Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 là một ngày lễ lớn ở các nước Đông Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Vào ngày này, nhiều gia đình sẽ chuẩn bị các mâm cỗ cúng để bày lên bàn thờ gia tiên. Vậy chính xác thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày gì? Có nguồn gốc như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nội Dung Chính
1. Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 là ngày gì?
Theo như Tiến sĩ Trần Long, trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học thuộc trường đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) cho hay, người Việt từ xa xưa ăn Tết vào tháng 11 âm lịch. Chính vì vậy, tháng 5 âm lịch là thời điểm giữa năm và cũng là lúc kết thúc vụ Chiêm, bước vào vụ Mùa.
Đây là thời điểm mà người làm nông sẽ tổ chức lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, và ăn mừng cho vụ mùa vừa qua, nên nó còn được gọi là Tết nửa năm. Kéo dài qua nhiều thập kỷ thì truyền thống ăn Tết ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch vẫn được giữ đến hiện tại và trở thành ngày đặc trưng của nền văn hóa lúa nước.
Tiến sĩ Trần Long cho hay, từ “Đoan” có nghĩa là bắt đầu, còn từ “Ngọ” mang nghĩa là giờ ngọ, tức là khoảng thời gian nóng nhất ở trong ngày từ 11 giờ đến 13 giờ chiều. Và Đoan Ngọ được hiểu là ngày mở đầu cho chuỗi ngày nóng nhất trong năm. Những người làm nông buộc phải quan sát thời điểm này để theo dõi thời tiết cho các vụ mùa. Do vậy mà phong tục Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam được hình thành.
2. Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch được xem là một ngày quan trong và là ngày truyền thống của nhiều đất nước thuộc Đông Á. Do vậy, nguồn gốc của ngày này ở các nước lại có sự khác nhau.
Tại Việt Nam cũng có một câu chuyện dân gian được lan truyền để nói về nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ. Ở một ngôi làng nọ, người dân đang mở tiệc ăn mừng linh đình cho một mùa vụ bội thu lúa thóc và hoa trái. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì có một tai họa ập đến.
Mọi cây trái và thực phẩm đã được thu hoạch vào hôm trước bị lũ sâu bọ gặm nhấm và làm hỏng hết tất cả. Quanh ngôi làng là không khí ảm đạm và u ám. Mọi người trong làng đều cùng nhau tìm cách để giải quyết cho vấn đề này nhưng đều không thành công.
Bỗng nhiên, có một người lạ mặt xuất hiện, tự xưng là Đôi Truân. Ông đã chỉ cho người dân ở đây đuổi lũ sâu bọ đi bằng cách mỗi nhà lập một bàn cúng với vật tế sẽ là bánh tro, trái cây rồi mọi người cùng bước ra trước nhà tập thể dục. Ai nấy trong làng đều cảm thấy lạ lẫm và nghi ngờ nhưng do hết cách nên vẫn làm theo.
Và chỉ một lúc sau, lũ sâu bọ đã té ngã như ngả rạ. Sau điều thần kỳ đó, người lạ mặt còn dặn dò dân làng cẩn thận rằng sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, do vậy, người dân hãy làm theo những gì ông dặn sẽ tiêu diệt được chúng.
Người dân cảm kích trước phép lạ. Họ định đến báo đáp cho Đôi Truân nhưng ông đã đi mất. Do vậy, để tưởng nhớ và biết ơn, người dân đã đặt cho ngày mùng 5 tháng 5 là ngày Tết diệt sâu bọ. Sau nhiều năm thì được đổi thành tên là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường diễn ra vào giờ ngọ.
3. Ý nghĩa của ngày Tết Đoan Ngọ
Ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ. Vì đây là khoảng thời gian giao mùa nên sâu bọ phát triển rất thuận lợi, dẫn theo các bệnh tật như cảm cúm, dịch bệnh và ốm đau.
Vì cũng được gọi là ngày Tết nên xét về bản chất thì nó cũng không hề kém quan trọng hơn so với Tết Đoàn viên hay Tết Nguyên đán. Đây cũng là dịp để mọi người trong gia đình tụ họp lại với nhau. Người ở xa thì quay về gia đình đoàn tụ, người ở gần thì chuẩn bị để đón Tết linh đình.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời gian của mùa vụ, thời điểm cây trái đâm hoa, ra quả mãnh liệt. Tùy theo từng vùng miền sẽ có những loại hoa trái đặc trưng khác nhau. Tuy khác nhau về sản phẩm thu hoạch nhưng mọi người đều chung một niềm vui là gặt hái vụ mùa và diệt sâu bọ.
Việc cúng tổ tiên trong ngày này để thể hiện lòng biết ơn và chia vui với những người đã đi trước một vụ mùa bội thu.
4. Các hoạt động thường gặp trong ngày Tết Đoan Ngọ
Trong ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch thì mỗi vùng miền lại có những hoạt động khác nhau. Bao gồm:
4.1. Hái lá thuốc
Đây là hoạt động thường gặp ở người người dân vùng cao hay những người ở nông thôn. Hái lá thuốc được hầu hết mọi người hưởng ứng rất mạnh mẽ vì nó là một phong tục trong ngày mùng 5 tháng 5 không thể thiếu.
Người dân ở nông thôn cho rằng, vào 12 giờ trưa sẽ là khoảnh khắc mà dương khí trở nên hài hòa nhất do ánh sáng mặt trời ở thời điểm này sẽ tỏa ra những tia nắng tốt nhất trong năm. Và nó sẽ có tác dụng chữa bệnh rất thần kỳ.
