Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một điểm nhấn ấn tượng giữa lòng Thủ đô. Bất cứ du khách nào ghé đến Hà Nội cũng háo hức được một lần đặt chân đến và chiêm ngưỡng tinh hoa văn hóa nước nhà tại bảo tàng này.
Trong bài viết dưới đây, Vua Nệm sẽ chia sẻ tất tần tật từ A – Z kinh nghiệm khám phá Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho những ai đang có ý định đến thăm Hà Nội nhé!
Nội Dung Chính
1. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Nơi lưu giữ giá trị di sản dân tộc
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, nằm trong hệ thống những Bảo tàng Quốc gia ở Việt Nam. Mỗi ngày, nơi đây thu hút rất đông du khách đến tham quan để tìm hiểu di sản văn hóa – nghệ thuật dân tộc cũng như chiêm ngưỡng lối kiến trúc đầy ấn tượng của tòa nhà.
Bảo tàng được hình thành qua những giai đoạn sau:
Năm 1937, người Pháp đã cho tiến hành xây dựng một tòa nhà ở Hà Nội và đặt tên là “Famille de Jeanne d’Arc”. Đây vốn là nơi lưu trú cho những đứa con gái có cha là quan chức người Pháp về Hà Nội để học tập.
- Từ 1957 – 1960: Tòa nhà trở thành trụ sở làm việc của phái đoàn Ba Lan.
- Từ 1960 – 1962: Trở thành nơi làm việc của nhiều chuyện gia người Liên Xô.
- Năm 1962: Tòa nhà được Nhà nước giao cho Bộ Văn hóa để cải tạo. Qua việc khắc họa thêm những kiến trúc đình làng của Việt Nam, nơi đây chính thức được chọn để trưng bày tác phẩm mỹ thuật đặc sắc.
- Năm 1966: Bảo tàng được khánh thành với tổng diện tích mặt bằng là 4.200m2, trong đó 1.200m2 là diện tích trưng bày.
- Năm 1997 – 1999: Diện tích trưng bày được mở rộng lên 3.000m2, lúc này tổng diện tích đạt đến 4.737m2.
2. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có địa chỉ ở đâu?
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có trụ sở chính tọa lạc tại 66 Nguyễn Thái học, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Bảo tàng còn có thêm một cơ sở 2 đặt tại Hoàng Cầu – Ô Chợ Dừa. Để tham quan bảo tàng, khách tham quan có thể di chuyển bằng đa dạng các phương tiện, chẳng hạn:
- Ô tô, xe máy, taxi: Chọn điểm xuất phát là Quảng trường Ba Đình, bạn bắt đầu đi theo đường Độc Lập, khi đến vòng xoay thì rẽ vào đường Chu Văn An. Đi tiếp thêm 500 mét, bạn rẽ trái đến đường Nguyễn Thái Học. Từ đây, bạn di chuyển thêm 150m nữa sẽ đến được Bảo tàng.
- Xe bus: Bạn có thể lựa chọn nhiều chuyến xe bus như 02, 18, 22A, 34, 28,… vừa để đến bảo tàng vừa tranh thủ ngắm đường phố Thủ đô.
Cơ sở 2 của bảo tàng được trang bị trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ phục chế, bảo quản những tác phẩm nghệ thuật. Mặt khác, nhiều cuộc hội thảo khoa học cũng được tổ chức tại đây.
3. Giờ mở cửa và giá vé của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thông báo thời gian mở cửa là từ 8:00 – 17:00 thứ Ba đến Chủ nhật hàng tuần, trừ ngày thứ Hai và những ngày lễ Tết.
Về giá vé, Bảo tàng cũng đã niêm yết giá vé cho từng đối tượng tham quan như sau:
3.1. Giá vé vào bảo tàng
- Vé vào cửa dành cho người lớn: 40.000 VNĐ/người.
- Vé vào cửa dành cho sinh viên, học sinh: 20.000 VNĐ/người.
- Vé vào cửa dành cho trẻ em, học sinh có độ tuổi từ 06 – 16: 10.000 VNĐ/người.
- Vé vào cửa cho trẻ em có độ tuổi dưới 6 và người khuyết tật nặng: Miễn phí.
3.2. Giá vé tham quan bảo tàng có hướng dẫn viên đi cùng
Trường hợp du khách muốn hiểu thêm những tư liệu về bảo tàng thì có thể thuê thêm người hướng dẫn viên đi cùng. Giá thuê hướng dẫn viên sẽ là 150.000 VNĐ/đoàn dưới 25 người. Hướng dẫn viên có thể thuyết minh bằng các ngôn ngữ là Việt, Trung và Anh.
Tùy vào nhu cầu mà bạn cân nhắc có thuê dịch vụ này hay không, tuy nhiên cần tránh thời gian nghỉ trưa là 11:30 – 13:30. Hướng dẫn viên sẽ thuyết minh về từng chủ đề, từng bộ sưu tập và thuyết minh tổng thể.
