Dù là đàn ông hay phụ nữ, dù là người nội trợ hay đi làm kiếm tiền hằng ngày, bạn cũng cần biết cách tiết kiệm tiền và quản lý chi tiêu. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều người tiêu xài hoang phí, đầu tháng túi “rủng rỉnh”, cuối tháng lại đi vay mượn để chi trả cho những khoản phí cần thiết. Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời.
Nội Dung Chính
1. Tầm quan trọng của tiết kiệm và quản lý chi tiêu
Chủ động về tài chính là điều cần thiết đối với tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó. Một số lý do dưới đây sẽ giúp bạn biết được tại sao nên tiết kiệm và quản lý chi tiêu đúng cách.
- Đề phòng tình huống khẩn cấp
Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống xảy ra mà bạn không thể lường trước, ví dụ như ốm đau, tai nạn, thất nghiệp, hỏng xe… Nếu không có một khoản tiền dự phòng từ trước, bạn sẽ bị động trong những hoàn cảnh này. Bạn có thể rơi vào tình trạng phải vay mượn nhiều nơi, thậm chí không thể vay được số tiền cần có.
- Cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống
Tiết kiệm và quản lý chi tiêu đúng cách giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thực hiện dự định mua nhà, mua xe, sửa chữa nhà ở…từ đó có thể cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Tiết kiệm để an dưỡng về già
Thay vì nghỉ hưu đúng thời hạn thì bạn có thể lựa chọn nghỉ hưu trước thời hạn, điều kiện tiên quyết là bạn cần tiết kiệm được một khoản tiền cần thiết để lo cho cuộc sống của mình. Tiết kiệm và quản lý chi tiêu là điều giúp bạn có thể đạt được mục đích nghỉ hưu sớm.
- Tiết kiệm để phục vụ bản thân
Nếu biết cách quản lý và chi tiêu hợp lý, bạn sẽ có những khoản tiền dư để đầu tư và mua sắm cho bản thân, đi du lịch mà không cần đắn đo về tài chính.
- Tránh phải vay mượn khi không cần thiết
Tiết kiệm và quản lý chi tiêu giúp bạn không phải vay những khoản nợ không cần thiết. Gánh một số tiền nợ lớn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của bạn, khiến tinh thần và thể xác của bạn mệt mỏi hơn.
>> XEM THÊM: Quản lý chi tiêu cá nhân là gì ? Cách để làm chủ tài chính với quy tắc 50/20/30?
2. Một số sai lầm nên tránh trong cách quản lý chi tiêu gia đình, cá nhân
Không phải ai cũng có thể tiết kiệm và quản lý tiền bạc hiệu quả, nhất là những người trẻ, những người có thói quen chi tiêu vô tội vạ. Dưới đây là một số sai lầm mà bạn nên tránh để có thể tiết kiệm và ổn định tài chính cá nhân.
- Không có ý định tiết kiệm tiền
Nhiều người trẻ không có ý định tiết kiệm tiền. Họ dùng toàn bộ số tiền mà mình kiếm được để chi tiêu cho sở thích cá nhân như mua quần áo, đi du lịch, vui chơi, làm đẹp… Có thể số tiền mà họ kiếm được mỗi tháng khá cao nhưng số tiền họ tiết kiệm được lại bằng 0.
- Không đặt mục tiêu tiết kiệm tiền rõ ràng
Để quản lý chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả, điều bạn cần làm là đặt ra mục tiêu cụ thể để có động lực phấn đấu. Mục tiêu mà bạn hướng đến có thể là mua nhà, mua xe, phụng dưỡng bố mẹ, để dành cho con cái…
- Chi tiêu trước, tiết kiệm sau
Có rất nhiều người sau khi nhận được lương sẽ dùng để chi tiêu trước rồi mới tính đến việc tiết kiệm. Tuy nhiên, điều bạn cần làm là ngược lại, hãy dành một khoản tiết kiệm trước, số tiền còn lại sẽ dùng để chi tiêu.
- Bỏ tiền tiết kiệm vào một chỗ
Dồn tiền tiết kiệm vào một chỗ, ví dụ như toàn bộ tiền đều gửi cùng một sổ tiết kiệm là một lựa chọn không hề khôn ngoan. Điều này sẽ khiến bạn không thể lấy được tiền để sử dụng khi cần thiết. Tốt hơn hết nên gửi tiền tiết kiệm vào nhiều sổ khác nhau, nếu bạn tất toán một sổ tiết kiệm trước thì các sổ còn lại vẫn được duy trì và nhận lãi hàng tháng.
- Chỉ tiết kiệm bằng các khoản tiền may mắn
Nếu bạn chỉ tiết kiệm tiền từ các khoản như: tiền thưởng, tiền được cho, biếu… sẽ không đạt được hiệu quả như tiết kiệm bằng tiền thu nhập cố định như tiền lương, tiền lãi kinh doanh.
