Chùa Hà là địa điểm cầu duyên không hề xa lạ với giới trẻ Hà Thành bởi sự linh nghiệm và cảnh quan tuyệt sắc mà nơi này mang lại. Chẳng những thu hút các bạn trẻ đến cầu duyên, Chùa Hà còn được đông đảo du khách, phật tử thập phương đến đây du ngoạn, cầu may mắn.
Tuy nhiên, vì nằm ẩn mình trong con ngõ nhỏ nên còn khá nhiều người chưa biết vị trí chính xác Chùa Hà nằm ở đâu hoặc muốn tìm hiểu những kinh nghiệm khi “cầu duyên” tại Chùa Hà. Đừng lo lắng, sau đây hãy để Vua Nệm giải đáp cho bạn qua bài viết bên dưới nhé.
Nội Dung Chính
1. Chùa Hà ở đâu?
Như Vua Nệm đã nhắc tới từ phần trên, Chùa Hà nằm tại con phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Chùa Hà sẽ mở cửa vào khoảng thời gian từ 8 – 18 giờ hàng ngày, đặc biệt vào các ngày rằm, mùng 1, các ngày lễ chùa sẽ mở cửa sớm hơn từ 1 – 2 giờ trước đó. Chính vì vậy, bạn hãy cân nhắc thời gian để không cần chờ đợi khi đến chùa nhé.
2. Lịch sử Chùa Hà có thực sự “khi đi lẻ bóng, khi về có đôi” như lời đồn?
Theo truyền thuyết xưa, chùa Hà (Thánh Đức Tự) được xây dựng bởi một gia đình giàu có làm nghề gốm sứ ở Bối Khê. Bên cạnh ngôi chùa là đình Hà – nơi thờ hai vị Thành Hoàng là Triệu Chí Thành và Chu Lý – những tướng của Triệu Việt Vương. Suốt thời gian qua, chùa Hà đã trải qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa để có được vẻ đẹp khang trang như ngày nay.
Và không biết tự bao giờ người dân Hà Nội đã coi chùa Hà như một nơi linh thiêng để cầu tình duyên. Những người trẻ chưa lập gia đình đến đây để thực hiện lễ khấn, hy vọng tìm được một nửa còn lại của cuộc đời mình. Các cặp đôi đang yêu cũng đến đây mong muốn tình duyên của họ luôn đong đầy hạnh phúc và êm đẹp suốt đời.
Đặc biệt dọc con đường vào chùa Hà, các cửa hàng chỉ bày bán hoa hồng – loài hoa là biểu tượng cho tình cảm đôi lứa, cho tình yêu vĩnh cửu. Ngoài ra, bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy nhiều loại vòng nhẫn theo cặp tại các cửa hàng lưu niệm xung quanh chùa. Do đó, khi đến chùa vào đầu năm, người ta không chỉ cầu xin bình an và tài lộc, mà còn mong muốn cuộc sống lứa đôi thêm yên ấm, hạnh phúc và tình cảm bền chặt không phai.
3. Hướng dẫn cách di chuyển đến Chùa Hà
Chùa Hà có vị trí nằm ngay trong nội thành Hà Nội, chính vì vậy bạn có thể lựa chọn đa dạng các phương tiện giao thông như xe máy, taxi hoặc xe bus.
Một số tuyến xe bus có điểm dừng gần Chùa Hà bạn có thể tham khảo như sau:
- Tuyến bus 07: Quận Cầu Giấy – Sân bay Nội Bài
- Tuyến bus 16: Bx Mỹ Đình – Bx Nước Ngầm
- Tuyến bus 20A: Quận Cầu Giấy – Bx Phùng
- Tuyến bus 20B: Quận Cầu Giấy – Bx Sơn Tây
- Tuyến bus 27: Bx Yên Nghĩa – Khu vực Nam Thăng Long
- Tuyến bus 28: Bx Giáp Bát – Đại học Mỏ Địa Chất
- Tuyến bus 34: Bx Mỹ Đình – Bx Gia Lâm
- Tuyến bus 49: Trần Khánh Dư – Khu đô thị Mỹ Đình II
4. Kinh nghiệm du lịch Chùa Hà mà nhất định bạn phải biết
Nhiều người đã khẳng định rằng khi ghé thăm Chùa Hà cầu khẩn và dâng lễ thành tâm, những điều mong cầu của bạn sẽ được như ý. Nhưng bạn đã biết cách dâng lễ cầu duyên tại Chùa Hà như thế nào chưa? Vua Nệm sẽ bật mí đến bạn một số lưu ý nhé.
4.1. Yêu cầu của các mâm lễ cầu duyên
Mâm lễ dâng lên bề trên để cầu duyên chiếm vai trò vô cùng quan trọng, thành tâm khẩn cầu thôi là chưa đủ, bạn cũng cần sắp xếp mâm lễ đúng các yêu cầu như sau đối với từng vị trí thờ:
- Bàn thờ Tam Bảo: Đây là vị trí thờ Phật trong chùa, vì vậy bạn cần chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo chay, hoa tươi, nến nhang và sớ đã viết để dâng lên Tam Bảo. Bạn cũng cần lưu ý không đặt lễ mặn và tiền vàng ở vị trí thờ này nhé.
