Sức khỏe giấc ngủ

Cận thị là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, cách chữa trị cận thị

CẬP NHẬT 11/01/2023 | BỞI Minh Anh

Hiện nay, cận thị được xem là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực hàng đầu trên thế giới. Theo thời gian, chứng rối loạn thị giác này có thể nặng hơn. Không chỉ khiến thị giác trở nên suy yếu, cận thị còn thay đổi cấu trúc của đôi mắt, khiến người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh về mắt trong tương lai. Vậy nên để hạn chế tình trạng này, chúng ta nên tìm hiểu cận thị là gì, dấu hiệu, nguyên nhân và cách chữa trị chứng cận thị. Cùng giải đáp những thông tin này một cách chi tiết thông qua bài viết sau đây của Vua Nệm nhé.

1. Cận thị là gì?

Cận thị được xem là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất hiện nay. Khi mắc chứng cận thị, người bệnh thường chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng rất khó để nhìn các vật ở xa. Với những người bị cận thị, hình ảnh sẽ được được hội tụ trước võng mạc, thay vì hội tụ ở võng mạc như bình thường. Do đó mà khi bị cận thị, người bệnh nhìn vật ở xa thường sẽ phải nheo mắt.

Cận thị là gì
Cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất khiến người bệnh bị suy giảm thị giác

2. Dấu hiệu khi mắc bệnh cận thị là gì?

Khi bị cận thị, chúng ta thường gặp khó khăn khi nhìn các vật ở xa. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu khác khi mắc chứng cận thị đó là:

  • Quan sát các vật thể ở xa bị mờ
  • Thường xuyên nheo mắt khi quan sát vật gì đó
  • Nhức đầu do mỏi mắt khi quan sát vật thể trong thời gian dài
  • Khó quan sát vào điều kiện thiếu ánh sáng

Thông thường, tình trạng cận thị có thể được phát hiện sớm ở độ tuổi thanh thiếu niên. Khi mắc tình trạng này, trẻ thường có một số biểu hiện như sau:

  • Trẻ không thể xem tivi ở khoảng cách thông thường mà cần lại gần mới xem được
  • Đọc sách hoặc đọc chữ trên bảng thường bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay dò theo các chữ khi đọc
  • Tại lớp học trẻ không thể nhìn rõ chữ trên bảng
  • Trẻ viết sai nhiều, thiếu chữ hoặc phải chép lại từ bạn học
  • Khi đọc sách cần cúi gằm mặt
  • Nhìn vật ở xa thường nheo mắt hoặc nghiêng đầu
  • Dụi mắt thường xuyên, hay chảy nước mắt, nhức mắt và nhức đầu
  • Mắt nhạy cảm, dễ bị chói và sợ ánh sáng
Triệu chứng của cận thị
Khi bị cận thị, chúng ta thường gặp khó khăn khi nhìn các vật ở xa

3. Nguyên nhân gây cận thị là gì?

Có rất nhiều nguyên dân dẫn đến cận thị, có thể kể đến như:

  • Cận thị do di truyền: Bố mẹ mắc chứng cận thị thì con có khả năng cận thị cao hơn.
  • Cận thị do sinh hoạt thiếu khoa học: Trẻ từ 10 – 16 tuổi có khả năng cao mắc bệnh cận thị, bởi đây là thời gian phát triển hoàn thiện của nhãn cầu. Nếu trong thời gian này, trẻ học tập trong điều kiện thiếu sáng, dùng các thiết bị điện tử sớm, mắt không được nghỉ ngơi hợp lý  thì có thể gây ra chứng cận thị.

>>>Bạn đã biết: Bí quyết chăm sóc đôi mắt cận thị không bị tăng độ

4. Phân loại cận thị

4.1. Chứng cận thị đơn thuần (Simple Myopia)

Cận thị đơn thuần là chứng cận thị thường gặp nhất hiện nay và thường mắc phải ở trẻ từ 10 đến 18 tuổi. Những người bị cận đơn thuần thường cận dưới 6 độ, kèm với chứng loạn thị. 

Nguyên nhân của chứng cận thị đơn thuần là do mắt thường xuyên phải làm việc trong khoảng cách quá gần, hoặc nơi làm việc, học tập có ánh sáng yếu hoặc cũng có thể là do di truyền. Bệnh thường phát triển nhanh trong một thời gian, sau đó ngưng lại ở một độ cận nhất định.

4.2. Chứng cận thị thứ phát (Induced Myopia Or Acquired Myopia)

Nguyên nhân của chứng cận thị thứ phát thường là do sơ hóa thủy tinh thể, tác dụng phụ của một số loại thuốc kê đơn, hoặc do đường huyết tăng cao và nhiều nguyên nhân khác.

Nguyên nhân gây ra tình trạng cận thị
Nguyên nhân của chứng cận thị thứ phát có thể là do sơ hóa thủy tinh thể

4.3. Cận thị giả (Pseudo Myopia)

Cận thị giả thường xảy ra khi mắt phải điều tiết quá nhiều, từ đó khiến tầm nhìn xa của mắt bị suy giảm tức thời. Biểu hiện của cận thị giả cũng gần giống như tình trạng cận thị bình thường, tuy nhiên mắt sẽ phục hồi tầm nhìn sau khi được nghỉ ngơi.

