Hoa Mào Gà là loài hoa có hình dáng đặc biệt gắn liền với ký ức tuổi thơ của rất nhiều người. Cứ mỗi độ tết đến, nhà nhà nô nức sắm cho gia đình một chậu Mào Gà để trang trí cho không gian ngày xuân thêm sắc màu. Cây hoa Mào Gà không mang vẻ đẹp sang trọng nó ẩn trong mình nét đẹp nhẹ nhàng vô cùng sâu sắc. Cùng Vua Nệm khám phá ý nghĩa hoa Mào Gà, những công dụng đặc biệt cũng như cách chăm sóc loài hoa này qua bài viết sau nhé!
NỘI DUNG CHÍNH:
1. Giới thiệu về hoa Mào Gà
1.1. Nguồn gốc hoa Mào Gà
Hoa Mào Gà có tên khoa học là Celosia Cristata thuộc họ rau dền. Mào Gà còn hay được còn được gọi với cái tên bông mồng gà. Hoa có nguồn gốc bắt đầu từ vùng Đông Ấn và các nước Trung Phi. Ngoài trồng làm cảnh hoa Mào Gà còn có thể ăn được và sử dụng làm thuốc chữa bệnh rất tốt.

1.2. Đặc điểm hoa Mào Gà
Cây hoa Mào Gà là giống cây thân mềm có vỏ nhẵn thuộc họ thực vật thân thảo. Cây có chiều cao trung bình khoảng 50 – 100 cm. Lá cây mọc lệch có chiều dài khoảng 15 – 20 cm giống như những mũi mác.
Cây hoa Mào Gà có rất nhiều màu sắc rực rỡ như đỏ, trắng, vàng, cam,… Trong đó hai màu trắng và đỏ là phổ biến rộng rãi nhất nước ta, Mào Gà đỏ còn có cộng dụng như một loại thuốc điều trị bệnh vô cùng hiệu quả.
Hoa Mào Gà sinh sản bằng hạt, khi hoa nở bạn lấy hạt đem phơi khô và sau đó dùng chính hạt đó trồng cây mới. Mào Gà có sức sống vô cùng mãnh liệt và dễ thích nghi nếu bạn không thu hạt sau khi hoa nở thì hạt sẽ dựa vào gió bay đi khắp nơi và mọc lung tung.

1.3. Phân loại hoa Mào Gà
1.3.1. Hoa Mào Gà đỏ
Mào Gà đỏ hay còn được biết đến với những cái tên như hoa kê quan, hoa kê đầu, kê công hoa, kê giác hoa,… Mùa hoa nở rơi vào độ tháng 6 đến tháng 10 và mùa xuân, cây hoa cao tầm 1m, hoa ra nhiều, thân cây cứng cáp và có tuổi thọ cao.

1.3.2. Hoa Mào Gà trắng
Hoa Mào Gà trắng thường được nhắc đến với tên gọi khác như hoa Mào Gà dại, cây đuôi lươn, thanh lương tử,… Chiều dài mỗi cây dao động từ 0.3 đến 2m, lá cây mọc đan xen nhau hình mũi mác có bề rộng mỗi lá khoảng 2 – 4 cm và dài từ 8 – 10 cm. Cây Mào Gà trắng mọc quanh năm nhưng cho ra hoa vào độ mùa xuân, thân cây thẳng mọc ra thành nhiều cành có vỏ ngoài nhẵn.