- Bàn thờ Đức Ông: Tại vị trí bàn thờ Đức ông, bạn nên chuẩn bị các món lễ mặn, tiền vàng, trà thuốc và sớ để dâng tại đây.
- Bàn thờ Mẫu: Đây cũng chính là mâm lễ quan trọng mà bạn cần chú ý nhất để cầu duyên tại chùa đúng quy cách. Ngoài tiền vàng, hoa quả, bánh kẹo như các mâm lễ thông thường, bạn cũng cần chuẩn bị thêm 5 bông hồng đỏ tươi cùng trầu cau và tiền công đức để dâng lên Thánh Mẫu.
4.2. Quy trình khấn lễ tại Chùa Hà
Những mâm lễ bạn chuẩn bị nên được phân chia riêng rẽ để khi đến lễ chùa bạn có thể nhanh chóng phân chia được các mâm tương ứng với từng bàn. Việc này giúp tránh tình trạng các mâm lễ lộn xộn và tiết kiệm thời gian, đặc biệt là khi đến vào ngày mùng 1 khi Chùa Hà thường rất đông du khách, phật tử ghé thăm.
Khi đến chùa cầu nguyện, để tránh phạm lỗi bạn cần biết thứ tự dâng lễ và thắp hương. Theo truyền thống, điều đầu tiên cần làm là dâng lễ bàn thờ Tam Bảo, sau đó đến Đức Ông và cuối cùng là dâng lễ tại Điện thờ Mẫu.
Tương tự như vậy, bạn cũng cần thắp hương ở các vị trí bàn thờ theo thứ tự tương đương: Đầu tiên là lư hương, sau đó là bàn thờ Tam Bảo, bàn thờ Đức Ông, bàn thờ Thánh Hiền, cuối cùng là thắp hương điện thờ mẫu và bạn cần nhớ rằng chỉ thắp một nén hương và vái đủ 3 lần.
Khi đã thắp hương tại tất cả các bàn, bạn bắt đầu tiến hành khấn vái và cầu nguyện. Trong đó, bàn thờ Tam Bảo là nơi để bạn cầu khẩn tiền tài, công danh, sự nghiệp và mong muốn có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Tại bàn Thánh Hiền là nơi để bạn cầu khẩn cho cuộc sống thanh tịnh, tâm luôn sáng, con đường học hành suôn sẻ.
Sau đó, bạn tiếp tục đến vái Đức Hộ Pháp cùng đủ hai bên Thập Nhị Diêm Vương và khuyên góp một phần nhỏ tiền công đức (tùy vào khả năng tài chính của bạn) đến chùa, sau đó bạn rời chính điện và đến vị trí của Bàn thờ Thánh Mẫu.
Tại Bàn thờ Mẫu, sau khi khấn cầu duyên xong bạn hãy quỳ xuống để vái Quan Âm Dinh và Ngũ Hồ dưới bàn thờ nhé. Và đừng quên vái bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát và bàn thờ Sư Tổ sau khi đứng lên.
Bạn cũng cần lưu ý, sau khi hương đã cháy được 2 phần 3, bạn cần quay lại tất cả các bàn để lễ tạ và hóa sớ, tiền vàng. Sau đó bạn có thể ra về, đừng quên vái lạy 2 vị thần canh cửa để thể hiện lòng thành và cho buổi dâng lễ được trọn vẹn nhé.
4.3. Những lưu ý khi tiến hành cầu duyên tại Chùa Hà
Khi đến các chốn linh thiêng như Chùa Hà để cầu duyên hoặc đến vãng lai, du ngoạn bạn cần lưu ý một vài tiêu chí sau:
- Không mặc đồ ngắn: Chùa Hà là nơi trang nghiêm chính vì vậy bạn cần mặc những trang phục lịch sự khi đến đây. Lưu ý rằng, bạn không được mặc đồ ngủ, đồ quá ngắn trên đầu gối, đồ hở hang khi đến chùa để thể hiện sự tôn trọng.
- Không báng bổ, nói tục, chửi bậy: Bạn cần lưu ý nên giữ phát ngôn lịch sự khi tới chùa để không làm ảnh hưởng đến không gian thanh tịnh tại đây và ảnh hưởng đến các du khách khác.
Và trên đây là bài viết của Vua Nệm về kinh nghiệm cầu duyên tại Chùa Hà dành cho bạn. Hy vọng rằng qua bài viết này bạn sẽ có thêm những kiến thức bổ ích để tiến hành lễ bái tại chùa được suôn sẻ. Chúc bạn thực hiện được những mong cầu sau khi tới chùa và có được cuộc sống thật viên mãn, hạnh phúc.