Chúng ta đã rất quen thuộc với các loại nhựa như nhựa PP, PVC, ABS hay nhựa PE…, nhưng có lẽ còn khá lạ lẫm với nhựa resin, mặc dù mọi người thường sử dụng nó hằng ngày. Nó được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tùy vào loại resin nhất định.
Vậy nhựa resin là gì? Nó có những đặc điểm ra sao? Sử dụng nhựa resin cho những hoạt động nào? Hãy cùng Vua Nệm tìm hiểu tất tần tật về loại nhựa đặc biệt này trong bài viết hôm nay.
Nội Dung Chính
1. Nhựa resin là gì? Đặc điểm của nhựa resin
Nhựa resin còn có tên gọi khác là keo resin hay resin. Khi được hỏi nhựa resin là gì chúng ta có thể hiểu đây là một loại nhựa nhân tạo tổng hợp có đặc tính là bền bỉ, đàn hồi cao và rất linh hoạt.
Nó là một họ polyme rất đa dạng hình thái như dạng lỏng, dạng rắn và dạng bột, có thể được sử dụng vào nhiều mục đích, lĩnh vực khác nhau. Trong đó, nhựa resin lỏng được sử dụng phổ biến nhất, thường thấy trong các ngành như: nghệ thuật, y tế, xây dựng. Bên cạnh đó, nhựa resin dạng cứng cũng được sử dụng nhiều vì nó rất an toàn, không gây độc hại trong điều kiện thường.
Đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy của loại nhựa resin này chính là khả năng hóa vàng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, tốc độ hóa vàng của nó còn tùy thuộc vào chất lượng nhựa. Nên chúng ta có thể thấy nó chuyển vàng chỉ sau một tuần thậm chí là một năm.
Mặt khác, những loại nhựa resin càng có chất lượng cao thì sẽ càng ít bị ngả vàng hơn. Vì vậy, nếu không muốn đồ vật của mình bị hóa vàng thì cần chọn dùng loại nhựa resin cao cấp khi sử dụng trong chế tác tác phẩm nghệ thuật.
2. Phân loại nhựa resin phổ biến nhất hiện nay
Chúng ta đã biết nhựa resin là gì, nhưng nó có những loại nào thì vẫn còn vấn đề khiến nhiều người thắc mắc. Trên thực tế, nhựa resin có rất nhiều loại và thường được chia làm bốn loại chính, bao gồm:
2.1. Nhựa epoxy resin
Nhựa epoxy resin còn được gọi với thuật ngữ quen thuộc hơn là nhựa AB hoặc keo AB. Nó là một loại keo gần như trong suốt, được cấu tạo từ hai thành phần là A và B. Trong đó, A thường là Diglycidyl ethers of Bisphenol A và B là các chất đóng rắn đa dạng như Amidoemies, Aliphatic amines, Polyamides, Adducts…
Loại keo AB này có khả năng kết dính tốt, chịu lực tốt và chống ăn mòn hiệu quả. Nó thường có màu nâu vàng, độ nhớt cao, không mùi và thường là dạng nguyên chất, không pha loãng.
Một ưu điểm khác của loại nhựa này là có thể chống tia UV. Đồng thời, có khả năng đóng rắn nhanh và chắc chắn trong môi trường nước.
Ứng dụng phổ biến của keo nhựa epoxy resin là vẽ tranh cát 3D, làm lớp phủ cho mặt tranh, mặt bàn, sàn nhà, đổ khuôn đúc cho các đồ trang trí, làm trang sức và là nguyên liệu cho chế tạo đồ dùng handmade…
Epoxy resin cũng được chia làm hai loại chính là epoxy trong suốt và dạng cứng.
- Với loại epoxy trong suốt thường có màu vàng nhạt hoặc màu nâu và độ trong cao như kính hoặc pha lê, thủy tinh. Nó có khả năng chống tia UV, ít bọt, ít tạp chất. Tuy nhiên, nó thường có thể ngả vàng trong thời gian dài sử dụng.
- Epoxy resin dạng cứng có thể khắc phục đặc điểm độ mềm cao, dễ trầy xước của epoxy resin gốc.
