạn sẽ vô cùng mất tập trung và thiêu minh mẫn không?

Đây chính là điều mà các chuyên gia cảnh báo là có thể xảy ra nếu bạn ngủ sớm – dậy sớm vào những ngày trong tuần nhưng lại trở thành cú đêm vào 2 ngày cuối tuần.

3. Cách để không gặp hội chứng social jetlag

3.1. Duy trì lịch trình ngủ ổn định

Vì nguyên nhân chính khiến bạn mắc hội chứng social jetlag là do sự thay đổi trong thời gian và thời lượng ngủ. Do đó, các chuyên gia cho biết cách tốt nhất để ngăn chặn social jetlag chính là tuân theo một lịch trình ngủ nhất định và áp dụng cho tất cả các ngày trong tuần.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, đôi lúc bạn bắt buộc phải dậy sớm hoặc ngủ muộn hơn lịch trình đã định sẵn. Vậy hãy cố gắng hết sức để không đi xa quá những khung giờ trong lịch trình. Ví dụ bình thường bạn ngủ lúc 10 giờ nhưng vì việc bận đột xuất nên có thể lên giường lúc 10 giơ 30 phút.

3.2. Tránh sử dụng thiết bị điện tử

Ánh sáng xanh và bức xạ trong các thiết bị điện tử có thể ngăn chặn quá trình sản xuất hormone gây buồn ngủ melatonin. Một nghiên cứu vào năm 2020 đã cho thấy việc hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh vào buổi tối giúp thúc đẩy việc tăng sinh melatonin. 

Chính vì thế, để không ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ, các chuyên gia y tế khuyên rằng bạn nên tránh xa các thiết bị điện tử trước khi ngủ khoảng 30 phút.

ảnh hưởng hội chứng social jetlag đến giấc ngủ
Không nên tiếp xúc với thiết bị điện tử trước khi ngủ

4. Các câu hỏi thường gặp về hội chứng social jetlag và giấc ngủ

4.1. Có thuốc chữa hội chứng social jetlag không?

Hiện nay không có bất cứ loại thuốc nào có thể giúp bạn chấm dứt tình trạng social jetlag. Tuy nhiên, một tin vui là bạn hoàn toàn có thể đảo ngược tác động của tình trạng thiếu ngủ bằng cách giữ một lịch trình ngủ nhất quán.

4.2. Kiểu thời gian sinh học có khiến bạn bị jetlag?

Trong khi nhịp sinh học quản lý các tín hiệu sinh lý khiến bạn ngủ và thức dậy, chẳng hạn như sản xuất melatonin, thì kiểu thời gian của bạn đề cập đến loại đồng hồ sinh học vốn dĩ đã tồn tại trong bạn từ khi sinh ra.

Có 4 kiều thời gian sinh học bao gồm gấu, sư tử, sói và cá heo. Trong đó, gấu là loại phổ biến nhất, dùng để chỉ những người ngủ sau khi mặt trời lặn và thức dậy khi mặt trời đã mọc. Nhóm sư tử thì ngược lại, tập hợp những người ngủ sớm hơn và dậy sớm hơn gấu.

Còn chó sói thì thường được biết đến nhiều hơn với tên gọi là cú đêm. Những người thuộc nhóm này có xu hướng không tập trung vào buổi sáng nhưng lại làm việc hiệu quả hơn vào cuối ngày. Cuối cùng là cá heo với thời gian biểu ngủ và thức không theo bất cứ quy luật nào. Đây cũng là nhóm hiếm gặp nhất trong 4 kiểu thời gian sinh học.

Mỗi người có một kiểu thời gian sinh học khác nhau. Chính vì thế nếu xác định được cũng như am hiểu về thời gian sinh học của riêng mình, bạn có thể giúp cơ thể tránh được tình trạng jeglag.

social jetlag và giấc ngủ
Bạn nên hiểu về kiểu thời gian sinh học của bản thân để tránh social jetlag

Lời kết

Qua bài viết này, chúng ta thấy được rằng hội chứng social jetlag và giấc ngủ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Hy vọng rằng bài viết đã mang lại nhiều kiến thức hữu ích để bạn biết cách không bị social jetlag và có những giấc ngủ chất lượng.

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Hoàng Trinh

Xin chào! Mình là Hoàng Trinh - Chuyên viên tư vấn giấc ngủ tại Vua Nệm, với hơn 5 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển nội dung chuyên sâu trong lĩnh vực nệm, chăn ga gối và chăm sóc giấc ngủ. Mình hy vọng những kiến thức được chia sẻ trên blog Vua Nệm sẽ mang đến giá trị thực sự hữu ích dành cho quý khách hàng.