Những loại lá thuốc thường được hái là những nhóm cây cỏ có tác dụng chữa các bệnh về da hoặc đường tiêu hóa, đường ruột. Bằng cách thực hiện rất đơn giản như đun thành nước để uống hoặc giã nhỏ ra để bôi lên những vùng cần được chữa trị thì nó sẽ đem lại hiệu quả rất tốt.
4.2. Tắm lá mùi
Cây mùi hay còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như lá ngò, hay ngò rí. Đây là một gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt và nó cũng là một bài thuốc trị nhiều bệnh hiệu quả.
Theo truyền thống từ xa xưa được ông bà ta truyền lại thì việc tắm lá mùi trong ngày Tết Đoan Ngọ sẽ giúp giải trừ gió độc, các khí không tốt trong cơ thể được giải phóng, giúp giải cảm và mang lại thể trạng tốt.
4.3. Khảo cây
Vào thời điểm mặt trên lên đỉnh đầu trong ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều vùng miền, người dân sẽ đi khảo cây. Đây là một hành động đánh vào cây để kiểm tra và tìm ra những vấn đề mà cây đang gặp phải. Những cây được chọn để khảo là những cây bị sâu bệnh hoặc ít ra hoa trái.
Sẽ cần ít nhất là 2 người để thực hiện nghi thức ngày. Người thứ nhất sẽ trèo lên cây để đóng vai là cây. Người thứ 2 sẽ cầm dao và đưa ra câu hỏi như: “Tại sao năm nay cây không ra trái? Mùa sau phải ra nhiều trái nhé.”
Theo tương truyền rằng nếu thực hiện nghi thức này thì những mong muốn và ước nguyện của người khảo cây sẽ thành hiện thực. Do vậy người ta thường khảo cây để mong muốn cho vụ mùa tiếp theo được bội thu và sung túc.
4.4. Ăn tro ú
Bánh tro ú có công dụng giúp làm mát ruột, dễ tiêu hóa. Bánh được gói thành những hình kim tự tháp bé rồi luộc thành từng chùm, mỗi chùm gồm 10 cái để dễ đong đếm.
Đây là một nét văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Một món ăn tuy có phần đơn giản và dễ làm nhưng nó lại như sợi dây liên kết, thắt chặt tình cảm của người thân trong gia đình lại với nhau. Nhiều người cho rằng, trong ngày Tết Đoan Ngọ mà không ăn bánh tro ú thì không còn ý nghĩa gì nữa.
4.5. Ăn cơm rượu
Cơm rượu thường được nấu từ nếp cẩm lên men cùng với rượu. Đây là món ăn có vị khá đặc biệt, dù có hương thơm của men rượu nhưng lại có vị ngọt rất dễ ăn. Cơm rượu được xem là một bài thuốc giúp chữa bệnh suy nhược và đau bao tử.
Vào ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 thì nhiều gia đình sẽ quây quần bên nhau và cùng thưởng thức món ăn này. Sau khi ăn xong thì mọi người sẽ nói chuyện thoải mái với nhau, khiến cho bầu không khí trong ngày trở nên nhộn nhịp và đầm ấm hơn.
4.6. Ăn trái cây
Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch cũng trùng với thời điểm của vụ mùa. Các loại trái cây thơm ngon sau thời gian trồng trọt sẽ được gặt hái và thu hoạch.
Để biết ơn tổ tiên đã cho một vụ mùa bội thu thì việc thưởng thức và cúng điếu tổ tiên bằng các loại quả này là một điều cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, ăn trái cây cũng giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi những căn bệnh nguy hại.
4.7. Ăn thịt vịt
Theo nhiều nghiên cứu thì thịt vịt chứa nhiều chất dinh dưỡng và có tính mát, giúp giải nhiệt rất tốt. Do vậy, việc bổ sung các chất tốt cho sức khỏe là điều mà mọi người thường làm trong ngày Tết Đoan Ngọ.
5. Những điều nên kiêng kị trong ngày Tết Đoan Ngọ
5.1. Không soi gương sau nửa đêm
Theo dân gian quan niệm rằng, sau 12 giờ đêm ngày mùng 5/5 là lúc mà âm khí hoạt động mạnh mẽ nhất. Do vậy không nên soi gương hay chụp ảnh trước gương để tránh dẫn dụ tà khí, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và thậm chí gây ra một số hiện tượng khó lý giải.
5.2. Tránh dừng chân ở nơi âm u
Nhiều ông bà thường dặn con cháu trong gia đình khi ra khỏi nhà thì không nên dừng chân lại ở những nơi âm u, thiếu ánh sáng và nhiều tà khí như nghĩa trang, bệnh viện hay nhà tang lễ,… Vì điều đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, không chỉ nên tránh vào ngày này mà những ngày thường thì bạn cũng không nên dừng lại những nơi này.
5.3. Tránh làm mất, rơi tiền
Việc mất tiền vào ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 bị xem như đánh rơi tài lộc của bản thân mình khiến cho vận khí đi xuống. Do vậy, khi ra ngoài, bạn nên chú ý tư trang để tránh làm rơi hay mất tiền.
5.4. Không để dép lộn xộn
Theo tiếng Hán thì “giày dép” đồng nghĩa với từ ‘tà”, nên khi để giày dép lộn xộn cũng có nghĩa với việc dễ dụ tà khí vào nhà. Do vậy, hãy chú ý sắp xếp giày dép để gọn gàng, tránh ảnh hưởng đến đường tài lộc.
>> Xem thêm:
- Ngày 11/11 là ngày gì? Là ngày độc thân hay lễ hội mua sắm?
- Thứ 6 ngày 13 là ngày gì? Không nên làm gì vào ngày này?
6. Kết luận
Trên đây là những điều mà bạn có thể chưa biết về Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về một ngày lễ quan trọng của người dân Việt Nam.