Cách trồng nấm bào ngư đúng kỹ thuật, đạt năng suất cao 

CẬP NHẬT 02/11/2022 | Bài viết bởi: Dương Ly
Banner Black Friday

Nấm bào ngư còn có tên gọi khác là nấm sò, được biết đến là loại nấm giàu dinh dưỡng cũng như là nguồn hàng có giá trị về mặt xuất khẩu. Cùng với nhu cầu tiêu thụ lớn và dễ trồng, nghề trồng nấm bào ngư cũng phát triển từ đó và mang lại nguồn thu nhập cho nhiều gia đình. Nếu bạn là một người mới đang tìm hiểu về cách trồng nấm bào ngư, hoặc bạn đã và đang trồng nấm bào ngư nhưng chưa đạt năng suất cao, thì đây chính là bài viết dành cho bạn.

Cách trồng nấm bào ngư
Nấm bào ngư là loại nấm giàu dinh dưỡng

1. Chuẩn bị gì trước khi trồng nấm bào ngư?

Khi tìm hiểu về cách trồng nấm bào ngư, điều bạn nên quan tâm đầu tiên đó chính là cần chuẩn bị những gì trước khi trồng nấm. Tất cả sẽ được chia sẻ ngay bên dưới, từ việc xử lý nguyên liệu thế nào, cách chọn phôi nấm và meo nấm đến cách chuẩn bị trại trồng nấm ra sao.

1.1. Xử lý nguyên liệu

Nguyên liệu để ủ phôi nấm bao gồm các hỗn hợp: rơm rạ, vỏ trấu và mùn cưa. Trộn đều hỗn hợp với nước vôi pha loãng trong thời gian 15-20 phút, sau đó, vớt ra, để ráo nước.

Tiếp theo, hỗn hợp sẽ được đem đi ủ 2 đợt:

  • Đợt 1: ủ từ 3-4 ngày, cần tưới nước cấp ẩm và thường xuyên xới hỗn hợp cho đều. Rơm rạ cần được cắt nhỏ sao cho có độ dài khoảng 5-7cm.
  • Đợt 2: tiếp tục ủ từ 2-3 ngày, mang đi khử trùng với hơi nước sôi, trước khi đưa vào sử dụng.

1.2. Chọn phôi nấm và meo nấm

Các điều kiện cần của nấm gồm: meo nấm, phôi nấm, nước tưới, độ ẩm và nhiệt độ chuẩn. Khi chọn meo nấm bào ngư, cần chú ý những đặc điểm sau:

  • Meo có màu trắng ngà, đồng nhất.
  • Bịch meo có mùi thơm.
  • Không bị nhiễm nấm mốc.

Để có thành phẩm là nấm bào ngư đạt năng suất cao, cần phải có phôi nấm làm môi trường sống và cung cấp dinh dưỡng cho meo nấm chạy tơ khắp phôi nấm.

1.3. Chuẩn bị nhà trại trồng nấm

Với đặc tính ưa ẩm, nấm bào ngư sẽ phát triển nhanh khi độ ẩm đạt 60-65%, độ ẩm không khí 80-85%. Địa điểm phải thoáng mát, kín gió và tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời.

Nhà trại trồng nấm bào ngư
Nhà trại trồng nấm cần được xây dựng ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời

Cách trồng nấm bào ngư đạt năng suất cao là nhà trồng nấm cần được xây dựng ở nơi bằng phẳng, tránh những nơi có đất mềm, bởi khi đóng cọc làm giàn treo nấm sẽ dễ bị sụp, đổ.

Hệ thống tưới nước nên gồm cả tưới tay và phun sương. Các túi phôi nấm phải cách nhau từ 20-25cm, mỗi hàng có khoảng cách 25-30cm. Mỗi hàng nên treo từ 6-10 túi, tránh treo các túi phôi quá gần nhau làm giảm năng suất của nấm.

Nhà trại trồng nấm nên chọn các vị trí gần nguồn nước sạch để thuận tiện cho việc chăm sóc. Trước khi đưa vào sử dụng, cần tiến hành khử khuẩn nhà trồng bằng vôi bột để trại sạch sẽ, thông thoáng, không còn bụi khuẩn.

