Chuyện quanh ta

Vải mango là gì? Phân loại và ưu nhược điểm của loại vải này

CẬP NHẬT 24/06/2022 | BỞI Tiến Kiều

Vải mango là một trong những loại vải được ứng dụng trong ngành may mặc. Sở hữu nhiều đặc tính nổi trội nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, loại vải này có thể thiết kế và may ra nhiều mẫu mã kiểu dáng quần áo đa dạng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem vải mango là gì cùng những ưu nhược điểm của loại vải này.

1. Tìm hiểu vải mango là gì? 

1.1. Vải mango là gì? 

Vải mango là loại vải có độ mềm mại cao, co giãn nhẹ. Vải được cấu tạo từ hơn 90% là Poly và gần 10% còn lại là từ chất liệu Spandex. Loại vải này khá dày nhưng cũng có đặc tính thoáng mát và thấm hút mồ hôi ở mức ổn. Do vậy, được ứng dụng trong ngành may mặc với cả sản phẩm quần áo cho mùa hè và mùa đông. 

Nhờ độ dày dặn vừa phải nên vải khi may quần áo rất chuẩn form dáng, làm tôn lên đường nét cơ thể của người mặc chúng. Ngoài ra, chất liệu vải này cũng đem đến sự tươi trẻ, hiện đại, giúp dễ dàng di chuyển. 

vải mango là vải gì
Vẻ ngoài của chúng khá giống với vải lụa

Bên cạnh đó, loại vải này cũng có độ bền khá cao, sau một thời gian sử dụng cũng không bị xù lông và vẫn giữ được màu như ban đầu. Vải mango còn có thể được nhuộm thành nhiều màu sắc linh hoạt, nên được rất nhiều chị em yêu thích và lựa chọn hiện nay. Quần áo từ chất liệu này không quá già cũng không quá trẻ, mà sẽ phù hợp với mọi độ tuổi và mọi giới tính. 

1.2. Cách nhận biết vải mango 

So với các loại vải khác thì vải mango có bề mặt dày hơn. Khi sờ vào vải bạn cũng sẽ cảm nhận được độ trơn đồng thời vải có độ sáng bóng tự nhiên nhưng không quá mềm mại và bóng như vải lụa. 

chất vải mango
Cách nhận biết vải mango  từ những phương pháp đơn giản

Vải khá mềm và sờ vào mát tay. Thoạt nhìn qua, có thể bạn sẽ nhầm lẫn loại vải này với vải lụa. Nhưng khi đốt, vải mango sẽ có mùi hôi của nhựa và ngọn lửa cũng cháy chậm, để lại tro bị vón cục. 

1.3. Giá vải mango 

Trên thị trường hiện nay vải mango lại có mức giá khá bình dân khi chỉ dao động từ 45.000-90.000 đồng/m2. Tùy từng loại vải sẽ có giá thành khác nhau. Nhưng để tìm mua vải này sẽ không quá khó. Bạn chỉ cần đến bất kỳ chợ vải hoặc chợ truyền thống nào đều có thể mua được tấm vải ưng ý. 

2. Phân loại vải mango

2.1. Vải mango Hàn

Vải mango Hàn là loại vải được sử dụng rộng rãi nhất trên thị trường hiện nay. Vải có độ mềm mại cao, nhẹ và khá mát mẻ nhưng lại giữ được form dáng khá tốt. Khi sản xuất các sản phẩm quần áo từ chất liệu vải này, kết hợp với kỹ thuật may sẽ cho ra các mẫu mã đẹp mắt và cực kỳ hợp xu hướng. 

chất liệu vải mango
Vải mango Hàn có độ bóng, nhẹ nhàng

Loại vải này thường được sử dụng trong thời trang công sở là chủ yếu với các sản phẩm nổi bật như quần âu, quần ống rộng, áo blouse,…Bên cạnh đó, vải mango Hàn cũng được sử dụng trong các bộ trang phục độc đáo như jumpsuit hay váy maxi với các đường cắt xẻ táo bạo cho các buổi dạo phố với bạn bè hay thả dáng trên bờ biển. 

