Hiện nay có 2 phương pháp sinh nở đó là sinh thường và sinh mổ. Mỗi phương pháp lại có những ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với đối tượng khác nhau. Vậy phương pháp sinh nở nào tốt nhất cho sức khỏe của mẹ và bé? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây!
Nội Dung Chính
1. Sinh thường và sinh mổ là gì?
1.1. Sinh thường là gì?
Trước khi đi tìm hiểu giữa sinh thường và sinh mổ nên chọn phương pháp nào bạn cần hiểu rõ hơn về 2 phương pháp sinh nở này.
Sinh thường hay còn là gọi là sinh tự nhiên, sinh ngả âm đạo. Đây là quá trình sinh con một cách tự nhiên, không có sự hỗ trợ của dụng cụ giúp sinh. Tới thời điểm người mẹ chuyển dạ, tử cung giãn ra và mở tới mức nhất định. Đồng thời, các cơn gò tử cung xuất hiện với tần suất đều, liên tục và mạnh sẽ tạo điều kiện cho bé di chuyển về phía cửa âm đạo của người mẹ. Để bé có thể ra ngoài người mẹ phải dùng sức rặn. Sau những cơn rặn bé chính thức được chào đời.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau để giúp mẹ giảm bớt các cơn đau khi sinh nở. Trung bình, với một ca sinh thường lần đầu sẽ mất từ 12 – 14 tiếng kể từ thời điểm chuyển dạ cho tới khi bé chào đời. Ở những lần sinh nở sau thời gian có thể ngắn hơn.
Để có thể được chỉ định sinh thường thì mẹ bầu cần phải đáp ứng được các tiêu chí:
- Sức khỏe mẹ bầu tốt, có thể rặn, hít thở để đảm bảo khi chuyển dạ cung cấp đủ oxy cho bản thân và bé
- Trên đường thoát của thai nhi không xuất hiện bất kỳ cản trở nào
- Sức khỏe thai nhi tốt, có thể vượt qua ống sinh sản, không xuất hiện tình trạng suy thai, sa dây rốn,…
- Trọng lượng thai nhi không vượt quá 4.000g
1.2. Sinh mổ là gì?
Ngược lại, sinh mổ lại có sự tham gia của các dụng cụ, máy móc. Theo đó, khi bạn chọn sinh mổ bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật xâm lấn để đưa bé ra khỏi bụng mẹ. Khi thực hiện phẫu thuật bác sĩ sẽ rạch một đường ở vùng bụng dưới và tử cung của mẹ khoảng 10cm rồi đưa bé ra ngoài.
Trước khi phẫu thuật mẹ bầu sẽ được gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng. Phần lớn trường hợp sinh mổ mẹ bầu vẫn tỉnh táo. Thời gian sinh mổ thường khá ngắn, chỉ khoảng 45 phút, trong khi đó, từ 10 – 15 phút đầu tiên bé đã được đưa ra khỏi bụng mẹ.
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ lên kế hoạch sinh mổ trước cho bà bầu. Hoặc mẹ bầu cũng được quyền lựa chọn sinh mổ hay sinh thường.
Các chỉ định mổ lấy thai từ bác sĩ:
- Mổ lấy thai chủ động, tức trước khi mẹ bầu chuyển dạ
- Mẹ bầu gặp một số vấn đề về thai sản không thích hợp để sinh thường: Nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, tiền sản giật nặng, nhiễm trùng âm đạo đang diễn tiến,…
- Chỉ định sinh mổ mà không lên kế hoạch trước bởi các lý do như: Chuyển dạ ngừng tiến triển, chuyển dạ kéo dài, bất xứng đầu chậu, tim thai suy,…
- Khung chậu của mẹ bầu hẹp, méo
- Âm đạo bị chít hẹp do bẩm sinh hoặc bị rách bởi những lần sinh nở trước không được khâu phục hồi tốt, do dị dạng sinh dục (tử cung 2 sừng, tử cung đôi), mổ sa tinh dục
- Tử cung có sẹo xấu trong lần sinh mổ trước đó
- Đường ra của thai nhi có các yếu tố cản trở như: U xơ tử cung ở thân hoặc cổ tử cung, rau tiền đạo, u buồng trứng nằm sâu trong tiểu khung,…
- Mẹ mắc các bệnh như cao huyết áp, nhiễm độc thai nghén, sức khỏe quá yếu không thể sinh tự nhiên
- Mẹ bị chảy máu âm đạo do sa dây rau, nhau bong non, rau tiền đạo, dọa vỡ tử cung
- Xuất hiện tình trạng suy thai cấp buộc phải đưa bé ra khỏi bụng mẹ sớm, bất đồng nhóm máu, thai bị suy dinh dưỡng nặng
- Đa thai, ngôi thai bất thường, thai già tháng, thai bị dây rốn quấn cổ
2. Ưu, nhược điểm của sinh thường và sinh mổ
Phương pháp sinh thường và sinh mổ đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Dựa vào yếu tố này bạn sẽ biết sinh thường hay sinh mổ tốt hơn:
2.1. Sinh thường
Ưu điểm:
- Thời gian phục hồi sau sinh của người mẹ nhanh. Ngay sau khi sinh mẹ có thể bắt đầu đi lại, ăn uống, chăm sóc bé
