Ớt chuông là loại quả có vị ngọt, thịt dày, không cay, màu sắc đa dạng như đỏ, cam, nâu, vàng… Ớt chuông chứa nhiều vitamin như A, C… cùng nhiều chất dinh dưỡng khác. Nếu bạn cũng yêu thích các món ăn từ loại quả này thì có thể học theo cách trồng ớt chuông đơn giản trong bài viết dưới đây của Vua Nệm.
Nội Dung Chính
1. Chuẩn bị vật dụng, nguyên liệu trồng ớt chuông
Trước khi thực hiện cách trồng ớt chuông, để quá trình trồng cây thuận lợi, bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ và nguyên liệu cần thiết dưới đây:
1.1. Hạt giống
Bạn có thể mua hạt giống ở các cửa hàng bán giống cây trồng hoặc các nhà vườn, thậm chí bạn cũng có thể tận dụng hạt ớt chuông từ quả ớt vừa chín để làm giống.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều giống ớt chuông với màu sắc khác nhau, do đó mà bạn có thể chọn loại giống với màu quả mà mình yêu thích như: ớt chuông đỏ, ớt chuông xanh, ớt chuông vàng, ớt chuông tím…. Nếu mua giống ớt thì bạn cần chọn những cửa hàng uy tín để có được hạt giống chất lượng, tỉ lệ nảy mầm cao, khả năng sinh trưởng tốt và cho nhiều quả.
Trong trường hợp bạn tự lấy giống từ quả ớt chuông, bạn cần chọn những quả đã chín, mập mạp, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, hạt chắc và mẩy. Cách chọn hạt giống này cho chất lượng cây thấp hơn so với mua hạt giống từ cửa hàng, tuy nhiên, nếu may mắn thì tỉ lệ cây mọc cũng khiến bạn cảm thấy hài lòng.
1.2. Chuẩn bị đất trồng
Nên dùng đất phù sa hoặc đất có độ tơi xốp để trồng ớt chuông, độ pH trong khoảng từ 5,5-7 là tốt nhất. Nếu đất chưa đủ độ tơi xốp, bạn có thể trộn đất cùng với trấu, mùn cưa, rơm rạ đã hoai mục… Bạn cũng nên cho thêm một ít phân bón để cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh hơn như: phân xanh đã ủ, phân hữu cơ, phân trùn quế…
Bạn nên trộn đất trồng cây theo tỉ lệ: 3 đất sạch : 3 phân trùn quế : 2 giá thể trấu hun : 2 giá thể mùn dừa. Sau khi trộn đất trồng xong, bạn có thể sử dụng thêm chế phẩm nấm Trucoderma nhằm mục đích tăng cường các hệ sinh vật có lợi cho đất, phòng tránh một số mầm bệnh, giúp cây ớt chuông sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Ngoài ra, nếu bạn quá bận rộn hoặc không thể mua được những nguyên liệu trên cùng một lúc thì bạn có thể chọn loại đất đã trộn sẵn từ các cửa hàng chuyên bán đồ dùng, nguyên liệu trồng cây. Đất đã được pha trộn cùng với phân bón, giá thể làm đất tơi xốp nên có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để cây sinh trưởng.
1.3. Chậu cây
Chọn những chậu cây có độ sâu ít nhất là 25-30cm, đủ rộng rãi và có lỗ thoát nước dưới đáy chậu để cây sinh trưởng tốt, không bị bí hơi hay úng nước. Nên sử dụng các chậu cây màu sáng là tốt nhất, chọn chất liệu khó hấp thụ nhiệt. Tránh chọn những chậu có màu tối và làm từ chất liệu hấp thụ nhiệt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây bởi ớt chuông là loại cây không chịu được nhiệt độ cao.
Ngoài chậu cây, bạn có thể chọn thùng xốp để trồng cây để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ở xung quanh thùng xốp và ở dưới đáy thùng, bạn phải làm lỗ để cây thoát nước và đất có thể “hô hấp”, nhờ vậy mà bộ rễ của cây sẽ phát triển tốt hơn, không bị hư hại do ngập úng.
Sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, bạn cho đất đã trộn vào trong chậu và thùng xốp. Lưu ý là không nên cho quá đầy chậu, ít nhất là cách khoảng 5cm để đất trồng không bị đổ, vương vãi ra bên ngoài, việc chăm sóc cây cũng đơn giản hơn so với để đất ngập bề mặt chậu.
Đừng bỏ lỡ: Bật mí 5 cách trồng hành lá tại nhà cực đơn giản
2. Hướng dẫn cách trồng ớt chuông đơn giản, hiệu quả tại nhà
Cách trồng ớt chuông tại nhà khá đơn giản, chỉ cần một vài bước là bạn đã có thể hoàn thành, chỉ cần chăm sóc cây đúng cách là bạn có thể thu được thành quả. Dưới đây là một số lưu ý về cách trồng ớt chuông mà bạn có thể tham khảo.
2.1. Thời vụ
Thời vụ trồng ớt chuông phù hợp nhất là vụ đông xuân và vụ hè thu. Trong đó, vụ đông xuân là vụ lý tưởng nhất, cây ít bị sâu bệnh hại, sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao.
