Kích thước khổ giấy A0, A1, A2, A3, A4, A5, A6, A7 trong in ấn

CẬP NHẬT 11/07/2023 | Bài viết bởi: Hoàng Trinh

Giấy in là một trong những văn phòng phẩm không thể thiếu ở các công ty. Việc tiếp xúc với chúng hằng ngày khiến bạn cảm thấy những tờ giấy này không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, thế giới giấy in vô cùng phong phú với nhiều kích thước khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu về kích thước khổ giấy A0, A1, A2, A3, A4, A5, A6, A7 trong in ấn để sử dụng chúng đúng cách nhé!

1. Những tiêu chuẩn cho kích thước khổ giấy

1.1. Tiêu chuẩn quốc tế ISO 216

Đa số những khổ giấy thông dụng hiện nay đều phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 216. Tiêu chuẩn này được nghiên cứu và công bố bởi Viện tiêu chuẩn Đức vào năm 1922.

Tiêu chuẩn kích thước giấy ISO 216 gồm có 3 loại là A, B và C. Không phải tất cả mọi nơi đều sử dụng chung một loại giấy. Mỗi quốc gia sẽ có cho mình loại giấy thông dụng, như ở Việt Nam là loại A.

kích thước các khổ giấy
Các khổ giấy đều có tiêu chuẩn đã được thống nhất từ trước

Lịch sử hình thành và phát triển của các loại giấy in A, B và C khá khác nhau. Tuy nhiên có một điểm chung là nếu sử dụng 3 loại này thì chúng ta phải tuân theo những quy tắc mà tiêu chuẩn ISO 216 đề ra.

1.2. Tiêu chuẩn Bắc Mỹ

Riêng ở 3 nước Hoa Kỳ, Mexico và Canada, kích thước khổ giấy sẽ tuân theo tiêu chuẩn Bắc Mỹ. Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) cũng sử dụng đơn vị là inch để xác định kích thước giấy. Ngoài ra, họ còn dựa trên kích thước trang tính trên bội số tiêu đề. Các kiểu trang phổ biến gồm 8.5×11, 11×17, 17×22, 19×25, 23×35 và 25×38.

2. Các đặc điểm của khổ giấy cỡ A

Khổ giấy cỡ A là loại phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Sau đây là một số đặc điểm của cỡ giấy này:

  • Khổ giấy thuộc cỡ A đều có hình chữ nhật. Chiều dài của khổ giấy là căn bậc 2 của 2 lần chiều ngang.
  • Các cạnh của khổ giấy A0 sẽ luôn cố định là 841x1189mm vì lúc nào diện tích của nó cũng quy định ở mức 1m².
  • Trong cùng 1 cỡ giấy A, các khổ giấy được sắp xếp theo thứ tự lùi và khổ sau sẽ nhỏ hơn 1 nửa so với khổ trước.

3. Chi tiết kích thước khổ giấy cỡ A

Cỡ Kích thước 

(mm)

Kích thước 

(cm)

Kích thước (inches)
A0 841 × 1189 84,1 x 118,9 33,1 × 46,8
A1 594 × 841 59,4 x 84,1 23,4 × 33,1
A2 420 × 594 42 x 59,4 16,5 × 23,4
A3 297 × 420 29,7 x 42 11,69 × 16,54
A4 210 × 297 21 x 29,7 8,27 × 11,69
A5 148 × 210 14,8 x 21 5,83 × 8,27
A6 105 × 148 10,5 × 14,8 4,1 × 5,8
A7 74 × 105 7,4 × 10,5 2,9 × 4,1
A8 52 × 74 5,2 × 7,4 2,0 × 2,9
A9 37 × 52 3,7 × 5,2 1,5 × 2,0
A10 26 × 37 2,6 × 3,7 1,0 × 1,5
A11 18 × 26 1,8 × 2,6
A12 13 × 18 1,3 × 1,8
A13 9 × 13 0,9 × 1,3

4. Ưu điểm của khổ giấy cỡ A

4.1. Mang lại sự tiện lợi

Hầu như máy photocopy hay máy in nào hiện nay cũng đều được thiết kế để sử dụng khổ giấy chuẩn châu Âu. Do đó sẽ vô cùng tiện lợi, tiết kiệm và nhanh chóng nếu chúng ta thiết kế những nội dung vừa vặn với khổ giấy A có sẵn. Kích cỡ khổ giấy cụ thể cũng giúp việc chuẩn bị văn phòng phẩm diễn ra dễ dàng hơn.

kích thước của khổ giấy
Cỡ giấy A luôn có sẵn vì được sử dụng thường xuyên

4.2. Được sử dụng phổ biến

Nếu bạn là người thường xuyên phải sử dụng giấy tờ trong công việc thì chắc chắn sẽ phát hiện ra rằng khổ giấy cỡ A vô cùng phổ biến. Hiện nay các văn bản hành chính quan trọng cũng đều sẽ sử dụng cỡ giấy A. Một khi điều này thành thói quen, bạn không cần phải quá chú ý đến việc mình phải in ấn trên kiểu giấy nào, vì chắc chắn đó sẽ là khổ giấy cỡ A.

