Nệm cao su thiên nhiên là một trong những dòng sản phẩm được yêu thích nhất trên thị trường hiện nay. Bên cạnh giá cả, chất lượng, nhiều người tiêu dùng cũng rất băn khoăn về nguồn gốc cao su thiên nhiên là gì và công thức cấu tạo của cao su thiên nhiên. Tất cả sẽ được Vua Nệm giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.
NỘI DUNG CHÍNH:
1. Cao su thiên nhiên là gì?
Cao su thiên nhiên là một loại chất liệu được khai thác từ chính mủ cây cao su Hevea Brasiliensis. Chất lỏng có màu trắng đục, tương tự như sữa bò chứa bên dưới vỏ cây.
Cây Hevea Brasiliensis trưởng thành ở năm thứ bảy và có thể khai thác liên tục trong khoảng 30 năm. Năng suất mủ cao su dao động trung bình khoảng 2,5 tấn trên 1 hecta. Tại các nông trường cao su lớn hơn, năng suất có thể cao gấp bốn lần so với con số trên.

Thời xa xưa, mủ cao su tự nhiên thường sản xuất trên khu vực Amazon với số lượng lớn. Sau đó, các nước đế quốc đã đem loại cây trồng này về các nước thuộc địa như Malaysia, Indonesia, Việt Nam và các vùng Viễn Đông khác do vị trí địa lý và khí hậu tại các nước cực kỳ phù hợp để sản xuất và thu hoạch cao su tự nhiên.
Đến nay, hơn 90% tổng sản lượng cao su tự nhiên trên thế giới đến từ các quốc gia châu Á, bao gồm Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanka và tất nhiên không thể thiếu Việt Nam.
2. Cấu tạo cao su thiên nhiên
Công thức cấu tạo của cao su thiên nhiên là polime của isopren – polyisoprene. Mạch đại phân tử được cấu thành từ các mắt xích isopren liên kết với nhau chủ yếu ở vị trí 1,4 theo đồng phân cis. Ngoài ra, khoảng 2% mắt xích liên kết ở vị trí 3,4.
Nếu bạn muốn biết cao su thiên nhiên có thành phần chính là gì thì hãy tìm hiểu sâu hơn về tính chất hóa học. Cao su thiên nhiên có công thức là (C5H8)n, tương đương với một chuỗi dài các đơn vị isopren. Cấu trúc mạch cacbon khá đặc biệt với nhiều nhánh và khả năng xoắn lại. Nhờ đó, khi bị tác động, cao su có thể dễ dàng phục hồi về hình dạng ban đầu.