- Có thể cho con bú ngay sau 2 giờ đầu, kể từ khi sinh xong để bảo vệ nguồn sữa mẹ
- Tử cung co hồi tốt hơn, hạn chế ứ dịch, giảm mất máu sau sinh
- Hạn chế tình trạng hạ đường huyết ở trẻ do ngay những giờ đầu sau sinh đã được bú sữa mẹ, giúp quá trình phát triển của bé thuận lợi
- Sinh thường giúp bé được đi qua âm đạo của mẹ và tiếp xúc với những vi sinh vật có lợi để tăng khả năng miễn dịch
- Các dịch trong phổi của trẻ được đẩy ra ngoài nhờ áp lực ép từ đường sinh được tạo ra trong quá trình sinh nở, từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp
Nhược điểm:
- Mang đến cho người mẹ áp lực lớn về tâm lý
- Ngày sinh thực tế thường lệch so với ngày sinh dự tính nên mẹ bầu phải luôn trong tình trạng chuẩn bị và chờ đợi
- Có thể mắc phải một số triệu chứng sau sinh do vùng sàn chậu bị ảnh hưởng, ví dụ như đi tiểu không tự chủ sau sinh
- Cơn đau chuyển dạ quá lớn khiến mẹ bầu không chịu nổi
- Tính nguy hiểm cao bởi nếu khi sinh xuất hiện sự cố sẽ rất khó xử lý. Hoặc mẹ bầu không đủ sức tiếp tục rặn khiến thai nhi tụt xuống cổ tử cung, buộc bác sĩ phải sử dụng biện pháp hỗ trợ, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé
2.2. Sinh mổ
Ưu điểm:
- Thời gian sinh nở nhanh, mẹ bầu không phải chịu các cơn đau chuyển dạ
- Có thể sinh đúng kế hoạch, thời gian đã định mà không cần thấp thỏm chờ đợi
- Mẹ bầu cùng gia đình có thể chủ động về thời gian và chuẩn bị tốt tâm lý
- Đảm bảo bé được chào đời một cách an toàn, nhất là khi thai nhi quá lớn
- Đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn bé nhất là khi nằm trong trường hợp nguy cơ cao
- Bác sĩ dễ khắc phục nếu có sự cố xảy ra
Nhược điểm:
- Mẹ bầu có thể đối mặt với một số tác dụng phụ hoặc tai biến nguy hiểm
- Nguy cơ băng huyết sau sinh của mẹ bầu cao
- Tử cung có sẹo mổ gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới những lần mang thai kế tiếp
- Nguy cơ mắc các tai biến khi mang thai, chuyển dạ sau cao hơn so với sinh thường
- Có nguy cơ dính các cấu trúc trong ổ bụng, nhiễm trùng vết mổ, xuất huyết
- Thời gian hồi phục sau sinh mổ dài hơn và việc chăm sóc mẹ bầu sau sinh mổ cũng phức tạp hơn
- Vết mổ xuất hiện tình trạng đau âm ỉ, kéo dài
- Khả năng tiết sữa sau khi sinh mổ chậm, ít hơn so với các mẹ bầu sinh thường
- Trẻ không đi qua đường sinh nên không được tiếp xúc với các vi khuẩn ruột có lợi nên hệ miễn dịch chậm phát triển
- Dịch phổi bị ép ra ngoài ít hơn so với trẻ sinh thường nên trẻ sinh mổ thường dễ mắc các bệnh về hô hấp hơn
3. Sinh thường và sinh mổ – Nên chọn phương pháp nào tốt hơn?
Cả phương pháp sinh thường và sinh mổ đều tồn tại những ưu, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, nếu sức khỏe của mẹ bầu ổn định, thai nhi phát triển bình thường, không xuất hiện các vấn đề có thể gây nguy hiểm, trở ngại thì sinh thường sẽ là phương pháp được khuyến khích. Nhưng với một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu nên sinh mổ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và bé.
Vì vậy, để biết sinh thường và sinh mổ nên chọn phương pháp nào mẹ bầu nên tới địa chỉ uy tín để thăm khám kĩ càng. Bác sĩ sản khoa sẽ đưa ra phương pháp sinh nở phù hợp nhất cho từng trường hợp. Bên cạnh đó, trong quá trình thăm khám, nếu bác sĩ phát hiện vấn đề từ mẹ hoặc bé có thể đưa ra tư vấn tốt nhất, hạn chế các tai biến sản khoa.
Trên đây là chia sẻ về phương pháp sinh thường và sinh mổ. Mang thai, sinh nở là quá trình thiêng liêng nhưng cũng rất nguy hiểm. Vì vậy, mẹ bầu nên thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh và tìm hướng xử lý. Bên cạnh đó cũng nhận được lời khuyên từ bác sĩ nên chọn sinh thường hay sinh mổ sẽ phù hợp nhất với tình trạng hiện tại của mình.
Tham khảo:
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/can-nhac-giua-sinh-mo-va-sinh-thuong/
- https://tamanhhospital.vn/nen-sinh-thuong-hay-sinh-mo/