Trong các cuộc nói chuyện, chúng ta thường để ý thấy mọi người xung quanh thường dùng từ “trộm vía” sau những lời khen, đặc biệt là khi nói về trẻ con. Chẳng hạn “trộm vía, thằng bé này bụ bẫm quá”. Vậy cụm từ trộm vía là gì, nguồn gốc từ đâu. Cùng Vua Nệm tìm hiểu trong bài viết sau nhé!
Nội Dung Chính
1. Trộm vía là gì?
“Trộm vía” là cụm từ mang màu sắc tâm linh của người Việt. Mục đích sử dụng của nó là tránh cho những lời khen, những điều may mắn nói ra khỏi trở thành điểm gở.
Cụm từ này khá phổ biến ở những tỉnh miền Bắc Việt Nam, dùng để khen những đứa bé đáng yêu với hàm ý tránh những lời khen bị gở. Chẳng hạn khi bạn muốn khen 1 đứa trẻ mũm mĩm nhưng tránh bị gở đứa trẻ sẽ ốm đi, bạn sẽ nói: “con bé trông bụ bẫm quá, trộm vía, trộm vía”.
Bạn còn có thể sử dụng cụm từ này khi khen 1 người trưởng thành, ví dụ: “Trộm vía, da cậu dạo này đẹp quá”.
2. Ý nghĩa của từ trộm vía là gì?
Theo quan niệm dân gian, con người có “3 hồn 7 vía”. Khi vía bị xua đi, động chạm thì con người thường bị ốm đau, bệnh tật,… thậm chí không còn nhận thức xung quanh nữa, gọi là mất vía.
Sở dĩ dân gian dùng trộm vía chứ không phải “trộm hồn” là vì phần “hồn” là phần linh thiêng, gắn liền với con người (trừ khi họ qua đời), trong khi vía chỉ là tinh khí, dễ bị tác động.
Đối với trẻ con, trẻ sơ sinh, phần vía của các con còn rất mỏng manh, yếu ớt nên trước khi nói lời khen cho bé, bậc cha mẹ, ông bà, cô chú, người lớn xung quanh thường thêm “trộm vía” phía sau như 1 lời xin phép để tránh làm ảnh hưởng tới phần vía của các bé.
Do phần vía còn yếu, nên các bé dễ ma quỷ đi theo và quấy nhiễu. Đó là lý do khiến bé đêm ngủ hay giật mình, quấy khóc hoặc giấc ngủ không sâu ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của con. Ba mẹ có thể dùng từ “trộm vía” như 1 lời cầu khấn thần linh, ông bà tổ tiên linh thiêng trong nhà để che chở, bảo vệ bé khỏi các thế lực hắc ám này.
Có 1 quan điểm khác cho rằng: ma quỷ thích bắt vía các em bé xinh đẹp, bụ bẫm, ngoan ngoãn. Vì thế trước khi khen các bé phải nói thêm từ “trộm vía” để đánh lạc hướng ma quỷ cho em bé đỡ “phải vía”.
3. Nguồn gốc của cụm từ trộm vía
Trộm vía là 1 cụm từ thú vị thể hiện sự giàu đẹp và phong phú của kho tàng tiếng Việt. Thực tế, dân gian có rất nhiều cụm từ hay dùng để diễn tả 1 sự vật, hiện tượng được truyền từ đời này qua đời khác. Nhưng rất tiếc khi đến thời nay, rất nhiều từ không còn sử dụng nữa và dần trôi vào lãng quên, có thể kể đến là giời leo, vọp bẻ,…
May mắn thay, trộm vía vẫn được xem là cụm từ thông dụng, được nhiều người dùng trong các cuộc giao tiếp hằng ngày. Nhất là các địa phương ở miền Bắc “trộm vía bé kháu khỉnh quá!”, “trộm vía bé ngoan quá!”,… như 1 thói quen, 1 lối khen trẻ nhỏ thông dụng mà nhiều người không để ý về nguồn gốc của việc sử dụng “trộm vía” đến từ đâu.
Dựa theo ghi chép của Đại Nam Quốc Âm Tự Vị và từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, “trộm” ban đầu có nghĩa là “lén lút” “lén giấu”, “thầm vụng”. Ngoài ra, nó còn có nghĩa thông dụng hơn là “lấy đi tài sản của người khác khi họ không để ý”. Nhìn chung là trạng thái lén lút, vụng trộm không muốn bị người khác phát giác.
Vía là khái niệm thường đi chung với cụm từ hồn vía được hình thành dựa trên văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Cụ thể, con trai có ba hồn bảy vía còn con gái thì có ba hồn chín vía. Người xưa tin rằng, hồn vía được xem là phần năng lượng tinh thần của 1 con người khỏe mạnh.
Người đang mang bệnh hoặc có thể trạng yếu tức là phần vía của họ đang bị xâm phạm, gây tổn hại dẫn tới bệnh tật. Vía rất dễ bị ảnh hưởng, những tác động bên ngoài đến vùng mắt, mũi, miệng, lưỡi (lời nói) đều có thể khiến vía phân tán, khiến phần xác bị ảnh hưởng, dẫn tới bệnh tật.