2.2. Cách trồng ớt chuông
Trước khi trồng, bạn mang hạt giống ớt chuông đi ngâm trong khoảng từ 8-12 giờ. Hạt giống được ngâm và ủ sẽ cho khả năng nảy mầm nhanh và đồng đều hơn so với gieo trực tiếp lên đất. Nếu muốn kích thích hạt nảy mầm nhanh hơn, bạn có thể sử dụng thêm một số loại phân bón như: Atonik, Comcat, Litosen…
Sau khi ngâm hạt xong, bạn rải đều hạt ớt chuông lên chậu đất đã chuẩn bị. Nếu có sẵn bã mía, xơ dừa, trấu hoặc mùn cưa thì bạn có thể rải thêm lên trên bề mặt chậu. Dùng bình xịt hơi sương để xịt lên đất nhằm cung cấp đủ độ ẩm cho hạt giống.
Khi cây ớt chuông đã cao khoảng 10-15 cm, nếu bạn muốn trồng ở những khu vực rộng hơn hay trồng ở đất vườn thì có thể tỉa cây (kèm theo cả bầu đất để trồng sang vùng đất mới). Trong trường hợp không cần tỉa cây thì bạn chỉ cần đặt chậu ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp rồi chăm sóc, tưới nước, bón phân để cây phát triển tốt hơn. Như vậy là bạn đã hoàn thành cách trồng ớt chuông một cách đơn giản, nhanh chóng rồi đấy.
3. Chăm sóc ớt chuông tại cho quả giòn ngọt, năng suất cao
Ngoài cách trồng ớt chuông thì việc chăm sóc, bón phân, trừ sâu bệnh cho cây cũng có vai trò rất quan trọng để cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Dưới đây là một số kinh nghiệm chăm sóc ớt chuông mà bạn có thể tham khảo.
3.1. Nhiệt độ, ánh sáng
Ớt chuông là loại cây không ưa nhiệt độ quá cao, nếu nhiệt độ ở quá ngưỡng chịu đựng sẽ khiến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây kém, năng suất không như mong muốn. Nhiệt độ phù hợp để trồng ớt chuông là từ 25-28 độ C.
Ánh sáng có vai trò rất quan trọng đối với khả năng ra hoa của cây ớt chuông. Nếu thiếu ánh sáng, tỉ lệ ra hoa của cây sẽ bị giảm, kéo theo đó là giảm sản lượng quả. Chính vì vậy, bạn nên đặt chậu cây ở những nơi nhận được ánh sáng ít nhất là 6 giờ mỗi ngày để tăng khả năng ra hoa, đậu quả của cây. Bạn cũng nên chọn những nơi không có gió quá mạnh vì thân cây ớt khá yếu, dễ bị đổ ngã nếu gió lớn.
3.2. Chế độ nước
Nước có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cây ớt chuông. Dân gian có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, do đó, bạn cần cung cấp đủ nước tưới cho cây ớt phát triển tốt nhất.
Lúc mới gieo hạt hoặc mới tỉa cây để trồng sang chậu mới, bạn cần tưới nước cho cây ít nhất là 2 lần mỗi ngày. Thời gian tưới tốt nhất là vào sáng sớm và chiều tối để giữ được nước, giảm khả năng bốc hơi của nước.
Khi cây đã sinh trưởng tốt, bạn có thể giảm số lần tưới cây xuống còn 1 lần mỗi ngày. Hạn chế tưới quá đẫm vì trời tối là lúc nấm bệnh sinh sôi, chỉ nên tưới vừa đủ để đảm bảo độ ẩm cho cây.
3.3. Bón phân
Sau 10-15 ngày trồng cây thì bạn phải tiến hành bón phân hữu cơ cho cây vì đây là giai đoạn mà cây sinh trưởng phát triển mạnh. Bạn có thể chọn một số loại phân như: phân bò đã hoai mục, phân gà, phân trùn quế… Đối với phân đạm, định kỳ bón 15-20 ngày một lần để đảm bảo sự phát triển của cây. Đợt bón thúc lần 2 các loại phân sẽ cách lần 1 khoảng 20 ngày.
3.4. Chiết chậu
Sau khi cây được khoảng 20-25 ngày, bạn chọn những cây khỏe mạnh để chiết tách, trồng sang chậu khác để cây phát triển nhanh hơn. Tưới nước đều đặn ngày 2 lần vào sáng và tối để cây phát triển. Không được tưới nước vào giữa trưa hoặc chiều nắng sẽ làm cây bị héo.
3.5. Tỉa cành
Sau 30 ngày, bạn tiến hành tỉa cành cho cây ớt chuông. Bạn cắt bỏ những cành, lá bị hư, sâu bệnh ăn hại để tránh ảnh hưởng đến các phần còn lại của cây. Tỉa cành còn giúp cho cây được thông thoáng, cây sẽ phát triển nhanh chóng hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý dọn cỏ cho cây khoảng 1-2 lần một tuần tùy theo lượng cỏ nhiều hay ít.
2.6. Thu hoạch
Sau khoảng 60-90 ngày trồng cây, bạn có thể thu hoạch ớt chuông. Ớt chuông có thể thu hoạch khi quả xanh, quả chín ngà hoặc chín hẳn tùy theo sở thích của bạn. Mẹo nhỏ cho bạn là nên hái cả cuống của quả để cây có thể sớm ra mầm mới.
Đọc thêm:
Bài viết trên đây của Vua Nệm đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách trồng ớt chuông tại nhà hiệu quả, cây cho nhiều trái. Chúc bạn thành công khi gieo trồng ớt chuông và có thể thu được thành quả của mình nhé.