3. Tìm hiểu chi tiết nguồn gốc của cao su tự nhiên
Khoảng 3.000 năm trước, nền văn minh Maya cổ đại đã biết cách khai thác nhựa cây để tạo ra các vật dụng từ cao su thiên nhiên như tượng nhỏ và bóng dùng trong các nghi lễ hoặc trò chơi. Những phát hiện khảo cổ học tại khu vực Trung bộ châu Mỹ cũng ghi nhận sự xuất hiện của các quả bóng cao su cứng, được sử dụng phổ biến trong khoảng thời gian từ năm 300 TCN đến 250 SCN, cho thấy kỹ thuật chế tác cao su đã khá phát triển từ thời kỳ này.
Vào năm 1492, khi nhà thám hiểm Christopher Columbus đặt chân đến châu Mỹ, ông đã tận mắt chứng kiến những người bản địa chơi đùa với các quả bóng có độ nảy đặc biệt. Điều khiến ông và đoàn thám hiểm ấn tượng là chất liệu tạo nên quả bóng – một loại nhựa màu trắng đục, được thu hoạch từ một loài cây rừng. Khi để khô, loại nhựa này trở nên dẻo dai, đàn hồi và không thấm nước. Về sau, nó được gọi là “cao su”, gắn liền với hình ảnh “cây biết khóc” vì nhựa tiết ra từ thân cây giống như nước mắt.
Đáng chú ý, theo nghiên cứu được công bố năm 2010 bởi Viện Công nghệ MIT (Mỹ), các nền văn hóa cổ Trung Mỹ không chỉ biết sử dụng cao su mà còn có những hiểu biết rất sớm về công nghệ vật liệu. Họ đã biết kết hợp cao su thô với các thành phần khác để thay đổi đặc tính vật lý của nó – từ đó tạo ra các sản phẩm phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Điều này chứng tỏ cao su không chỉ là chất liệu tự nhiên mà còn là một trong những vật liệu đầu tiên được con người “tùy biến” một cách có chủ đích từ hàng thiên niên kỷ trước.
4. Ưu điểm, nhược điểm của cao su thiên nhiên là gì?
Cao su tự nhiên đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, song hành với những ưu điểm nổi bật, loại vật liệu này cũng tồn tại một số hạn chế nhất định.
4.1. Ưu điểm của cao su thiên nhiên
Chính nhờ những ưu điểm vượt trội mà cao su thiên nhiên nhiên đã trở thành một trong những vật liệu không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.
- Tính an toàn cao: Cao su thiên nhiên gồm 100% mủ cây cao su và không bao gồm các chất độc hại cho cơ thể. Khi nằm nệm cao su thiên nhiên, người tiêu dùng không phải đối mặt với các nguy cơ như bệnh đường hô hấp hay các bệnh về da liễu do vi khuẩn và bụi mạt khó có cơ hội xâm nhập vào bên trong nệm (trừ khi nệm đã hết tuổi thọ).
- Khả năng kháng khuẩn: Cao su tự nhiên ngăn chặn sự phát triển của nhiều loại nấm mốc và vi khuẩn gây bệnh. Nhờ khả năng kháng khuẩn hiệu quả, cao su thiên nhiên được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất các sản phẩm y tế.
- Thân thiện với môi trường: Vòng đời của một cây cao su có thể lên đến 100 năm. Giai đoạn khai thác nhựa cao su thường kéo dài trong khoảng 30 năm. Sau thời gian này, mặc dù không còn cho mủ nữa, cây cao su vẫn có giá trị kinh tế nhờ gỗ. Bên cạnh đó, loại cây này còn hấp thụ một lượng lớn khí carbon dioxide, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
- Tuổi thọ cao: Tuổi thọ của đệm/gối được làm từ cao su thiên nhiên thuộc dạng “khủng” nhất trên thị trường hiện nay, có thể lên đến 25-40 năm. Mặc dù các sản phẩm cao su thiên nhiên có giá thành cao nhưng nếu chia nhỏ số tiền tương ứng với số năm một gia đình có thể sử dụng sản phẩm thì con số này lại khá hợp lý.
- Độ đàn hồi tốt: Độ đàn hồi và độ nảy là đặc tính nổi bật nhất ở cao su tự nhiên. Theo đó, cao su tự nhiên có thể kéo căng ở độ dài gấp 9 lần trạng thái ban đầu của nó mà không bị tổn hại. Chính vì thế, các sản phẩm từ cao su tự nhiên như nệm, gối có khả năng nâng đỡ cơ thể rất tốt.