“Trộm vía” có thể hiểu sát nghĩa nhất “xin lén các vía”. Bạn có thể hiểu “trộm vía” như 1 lời xin phép hoặc cũng có thể sử dụng như lời dùng để bày tỏ sự ăn năn khi phạm phải sai lầm.
Dân gian quan niệm đây là mẹo hữu ích để tránh mạo phạm đến vía của trẻ em, đặc biệt là ta dùng lưỡi (lời nói) để khen các bé.
Người xưa xem “trộm vía” như một lời xin phép đối với thần linh, xin thần thánh cho trẻ luôn khỏe mạnh và được dùng sau mỗi lời khen bé.
4. Có nên sử dụng “trộm vía” không?
Mặc dù ngày nay chưa có bằng chứng thực nghiệm nào chứng minh tính khoa học và hiệu quả của cụm từ “trộm vía” nhưng ông bà cho rằng “có kiêng có lành” nên khi khen 1 đứa trẻ mà không gây hại đến phần của bé thì người lớn cần xin phép thần linh trước. Bởi ngộ nhỡ 1 người có vía dữ khen bé sẽ át vía của con, khiến bé sợ hãi, quấy khóc, bỏ ăn.
Có người cũng giải thích lý do tại sao cần sử dụng “trộm vía” khi khen em bé là vì ma quý vốn luôn tồn tại, chung sống cùng con người. Chúng ghen ghét với con người nên thỉnh thoảng lại đến quấy nhiễu những đứa trẻ ngoan ngoãn.
Vì vậy, việc sử dụng “trộm vía” sau mỗi lời khen ngợi sẽ khiến ma quỷ bớt dòm ngó hoặc quấy phá hơn. 1 số gia đình còn cố tình đặt những cái tên xấu cho đứa trẻ để ma quỷ không chú ý tới và dễ nuôi hơn.
5. Các khái niệm khác liên quan đến hồn vía
Bên cạnh từ trộm vía, dân gian cũng hình thành những khái niệm khác liên quan tới phần hồn vía, xuất hiện phổ biến trong cuộc sống, văn hóa, sinh hoạt tâm linh của người Việt như:
- Xin vía: Là hành động cầu xin sự thuận lợi hạnh phúc từ những người đang gặp nhiều may mắn thành đạt. Chẳng hạn xin vía kinh doanh, xin vía đậu thai, xin vía khai trương phát đạt,..
- Vía Quan Thế Âm Bồ Tát: Là hành động cầu mong sự hạnh phúc no ấm hoặc mong Quan Âm cứu khổ cứu nạn, giúp gia đình vượt qua khó khăn, mọi sự bình an.
- 3 hồn 7 vía: Cụm từ xuất phát từ quan niệm mỗi người đều có 3 hồn, 7 vía, đây còn gọi là hồn phách. Chúng điều chỉnh mọi hoạt động, tâm tư và tư duy của con người. Trong đó, 7 vía bao gồm Thi Cẩu, Phục Thỉ, Xú Phế, Phi Độc, Tước Âm, Thôn Tặc, Trừ Uế đảm đương những nhiệm vụ khác nhau.
- Phải vía: Là tình trạng 1 đứa bé đang ngoan ngoãn, khỏe mạnh, ăn uống sinh hoạt bình thường bỗng dưng thay đổi tâm tính không rõ nguyên nhân, quấy khóc và không ăn ngủ đúng giờ đúng giấc nữa. Dân gian cho rằng, đứa bé đang bị “phải vía” vướng phải điềm gở tâm linh.
- Mất vía: Sử dụng trong trường hợp ai đó bị hù dọa hoặc gặp chuyện gì đó bất ngờ, đứng trân không kịp phản ứng.
- Nặng/nhẹ bóng vía: Nặng bóng vía hoặc nhẹ bóng vía là cụm từ người xưa sử dụng để chỉ mức độ âm dương của 1 người. Cụ thể, mỗi người sẽ có 2 luồng khí âm dương trong cơ thể nhưng có mức độ khác nhau. Người nặng về phần dương sẽ gọi là nặng bóng vía người nhẹ về phần dương sẽ gọi là người nhẹ bóng vía.
Nhìn chung, rất khó để diễn tả đầy đủ hàm ý của “trộm vía là gì”. Dường như đây là câu nói cửa miệng của người lớn mỗi khi khen 1 đứa trẻ kháu khỉnh, bụ bẫm.
XEM THÊM:
- Đức năng thắng số là gì? Ý nghĩa và những câu chuyện thực tế trong cuộc sống
- Hickey là gì? Cách tạo Hickey và xóa Hickey đơn giản, an toàn nhất
- Yandere là gì? Nguồn gốc, cách nhận biết tình yêu điên loạn Yandere
Không chỉ là 1 cụm từ thông dụng, “trộm vía” còn thể hiện được bản sắc văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam. Hy vọng thông tin bài viết chia sẻ đã giúp hiểu được trộm vía là gì cũng như thông tin thú vị xoay quanh chủ đề này rồi nhé!