3. Sáu cách tiết kiệm tiền và quản lý chi tiêu ai cũng nên biết
Bạn sẽ chủ động trong mọi tình huống và không gặp áp lực về tiền bạc nếu như biết cách tiết kiệm và quản lý chi tiêu từ sớm. Bỏ túi 7 mẹo dưới đây để có thể tiết kiệm và quản lý tài chính một cách hiệu quả nhất.
- Ghi chép chi tiêu mỗi tháng
Bạn sẽ không thể kiểm soát tài chính của mình nếu như không nắm rõ việc mình đã, đang và sẽ chi tiêu vào việc gì. Điều bạn cần làm là ghi chép lại mọi khoản thu chi mỗi ngày, giúp bạn biết được những khoản nào cần thiết, khoản nào lãng phí để có thể cân đối, điều chỉnh cho phù hợp. Bạn có thể sử dụng sổ tay để ghi chép, bảng excel, google docs hoặc các phần mềm quản lý chi tiêu trên điện thoại, máy tính…
- Phân chia ngân sách
Phân chia ngân sách là cách chia nhỏ thu nhập thành nhiều khoản khác nhau. Hiện nay có nhiều nguyên tắc phân chia ngân sách khá hiệu quả, bạn có thể cân nhắc và lựa chọn như:
Pay yourself first (chi trả cho mình trước): Trích ra 10% tổng thu nhập để tiết kiệm, đây là khoản chi trả cho bản thân bạn. Số tiền còn lại dùng để chi tiêu cho các vấn đề cần thiết trong cuộc sống.
Phương pháp bìa thư: Dùng bìa thư (phong bì) ghi sẵn tiền chi tiêu cho các khoản như: tiết kiệm, chi tiêu hằng ngày, tiền học… Bạn bỏ số tiền cần chi tiêu vào mỗi bì thư, khi cần dùng sẽ rút tiền từ chính phong bì đã ghi sẵn, không tiêu lạm vào các bì thư dành cho mục đích khác.
Quy tắc 10-20-70: Chia thu nhập thành 3 khoản với tỷ lệ chi tiêu như sau: 10% tiết kiệm, 20% dành cho bản thân (mua sắm, học tập, đầu tư, mở rộng mối quan hệ…), 70% dành cho các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hằng ngày.
Quy tắc 50-30-20: Trong đó, 50 là tiền chi tiêu cho các khoản sinh hoạt thiết yếu như: tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền đóng học phí cho con… 30% là tiền chi tiêu cho một số nhu cầu như giải trí, mua sắm, du lịch. 20 % còn lại dùng để tiết kiệm và trả nợ.
- Cách chi tiêu tiết kiệm của người Nhật
Bạn có thể áp dụng một số cách chi tiêu như: thuê nhà giá rẻ, tự nấu ăn tại nhà, giới hạn một khoản chi cho việc ăn ngoài, mua hàng ở những nguồn rẻ, chỉ mua những đồ thực sự cần thiết, trồng rau ở ban công hoặc sân thượng, thanh lý những đồ dùng không cần thiết…
- Đặt mục tiêu cụ thể
Khi xác định được mục tiêu của mình là mua nhà, mua xe, chuyển nhà, sắm thêm đồ nội thất…thì bạn sẽ có định hướng rõ ràng, có động lực để tiết kiệm tiền hơn so với việc mông lung, không biết mình cần phấn đấu vì điều gì. Khi đặt mục tiêu, nên chọn những mục tiêu vừa tầm, không đặt mục tiêu xa vời thực tế sẽ khó thực hiện và làm bản thân nản chí.
- Kiểm soát cảm xúc khi mua sắm
Các nhãn hàng thường tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, bạn cần kiểm soát tốt cảm xúc và ham muốn của mình, cân nhắc thật kỹ món đồ đó có thực sự cần thiết hay không. Nếu thấy món đồ nào cũng rẻ và quyết định mua, vậy thì cuối tháng bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu tiền.
Mẹo nhỏ là trước khi mua hàng, bạn nên cho sản phẩm vào trong giỏ hàng và để đó khoảng 3 ngày. Sau 3 ngày, bạn quay lại để quyết định sẽ mua sản phẩm nào, sản phẩm nào loại bỏ. Điều kì diệu là theo nghiên cứu có đến 70% sản phẩm trong giỏ hàng được loại bỏ.
- Tiết kiệm đúng cách
Có rất nhiều người lựa chọn cách tiết kiệm và quản lý chi tiêu bằng cách nuôi lợn đất. Tuy nhiên, bạn chỉ nên nuôi lợn đất bằng số tiền vừa phải, không bỏ quá nhiều vì có nguy cơ bị đánh cắp. Bạn có thể lựa chọn gửi tiền tại ngân hàng với nhiều gói tiết kiệm phù hợp để đảm bảo an toàn đồng thời sinh lời nhờ hưởng lãi hàng tháng.
Cách tiết kiệm tiền và quản lý chi tiêu hợp lý là điều mà bất cứ ai cũng nên lưu tâm và thực hiện. Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động, cố gắng để tăng thêm nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình, từ đó việc tiết kiệm tiền bạc cũng dễ dàng thực hiện hơn mà không lo ảnh hưởng đến chi tiêu hằng ngày.