Nếu kể tên các “đặc sản” tại Việt Nam thì chắc chắn không thể nào bỏ qua cà phê. Cà phê Việt Nam là cái gì đó rất riêng, đậm đà cả về hương vị lẫn văn hóa. Khách du lịch đến Việt Nam phần nhiều cũng vì những loại cà phê đặc sản tại đây. Hãy cùng Vua Nệm điểm qua những loại cà phê nổi tiếng đang được trồng tại Việt Nam trong bài viết sau.
Nội Dung Chính
1. Tổng quan về cà phê Việt Nam
1.1. Nền nông nghiệp cà phê ra đời như thế nào?
Thực chất cà phê không phải là loại cây địa phương tại Việt Nam, chúng du nhập vào nước ta từ những năm ở thế kỷ 19 khi thực dân Pháp xâm lược. Giống cà phê đầu tiên được du nhập vào Việt Nam là arabica.
Không sản xuất đại trà, ban đầu cà phê chỉ được trồng thử nghiệm tại các nhà thờ Thiên Chúa giáo, sau đó dần dần mở rộng diện tích trồng trọt ra các khu vực miền Bắc. Nhưng khi càng mở rộng diện tích trồng trọt thì người ta nhận ra rằng Tây Nguyên chính là vùng đất phù hợp nhất để cà phê phát triển.
Đi theo sự thành công của cà phê arabica, người Pháp bắt đầu đưa thêm giống cà phê robusta và cà phê liberica vào Việt Nam. Qua sự phát triển hàng thập kỷ, Tây Nguyên đã trở thành vùng đất của cà phê, mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân nơi đây.
1.2. Cách thưởng thức cà phê rất riêng của người Việt
Khách du lịch tại Việt Nam không thể thưởng thức được mùi vị cà phê đặc trưng nào khác ở bất kỳ đâu trên thế giới. Trong khi phần lớn các nước trên thế giới thường sử dụng các loại máy pha cà phê thì Việt Nam lại tạo nên hương vị rất riêng bằng cà phê phin.
Những giọt cà phê được chắt lọc nhỏ từng giọt trong chiếc phin chính là tinh túy mang lại sự khác biệt to lớn so với pha cà phê bằng máy. Cho đến bây giờ những chiếc phin truyền thống vẫn còn được sử dụng và trở thành một phần văn hóa thưởng thức cà phê chỉ có tại Việt Nam.
Mọi người rất dễ bắt gặp hình ảnh cà phê sáng, hoặc cà phê tan làm tại các quán vỉa hè đông đúc. Người Việt thường thưởng thức cà phê pha sữa đặc (phê nâu) hoặc cà phê đen đá ở bất kỳ đâu và bất kỳ buổi nào trong ngày.
Tuy nhiên có chút khác biệt tại miền Bắc, mùa đông ở phương Bắc lạnh nên người ta ưa chuộng cà phê nóng hơn cà phê đá mát lạnh. Vị đậm đặc, đắng chát ở đầu lưỡi đã trở thành thứ thức uống không thể thiếu đối với người Việt Nam.
Văn hóa cà phê Việt Nam bị ảnh hưởng bởi người Pháp, khi Pháp xâm lược Việt Nam vào thế kỷ 19 họ đồng thời mang loại cây này sang. Nhưng vì nguồn sữa tươi thời đó rất khan hiếm nên họ thay bằng sữa đặc và từ đó văn hóa uống phê nâu được hình thành.
2. Top 5 loại cà phê nổi tiếng được trồng tại Việt Nam
2.1. Cà phê Arabica
Ở Việt Nam, cà phê Arabica được trồng nhiều nhất tại Lâm Đồng vì ở đây khí hậu mát mẻ thích hợp cho loại cà phê này phát triển. Quy trình thu hoạch cho đến thành phẩm Arabica trao tay khách hàng phải trải qua các công đoạn như lên men, làm sạch và sấy khô.
Về hương vị, cà phê Arabica có vị chua đặc trưng mà không phải loại cà phê nào cũng có. Người uống sẽ cảm nhận được vị hơi chua đầu tiên nhưng sau đó lại là vị đắng của phần vỏ đọng lại.
Cà phê Arabica lại chia làm 3 loại:
- Hạt Typica: Đây là loại cà phê được biết đến là giống cà phê lâu đời nhất trên thế giới. Hương vị của loại hạt này cũng có vị chua đặc trưng nhưng pha kèm với đó có thêm vị đắng ngọt hòa quyện. Hạt Typica được trồng nhiều nhất tại Cầu Đất – Đà Lạt nhưng những năm trở lại đây giống này rất ít có thuần chủng.
- Hạt Bourbon: Giống Bourbon được biết đến như loại cà phê thơm ngon hàng đầu tại Việt Nam vì mang mùi hương khó cưỡng kèm theo đó là vị chua thanh nhè nhẹ đánh thức vị giác. Độ cao từ 1000 – 2000m là môi trường lý tưởng cho giống cây này phát triển. Chúng có năng suất cao hơn Typica nhưng chất lượng lại tương đương.
