Chuyện quanh ta

Lễ thất tịch, nguồn gốc ý nghĩa, nên làm gì ko nên làm gì?

CẬP NHẬT 31/07/2022 | BỞI Tôn Vân

Nói tới ngày lễ thất tịch hẳn nhiều người sẽ còn cảm thấy khá mới mẻ, nhất là những ai không có thói quen tìm hiểu về văn hóa phương Đông. Thế nhưng trên thực tế thì lễ thất tịch có nguồn gốc từ lâu đời và tổ chức hàng trăm năm qua ở nhiều quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam.

Lễ thất tịch, nguồn gốc ý nghĩa, nên làm gì không nên làm gì? Đây có lẽ là những thắc mắc của rất nhiều người. Trong bài viết này, Vua Nệm sẽ dẫn các bạn đi khám phá về ngày lễ đặc biệt này.

1. Tìm hiểu về ngày lễ thất tịch và nguồn gốc ra đời

1.1. Lễ thất tịch là ngày gì? Diễn ra vào ngày nào?

Nếu như ở phương Tây có ngày lễ Valentine thì ở khu vực Đông Á và nhiều nước lân cận sẽ có một ngày lễ tình yêu được gọi là thất tịch. Người phương Tây ví đây là ngày Valentine của người phương Đông.

Hằng năm, ngày 7/7 âm lịch sẽ là ngày tổ chức lễ thất tịch tại các quốc gia sử dụng lịch âm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…

thất tịch là ngày nào
Lễ thất tịch – ngày lễ tình yêu trong văn hóa phương Đông

1.2. Nguồn gốc của ngày lễ thất tịch

Sự ra đời của ngày lễ này xuất phát từ câu chuyện về Ngưu Lang – Chức Nữ – một sự tích vô cùng cảm động và có ý nghĩa sâu sắc về tình yêu, tình cảm vợ chồng được. Đây là truyện cổ tích có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ xưa và được lưu truyền cho đến ngày nay.

Tương truyền rằng, khi xưa, cô con gái út của Vương Mẫu Nương Nương là một cô tiên dệt những đám mây ngũ sắc trên bầu trời, nàng xinh đẹp và hiền lành tên là Chức Nữ đã phải lòng một chàng trai chăn trâu nghèo, thiện lương và chăm chỉ có tên Ngưu Lang.

Hai người đã kết duyên phu thê và có một gia đình hạnh phúc với hai người con, một trai một gái. Cuộc sống nơi trần gian đầm ấm, vui vẻ bên nhau nhanh chóng qua đi khi Ngọc Đế lệnh cho Chức Nữ trở về thiên đình.

Ngưu Lang cùng các con vì quá nhớ thương và không nỡ rời xa nàng đã đuổi theo tới tận sông Ngân Hà – ranh giới giữa cõi phàm và cõi tiên thì không thể đi qua. Ngưu Lang vẫn không quay trở về, ngày đêm ngồi bên bờ sông Ngân Hà chờ đợi nàng quay về. Kể từ đó, bên cạnh sông Ngân Hà có thêm một vì sao được gọi là sao Ngưu Lang.

nguồn gốc lễ thất tịch
Ngày lễ thất tịch có nguồn gốc từ câu chuyện tình yêu của Ngưu Lang – Chức Nữ được lưu truyền ở Trung Quốc

Cảm động trước tấm chân tình của Ngưu Lang, Vương Mẫu Nương Nương đã cho phép hai vợ chồng Chức Nữ – Ngưu Lang được gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm, còn được gọi là ngày thất tịch. Hai người sẽ gặp lại nhau trên chiếc cầu Ô Thước do đàn quạ trời tạo nên.

Khi gặp lại và khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang – Chức Nữ vì nhớ thương mà khóc, nước mắt họ rơi xuống trần gian tạo thành những cơn mưa, được gọi là mưa ngâu. Đây cũng chính là lời lý giải cho hiện tượng vào những ngày thất tịch mỗi năm đều có những cơn mưa ngâu. 

2. Ý nghĩa của ngày lễ thất tịch trong các nền văn hóa phương Đông

Thất tịch được tổ chức ở nhiều quốc gia phương Đông, tiêu biểu như Trung Quốc – nơi ra đời của ngày lễ này. Bên cạnh đó còn có các nước đậm chất văn hóa Á Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam. Ở mỗi một nơi sẽ có những hoạt động tổ chức khác nhau và có ý nghĩa riêng. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ý nghĩa của ngày lễ thất tịch trong các nền văn hóa này.