3.3. Giá vé tham quan bảo tàng dùng thuyết minh tự động
Đến với Bảo tàng, ngoài dịch vụ thuê hướng dẫn viên thì du khách cũng có thể trải nghiệm hệ thống thuyết minh tự động iMuseum. Chi phí để thuê dịch vụ này là 50.000 VNĐ/người lớn và 30.000 VNĐ/học sinh, sinh viên. Hệ thống này khá tân tiến, hiện đại khi tích hợp lên đến 9 ngôn ngữ gồm Việt, Anh, Nhật, Trung, Hàn, Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha.
4. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có gì đặc biệt?
4.1. Kho tàng di sản, tác phẩm nghệ thuật đồ sộ
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia, thêm vào đó là bộ sưu tập lên đến 20.000 hiện vật và tác phẩm nghệ thuật vô cùng quý giá. Ở phần trưng bày cố định, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng hơn 2.000 hiện vật theo thể loại, chất liệu cũng như tiến trình lịch sử:
- Mỹ thuật thời tiền sử, sơ sử: Là tiền thân của nền mỹ thuật Việt Nam. Những hiện vật mang đậm dấu ấn thời kỳ này bao gồm công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức, nhạc cụ, dụng cụ sinh hoạt và tượng nghệ thuật.
- Mỹ thuật giai đoạn thế kỷ XI – XIX: Bao gồm những hiện vật, di tích thể hiện đặc trưng đạo Phật, nghệ thuật điêu khắc Champa và kiến trúc cung đình
- Mỹ thuật giai đoạn từ thế kỷ XX – nay (mỹ thuật hiện đại – đương đại): Bao gồm những tác phẩm tranh sơn mài, điêu khắc, sơn dầu và đồ họa kể từ 1954 đến nay. Bên cạnh đó là những tác phẩm lịch sử giai đoạn 1925 – 1945 (hiện thực lãng mạn) và 1945 – 1954 (cách mạng kháng chiến).
- Mỹ thuật ứng dụng đời sống: Những vật dụng mang đậm giá trị nghệ thuật như đồ chạm khảm ốc, đồ dệt vải, xà cừ, tre, chạm trổ kim loại,…
- Mỹ thuật dân gian: Bảo tàng trưng bày bộ sưu tập với chuyên đề mỹ thuật dân gian chủ yếu giới thiệu về hai loại hình nổi bật là tranh dân gian và tượng dân gian. Cụ thể, tranh dân gian sở hữu những đường nét tươi sáng, đa dạng đề tài như sinh hoạt, thờ cúng, chúc tụng,… và nội dung sinh động. Trong khi đó, tượng dân gian được làm từ đất nung, chạm gỗ hay kim loại nhằm mô tả lại đời sống phong tục lâu đời.
- Bộ sưu tập gốm (thế kỷ XI – XX): Tái hiện lại các giai đoạn của gốm như gốm men ngọc, gốm men rạn họa tiết phù dung, hoa sen, hoa cúc,… hay gốm hoa nâu họa tiết cá, hổ, chim; gốm hoa lam men trắng; gốm hiện đại.
4.2. Không gian cafe thư giãn
Sau khi tham quan di sản, hiện vật thì du khách có thể nghỉ ngơi thư giãn tại quán cà phê nằm ngay trong khuôn viên bảo tàng. Nơi đây có thức uống mát lạnh, đồ ăn nhẹ thơm ngon và khung cảnh cực kỳ nên thơ, thoáng mát.
4.3. Không gian sáng tạo dành riêng cho cho trẻ em
Không gian này dành cho đối tượng trẻ em có độ tuổi từ 5 – 15, mở cửa vào lúc 9:00 – 11:30 và 14:00 – 16:30 hằng ngày với giá vé 50.000 VNĐ/ trẻ em. Bạn có thể lựa chọn chương trình hằng ngày hay chương trình đặc biệt cho bé. Đối với chương trình đặc biệt thì cần đăng ký trước.
Không gian này được mở từ năm 2011 và đặt tại tầng 3 Bảo tàng. Các bé đến đây sẽ được trải nghiệm làm họa sĩ, nhà điêu khắc hay chuyên gia giới thiệu mỹ thuật qua những hoạt động như vẽ tranh, ghép tranh, tô tranh, tô tượng,…
4.4. Những chương trình, triển lãm nghệ thuật hấp dẫn
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi tổ chức nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật đặc sắc thu hút nhiều khách tham quan, chẳng hạn như Sắc Xuân, Còn mãi với thời gian, Mùa xuân đất nước,…
XEM THÊM:
- Bảo tàng Hà Nội và những địa điểm du lịch không nên bỏ lỡ
- Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh – điểm đến nổi bật không thể bỏ qua
- Bảo tàng Quảng Ninh ở đâu? Khám phá từ A – Z “viên ngọc đen” bên vịnh Hạ Long
Trên đây là tất tần tật về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – điểm đến cho những ai say mê tìm hiểu văn hóa – lịch sử dân tộc. Qua bài viết, Vua Nệm hy vọng rằng trong tương lai, bạn sẽ có cơ hội đặt chân đến Bảo tàng ấn tượng này nhé!