2.2. Vải mango Nhật

Vải mango Nhật có bề mặt mềm mại và mượt mà, được ví như nhung. Đồng thời, vải cũng có khả năng thấm hút mồ hôi cực tốt, phù hợp sử dụng cho cả mùa đông và mùa hè. Bề mặt vải bóng, giống như lụa, tạo cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng cho người mặc. Bên cạnh đó, nhờ sự sáng bóng của bề mặt vải cũng đem đến cảm giác sang trọng và lịch sự hơn cho bộ trang phục. 

Chính vì những lý do đó nên dòng vải này thường được sử dụng phổ biến để may áo sơ mi, váy dự tiệc,…

2.3. Vải mango cát

Khác với hai loại vải ở trên thì vải mango cát lại có tính sợi với bề mặt hơi nhám nên không có vẻ ngoài bóng sáng mượt. Vải có độ dày tương đối và khả năng thấm hút mồ hôi kém nhưng lại có độ bền cao. Do vậy, loại vải này thích hợp để may các loại trang phục cho mùa thu đông. 

chất vải mango là chất gì
Vải mango cát có độ dày nhất định

2.4. Vải mango lụa 

Vải mango lụa thường bị nhầm lẫn với vải lụa nhất nhờ bề mặt mềm mại, có độ sáng bóng và không bị xù lông trong quá trình sử dụng lâu ngày. Tuy nhiên, với loại vải này thì bề mặt vải lại có gợn sóng, đem lại sự sang trọng, trang nhã. Loại vải này cực kỳ thích hợp để sử dụng trong các bộ trang phục cho mùa hè.

Điểm trừ của vải mango lụa là độ co giãn thấp và không chịu được nhiệt cao cũng như không giữ được nhiệt nên sẽ bị hạn chế khi mặc vào mùa đông. 

3. Ưu nhược điểm của vải mango 

3.1. Ưu điểm 

  • Vải mango có khả năng giữ form dáng tốt, ít bị nhăn

Loại vải này có bề mặt giống với vải lụa nhưng chất lại tương đối giống với vải kate. Do vậy, chúng sở hữu khả năng hạn chế được các nếp nhăn, kể cả sau khi giặt máy. Vải vẫn sẽ giữ được nguyên các nếp thẳng như ban đầu. Bạn sẽ không phải tốn nhiều thời gian để là phẳng quần áo. 

Đồng thời, vải cũng có độ dày nhất định, giúp giữ form dáng tốt. Quần áo đứng form sẽ phô lên được toàn bộ cơ thể bạn tốt hơn. 

  • An toàn với làn da của người mặc

Loại vải này có độ mềm mại và êm ái cao, khiến nhiều chị em phải mê đắm. Cũng nhờ đặc tính này mà vải cực kỳ an toàn với làn da của người mặc. Bạn sẽ luôn cảm thấy êm ái và thoải mái khi hoạt động và di chuyển. 

chất vải mango như thế nào
Vải mango cực kỳ an toàn với làn da của người mặc
  • Mau khô 

Do trong vải mango có tới hơn 90% là Poly nên có khả năng thấm hút nước tốt. Song song với đó trong vải cũng có 10% là Spandex nên rất dễ thoát hơi nước. Khi phơi quần áo bằng vải này dưới nắng, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian để quần áo khô nhanh hơn. 

  • Độ bền cao

Các bộ trang phục từ vải mango có độ bền khá cao và không bị xù lông sau một thời gian sử dụng. Nếu biết cách giặt giũ và chăm sóc thì càng làm tăng độ bền cho loại vải này. 

  • Đa dạng về màu sắc

Vải mango trên thị trường được nhuộm với đa dạng màu sắc. Từ đó giúp cho người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn được bộ trang phục phù hợp với hoàn cảnh. 

3.2. Nhược điểm

  • Độ co giãn kém

Nhược điểm đầu tiên có thể kể đến của loại vải này đó là độ co giãn tương đối kém. Đây là một loại vải thô và sẽ khó thay đổi kích thước. Do vậy, trong quá trình chọn size quần áo, để lựa chọn được bộ trang phục vừa vặn nhất thì bạn sẽ phải thử để tránh mua phải các bộ quần áo không vừa người. 