4.2. Nhược điểm của cao su thiên nhiên
- Chi phí sản xuất cao: Cao su thiên nhiên được khai thác từ nhựa cây cao su – một quá trình đòi hỏi thời gian, công sức và điều kiện chăm sóc khắt khe. Việc lấy mủ, xử lý thô và gia công thành phẩm đều phải trải qua nhiều bước kỹ thuật tỉ mỉ, kéo dài, chưa kể sự phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết. Chính vì thế, các sản phẩm làm từ cao su thiên nhiên thường có giá thành cao hơn so với các loại vật liệu nhân tạo.
- Chống oxy không được tốt: Một trong những hạn chế lớn của cao su thiên nhiên là khả năng chống oxy hóa kém. Khi tiếp xúc thường xuyên với không khí, ánh sáng mặt trời hoặc độ ẩm cao, cấu trúc phân tử của cao su dễ bị phá vỡ, gây ra hiện tượng ngả màu, cứng giòn hoặc mất tính đàn hồi. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến tuổi thọ và hiệu năng sử dụng của sản phẩm.
- Không chịu được nhiệt độ cao: Cao su thiên nhiên khá nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu tiếp xúc trong thời gian dài với nguồn nhiệt lớn hoặc đặt trong môi trường có sự thay đổi nhiệt độ liên tục, vật liệu sẽ có nguy cơ bị biến dạng, mềm nhũn, hoặc nứt gãy. Việc mất đi tính đàn hồi vốn có khiến sản phẩm dễ hư hỏng và xuống cấp nhanh chóng.
- Tác động môi trường trong sản xuất: Dù là vật liệu sinh học, quá trình sản xuất cao su thiên nhiên vẫn phát sinh nhiều vấn đề về môi trường. Từ việc sử dụng hóa chất xử lý mủ đến nguồn nước thải, khí thải trong công đoạn chế biến đều có thể tạo ra chất gây ô nhiễm nếu không được xử lý đúng quy chuẩn. Điều này đòi hỏi các cơ sở sản xuất phải đầu tư hệ thống kiểm soát chất thải hiệu quả, nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái xung quanh.

5. Khám phá quy trình sản xuất cao su thiên nhiên

Cao su thiên nhiên là nguyên liệu quan trọng trong nhiều ngành sản xuất nhờ đặc tính đàn hồi, dẻo dai và độ bền cao. Tuy nhiên, để tạo ra một sản phẩm cao su hoàn chỉnh, nguyên liệu thô phải trải qua nhiều công đoạn xử lý nghiêm ngặt. Dưới đây là quy trình sản xuất cao su thiên nhiên từ khâu thu hoạch mủ đến đóng gói thành phẩm.
- Bước 1: Thu hoạch mủ cao su (Latex): Để khai thác mủ từ cây cao su, người ta thường sử dụng phương pháp cạo mủ bằng cách rạch một đường nghiêng khoảng 30 độ theo hình xoắn quanh nửa thân cây. Vết cạo được thực hiện sao cho cắt vào hệ thống dẫn mủ mà không làm tổn hại thân cây quá mức. Dòng mủ màu trắng sữa sẽ chảy ra và được hứng vào các dụng cụ như chén gốm, cốc thủy tinh hoặc xô nhỏ đặt bên dưới rãnh chảy. Quá trình này yêu cầu sự khéo léo và đúng kỹ thuật để đảm bảo thu được lượng mủ tối ưu.
- Bước 2: Xử lý nguyên liệu thô: Sau khi thu hoạch, mủ cao su sẽ được kiểm tra chất lượng thông qua cảm quang nhằm đánh giá độ tinh khiết và phát hiện tạp chất. Mủ đạt chuẩn sẽ được đưa vào kho chứa có nền xi măng sạch và thông thoáng. Tại đây, công nhân tiến hành phân loại, trộn đều các mẻ mủ để đảm bảo tính đồng nhất trước khi đưa vào các công đoạn gia công kế tiếp.
- Bước 3: Gia công cơ học: Ở bước này, mủ được chuyển lên hệ thống băng tải để đưa qua máy cán, cắt thành từng khối nhỏ có trọng lượng từ 5 đến 15kg nhằm thuận tiện cho xử lý. Các khối mủ tiếp tục được cho vào bồn quậy để trộn rửa, sau đó cán dẹt thành từng lớp mỏng. Cuối cùng, chúng được đưa vào máy băm liên hợp để nghiền nhỏ thành dạng cốm, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý tiếp theo.
- Bước 4: Gia công cơ – nhiệt: Cao su ở dạng cốm sẽ được trộn với một số loại hóa chất chuyên dụng để điều chỉnh tính chất vật lý như độ dẻo và độ bền. Sau khi xử lý hóa học, cao su được đưa vào thùng sấy và làm khô ở nhiệt độ từ 150 đến 200°C trong vòng khoảng 24 giờ, dưới điều kiện áp suất bình thường. Giai đoạn này giúp chuyển hóa cao su thô thành dạng có thể sử dụng được trong sản xuất thành phẩm.
- Bước 5: Cân đong và ép định hình: Sau khi sấy khô, cao su được làm nguội rồi đưa lên bàn phân loại để tiến hành cân đong. Đối với cao su dạng lỏng hoặc sệt, người ta sẽ dùng hệ thống gia nhiệt và dụng cụ đo chuyên biệt để đảm bảo chính xác trọng lượng. Tiếp đó, cao su được đưa vào máy ép để nén thành khối và đóng vào túi PE chuyên dụng, sẵn sàng cho bước cuối cùng.
- Bước 6: Đóng gói và bảo quản: Cuối cùng, cao su sau khi được định hình sẽ được đóng gói trong túi PE, bao gồm hai lớp màng: lớp nilon trong ở bên trong và lớp màu đục ở bên ngoài để tăng độ bảo vệ. Sản phẩm sau đóng gói sẽ được chuyển vào kho lưu trữ với điều kiện khô ráo, đảm bảo chất lượng trước khi phân phối ra thị trường.
6. Ứng dụng của cao su thiên nhiên
Nhờ đặc tính ưu việt về khả năng đàn hồi cùng độ bền bỉ cao, cao su tự nhiên trở thành một trong những vật liệu quan trọng nhất của nhân loại.
6.1. Sản xuất nệm
Đặc điểm của mủ cao su là không thấm khí và nâng đỡ trọng lượng tốt. Bên cạnh đó thành phần tự nhiên của cao su cực kỳ an toàn cho sức khỏe nên các sản phẩm nệm cao su được người tiêu dùng khá ưa chuộng, đặc biệt là tại Việt Nam.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thương hiệu đã sử dụng cao su tự nhiên để sản xuất những tấm nệm chất lượng nhất, thậm chí đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu ra thế giới như Vạn Thành, Liên Á, Kim Cương, Gummi,..

