Ngày rằm tháng chạp có gì đặc biệt? Những lý giải khoa học 

CẬP NHẬT 02/11/2022 | Bài viết bởi: Ly Dương

Ngày rằm tháng chạp là một ngày quan trọng với người dân Việt Nam nói chung. Theo quan niệm dân gian thì tháng chạp được gọi là tháng củ mật, dễ bị xui xẻo, mất tiền. Do vậy, nhiều người thường chuẩn bị các mâm cỗ cúng vào ngày này. Vậy ngày rằm tháng chạp có gì đặc biệt? Cần lưu ý những gì? Hãy cùng tham khảo qua bài viết dưới đây. 

1. Ngày rằm tháng chạp là ngày nào? 

Tháng chạp hay tháng 12 âm lịch có 3 lễ cúng quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam. Đó là lễ cúng rằm tháng chạp, cúng ông Công ông Táo và cúng tất niên. Cúng rằm tháng chạp được coi là một sự khởi đầu mới cho mùa tết nguyên đán. Chính vì vậy mà các gia đình đều chuẩn bị rất tươm tất và kỹ càng cho mâm cỗ cúng cũng như các nghi lễ, hơn so với các ngày rằm khác trong tháng. 

Mâm cơm cúng ngày rằm tháng chạp
Mâm cơm cúng ngày rằm tháng chạp

Theo truyền thống từ xa xưa thì các gia đình thường cúng rằm tháng chạp vào đúng ngày, tức là ngày 15/12 âm lịch. Tuy nhiên, một số gia đình bận rộn công việc có thể thu xếp và cúng trước vào ngày 14 âm. Nhiều người vẫn tin rằng, với cúng tháng chạp không nên diễn ra quá sớm, mà chỉ nên cúng đúng ngày hoặc trước đó 1 ngày. 

2. Tại sao cúng Rằm tháng Chạp lại quan trọng?

Theo các tục lễ từ xa xưa, ngày sóc vọng tức mùng 1 đầu tháng và ngày rằm giữa tháng đã có từ rất lâu đời. Các lễ cúng được diễn ra vào ngày này để với mục đích cầu mong thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình trong tháng, trong tuần đó mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn. 

Đặc biệt, ngày rằm tổ chức lễ cúng được coi là ngày tưởng nhớ về cội nguồn, tổ tiên, làm đúng theo đạo lý uống nước nhớ nguồn.Và đó cũng là sợi dây kết nối các thế hệ để duy trì gia đạo và truyền thống trong các gia đình. 

Những ngày rằm trong tháng đã quan trọng nhưng đặc biệt ngày rằm tháng chạp lại quan trọng hơn cả. Bởi lẽ đây là ngày rằm cuối cùng của năm và được coi là một nghi thức cúng ngày sóc vọng cuối cùng  trong năm. Sau khi cúng rằm tháng Chạp thì mọi người sẽ tất bật để chuẩn bị cho tết nguyên đán. 

Do vậy, có thể coi đây là một lễ tạ ơn cuối năm. Vì sau đó sẽ đến lễ cúng ông Táo ngày 23 tháng chạp âm lịch để cúng riêng cho thần Bếp, tiễn thần về thiên đình báo cáo các gia sự trong năm, chứ không phải cúng thần linh hay tổ tiên nói chung. Còn bữa cơm tất niên để mang ý nghĩa gia đình sum họp hơn là ý nghĩa về tâm linh. Còn đến lễ cúng giao thừa thì đây lại là lễ mừng đón sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của đất trời. 

Rằm tháng chạp là ngày cúng thần linh, ông bà tổ tiên
Rằm tháng chạp là ngày cúng thần linh, ông bà tổ tiên

Chính vì lý do đó, trong tháng chạp chỉ có lễ cúng rằm là lễ tạ ơn thần linh và tổ tiên nên nó mang ý nghĩa đặc biệt, là ngày lễ sóc vọng cuối cùng trong năm. Nếu ngày rằm trong các tháng khác nhiều người chỉ cúng hoa quả thì đối với ngày này, đa số các gia đình sẽ làm mâm cúng mặn. 

Điều này có lễ cũng xuất phát từ những lý do thực tiễn. Do trong năm nhiều gia đình bận rộn nên chỉ có thể chú trọng vào các ngày đặc biệt cuối năm và chăm chút kỹ lưỡng hơn. 