  • Không chịu được nhiệt độ cao

Với vải mango, trong quá trình giặt giũ bạn sẽ cần để ý rất nhiều đến nhiệt độ nước. Do vải không chịu được nhiệt cao nên sẽ rất dễ bị co rút khi tiếp xúc với nước nóng. 

  • Không phù hợp khi mặc vào mùa đông

Một số loại vải mango có độ thoáng mát và không giữ được nhiệt nên sẽ không thể giữ ấm cho cơ thể của bạn vào mùa đông giá rét. 

4. Ứng dụng của vải mango trong ngành thời trang may mặc

Vải mango được ứng dụng khá nhiều trong ngành may mặc và được biến tấu thành nhiều bộ trang phục với nhiều phong cách. Tuy nhiên, chất liệu vải này thường được sử dụng nhiều nhất trong các bộ trang phục công sở. Nhờ khả năng giữ form và ít bị nhăn nên sẽ giúp dân công sở tiết kiệm được thời gian là ủi quần áo. 

chất vải mango là gì
Vải mango được ứng dụng nhiều trong ngành thời trang

Ngoài ra, vải mango cũng được sử dụng để may các bộ váy, đầm với các kiểu dáng khác nhau. Khi sử dụng loại vải này để may váy thì các nhà sản xuất thường sử dụng vải mango Hàn hoặc vải mango Nhật vì nó có độ bóng và độ mềm mịn cao. Đồng thời, các loại vải này giúp tôn dáng, tạo sự quyến rũ cho người mặc hơn. 

Bên cạnh đó, vải mango cũng được sử dụng để may các loại quần nhưng sẽ bị hạn chế ở một số loại quần tây và loại vải được sử dụng chủ yếu là vải mango cát nhờ chất khá thô và khả năng giữ form tốt. 

5. Cách chăm sóc, bảo quản quần áo vải mango

Với quần áo vải mango, bạn sẽ cần lưu ý một số điểm sau đây để giữ cho quần áo luôn bền đẹp. 

  • Không giặt nước nóng quá 30 độ C

Vải mango không chịu được nhiệt độ cao nên khi sử dụng nước trên 30 độ C sẽ khiến sợi vải dễ bị giãn hoặc co rút, làm hỏng cấu trúc sợi vải đồng thời làm hỏng bộ trang phục. 

Quần áo từ vải này nên giặt với nước lạnh sẽ giúp giữ được chất lượng như ban đầu và có độ bền lâu hơn. 

  • Không vắt hay xoắn vải khi phơi

Khi phơi các bộ trang phục vải này, tuyệt đối không được vắt hay xoắn vải để làm khô. Mặc dù vải có ưu điểm nổi trội là ít nhăn nhưng để đảm bảo độ bền trong quá trình sử dụng thì cần đảm bảo không tác động lực mạnh lên vải để đảm bảo tính thẩm mỹ cho bộ trang phục. 

Sau khi giặt, bạn chỉ nên giũ nhẹ cho ra bớt nước và phơi trong bóng râm hoặc nắng nhẹ. Quần áo sẽ cực kỳ nhanh khô, và bạn không cần phải quá lo lắng. 

  • Không giặt chung với các loại quần áo nhiều màu

Kể cả khi bộ quần áo vải mango của bạn không có màu sắc sặc sỡ thì bạn cũng nên phân loại quần áo trước khi giặt. Vì quần áo màu có thể sẽ bị phai màu sang bộ quần áo khác hoặc bị ố màu vải. 

chất liệu vải mango là gì
Cần phân loại quần áo trước khi giặt

6. Kết luận 

Trên đây là những giải đáp cho thắc mắc “Vải mango là gì?” cũng như các loại vải mango phổ biến và ưu nhược điểm của loại vải này. Vải mango có nhiều đặc điểm nổi bật giúp bộ trang phục của bạn trở nên hoàn hảo hơn bao giờ hết. 

Bài viết liên quan:

Tiến Kiều
Tiến Kiều