2.2. Polyester resin
Cũng giống như epoxy resin, loại polyester resin này cũng là một loại nhựa lỏng, độ trong cao, màu nhạt, độ nhớt cao. Điểm nổi bật của loại nhựa này là có thể đánh bóng để tăng độ sáng và có mùi khá đặc trưng. Polyester resin có độ cứng cao và giá rẻ nên thường được dùng làm các khuôn đúc có độ dày cao, các loại sản phẩm nhựa thông thường, sản phẩm nhựa composite.
Tuy nhiên, loại nhựa này hấp thụ tia UV nên thường bị ngả màu nhanh và thời gian đóng rắn nhanh. Trong nhiều trường hợp, người dùng có thể không kịp hoàn thiện tạo hình khi đúc khuôn. Ngoài ra, polyester resin cũng có thể bay hơi và không tốt cho sức khỏe, khi sử dụng cần đeo khẩu trang hoặc mặt nạ chống độc. Trong môi trường nước và ẩm ướt, loại nhựa này cũng không thích hợp để sử dụng.
2.3. Polyurethane Resin
Polyurethane Resin được biết đến với tên gọi phổ biến hơn là nhựa PU hay PU resin. Đặc tính vượt trội của loại nhựa này so với nhiều vật liệu nhựa khác chính là khả năng chống nước, chống ăn mòn, chống va đập tốt.
Bên cạnh đó, nhựa PU cũng có độ dẻo dai, linh hoạt, đàn hồi và độ kết dính cao. Sau khi đóng rắn, PU có khả năng chịu nhiệt tốt và độ trong cao như mặt kính trong suốt. Chúng cũng có thể cách nhiệt tốt, bền bỉ, chắc chắn và trọng lượng nhẹ. Vì vậy, loại nhựa resin này có thể được sử dụng để làm đệm, bao bì, đồ nội thất cho xe ô tô, làm cao su, các loại sơn chống thấm, lớp phủ cho sàn nhà, sàn gỗ, làm gỗ composite…
Khi sử dụng nhựa PU cũng cần lưu ý rằng, loại nhựa này có tốc độ đóng rắn nhanh và có thể gây hại khi tiếp xúc trực tiếp khi nó ở dạng lỏng. Vì vậy, cần có biện pháp bảo hộ để đảm bảo an toàn, tránh nhiễm độc.
2.4. Acrylic Resin
Một loại nhựa resin phổ biến khác là acrylic resin. Chúng thường trong suốt hoặc có màu tím. Loại nhựa này có đặc tính là dễ hòa tan trong nước nên thường được làm màu nước dạng keo. Ngoài ra, acrylic resin còn được chia làm ba loại khác nhau, bao gồm:
- Acrylic nhiệt dẻo: Là màng nhựa trong suốt, thường không màu và tạo màu kém nên được ứng dụng để làm sơn PU cho các đồ nhựa, kim loại, tân trang xe hơi hoặc vật dụng nhôm.
- Acrylic dẻo: Loại nhựa acrylic này dễ phản ứng với bột màu nên thường có nhiều màu sắc khác nhau, dễ gia công và bền bỉ. Vì vậy, acrylic dẻo được sử dụng nhiều trong lĩnh vực nội thất và keo trong màu nước.
- Acrylic nhiệt rắn: Là loại nhựa có độ rắn và độ bền cao, được dùng làm sơn công nghiệp.
3. Những ứng dụng của nhựa resin
Nhựa resin được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày và các lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, dân dụng, nghệ thuật, nội thất… Tùy vào loại sơn resin sẽ có những ứng dụng riêng cụ thể.