3. Lễ cúng ngày rằm tháng chạp 

3.1. Cần chuẩn bị những gì? 

Mâm cúng ngày rằm tháng chạp thường có đầy đủ các lễ vật như sau: Hương, hoa tươi, mâm ngũ quả, trầu cau, nước sạch, nến. Đây là một mâm cúng lễ chay. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cúng thêm lễ mặn, bao gồm: Xôi hoặc bánh chưng, thịt gà luộc, giò/chả, các món mặn khác như xanh, món xào, món kho,…

Với các mâm cúng đồ mặn thì gia đình nào chuẩn bị tươm tất hơn thì có thể thêm vào đó các món ăn truyền thống của Việt Nam như xôi gấc để đại diện cho sự may mắn, gà luộc để đại diện cho sung túc, giò chả, nem rán, các món xào hay canh măng ở miền bắc và thịt kho hột vịt ở miền nam. 

Lễ cúng rằm tháng chạp không cần quá cầu kỳ, chỉ cần gia chủ thành tâm, thành ý thì mới được toại nguyện. Đây là nghi lễ tâm linh để tưởng nhớ các thần linh, ông bà tổ tiên và gửi gắm vào đó mong ước, hy vọng. Trong lễ cũng này, các gia chủ thường cầu bình an, sức khỏe, may mắn cho cả gia đình.

Ở một số địa phương, tùy theo phong tục tập quán thì một số gia đình ngoài việc chuẩn bị các mâm cỗ cúng thì họ còn làm thêm sớ để cầu bình an trên chùa. Theo các nhà sư thì trong ngày rằm tháng chạp sẽ cần giữ cho mình tâm hồn thanh tịnh và sạch sẽ. 

Mỗi vùng miền lại có những món ăn cúng khác nhau
Mỗi vùng miền lại có những món ăn cúng khác nhau

3.2. Văn khấn ngày rằm tháng chạp 

Dù là cúng ngày rằm tháng chạp hay bất kỳ ngày nào khác thì việc cúng lễ cũng cần thành tâm. Do vậy, gia chủ có thể khấn nôm cũng được. Có thể tham khảo bài khấn sau: 

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần 3 lạy)

Con kính lạy chín phương trời, con lạy mười phương chư Phật.

Con kính lạy các thần cai quản trong khu vực này.

Tín chủ con là: … Ở tại: …

Hôm nay nhằm ngày … tháng … năm …, đúng tiết Rằm tháng Chạp. Tín chủ con thành tâm sắm lễ hương hoa, trà quả, giấy tiền vàng bạc, thắp nén hương thơm, dâng lên trước án, thành tâm kính mời: các vị Thổ địa, Long mạch tôn thần, các vị thần cai quản trong khu vực này, cùng gia tiên nội ngoại.

Con kính xin các vị giáng lâm, chứng cho lòng thành, thụ hưởng lễ vật. Độ cho tín chủ chúng con được cả nhà yên vui, công việc thuận lợi, tài lộc tăng tiến. Cầu xin tâm đạo được sáng suốt, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lạy trước án, xin được các Ngài phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần 3 lạy).

Đọc thêm: Bài cúng rằm gia tiên, thần linh hàng tháng chuẩn nhất

4. Trong ngày Rằm tháng Chạp cần lưu ý điều gì?

Tháng chạp hay còn gọi là tháng củ mật. Đặt tên như vậy như một cách để nhắc nhở lẫn nhau của người xưa rằng trong tháng này, cần phải hết sức cẩn trọng, tránh tối đa các sai sót, đặc biệt trong ngày rằm tháng chạp. Và những điều cần kiêng kỵ trong ngày rằm tháng chạp mà bạn cần lưu ý đó là: 

4.1. Tránh gây gổ, tránh tranh cãi, xung đột

Vào dịp cuối năm thì tất cả mọi người ai nấy cũng đều căng thẳng, bận rộn. Từ đó, các mâu thuẫn, cãi cọ rất dễ xảy ra, dẫn đến những hành động sai lầm, làm việc sai trái hoặc chí ít cũng gây ra những năng lượng tiêu cực, ảnh hưởng đến vận khí trong năm mới. 

