Ô tô lao xuống nước là một tình huống nguy hiểm và không ai mong muốn xảy ra khi đang di chuyển qua cầu hay trên đường. Vậy đối với tình huống bất ngờ này, cách xử lý khi xe ô tô lao xuống nước như thế nào, đâu là phương pháp an toàn nhất cho bản thân? Vua Nệm sẽ giải đáp chi tiết qua bài viết dưới đây.
NỘI DUNG CHÍNH:
1. Hướng dẫn cách xử lý khi xe ô tô lao xuống nước
Để đề phòng bất cứ trường hợp nào cũng có thể xảy ra trong cuộc sống đặc biệt là ở thời điểm mưa lũ diễn biến phức tạp, chúng ta nên có những kỹ năng sinh tồn để xử lý tình huống kịp thời.
1.1. Nắm bắt được cơ chế chìm của ô tô
Trước khi đi sâu vào các bước cần làm khi ô tô lao xuống nước, chúng ta cần hiểu nguyên lý khi xe bị chìm trong nước. Khi lao xuống nước, xe ô tô do có sức nặng nên sẽ không chìm nay lập tức mà sẽ từ từ chìm xuống. Thời gian chìm của xe sẽ phụ thuộc vào loại xe và mức độ bịt kín của cửa xe. Tận dụng khoảng thời gian này, chúng ta có thể đưa ra những quyết định nhanh, chính xác nhất.
Ở thời điểm mới tiếp xúc với nước, hệ thống điện, các cửa sổ hay khóa cửa trong xe vẫn có thể hoạt động nhưng với thời gian khá ngắn. Thêm vào đó, khi đã dần chìm trong nước, áp suất bên ngoài và trong xe sẽ cân bằng nhau dẫn đến việc mở cửa để thoát nạn sẽ khó khăn hơn. Vì vậy bạn cần thoát ra khỏi xe càng sớm càng tốt.
1.2. Giữ tâm lý bình tĩnh và đánh giá tình huống
Điều đầu tiên cần làm khi xe ô tô lao xuống nước đó là giữ một tâm lý thật bình tĩnh, không hoảng loạn để tránh gây ra những hành động sai lầm hoặc mất tỉnh táo. Bên cạnh đó, chúng ta nên quan sát xung quanh và đánh giá tình huống, suy nghĩ đến các phương án có thể giữ an toàn cho bạn và tập trung vào việc thoát hiểm.
Bạn cũng nên chuẩn bị một tư thế phù hợp, giảm thiểu tối đa va chạm, chấn thương khi xe lao xuống nước.
1.3. Tháo dây an toàn ngay khi tiếp xúc với nước
Cách xử lý khi xe ô tô lao xuống nước đầu tiên đó là tháo dây an toàn. Trong 1 – 2 phút đầu khi xe ô tô rơi xuống nước, tháo dây an toàn là việc quyết định sự sống còn của bạn. Nếu có người khác cùng di chuyển trên xe thì hãy đảm bảo tất cả mọi người đều tháo dây an toàn và chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình thoát hiểm. Đặc biệt nếu có trẻ em trong xe, hãy ưu tiên trợ giúp cho các bé.
1.4. Mở cửa sổ một cách sớm nhất
Khi ô tô chìm trong nước, cửa sổ là lối thoát nhanh nhất. Hệ thống điện trong xe vẫn hoạt động trong thời gian ngắn khoảng 2 – 3 phút đủ để có thể bấm nút hạ kính cửa sổ. Hãy cố gắng mở cửa sổ càng sớm càng tốt để có một lối thoát hiểm tốt nhất.
Nếu xe đã chìm quá sâu hoặc hệ thống điện trong xe không hoạt động, cách tốt nhất lúc này là tìm lấy một dụng cụ thoát hiểm như búa hay các vật dụng cứng cáp có thể đập vỡ cửa kính. So với kính chắn gió hay kính hậu thì cửa kính bên hông ở vị trí cửa sổ sẽ dễ vỡ hơn.
Kính cửa sổ ô tô là kính cường lực nên để đập vỡ kính chúng ta nên đập mạnh vào mép kính thay vì vị trí trung tâm. Bằng cách này các vết nứt từ mép sẽ lan dần ra và phá vỡ liên kết của kính. Nếu xe chưa chìm hoàn toàn trong nước bạn có thể sử dụng lối thoát hiểm ở cửa kính hông này. Hoặc với ô tô có cửa sổ trời, bạn cũng có thể thoát nạn bằng lối thoát trên bên cửa sổ trời ít bị tác động bởi áp suất nước.