6.2. Ngành xây dựng
Nhờ khả năng đàn hồi tốt, cao su được ứng dụng trong ngành xây dựng với mục đích giảm xóc, giảm rung ở các phần giá đỡ máy móc. Một số sản phẩm nổi bật có thể kể đến là cao su ốp cột, ống cao su, thảm cao su,…

6.3. Ngành y tế
Cao su thiên nhiên có mặt trong hầu hết các sản phẩm y tế, từ những vật dụng nhỏ nhất như nút chai lọ thuốc cho đến găng tay phẫu thuật, băng y tế, ống dẫn khí,… Chất liệu này góp phần ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn, bảo vệ sức khỏe của cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân.

6.4. Sản xuất lốp xe
Trong ngành sản xuất lốp xe, nguyên liệu phải đảm bảo các yếu tố quan trọng như khả năng bám dính tốt, hạn chế sự mài mòn do tác động lực ma sát và độ đàn hồi tốt vì lốp xe là bộ phận chịu trọng tải rất nặng. Để bảo đảm các tiêu chí an toàn cho người lái xe, cao su chính là vật liệu lý tưởng nhất để sản xuất bộ phận này.
Có 2 loại cao su được sử dụng để sản xuất lốp xe là cao su tự nhiên và nhân tạo. Ngoài ra, một số nhà sản xuất cũng ưa chuộng sử dụng hỗn hợp cao su tổng hợp và cao su tự nhiên.

