Cây Lộc Vừng là loài cây xuất hiện tại nhiều vùng miền trên dải đất hình chữ S. Lộc Vừng mang nhiều ý nghãi về phong thủy nên thường được trồng để mang lại may mắn và tài lộc cho gia chủ. Bên cạnh đó, cũng có người chỉ vì trót say đắm sự rực rỡ của cây mỗi lần trổ hoa mà tận tình chăm sóc. Ngày nay, bạn có thể nhìn thấy cây Lộc Vừng ở khắp nơi, từ những con phố đến công viên, bệnh viện, trường học,… Hãy cùng Vua Nệm tìm hiểu rõ hơn về loài thực vậy này cũng như tham khảo cách nuôi dưỡng chúng.
Nội Dung Chính
1. Cây Lộc Vừng là gì?
Tên khoa học của cây Lộc Vừng là Barringtonia acutangula. Đây là loài thực vật thân gỗ, kích thước lớn nhỏ sẽ thay đổi tùy thuộc vào môi trường sinh sống. Lộc Vừng thường phát triển tốt tại các vùng đất ẩm ven biển Nam Á và Bắc Úc.
Theo đó, nếu được trồng trên đất tự nhiên, diện tích xung quanh rộng rãi, cây sẽ có đường kính khoảng hơn 40cm. Ngược lại, nếu chỉ trồng Lộc Vừng trong chậu với mục đích trang trí, độ lớn thân cây sẽ giảm đi đáng kể.
2. Đặc điểm của cây Lộc Vừng
Để nhận biết được cây Lộc Vừng một cách dễ dàng trong cuộc sống hằng ngày, bạn có thể chú ý những đặc điểm nổi bật sau đây:
- Thân cây: Có màu xanh khi còn non, càng cao tuổi vẻ ngoài càng sạm bớt, vỏ cây chuyển thành màu nâu và bề mặt sần sùi hơn.
- Lá cây: Có diện tích lớn, mặt trên của lá sở hữu độ xanh bóng vô cùng thẩm mỹ và tươi mát, mặt dưới nhiều gân, màu xanh trắng, khi cây già cành lá cũng chuyển thành màu nâu vàng.
- Hoa: Là thành phần giúp cây có điểm nhấn và tạo ấn tượng, có kích thước không lớn nhưng mọc theo từng chùm dài nên tạo hiệu ứng thị giác rất tốt, khiến chúng ta liên tưởng đến dây pháo hoa đỏ ngày Tết.
- Quả: Có hình bầu dục, phần hạt bên trong được bao bọc bằng một lớp xơ chắc chắn, khi còn non vỏ màu xanh và chuyển nâu vàng lúc chín.
3. Những loại Lộc Vừng phổ biến hiện nay
3.1. Cây lá chiếc hay rau vừng
Cây lá chiếc hay còn gọi là rau vừng có thể phát triển đến chiều cao khoảng 20m. Loài này được trồng nhiều tại các tỉnh miền Nam, ưa thích môi trường ngập mặn, khí hậu nhiệt đới. Rau vừng có khả năng chịu hạn cực kỳ tốt nên thường được tận dụng để trồng trên các tuyến phố. Đặc biệt, cây rau vừng có quả lớn, nếu mang đi cắt ngang sẽ tạo thành hình hộp chữ nhật.
3.2. Lộc Vừng hoa đỏ
Tên khoa học của Lộc Vừng hoa đỏ là Barringtonia Acutangula. Đây chính là loài Lộc Vừng mà bạn thường nhìn thấy nhất. Những dải hoa dài và đỏ rực của cây khiến không gian trở nên vui tươi kỳ lạ. Lộc Vừng hoa đỏ thường sinh trưởng ở Nam Á, Bắc Úc, Philippines,…
Bạn có thể phân biệt Lộc Vừng hoa đỏ với những loài khác cùng họ bằng các chùm hoa màu đỏ. Bên cạnh đó, phần trái hình tròn cũng chính là điểm đặc trưng giúp loài Lộc Vừng này trở nên nổi bật và dễ nhận dạng.
3.3. Lộc Vừng hoa chùm, hoa trắng
Lộc Vừng hoa chùm, Lộc Vừng hoa trắng hay chiếc chùm đều là tên gọi của một loài Lộc Vừng. Cây có tên khoa học là Barringtonia racemosa. Khi đến mùa nở hoa, chúng ta sẽ có dịp được nhìn thấy những chùm hoa màu trắng và hồng nhạt tinh khiết trong ánh nắng. Hơn nữa, hương thơm của hoa cũng vô cùng quyến rũ nên thường được dùng để trang trí sân vườn.
3.4. Lộc Vừng lá lớn
Đường kính thây cây Lộc Vừng lá lớn thường rơi vào khoảng từ 35 – 40cm hoặc hơn. Lớp vỏ bên ngoài của cây khá xù xì và tán lá tươi tốt, xum xuê với phần lá kích thước lớn.
Nếu lá loài Lộc Vừng này có kích thước lá khá lớn thì phần hoa lại khiêm tốn hơn. Chúng mọc theo từng chùm nối tiếp nhau tạo thành các chuỗi dài rũ xuống. Hoa lúc màu trắng, lúc màu đỏ đua nhau khoe sắc và còn kèm theo các sợi tua dài mảnh tạo cảm giác uyển chuyển, mềm mại cho cành hoa.