>> Xem thêm: Bỏ túi 10 lưu ý lái ô tô vào mùa mưa lũ để phòng tránh sự cố
1.5. Không cố gắng mở cửa khi xe vừa rơi xuống nước
Do áp lực nước lớn nên khi rơi xuống nước theo bản năng chúng ta rất dễ tìm cách để mở cửa xe. Áp suất của nước sẽ khiến bạn khó khăn trong việc mở cửa và thậm chí còn làm tốn thời gian và khiến nước tràn vào xe nhanh hơn.
Thay vào đó chúng ta hãy tìm cách thoát ra bằng cửa sổ bên hông, cửa sổ trời hoặc tìm kiếm các vật dụng có thể hỗ trợ chúng ta thoát ra ngoài một cách nhanh chóng.
1.6. Nhanh chóng thoát ra ngoài
Sau khi đã mở được cửa và có lối thoát, hãy nhanh chóng ra khỏi xe. Ở thời điểm ban đầu khi cửa kính bị vỡ, nước sẽ nhanh chóng tràn vào trong xe và có thể cản trở phần nào việc thoát ra. Vì vậy hãy chuẩn bị hết sức lực để bơi ra khỏi xe. Trong tình huống này nên loại bỏ các vật dụng nặng, cản trở như điện thoại, quần áo nặng,… Hãy ưu tiên người già và trẻ nhỏ trong xe thoát nạn trước tiên.
Sau khi ra khỏi xe, bạn cố gắng bơi lên bề mặt nước càng nhanh càng tốt. Nếu khó xác định vị trí mặt nước hay phương hướng, bạn có thể dựa vào vị trí các bong bóng vì chúng luôn nổi ở trên. Bên cạnh đó, hãy chú ý đến những vật cản như tảng đá, thuyền bè, ca nô di chuyển dung quanh để tránh va chạm.
Nếu đã thoát ra khỏi xe và tiếp cận được với mặt nước, hãy nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp của y tế hoặc những người xung quanh. Bởi sau thời gian thoát nạn dưới nước, cơ thể dễ đuối sức mất cảm giác.
2. Một số lời khuyên phòng tránh tai nạn dưới nước
Không chỉ nắm chắc cách xử lý khi xe ô tô lao xuống nước mà chúng ta cần chuẩn bị tâm lý hoặc các vật dụng cần cho việc thoát nạn.
2.1. Nắm vững các kỹ năng thoát hiểm dưới nước
Thoát hiểm dưới nước là một kỹ năng quan trọng nên được trang bị cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Không chỉ trong tình huống xe ô tô lao xuống nước mà ngay cả trong các hoạt động thường ngày cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước, rơi xuống nước có thể xảy ra. Vì vậy hãy chủ động, tìm hiểu các biện pháp, kỹ năng thoát nạn.
Một số kỹ năng được trang bị nếu gặp trường hợp rơi xuống nước như cách xử lý chuột rút, kỹ năng đứng nước, phân phối sức khi bơi, hít thở dưới nước,…
>> Đọc thêm: Hướng dẫn cách tập bơi cho trẻ em đơn giản, an toàn, đúng kỹ thuật
2.2. Chuẩn bị một số dụng cụ thoát hiểm trong xe
Bên cạnh các kỹ năng cần thiết, chúng ta nên chuẩn bị một số dụng cụ thoát hiểm trong xe như búa thoát hiểm, dao nhỏ,… Các vật dụng này nên được đặt gọn gàng trong hộp đựng ở vị trí dễ lấy như trước ghế phụ hoặc ở vị trí gần tay cầm.
Ngoài ra nếu chưa có các dụng cụ cần thiết chúng ta có thể tận dụng các chi tiết trong xe. Ví dụ như tựa đỡ đầu trong xe, chi tiết này có thể tháo rời đơn giản. Hay thậm chí các vật dụng như gót giày cao gót, chai lọ cứng, chốt kim loại,… cũng đều trở thành công cụ trợ giúp hữu hiệu giúp đập vỡ cửa kính để thoát nạn.
2.3. Hạn chế di chuyển trong mùa mưa lũ nếu không có việc cần thiết
Đặc biệt lưu ý trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và mưa lũ, chúng ta nên tránh xa các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để đề phòng các trường hợp xấu nhất. Không đi bộ, di chuyển qua lại các vùng nước lũ dâng cao, chảy xiết.
Với các tài xế nếu phải di chuyển trong điều kiện mưa bão, ngập lụt, hãy đảm bảo trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, di chuyển với tốc độ chậm, chú ý quan sát xung quanh để kịp thời ứng phó với các tình huống.
Như vậy, khi gặp phải tình huống khẩn cấp như xe ô tô lao xuống nước, việc biết cách xử lý một cách tỉnh táo và nhanh chóng là rất quan trọng. Bằng những biện pháp cấp cứu đơn giản nhưng hiệu quả như trên, bạn có thể cứu sống bản thân và những người khác một cách an toàn.