4.3. Thay đổi kích thước linh hoạt

Sự thay đổi kích thước của các khổ giấy cỡ A có tính liên kết rất chặt chẽ. Ví dụ khổ giấy A4 bằng một nửa khổ giấy A3. Vậy nếu bạn thiếu giấy A4 nhưng lại thừa nhiều giấy A3, hãy tận dụng cắt chúng ra làm đôi trước khi bổ sung giấy A4.

4.4. Có nhiều phần mềm hỗ trợ in ấn

Các phần mềm in ấn ngày nay đều có khả năng in ấn những khổ giấy thuộc cỡ A. Nhờ vậy mà công việc của bạn sẽ trở nên dễ dàng và chính xác hơn chỉ bằng vài lần nhấp chuột. Những phần mềm đó có thể là Adobe Photoshop, Word, Adobe Illustrator, Excel,.AutoCAD, CoreIDRAW,…

các kích thước khổ giấy
Các phần mềm hỗ trợ in ấn đều in được cỡ giấy A

5. Công dụng các khổ giấy cỡ A

5.1. Công dụng khổ giấy A4

Hiện nay, khổ giấy A4 chính là loại phổ biến nhất. Người ta dùng nó để in ấn tài liệu nơi công sở, văn bản pháp luật, đề thi,… Ngoài ra, nhờ có kích thước vừa phải mà giấy A4 còn được sử dụng để ghi chép thông tin, làm dụng cụ học tập. Khổ giấy A4 còn xuất hiện trên những quyển sách giáo khoa, tạp chí,…

5.2. Công dụng khổ giấy A5

Giấy A5 có kích thước bằng 1 nửa A4 nên khá nhỏ nhắn. Người ta thường dùng chúng để in biên lai, tờ rơi hay thiệp cưới. Tuy nhỏ nhắn nhưng vì tiện lợi để ghi chú và cất giữ nên khổ giấy A5 cũng xuất hiện nhiều trong đời sống, nhất là những cơ sở kinh doanh mua bán.

những kích thước khổ giấy
Khổ giấy A5 thường được dùng làm thiệp

5.3. Công dụng khổ giấy A3

Khổ giấy A3 có kích thước lớn hơn giấy A4 nên diện tích sử dụng cũng thoải mái hơn. Người ta thường sử dụng khổ A3 để in ấn những nội dung liên quan đến quảng cáo, làm album hình, catalogue. Bên cạnh đó, những túi giấy đựng đồ trong các cửa hàng thời trang ngày nay hầu hết sẽ dựa trên kích thước khổ giấy cỡ A này.

5.4. Công dụng khổ giấy A0

Tuy có kích thước lớn hơn rất nhiều so với khổ A4 nhưng khổ giấy A0 vẫn được sử dụng vô cùng phổ biến. Bạn rất dễ bắt gặp loại giấy kích cỡ này trong cuộc sống. Đặc biệt những bạn sinh viên học kiến trúc, họa sĩ hay kiến trúc sư, kỹ sư đều cần rất nhiều giấy A0 để phát thảo.

5.5. Công dụng khổ giấy A1

Mặc dù khổ giấy A1 không thể in được bằng Word nhưng lại cực kỳ thịnh hành khi các công ty muốn làm poster hay tài liệu phục vụ cho chiến dịch Marketing. 

5.6. Công dụng khổ giấy A6

Bạn sẽ luôn bắt gặp rất nhiều đồ dùng có kích thước bằng khổ giấy A6 trong cuộc sống nhưng không hề nhận ra. Khổ giấy A6 có chiều dài và chiều rộng khiêm tốn và rất thích hợp để làm sổ tay ghi chép, khăn giấy cá nhân, bưu thiếp, thiệp handmade,…

kích thước khổ giấy phổ biến
Kích thước khổ giấy A6 phù hợp với những quyển sổ tay

5.7. Công dụng khổ giấy A7

Kích thước khổ giấy A7 chỉ bằng một nửa khổ A6. Với diện tích khiêm tốn thì khổ giấy này thường được sử dụng chủ yếu cho quá trình in ấn hóa đơn mua hàng nhỏ lẻ, làm tem nhãn, mã vạch. Đôi khi, cũng sẽ có những tấm ảnh được in theo kích thước này.

5.8. Công dụng khổ giấy A9

Con số đi theo sau chữ A càng lớn thì kích thước khổ giấy sẽ càng nhỏ, điển hình như A9. Khổ giấy A9 chỉ thường được sử dụng để sản xuất những cuộn sticker bé xinh. Nhiều thương hiệu cũng dùng khổ giấy cỡ này để in logo và dán lên những mặt hàng do mình làm ra.

Như vậy là thông qua bài viết trên, Vua Nệm đã giúp bạn phần nào hiểu được khổ giấy cỡ A là gì và những kích thước của nó. Hy vọng rằng những chia sẽ này sẽ mang lại sự thuận tiện cũng như tính chính xác cho bạn khi phải sử dụng các khổ giấy trong đời sống và công việc.

Đánh giá post