- Hạt Catimor: Khác với Bourbon được tìm thấy ở Pháp thì Catimor lại là giống cây được lai tạo ở Bồ Đào Nha và du nhập vào Việt Nam trong những năm 1984. Catimor cho năng suất cao vì kháng được một số loại bệnh thường xuất hiện trên cây cà phê như bệnh gỉ sắt, sâu đục thân,…
2.2. Cà phê Culi
Trong tất cả các loại cà phê Việt Nam thì Culi rất đặc biệt, chỉ có duy nhất 1 hạt trong mỗi trái. Chính vì thế mà hạt cà phê Culi to tròn và chứa đựng tất cả tinh túy bên trong.
Vị đắng ngắt, hương thương say đắm lòng người và sở hữu mức cafein cao đó chính là những đặc trưng của Culi.
2.3. Cà phê Robusta
Robusta có sản lượng cao nhất nước ta, chiếm hơn 90% tổng sản lượng cà phê tại Việt Nam. Robusta còn có cái tên thuần việt khác là cà phê vối và được trồng rất nhiều ở Tây Nguyên. Khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây dường như sinh ra là để trồng Robusta.
Khác với các công đoạn tạo ra hạt cà phê Arabica, Robusta không cần trải qua quá trình lên men mà trực tiếp đem đi sấy khô. Mùi vị của loại cà phê này được nhiều cánh mày râu yêu thích vì hương đậm đà, khá đắng và hàm lượng cafein cao.
2.4. Cà phê Cherry
Nói đến cà phê Việt Nam thì không thể thiếu cái tên Cherry hay còn được gọi là cà phê mít. Loại giống cà phê này thích hợp với những nơi nắng khô, cho nên chúng được trồng nhiều ở Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Trị.
Không tự nhiên mà loại cà phê này được đặt tên là cà phê Cherry hay cà phê mít, hương vị của nó là sự kết hợp giữa vị chua của cherry và hương thơm của mùi mít chín. Đây cũng là loại cà phê được nhiều phái nữ yêu thích vì có vị đắng nhẹ và hương thơm thoang thoảng.
2.5. Cà phê Moka
Moka là một giống thuộc cà phê Arabica, chúng có giá thành cao vì sản lượng thấp, khó trồng kèm theo rất dễ bị sâu bệnh. Những người sành uống cà phê lại đặt cho nó cái tên mỹ miều “nữ hoàng cà phê”. Hương vị của Moka có sức hút khó tả vì đó là sự hòa quyện giữa vị đắng nhẹ, một chút chua thanh và béo ngậy.
3. Cách pha chế cà phê có 1 không 2 dành cho từng đối tượng
3.1. Pha chế dành riêng cho phái mạnh
Phái mạnh ưa chuộng hương vị đậm đà nên thường cho ít đường và sữa, thêm vào đó là một chút muối.
- 60% Robusta, hương vị đậm đà cùng lượng cafein cao sẽ hợp gu phái mạnh, mang đến tinh thần tỉnh táo, sức tập trung cao.
- 30% Arabica, thêm vào đó một chút chua thanh và hương thơm ngây ngất lòng người.
- 10% ca cao, hòa quyện một chút ca cao sẽ làm ly cà phê thêm phần đậm đà hơn.
3.2. Pha chế dành riêng cho phái nữ
Đa phần nữ giới không thích uống cà phê quá đắng, ưa chuộng sự ngọt ngào và vị béo của sữa nhiều hơn. Các loại cà phê pha chế cũng lựa loại có hương vị nhẹ nhàng, thanh cao.
- 50% Arabica
- 20 – 30% Robusta
- 10 – 20% cherry
- 10% ca cao
3.3. Pha chế để tạo nên hương vị quyến rũ
Để tạo nên một ly cà phê có hương vị đầy sự quyến rũ thì phải chứa đầy đủ yếu tố đắng và chua nhẹ cân bằng, thế nên Robusta và Cherry là 2 ứng cử viên thích hợp.
- 50% Robusta
- 40% Cherry
- 10% Ca cao
3.4. Pha chế dành riêng cho giới trẻ
Giới trẻ ưa chuộng những loại cà phê chứa ít cafein, nhiều sữa và đặc biệt là đá lạnh giải khát. Bởi thế kết hợp tỷ lệ giữa các loại cà phê một cách vừa phải sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho giới trẻ và dân văn phòng.
- 30% Robusta
- 40% Arabica
- 20% cà phê Arabica hoặc Robusta, có thể thay thế bằng Moka
- 10% Ca cao
>> Xem thêm: Cà phê đen bao nhiêu calo? Những điều bạn cần biết để sử dụng cà phê đúng cách
Có thể nói, cà phê Việt Nam là thức uống đường phố không thể thiếu vào mỗi buổi sáng của bất kỳ đối tượng nào, từ già trẻ lớn bé cho đến dân văn phòng. Cà phê không chỉ dừng lại ở thức uống giải khát thông thường mà nó còn là cả một phần văn hóa không thể thiếu của người Việt.