2. Hướng dẫn chi tiết cách trồng nấm bào ngư

Trồng nấm bào ngư thế nào để đạt năng suất cao? Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện khí hậu, môi trường, các phương pháp kỹ thuật. Giờ thì bắt đầu tìm hiểu chi tiết về cách trồng nấm bào ngư thôi nào! 

Hướng dẫn chi tiết cách trồng nấm bào ngư
Hướng dẫn chi tiết cách trồng nấm bào ngư

2.1. Giai đoạn ủ phôi 

Đầu tiên, đặt một lớp rơm dày khoảng 5cm (đã qua xử lý) ở dưới đáy túi. Nén thật chặt rồi đặt nhẹ nhàng phôi nấm vào thành túi nilon, tránh động nhiều đến phôi.

Cứ thế, lần lượt xếp các lớp rơm và phôi nấm cho đến khi đầy túi. Dùng bông gòn sạch để chèn và dùng dây buộc chặt miệng túi lại. Trung bình sẽ cấy được khoảng 50g nấm giống cho mỗi túi có kích cỡ 30x40cm.

Giai đoạn ủ phôi sẽ tốt nhất là rơi vào khoảng 70-75 ngày, để tơ già đi và đạt trạng thái khỏe nhất. Trong đó, 30 ngày để tại lò ủ sau khi cấy meo, rồi thêm 40-45 ngày mới chuyển vào nhà trại nấm để đặt lên kệ/ giàn treo.

Trong giai đoạn ủ phôi, cần lưu ý: 

  • Không được tưới nước lên phôi.
  • Giữ môi trường trong trại luôn thoáng mát, nhiệt độ phải đảm bảo dưới 300C.
  • Tránh mưa tạt vào bịch phôi và ánh nắng trực tiếp.

2.2. Giai đoạn rút bông khỏi cổ phôi nấm

Sau giai đoạn ủ phôi từ 70-75 ngày thì ta bắt đầu rút bông ở cổ phôi ra. Trước khi rút bông, có thể tưới ít nước khoảng 2 phút, bông sẽ mềm và dễ rút hơn, đồng thời giúp rửa sạch bụi bẩn bám trên bịch phôi.

Sau khi đã rút bông xong, cần vệ sinh cổ phôi sạch sẽ, loại bỏ tơ chết, để tơ nấm tiếp tục phát triển.

Sau giai đoạn ủ phôi, cần rút bông ở cổ phôi ra
Sau giai đoạn ủ phôi, cần rút bông ở cổ phôi ra

2.3. Giai đoạn đóng nắp phôi nấm

  • Ở đợt trồng nấm đầu tiên, sẽ đóng nắp luôn từ 10-15 ngày, để tơ tiếp tục phát triển khỏe mạnh hơn.
  • Ở đợt trồng nấm tiếp theo, sau khi vệ sinh cổ phôi, cần xịt ” phớt qua” các phôi nấm với nước vôi 0.5%. Để mở nắp như vậy sau 24 tiếng, mới đóng nắp cổ phôi lại.

2.4. Giai đoạn sốc lạnh

Sau thời gian 10-15 ngày trên, khi tơ nấm đã ăn đầy miệng phôi thì chúng ta sẽ dùng phương pháp sốc lạnh để các phôi nấm đồng đều, sẵn sàng ra nấm.

Cách thực hiện phương pháp sốc lạnh như sau:

  • Trước đó 1 ngày, bạn sẽ quây kín trại lại để trại hầm bí, từ đó, nhiệt độ của trại tăng lên.
  • Tối hôm sau, tầm khoảng 10h đêm, vì lúc này, nước khá lạnh, tiến hành tưới một lượng nước vừa đủ như thường lệ. Nếu tưới quá nhiều, nấm bị dư nước và úng. Lúc này nhiệt độ trong trại bị giảm đột ngột, gây ra hiện trạng sốc nhiệt, sẽ kích thích nấm ra đồng đều.