2.1. Ý nghĩa ngày lễ thất tịch trong văn hóa Trung Quốc

Thất tịch được xem là một ngày lễ truyền thống ở Trung Quốc bởi nơi đây chính là nguồn gốc ra đời của ngày lễ này. Người Trung Quốc rất coi trọng ngày thất tịch. Họ gọi ngày này với nhiều tên gọi khác nhau như: Khất xảo tiết, ngày Thất thư đản, ngày Xảo tịch. 

Ngày thất tịch ở Trung Quốc là ngày mà các thiếu nữ sẽ cầu mong mình có một đôi bàn tay khéo léo và có được một tấm chồng tốt thông qua những hoạt động như: trưng bày sản phẩm tự tay làm, vào đêm 7/7 âm lịch sẽ cầu nguyện.

ý nghĩa lễ thất tịch
Ăn chè đậu đỏ ngày thất tịch giúp các cặp đôi yêu nhau có tình yêu bền chặt, bên nhau trọn đời

Những cặp đôi yêu nhau sẽ cùng nhau ăn chè đậu đỏ để hy vọng tình yêu của họ được bền chặt, vững chắc, bên nhau trọn đời. Những người độc thân ăn chè đậu đỏ để sớm tìm được tình duyên như ý.

Ngoài ra, trong ngày thất tịch mọi người không thể không làm và ăn bánh xảo quả. Bánh có tạo hình khác nhau như và được làm từ nhiều nguyên liệu như bột mì, đường, mè đen, mật ong. Loại bánh này thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm. Người ta cũng thường tặng nhau bánh xảo quả vào ngày lễ thất tịch với ý nghĩa của sự dụng tâm, chứa đựng tình cảm chân thành của người làm và người tặng.

2.2. Ngày thất tịch ở Việt Nam như thế nào?

Lễ thất tịch ở Việt Nam diễn ra vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm còn được gọi với cái tên “thuần Việt” là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”. Tên gọi xuất phát từ việc ngày này trời thường đổ cơn mưa, được xem là nước mắt của Ngưu Lang – Chức Nữ khi họ gặp lại và tiễn biệt nhau.

Theo lịch sử ghi chép lại, ngày thất tịch ở Việt nam đã được tổ chức từ rất lâu trước đây. Thời gian được cho là vào đời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072). Vua Lý Thánh Tông đến tuổi 42 mà vẫn chưa có con để truyền vương vị nên đã lên chùa cầu tự vào ngày 7/7 âm lịch. Sau đó, ông đã có một người con tên gọi là Càn Đức.

Kể từ đó, ngày 7/7 âm lịch hằng năm, mọi người sẽ vào chùa cầu tự, cầu tình duyên, gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống. Người ta cũng cho rằng vào ngày này nếu hai người yêu nhau nhìn thấy sao Ngưu Lang – Chức Nữ sẽ được hạnh phúc bên nhau mãi mãi.

2.3. Ngày thất tịch ở Hàn Quốc và Nhật Bản

Ở Hàn Quốc gọi ngày thất tịch là Chilseok. Vào ngày này, người Hàn sẽ tắm để cầu mong sức khỏe tốt và ăn món bánh mì nướng, bánh mì bột mì. Theo người Hàn, những cơn gió lạnh sau ngày thất tịch sẽ làm hỏng hương thơm của lúa mì nên họ xem đây là ngày để thưởng thức những món bánh làm từ loại lúa này.

Trong khi đó ở Nhật Bản, ngày thất tịch có tên gọi là lễ hội Tanabata. Người Nhật sẽ ghi những lời cầu nguyện lên những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà, trường học… để cầu mong vụ mùa bội thu, sự may mắn và thịnh vượng. Những màu sắc chủ đạo của những mảnh giấy đầy màu sắc là xanh lục, vàng, hồng, trắng, đen.

lễ thất tịch ở nhật
Người Nhật sẽ ghi những lời cầu nguyện trên giấy Tanzaku và treo trên cành trúc trong ngày lễ thất tịch

Người Nhật sẽ ăn một món mì đặc biệt vào ngày này – mì somen lạnh. Những cặp đôi yêu nhau sẽ đến đền thờ Thần đạo Shinto để cầu mong tình yêu bền vững, bên nhau mãi mãi. Những người độc thân sẽ cầu chúc sớm gặp được tình duyên của đời mình.

3. Những điều nên làm và không nên làm ngày thất tịch

3.1. Những điều nên làm vào ngày thất tịch

Thất tịch được xem là ngày lễ tình yêu, do đó, những cặp đôi yêu nhau, những người còn độc thân hay các gia đình có thể làm một số điều để giúp gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.

