Hằng năm, cứ đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, mọi người trên khắp cả nước lại nô nức hướng về Đền Hùng thắp hương để tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc. Nhưng, vì sao 10/3 lại được chọn làm ngày giỗ tổ Hùng Vương? Và theo sử sách ghi lại, có đến 18 đời vua Hùng, vậy 10/3 thực chất là ngày giỗ của ai. Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau để có câu trả lời.
Nội Dung Chính
1. 18 vị vua Hùng gồm những ai?
Trong sách “Hỏi gì đáp nấy”, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng cho biết “18 đời Vua chỉ là con số tượng trưng, có nghĩa là nhiều đời Vua, truyền nối lâu dài. Không ai biết được chính xác 18 vua Hùng có tên là gì cả”
Trong khi đó, ở cuốn “Thế thứ các triều vua Việt Nam”, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã liệt kê đầy đủ và rõ ràng 18 vị vua Hùng. Tuy nhiên, tác giả cũng đưa ra quan điểm nhận định “18 đời vua Hùng không phải là 18 người cụ thể, mà là 18 chi (nhánh/ngành). Mỗi chi sẽ có nhiều vị vua luân phiên thay nhau trị vì và dùng chung thương hiệu”
Tên của 18 vị vua Hùng trong “Thế thứ các triều vua Việt Nam” được liệt kê như sau
1. Kinh Dương Vương
2. Hùng Hiền Vương, còn được gọi là Lạc Long Quân. Huý là Sùng Lãm
3. Hùng Lân Vương
4. Hùng Diệp Vương
5. Hùng Hi Vương
6. Hùng Huy Vương
7. Hùng Chiêu Vương
8. Hùng Vĩ Vương
9. Hùng Định Vương
10. Hùng Hi Vương (nhưng chữ “hi” trong tên gọi này và tên gọi ở trên khác nhau về tự dạng và ý nghĩa)
11. Hùng Trinh Vương
12. Hùng Vũ Vương
13. Hùng Việt Vương
14. Hùng Anh Vương
15. Hùng Triêu Vương
16. Hùng Tạo Vương
17. Hùng Nghị Vương
18. Hùng Duệ Vương
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN), nhà nước Văn Lang kéo dài tận 2.622 năm. Nếu thực sự chỉ có 18 vị vua Hùng trị vì thì trung bình mỗi người phải sống thọ khoảng 150 tuổi! Điều này quá vô lý, vì các vị vua Hùng không thể sống lâu được như vậy
Do đó, các nhà sử học vẫn nghiêng về kết luận, con số 18 không phải là số đời vua, mà là 18 chi (nhánh/ngành). Mỗi ngành gồm nhiều đời vua mang chung vương hiệu. Khi hết một ngành sẽ đặt tên theo một vương hiệu mới.
2. Giỗ tổ Hùng Vương: Cụ thể là giỗ ai?
Truyền thuyết kể lại, Kinh Dương Vương kết duyên cùng Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sánh đôi cùng Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Như vậy, Hùng Vương là cháu của Kinh Dương Vương. Tên gọi Hùng Vương cũng được dùng làm niên hiệu cho các triều vua tiếp sau đó. Chính vì vậy, Giỗ tổ ở đây chính là ngày giỗ của Kinh Dương Vương – vị Tổ phụ đã khai sinh ra đất nước.
Theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, ngày giỗ tổ đã có cách đây khoảng 2.000 năm. Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.
Các đời vua sau cũng luôn ghi nhớ cội nguồn, khẳng định công lao to lớn của các vua Hùng khi đã gầy dựng giang sơn. Chính vì thế, hàng năm họ luôn dành một ngày để tưởng nhớ những người đầu tiên đã xây dựng lên đất nước – các vị vua Hùng nói chung.
3. Vì sao ngày 10/3 là giỗ tổ Hùng Vương?
Vì sao mọi người lại lấy ngày mùng 10 tháng 3 làm giỗ tổ Hùng Vương? Trước đây, người dân chưa có tục đi lễ vào ngày 10/3. Họ thường chọn ngày hợp bản mệnh của mình để đến bái lễ các vị vua Hùng. Những dịp mà người dân đi lễ nhiều thường là đầu năm hoặc cuối năm. Do đó, thời gian lễ bái sẽ kéo dài suốt năm chứ không cố định một ngày nào cả. Như thế sẽ không có một ngày cụ thể nào để toàn dân cùng hướng về nguồn cội.
Nhận thấy điều này, vào năm 1917, ông Lê Trung Ngọc – Tuần phủ Phú Thọ đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin lấy ngày 10/3 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ tổ cho toàn quốc
>> XEM THÊM: Dịp lễ 30/4, 1/5 năm 2022 được nghỉ mấy ngày? Lịch nghỉ lễ chi tiết nhất
Từ đó về sau, vào ngày 10/3, nhân dân cả nước lại cùng nhau dành một ngày để tưởng niệm và tôn vinh công lao của các vị vua Hùng. Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng 10/3.
Nguồn tham khảo: Wiki