2. Sự tích hoa Mào Gà
Câu chuyện từ xa xưa kể lại rằng: Từ rất lâu trở về trước khi mà bất kì con gà nào cũng có cho riêng mình một chiếc mào đỏ rực xinh đẹp. Có một cô gà mái mơ tốt bụng luôn tự hào về chiếc mào trên đầu mình. Ngày nào cô cũng vui vẻ hát ca, đập cánh để mọi người chú ý và chiêm ngưỡng chiếc mào xinh đẹp.
Vào một ngày đẹp trời, cô gà mái đang vui vẻ tung tăng đi dạo đã vô tình nghe thấy tiếng khóc sầu khổ của một loài cây. Cô chạy lại hỏi han “Bạn cây làm sao vậy, tại sao lại khóc đau lòng đến như thế kia?”. Đáp lại câu hỏi, cây buồn rầu trả lời “Bạn thấy đấy những cây xung quanh tôi đều đã nở hoa rất đẹp, còn riêng tôi không thể có hoa trông thật xấu xí” rồi oà khóc to hơn.
Cô gà mái tốt bụng nhìn thấy vậy đã suy nghĩ một lúc và nói “ Bạn đừng buồn, tôi cho bạn chiếc mào xinh đẹp của tôi để làm hoa được không?”. Cây sung sướng, gạt nước mắt cảm ơn cô gà mái thật nhiều. Kể từ đó gà mái mơ không còn chiếc mào xinh đẹp như thường ngày nữa nhưng cô vẫn sống vui vẻ và lạc quan. Còn về phần cây đã có thể nở hoa xinh đẹp như nó đã từng mong ước và loài hoa đó được mang tên hoa Mào Gà.

Nếu bạn đang tìm kiếm một loài hoa mang thông điệp phù hợp với tâm trạng hoặc dịp đặc biệt, hãy xem thêm những gợi ý tại đây.
3. Ý nghĩa hoa Mào Gà
Hoa Mào Gà thường được sử dụng để trang trí tết như một biểu tượng của tiền tài và may mắn. Ngoài vẻ đẹp độc đáo hoa Mào Gà còn mang trong mình những ý nghĩa đặc biệt có tính nhân văn vô cùng sâu sắc như:
- Lời cảm ơn cho sự hy sinh: Qua sự tích hoa Mào Gà đã phần nào nói lên một ý nghĩa vô cùng nhân văn của loài hoa này là sự hy sinh lợi ích của bản thân để giúp đỡ người khác.
- Loài hoa mang đến may mắn: Vào những dịp tết hoa Mào Gà được trưng trước nhà với mong muốn đem lại sự may mắn của năm cho gia đình.
- Lời chúc bình an: Hoa Mào Gà còn mang ý nghĩa như một lời chúc yên bình, xua đi vận rủi cho gia chủ khi trồng hoa Mào Gà trong nhà mình.

4. Công dụng làm thuốc của hoa Mào Gà
Ngày nay, trong các nghiên cứu của y học hiện đại. Thành phần hoa Mào Gà có các dưỡng chất như chất đạm, chất béo, 12 loại nguyên tố vi lượng, các vitamin, hơn 50 loại men thiên nhiên,… Lượng protein trong hoa Mào Gà chiếm 73% nên được cho là làm món ăn rất bổ dưỡng.