3.5. Lộc Vừng lá nhỏ
Lộc Vừng lá nhỏ có xuất xứ từ vùng Đông Nam Á, đặc biệt là các nước Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia. Người ta thường trồng Lộc Vừng lá nhỏ để làm bóng mát trong khuôn viên sân nhà. Những chùm hoa nhỏ màu đỏ của cây sẽ giúp mặt tiền ngôi nhà trở nên thu hút hơn.
4. Ý nghĩa cây Lộc Vừng trong đời sống
Cây Lộc Vừng từ xưa đã được xem là biểu tượng của sự may mắn nhờ tên gọi và màu hoa đỏ rực rỡ. Cấu tạo hoa kết thành chùm và dải dài ngụ ý sự sinh sôi nảy nở không ngừng, lộc ứng, phát lộc như vừng. Có thể bạn chưa biết, Lộc Vừng cũng có mặt trong bộ tứ cây phong thủy quan trọng gồm Sanh – Sung – Tùng – Lộc.
Các chuyên gia về phong thủy và cây cảnh khuyên rằng nên trồng Lộc Vừng trước nhà. Họ tin rằng vị trí này sẽ giúp cây phát huy tác dụng tốt nhất, tăng năng lượng dương cho gia chủ. Ngoài ra, hoa Lộc Vừng rơi đỏ sân nhà chính là ngụ ý của vượng khí, may mắn và phước lành.
5. Cách trồng cây Lộc Vừng trong chậu
5.1 Chậu trồng
Khi chọn chậu trồng Lộc Vừng, bạn nên chọn loại có kích thước vừa đủ với kích thước cây khi trưởng thành. Bên dưới đế chậu bắt buộc phải có lỗ thoát nước để tránh trường hợp cây bị úng rễ hoặc kìm hãm sự phát triển của rễ mới.
5.2 Đất trồng
Lộc Vừng phải được trồng trong đất tơi xốp, có thể thoát nước để không bị ngập úng phần rễ. Loại đất tốt nhất để trồng Lộc Vừng trong chậu là đất thịt trộn thêm ít trấu, mụn cưa, xơ dừa và phân trùng quế. Bạn cũng có thể rải thêm một lớp sỏi mỏng ngay dưới đế chậu nhằm tăng khả năng thoát nước.
5.3 Tiến hành trồng
Để trồng Lộc Vừng, bạn có thể làm theo những bước sau đây:
- Bước 1: Xé bỏ phần nilon bao bọc xung quanh bầu đất có sẵn khi mua về.
- Bước 2: Chuẩn bị sẵn sàng đất và chậu trồng như đã hướng dẫn ở trên.
- Bước 3: Đổ trước khoảng 2/3 đất vào chậu, sau đó đặt cây vào chậu, đổ thêm phần đất còn lại vào, dùng tay nén chặt.
- Bước 4: Tưới lượng nước vừa đủ để giữ ẩm cho cây.
6. Chăm sóc cây Lộc Vừng
6.1 Tưới nước
Không nên tưới nước một cách tùy ý cho Lộc Vừng. Mỗi ngày bạn chỉ nên tưới 2 lần nước vào buổi sáng sớm và chiều tối. Lượng nước nên được kiểm soát ở mức vừa phải, không quá ít và cũng không quá nhiều. Bên cạnh đó, hãy tưới lượng nước nhiều hơn một ít khi trời nắng và giảm đi nếu trời mưa.
6.2 Ánh sáng
Lộc Vừng là loài cây ưa khô hạn nên bạn hoàn toàn có thể thoải mái trồng chúng ở nơi thoáng mát và nhiều nắng. Tuy nhiên khi cây còn nhỏ thì cần được che chắn trong những lúc nắng gắt. Nếu trồng cây trong nhà thì nên ưu tiên trưng bày ở nơi đón nhiều ánh nắng hoặc giếng trời nếu có.
6.3 Dinh dưỡng
Loài cây Lộc Vừng không cần nhiều phân bón mà vẫn có thể sinh trưởng rất tốt. Cứ cách khoảng 3 – 4 tháng bạn bón cho cây một lượng vừa đủ phân NPK là được. Lưu ý nên rải phân cách gốc cây một khoảng nhỏ để cây có đủ thời gian hấp thu. Thay đất sau 2 – 3 năm nếu trồng cây trong chậu.
6.4 Trị sâu bệnh
Sâu bệnh sẽ tấn công cây vào lúc bạn không ngờ nên đừng quên kiểm tra Lộc Vừng thường xuyên nhé. Nếu phát hiện cây bị rầy hay nấm thì cần chăm sóc bằng cách phun chế phẩm GE, nước rửa chén pha loãng, thuốc hóa học.
>> Xem thêm:
- Xương Rồng có mấy loại? Cây Xương Rồng có thể chữa bệnh không?
- Cây Bồ Công Anh là gì? Những tác dụng bất ngờ của cây Bồ Công Anh mà bạn chưa biết
Lời kết
Cây Lộc Vừng là loài thực vật có nhiều lợi ích cho cuộc sống con người như tạo bóng mát, trang trí, mang lại may mắn, tài lộc. Cách trồng và chăm sóc cây cũng không quá khó khăn. Nếu đam mê cây cảnh và có đủ diện tích đất, bạn hãy trồng thử một cây Lộc Vừng để thưởng thức cảnh đẹp khi hoa nở nhé!