3.1. Ứng dụng của nhựa epoxy resin
Epoxy resin là loại nhựa resin được sử dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động, nhờ các đặc tính như bền, dẻo dai, kết dính tốt, kháng UV, chống nước, không bị co khi đóng rắn…Một số lĩnh vực thường sử dụng nhựa epoxy resin gồm:
- Trong dân dụng nó làm chất kết dính tạo sự chắc chắn cho các bề mặt nhựa, kim loại, kính, đồ gỗ, bê tông…Làm sản phẩm trang trí cho đồ chơi thể thao, ô tô…
- Trong lĩnh vực xây dựng nó được làm lớp phủ cho các loại sàn, làm sơn phủ, keo dính, ứng dụng trong các công trình dưới nước, dưới lòng đất…
- Trong lĩnh vực nghệ thuật và nội thất được dùng để vẽ tranh 3D, tạo hình đẹp mắt cho các sản phẩm handmade, tạo màu và hình, lớp phủ cho các loại đồ nội thất…
3.2. Ứng dụng của nhựa polyester resin
Polyester resin có độ cứng cao và khả năng đóng rắn nhanh nên thường được sử dụng để đúc khuôn, là thành phần trong các loại sơn nội thất và làm mực máy in laser, làm các vật dụng composite như: chậu cây, tàu thuyền, tủ điện, bình gas, bồn chứa…
3.3. Nhựa PU resin được dùng để làm gì?
Nhựa Polyurethane Resin có nhiều đặc tính vượt trội như bền, dẻo, linh hoạt, cứng, chống ăn mòn, chống nước, chịu nhiệt tốt và độ bám dính cao. Vì vậy, nhựa PU có thể được dùng trong nhiều trong:
- Ngành chế tạo tàu biển, hàng hải, công nghiệp ô tô…
- Làm sơn phủ, vỏ bọc cho các loại dây dẫn điện, dây cáp, ổ điện, linh kiện điện tử
- Làm đệm, cao su…
- Làm chất chống thấm, sơn, lát nền, sàn nhà, keo dán và chất làm đầy cho các loại đồ vật bị vỡ, tường nhà bị nứt…
3.4. Ứng dụng của Acrylic resin
Nhựa acrylic resin chống trầy xước tốt, ít hóa vàng, màu trong suốt và rất dễ phối màu nên được dùng để:
- Tạo ra các bức tranh vẽ 3D, các tác phẩm nghệ thuật, đồ dùng handmade có màu đẹp mắt, độc đáo.
- Làm lớp phủ, đổ bóng cho sàn, cho đồ gỗ
- Đổ khuôn đồ trang trí, đúc khuôn nhựa
- Làm sơn công nghiệp, sơn trang trí, keo màu nước
4. Những lưu ý khi sử dụng nhựa resin để đảm bảo an toàn
Nhựa resin khi đóng rắn thường an toàn trong điều kiện thường, nhưng ở dạng lỏng nó có thể có hại và gây nhiễm độc cho người dùng. Vì vậy, khi sử dụng nhựa resin, chúng ta cần chú ý thực hiện các biện pháp bảo hộ như:
- Đeo khẩu trang hoặc mặt nạ chống độc, tránh hít phải hơi độc từ nhựa resin
- Đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với nhựa resin để hạn chế bị bỏng da hoặc độc tố xâm nhập qua da
- Để phòng thông thoáng, mát mẻ và thông gió cho phòng khi sử dụng nhựa resin để hạn chế khí độc trong phòng
- Sau khi sử dụng xong cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và không sử dụng lại các trang phục, bao tay, khẩu trang…đã bị dính nhựa resin
- Không để trẻ em tiếp xúc với nhựa resin ở dạng lỏng hoặc khi chưa kịp đóng rắn
- Bảo quản nhựa ở nơi khô ráo, không để nhựa tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì nó có thể hóa vàng hoặc đóng rắn khi có nhiệt độ cao và tia UV
Chúng ta đã biết nhựa resin là gì và những loại nhựa resin phổ biến nhất hiện nay. Tùy vào từng loại resin với các đặc tính khác nhau mà chúng được sử dụng vào các lĩnh vực khác nhau, từ dân dụng đến công nghiệp và nghệ thuật, nội thất. Khi sử dụng nhựa resin, để đảm bảo an toàn người dùng cần chú ý một số biện pháp tự bảo vệ mà chúng tôi vừa chia sẻ ở trên nhé.
XEM THÊM:
- Các loại nhựa an toàn được sử dụng để đựng thực phẩm mà người tiêu dùng cần biết
- Nhựa TPU là gì? Đặc Điểm Của Nhựa TPU Và Ứng Dụng Của Nó Trong Đời Sống
- Tìm hiểu chất liệu nhựa PP là gì, có hại hay không?