Các gia đình cần sống vui vẻ, hòa thuận, tránh cãi vã
Các gia đình cần sống vui vẻ, hòa thuận, tránh cãi vã

Một nguyên nhân khác để kiêng gây gổ, cãi nhau trong ngày này đó là nỗi lo của ông bà tổ tiên khi về thăm con cháu. Nếu thấy hay nghe những điều không hay thì sẽ tránh phạt. 

Đặc biệt với những người làm kinh doanh, buôn bán cũng nên tránh nóng nảy, cãi cọ vì sẽ khiến tài lộc ra đi, buôn bán ế ẩm hơn. 

4.2. Không nhặt tiền rơi 

Trong dân gian cho hay, vào ngày rằm tháng chạp, nhiều gia đình sẽ tổ chức cúng bái cũng như rải tiền để dẫn đường cho ma quỷ ra ngoài. Nếu nhặt tiền rơi thì sẽ dễ bị ma quỷ quấy rối. 

Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện đại ngày nay, chúng ta nên kiêng theo các “kiểu mới” đó là không chiếm dụng tiền rơi, nếu không tìm được chủ nhân thì có thể mang tiền đi quyên góp, từ thiện. 

4.3. Kiêng vay mượn

Ông bà ta cho rằng nếu vay mượn vào dịp cuối năm, đặc biệt trong tháng chạp thì sẽ không đem lại may mắn vì món nợ sẽ bị chồng chéo, vắt sang năm mới. Từ đó báo hiệu một năm đen đủi và nợ nần chồng chất, không làm ăn được. 

Do vậy, nếu trong năm có vay nợ ai thì cũng nên trả hết trong năm cũ. Theo quan điểm hiện đại, nên tránh vay mượn trong tháng chạp để tránh gây phiền phức cho người khác. Đặc biệt dịp cuối năm thì ai cũng cần tiền để giải quyết công việc và sửa soạn chuẩn bị cho một cái tết no ấm. 

Kiêng vay nợ tiền để tránh nợ nần sang năm mới
Kiêng vay nợ tiền để tránh nợ nần sang năm mới

4. 4. Tránh để nhà cửa bừa bộn, ẩm mốc

Trong tháng chạp, nếu nhà cửa bừa bộn, ẩm mốc thì sẽ đem lại điều xui xẻo cho cả gia đình trong năm mới, theo quan điểm dân gian. Và trong thực tế, môi trường sống ô nhiễm sẽ khiến các thành viên trong gia đình dễ ốm đau, dẫn tới công việc trì trệ, mất tiền khám chữa bệnh. 

4.5. Tránh đổ vỡ

Trong nhiều nền văn hóa ở thế giới và cả ở Việt Nam cũng không ngoại lệ thì đồ đạc bị vỡ là điềm xui xẻo. Vì vậy mà mọi người đều hết sức cẩn thận trong thời điểm này. Nếu đồ đạc bị vỡ, điều xui rủi dễ nhận thấy nhất đó là mất đồ, tốn tiền bạc để mua lại và đặc biệt là nguy cơ tai nạn thương tích cho mọi người. 

Tránh làm rơi vỡ đồ đạc
Tránh làm rơi vỡ đồ đạc

4.6. Không làm việc quá sức

Tháng chạp là tháng cuối cùng trong năm nên nhiều người thường cố gắng cày cuốc để kiếm thêm tiền, cho một cái tết no ấm. Nhưng trong tháng này cũng có rất nhiều việc trong gia đình. Do vậy, bạn cần tránh làm việc quá sức, giữ sức khỏe và tinh thần sáng suốt nhất để có thể sắp xếp và giải quyết công việc một cách khoa học. 

Sự kiệt sức, bệnh tật có thể dẫn tới các quyết định sai lầm, từ đó tạo thành vận đen trong năm, ảnh hưởng đến cả năm mới. 

Đừng bỏ lỡ: Chuẩn bị mâm lễ cúng rằm tháng 7 cần lưu ý điều gì?

5. Kết luận 

Ngày rằm tháng chạp là ngày đặc biệt quan trọng trong năm. Đó là ngày rằm cuối cùng và cũng là ngày bắt đầu cho sự chuẩn giao giữa năm mới và năm cũ, báo hiệu cho mọi người đã đến lúc để chuẩn bị cho dịp tết nguyên đán sum vầy bên gia đình. 

Đánh giá post