2.5. Giai đoạn mở nắp cổ phôi nấm

Sau khi sốc lạnh, khi bịch phôi đã ráo nước thì mở nắp và để yên đó trong thời gian 12 tiếng. Sau đó, tưới nước lại khoảng 5 phút/lần, độ ẩm không khí của trại cần ổn định ở mức 85-90%. 

Sau quá trình này, tầm 5 ngày, nấm sẽ ra thể quả và phát triển khá nhanh. Khi nấm bắt đầu ra thể quả, không được để gió lùa vào trại nấm, sẽ khiến các tai nấm bị héo, co quắp lại và xấu xí.

Thường xuyên kiểm tra các túi nấm để loại bỏ kịp thời các túi phôi đã chết hoặc kém phát triển, chỉ giữ lại những túi phôi khỏe mạnh.

Nấm bào ngư khi bắt đầu nhú ra, chúng phát triển rất nhanh
Nấm bào ngư khi bắt đầu nhú ra, chúng phát triển rất nhanh

3. Cách tưới nước cho nấm đúng cách

Cách tưới nước cho nấm bào ngư cũng vô cùng quan trọng, bởi nó quyết định đến 90% sản lượng. 

Hạn chế dùng hệ thống tưới phun sương, vì nước sương nhẹ, rơi không cố định, rất dễ làm nước lọt vào cổ phôi và gây úng, bệnh mốc xanh,… Cần điều chỉnh hệ thống tưới phun sương với thiết kế nước tưới như hệ thống chữa cháy – tưới nước phun lên, hơi mạnh,…

Nước tưới cho nấm phải là nước sạch, không phèn, không mặn hoặc phải có hệ thống lọc nước. Nước tưới nấm cần đạt độ pH trung tính từ 6.8pH-7pH, nước mình có thể uống được thì mới tưới cho nấm.

4. Cách thu hoạch nấm bào ngư

Khi thu hoạch nấm bào ngư, bạn nên lưu ý một số vấn đề dưới đây để thu hoạch nấm đúng cách, không khiến nấm bị hư hỏng

  • Cần rửa tay sạch sẽ trước, nếu dùng tay không hoặc có thể dùng găng tay khi thu hoạch nấm.
  • Muốn thu hoạch được nấm có hình dạng tròn trịa, thịt chắc và ngon ngọt nhất, bạn nên thu hái các chùm nấm có tai nấm đạt kích thước 5-6 cm. 
  • Nên dàn trải thu hái nấm 3-4 lần trong ngày, để các cục phôi có nấm chưa đủ lớn, mình sẽ thu hái lại sau.
  • Cần tiến hành vệ sinh những phần gốc nấm còn sót lại để bịch nấm không bị nhiễm bệnh. Và không được tưới nước ngay sau khi thu hái nấm, vì sẽ làm thối phần phôi nấm còn lại trong túi.
Vệ sinh phần gốc nấm còn sót lại để bịch nấm không bị nhiễm bệnh
Vệ sinh phần gốc nấm còn sót lại để bịch nấm không bị nhiễm bệnh

Để tiếp tục thu hái nấm ở các đợt sau, hãy đóng nắp bịch phôi, sau 7-10 ngày, thì mở nắp để tiếp tục thu hoạch nấm. Mỗi đợt cách nhau 15-25 ngày.

Đọc thêm: Mách bạn cách trồng rau sạch tại nhà, ăn thả ga không lo độc hại

Hy vọng bài viết đã giúp bạn nắm bắt được cách trồng nấm bào ngư vừa đúng kỹ thuật, vừa mang lại năng suất cao. Chúc bạn áp dụng thành công và tạo nên nguồn thu nhập cao với nấm bào ngư nhé. 

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Dương Ly

Xin chào! Mình là Dương Ly, chuyên viên Digital Marketing tại Vua Nệm. Với niềm đam mê viết lách, sự trải nghiệm cùng 3 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển nội dung đa lĩnh vực. Mình hy vọng có thể đem đến cho quý độc giả những bài viết hay ho, đầy hữu ích về mọi lĩnh vực trong đời sống.