Tuy vậy, cao su tự nhiên chỉ được sử dụng để làm các lốp xe nhỏ, ít chịu lực ép lớn. Trong khi đó, cao su tổng hợp lại được ứng dụng rộng rãi hơn do tính chất bền, chịu được áp lực cao và giá thành cũng rẻ hơn cao su tự nhiên.
Bên cạnh cao su, các chất phụ gia, chất lưu hóa, chất độn cũng được thêm vào để góp phần tạo nên kết cấu vững chắc cho lốp xe. Các phụ phẩm này chiếm khoảng 40 đến 70% chất liệu cấu thành lốp xe.
6.5. Ngành thủy điện
Nhờ đặc tính không thấm nước, cao su tự nhiên được xem là vật liệu lý tưởng cho ngành thủy điện. Hiện vật liệu đang được ứng dụng rộng rãi để sản xuất các dụng cụ bơi, lặn, nút lót bể chứa,…

7. Cách nhận biệt đệm cao su thiên chính xác
7.1 Kiểm tra mùi đặc trưng
Một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất để phân biệt đệm cao su thiên nhiên chính là dựa vào mùi. Đệm thật thường có mùi nhẹ đặc trưng của mủ cây cao su, tự nhiên và không gây khó chịu. Ngược lại, các loại đệm nhân tạo thường có mùi hóa học, mùi nhựa hoặc hương nhân tạo khá nồng, đặc biệt là khi mới mở bao bì, điều này có thể gây khó chịu cho người nhạy mùi hoặc dễ dị ứng.

7.2 Cảm nhận độ đàn hồi
Đệm cao su thiên nhiên nổi bật với khả năng đàn hồi cao. Khi dùng tay ấn xuống bề mặt nệm, bạn sẽ thấy nệm nhanh chóng trở lại hình dạng ban đầu, không để lại vết lõm. Tính đàn hồi này giúp nâng đỡ cơ thể tối ưu và mang lại cảm giác dễ chịu khi nằm. Trong khi đó, đệm làm từ mousse hoặc cao su nhân tạo thường mềm xốp quá mức hoặc đàn hồi kém, dễ bị lún theo thời gian.

7.3 Quan sát bề mặt và lỗ thoáng khí
Cao su thiên nhiên có bề mặt mịn, đều màu và được gia công kỹ lưỡng. Trên bề mặt đệm thường có hệ thống lỗ thông hơi bố trí khoa học theo dạng lỗ nhỏ – lỗ lớn để tăng cường khả năng thoáng khí và giữ cho người nằm không bị hầm nóng. Đệm giả hoặc đệm kém chất lượng có thể có bề mặt sần sùi, không đồng đều, lỗ thoáng bố trí lộn xộn hoặc thiếu độ hoàn thiện.

7.4 Trọng lượng nặng hơn bình thường
Với cùng một kích thước, đệm cao su thiên nhiên thường nặng hơn đáng kể so với các loại đệm nhân tạo. Điều này là do mật độ chất liệu cao và cấu trúc đặc chắc bên trong. Khi nâng thử hoặc di chuyển, bạn sẽ cảm nhận được độ nặng rõ rệt, khác hẳn với đệm mousse hay foam nhân tạo có trọng lượng nhẹ và dễ bồng bềnh.
7.5 Thử độ bền bằng cách uốn, vặn hoặc bóp
Đệm cao su thiên nhiên có độ dẻo dai và bền bỉ cao. Khi bạn thử gập, vặn hoặc bóp mạnh, đệm sẽ không bị nứt gãy hay biến dạng. Ngược lại, các loại đệm tổng hợp hoặc pha tạp thường dễ bị bong tróc, rạn nứt hoặc bị móp méo nếu chịu tác động lực lớn. Đây là một cách kiểm tra vật lý đơn giản nhưng khá chính xác để đánh giá chất liệu.
8. Hướng dẫn từ A-Z cách vệ sinh nệm cao su thiên nhiên