Hoa Mào Gà đỏ có vị ngọt, đặc tính mát dùng làm thuốc theo y học cổ truyền. Hoa có công dụng trị được các bệnh như thổ huyết, băng huyết, rong kinh, tiểu buốt,… Một số phương pháp người xưa hay dùng để trị bệnh bằng hoa Mào Gà như:
- Chữa các bệnh về trực tràng, trĩ, đi ngoài ra máu,.. Dùng hoa và cả hạt Mào Gà sắc làm thuốc với liều lượng 15g/3 bát nước đầy, uống 3 lần/ngày bệnh sẽ dần giảm. Hoặc có thể phơi khô hạt và hoa, tán thành bột nhuyễn sau đó vo viên nhỏ để uống.
- Trị vết thương do rắn độc cắn: Nhai 10 hạt Mào Gà, phần nước lúc nhai nuốt xuống còn phần bã đem đắp lên vết thương bị rắn cắn.
- Dạ dày bị viêm loét, chảy máu: Lấy hoa Mào Gà khô lượng 10g, tán thành bột nhỏ, chia thành nhiều lần uống trong ngày mỗi lần từ 1 – 2g sẽ mau chóng khỏi bệnh.
- Chữa bệnh kiết lỵ: Dùng cây hoa Mào Gà đỏ và phòng phong lượng đều nhau 50g mỗi loại. Trộn hỗn hợp vừa thu được với hồ gạo nặn thành viên thuốc, mỗi lần sử dụng nên uống 1 viên.
- Hỗ trợ bệnh cao huyết áp: Dùng hoa Mào Gà đỏ từ 3 – 4 cái kết hợp cùng hồng táo sắc uống mỗi ngày giúp giảm lượng đường huyết và cân bằng huyết áp rất tốt.
- Nổi mề đay: Có thể dùng cả hoa Mào Gà đỏ và trắng để ngâm rửa hoặc sắc thuốc uống. Nếu nốt sẩn trên da màu đỏ thì dùng hoa Mào Gà đỏ, ngược lại nếu đốt màu trắng thì dùng hoa có màu trắng.
- Chữa mụn nhọt độc vùng gáy: Dùng hoa Mào Gà trị mụn nhọt rất hay, đắp lên vết thương nhanh lành.
5. Cách trồng, chăm sóc cây hoa Mào Gà
5.1. Cách trồng cây hoa Mào Gà
5.1.1. Ươm mầm cây con
- Chọn hạt từ những bông hoa to, cây khỏe mạnh, không sâu bệnh. Phơi khô và bảo quản để gieo vào khoảng tháng 4 – tháng 5.
- Gieo hạt khi nhiệt độ khoảng 20-25°C. Trước khi gieo, cần phun một lớp nước và bón phân nhẹ lên luống đất.
- Sau khi gieo, phủ một lớp đất mỏng (2-3mm) rồi che rơm rạ để giữ độ ẩm. Trong hai tuần đầu không cần tưới nước, nhưng nếu đất quá khô có thể phun nhẹ.
- Sau một tuần, gỡ bỏ lớp rơm để cây có ánh sáng phát triển. Khi cây đạt 3 lá, tỉa bớt cây con, đến khi cây cao khoảng 6cm có thể đem trồng.
5.1.2. Trồng cây vào chậu
- Thời vụ: Hoa mào gà có thể trồng quanh năm nhưng nở đẹp nhất vào vụ đông – xuân.
- Chuẩn bị cây giống: Cây con cao 6-7cm, có 4-5 lá là đủ tiêu chuẩn trồng.
- Đất trồng: Trộn đất thịt với cát, phân chuồng, tro trấu và xơ dừa theo tỉ lệ 2:1:2:½, đảm bảo độ pH từ 6-6.5.
- Trồng cây vào chậu, ấn nhẹ đất để cố định gốc cây.

5.2. Cách chăm sóc cây hoa Mào Gà
- Tưới nước: 1-2 lần/ngày tùy thời tiết, vào sáng sớm hoặc chiều mát.
- Bón phân: Khi cây bén rễ hồi xanh, bón phân vi sinh giúp cây phát triển tốt.
- Bấm ngọn: Sau 35 ngày, tiến hành bấm ngọn để kích thích chồi nách phát triển, giúp hoa nở to hơn.
- Xới đất: Chỉ vun xới khi cây còn nhỏ, tránh làm tổn thương bộ rễ khi cây trưởng thành.
- Tỉa nụ: Khi cây xuất hiện nhiều nụ nhỏ, nên tỉa bớt các nụ ở nách lá, chỉ giữ lại một nụ chính để hoa phát triển to và đẹp.
- Ánh sáng: Đặt chậu nơi có nhiều ánh nắng để cây quang hợp tốt, giúp hoa rực rỡ hơn.
- Thời gian nở hoa: Sau 60-65 ngày, cây sẽ cho những bông hoa to và đẹp.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có được thêm những thông tin hữu ích và biết được ý nghĩa hoa Mào Gà. Một loài hoa biểu tượng cho sự hy sinh bản thân để giúp đỡ mọi người xung quanh. Tuy không mang vẻ đẹp rực rỡ, nhưng hoa Mào Gà chứa trong mình nhiều công dụng y học vô cùng tuyệt vời. Mong rằng với những chia sẻ trên Vua Nệm đã giúp bạn biết được những công dụng làm thuốc từ loài hoa tuổi thơ độc đáo này.