4.4. Cận thị thoái hóa – còn gọi là Degenerative Myopia Or Pathological Myopia

Cận thị thoái hóa là loại cận thị nặng nhất. Người mắc chứng cận thị này thường có độ cận trên 6 đi ốp, đi kèm với thoái hóa võng mạc thuộc bán phần sau nhãn cầu. Chứng cận thị này khiến trục nhãn cầu liên tục bị dài ra, độ cận tăng nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời, cận thị thoái hóa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thoái hóa võng mạc, bong võng mạc, glôcôm… khiến thị giác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

5. Cận thị có chữa được không?

Chứng cận thị có thể chữa khỏi bằng cách phẫu thuật giác mạc. Tuy nhiên với trẻ dưới 18 tuổi thì chưa thể phẫu thuật tật khúc xạ. Vậy nên với những trẻ chưa đủ 18 tuổi thì phương pháp tốt nhất là đeo kính gọng hoặc kính áp tròng đêm. Nếu đeo kính, cha mẹ cần đưa con đi khám mắt định kỳ để kiểm tra tình trạng bệnh, thay kính phù hợp kịp thời để đảm bảo thị lực cho trẻ.

5.1. Phẫu thuật Phakic

Phẫu thuật Phakic hay còn được gọi là đặt kính nội nhãn. Phương pháp này thường được áp dụng với những người độ cận cao nhưng không đủ điều kiện phẫu thuật khúc xạ. Dù có thể khắc phục được chứng cận thị nhưng nhược điểm của phương pháp này là thời gian phục hồi lâu hơn phẫu thuật khúc xạ, gây nguy cơ tăng nhãn áp, có khả năng bị viêm nhiễm.

Phương pháp chữa cận thị
Phẫu thuật Phakic áp dụng với người độ cận cao nhưng không đủ điều kiện phẫu thuật khúc xạ

5.2. Đeo kính gọng

Hiện nay, đeo kính gọng là phương pháp khắc phục cận thị phổ biến và ít tốn kém nhất. Người bị cận sẽ dùng dạng mắt kính thấu kính phân kỳ, giúp họ nhìn rõ hơn. Tuy vậy khi đeo kính, chúng ta sẽ gặp phải một số bất tiện như tầm nhìn hạn chế khi trời mưa, hạn chế việc tham gia các bộ môn thể thao hoạt động mạnh. Đặc biệt, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không có khả năng điều trị cận triệt để và chỉ sử dụng được một thời gian, cần thay kính thường xuyên để đảm bảo phù hợp với mắt.

>>>Đọc thêm:

5.3. Đeo kính áp tròng

Kính áp tròng cận cũng là giải pháp được nhiều người yêu thích. Ưu điểm khi đeo kính áp tròng đó là khá tiện lợi, dễ dàng hoạt động, thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, đeo kính áp tròng có thể gây các bệnh về mắt, mắt dễ bị khô. Chi phí cho thuốc nhỏ mắt, dung dịch ngâm lens cũng khá cao và yêu cầu thay mới sau một thời gian sử dụng.

5.4. Phương pháp Ortho K

Với những người chưa đủ điều kiện phẫu thuật hoặc không muốn phẫu thuật thì người ta thường chọn phương pháp Ortho K. Đây là kính áp tròng ban đêm, giúp người bệnh khử độ cận tạm thời nhờ khả năng chỉnh hình giác mạc. Tuy nhiên, phương pháp Ortho K không đạt hiệu quả cao với những ai có độ cận nặng và chỉ có tác dụng tạm thời. Giá kính Ortho K cũng khá đắt đỏ, có khả năng gây viêm nhiễm mắt nếu không sử dụng đúng cách.

Chỉnh hình giác mạc
Chỉnh hình giác mạc bằng phương pháp Ortho K có hiệu quả tạm thời

5.5. Phẫu thuật tật khúc xạ

Phẫu thuật khúc xạ cũng được nhiều người lựa chọn trong những năm gần đây. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao, an toàn, thời gian hồi phục nhanh và quan trọng nhất là có thể điều trị triệt để tật khúc xạ. Tuy vậy, nhược điểm của phương pháp này là giá cả cao và nhiều người còn lo sợ đối với việc động “dao kéo” ở vùng mắt.

5.6. Phẫu thuật thay thủy tinh thể

Để điều trị cận thị, người ta còn có phương pháp phẫu thuật thay thủy tinh thể. Phương pháp này thường được áp dụng với những người có độ cận quá cao và không thể khắc phục bằng những cách khác.

Cận thị cũng có thể khắc phục phần nào nhờ vào các bài tập dành cho mắt và chế độ ăn hợp lý. Hy vọng với những thông tin mà Vua Nệm cung cấp trên đây, bạn đọc đã hiểu cận thị là gì cùng với những kiến thức hữu ích xoay quanh tật khúc xạ này. Đừng quên khám mắt định kỳ để được bác sĩ đưa ra lời khuyên tốt nhất bạn nhé.

>>>Đọc thêm: Bật mí 10 thực phẩm tốt cho đôi mắt sáng khỏe và tinh anh

Bài viết liên quan:

Avatar
Minh Anh