- Làm sạch các vết bẩn thông thường: Không nên đổ nước trực tiếp lên đệm cao su vì dễ ảnh hưởng đến cấu trúc bề mặt. Hãy pha loãng nước giặt dịu nhẹ rồi thấm vào khăn mềm để lau nhẹ nhàng vùng bẩn. Tránh chà mạnh tay vì có thể làm xước hoặc rách đệm. Sau khi lau xong, để đệm khô tự nhiên hoặc dùng quạt để đẩy nhanh quá trình làm khô.
- Loại bỏ bụi trong lỗ thông khí: Các lỗ thoáng khí trên đệm thường là nơi tích tụ bụi. Bạn nên sử dụng máy hút bụi cầm tay để làm sạch nhẹ nhàng. Tránh dùng que nhọn, vật cứng hoặc bất kỳ dụng cụ nào có thể gây rách, hư hỏng lớp cao su.
- Xử lý đệm bị mốc: Khi phát hiện các vết mốc, bạn có thể dùng nước cốt chanh hoặc dung dịch baking soda pha loãng để lau sạch khu vực bị ảnh hưởng. Dùng khăn vắt khô lau lại để loại bỏ hoàn toàn dung dịch. Cuối cùng, đặt đệm ở nơi khô thoáng, hoặc dùng quạt/máy hút ẩm để làm khô hoàn toàn, tránh để mốc quay lại.
- Vệ sinh đệm khi bị đổ nước hoặc thức ăn: Đầu tiên, sử dụng khăn giấy hoặc khăn khô để thấm hết chất lỏng. Tiếp theo, dùng khăn ướt lau sạch vết bẩn còn sót lại. Sau đó, rắc một lớp mỏng baking soda hoặc phấn rôm lên vùng vừa vệ sinh để hút ẩm và khử mùi. Dùng máy hút bụi để làm sạch lớp bột, rồi có thể nhỏ vài giọt tinh dầu để tạo hương thơm dễ chịu. Cuối cùng, dùng quạt thổi trực tiếp giúp đệm khô nhanh hơn.
9. Mẹo bảo quản đệm cao su thiên nhiên đúng cách theo các chuyên gia

- Luôn đặt đệm ở nơi khô thoáng: Tránh để đệm tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà, đặc biệt là sàn ẩm hoặc sàn bê tông không có lót ván. Tốt nhất nên kê đệm trên giường có khoảng trống thoáng khí bên dưới.
- Không phơi đệm dưới nắng gắt: Ánh nắng mặt trời có thể làm cao su bị lão hóa nhanh, mất đi độ đàn hồi tự nhiên. Nếu cần hong khô, hãy đặt đệm ở nơi có gió nhẹ, thoáng mát.
- Không gập hoặc bẻ đệm: Đệm cao su thiên nhiên có kết cấu nguyên khối nên việc gập hoặc bẻ mạnh sẽ gây nứt, rách hoặc hỏng cấu trúc bên trong. Nếu cần di chuyển, nên cuộn đệm nhẹ nhàng theo chiều dọc.
- Không để vật nặng cố định lâu ngày: Những đồ vật như tủ, ghế hoặc các vật nặng khác không nên đặt lên đệm lâu vì sẽ tạo áp lực không đều, dẫn đến lún hoặc biến dạng cục bộ.
- Sử dụng ga phủ và áo bọc đệm: Dùng ga chống thấm hoặc áo bọc có khả năng bảo vệ đệm khỏi mồ hôi, dầu cơ thể và bụi bẩn. Hãy chọn loại thông thoáng để không gây hầm bí khi sử dụng.
- Xoay đầu đệm định kỳ: Việc thay đổi vị trí nằm (xoay đầu – chân đệm) sau mỗi vài tháng sẽ giúp đệm giữ được độ đàn hồi đều, tránh xẹp cục bộ ở một vị trí cố định.
Qua bài viết trên, hy vọng Vua Nệm đã giúp bạn hiểu rõ cao su thiên nhiên là gì và những giá trị vượt trội mà chất liệu này mang lại. Trước sự gia tăng của các vấn đề môi trường, cao su tự nhiên ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao và lựa chọn nhiều hơn.