3.1.1. Đi lễ chùa để cầu duyên, cầu bình an

Đi lễ chùa vào ngày thất tịch đã trở thành một thói quen của mọi người. Từ thời vua Lý Thánh Tông đến nay thì việc làm này vẫn luôn được duy trì. Những bạn trẻ ngày nay cũng có xu hướng đi cầu chùa khấn phật vào ngày này nhiều hơn.

lễ thất tịch nên làm gì
Đi chùa ngày thất tịch cầu duyên, cầu bình an

Một mặt nó giúp con người trở nên thanh tịnh, thoải mái. Mặt khác, các bạn có đôi có cặp có thể cầu nguyện cho tình yêu thêm bền chặt. Người còn độc thân cầu gặp được một nửa kia của mình. Những người có gia đình có thể cầu bình an, may mắn và hạnh phúc.

3.1.2. Làm nhiều điều tốt, sống thiện lương

Ngày thất tịch mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt, để gặp nhiều may mắn và bình an thì hãy làm nhiều việc thiện vào ngày này. Những việc tốt đẹp sẽ giúp bạn tích đức.

Người xưa có câu “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”. Vì vậy sống thiện lượng, sống có đức, làm việc thiện không riêng gì trong ngày thất tịch. Hãy sống tốt với mọi người mọi lúc, mọi nơi để nhận lại được nhiều điều tốt lành, gia đình có cuộc sống bình an, vui vẻ.

3.1.3. Ăn chè đậu đỏ vào ngày thất tịch

Theo quan niệm, đậu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tốt đẹp. Vì vậy, vào ngày 7/7 âm lịch, nếu ăn các món ăn từ đậu đỏ sẽ giúp cho mọi người gặp được vận may trong cuộc sống và chuyện tình yêu. Một số món ăn từ chè đậu đỏ rất được yêu thích như: chè đậu đỏ, cháo đậu đỏ, bánh nhân đậu đỏ…

Nhiều người còn cho rằng, ăn chè đậu đỏ vào ngày thất tịch sẽ giúp cho các cặp đôi yêu nhau thêm gắn bó bền chặt, những người đang cô đơn lẻ bóng sẽ sớm tìm được người thương.

chè đậu đỏ thất tịch
Ngày thất tịch nên ăn các món làm từ đậu đỏ để gặp may mắn trong tình yêu

3.2. Những điều không nên làm vào ngày thất tịch

Bên cạnh những việc nên làm thì hãy tránh làm một số điều kiêng kỵ vào ngày này. 

3.2.1. Không tổ chức đám cưới

Theo quan niệm, ngày thất tịch là ngày Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau. Mặc dù yêu nhau nhưng họ chỉ được gặp nhau một ngày rồi sẽ phải xa nhau cả một năm. Vì vậy, nó được xem là một ngày không may mắn trong tình yêu, hôn nhân, mang ý nghĩa vợ chồng ly biệt, xa cách ngàn dặm.

Đây cũng là lý do mà người ra khuyên rằng không nên tổ chức cưới hỏi vào ngày này. Vợ chồng dễ xảy ra bất hòa, ly tán. Thêm vào đó, tháng 7 trời thường mưa nhiều, việc làm đám cưới, ăn hỏi, rước dâu… vào thời gian này thường gây bất tiện, khó khăn. Người ta tự nhiên cũng ít tổ chức đám cưới vào tháng 7 hơn.

3.2.2. Không xây nhà vào ngày 7/7

Xuất phát từ nguyên nhân thời tiết, vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm đều có mưa suốt cả ngày. Nếu như xây dựng nhà cửa gặp thời tiết xấu sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng tới công việc và chất lượng công trình. Do đó, người ta tránh xây dựng nhà cửa vào ngày này.

Cũng theo một nguyên nhân khác được cho là từ quan niệm tháng 7 âm lịch là “tháng cô hồn”. Ma quỷ sẽ lên trần gian để quấy phá, gây rối loạn và đem lại những điều không tốt đẹp. Vì vậy, người ta cho rằng vào tháng này không nên làm những việc lớn, trong đó điển hình là xây dựng nhà cửa.

Vua Nệm và các bạn đã vừa tìm hiểu về lễ thất tịch, nguồn gốc ý nghĩa, những việc nên làm và không nên làm. Hy vọng các bạn đã hiểu hơn về ngày lễ đặc biệt này. Hãy làm những điều tốt đẹp vào ngày lễ thất tịch và tránh những điều không nên để gặp được nhiều may mắn trong chuyện tình cảm, cuộc sống và gia đình bình an nhé!

Bài viết liên quan:

Tôn Vân
Tôn Vân