Khi thời tiết giao mùa, khí hậu thay đổi đột ngột chính là thời điểm trẻ sơ sinh rất dễ bị mắc bệnh. Do làn da còn mỏng manh và nhạy cảm nên nhiều trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết, khiến cơ thể nổi mề đay, mẩn đỏ. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như cách chăm sóc trẻ khi mắc bệnh, hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây.
NỘI DUNG CHÍNH:
1. Dị ứng thời tiết là gì?
Dị ứng là tổng hợp của những phản ứng thể hiện hệ thống miễn dịch cơ thể đang bị ảnh hưởng, ví dụ như hắt hơi, ngứa, nổi mề đay, phát ban mãn tính, khó thở, thở khò khè hoặc thậm chí có những phản ứng nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới tính mạng.
Hiện nay, dị ứng thời tiết là bệnh lý khá phổ biến trong đời sống hàng ngày. Dị ứng thời tiết thực chất là do biến thiên nhiệt độ nóng – lạnh hoặc độ ẩm, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc hay là thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí. Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ có các biểu hiện như da mẩn đỏ, ngứa, nổi mề đay, và có các mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Mỗi cá thể khác nhau sẽ phản ứng lại tác nhân gây dị ứng thời tiết một cách khác nhau nên mức độ dị ứng, biểu hiện cũng khác nhau. Dị ứng thời tiết có 2 loại:
- Dị ứng thời tiết nóng: khi thời tiết nóng, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi nên da của chúng ta sẽ luôn trong trạng thái ẩm ướt, dễ xảy ra tình trạng viêm nhiễm, khiến bệnh dị ứng ngày càng nặng hơn.
- Dị ứng thời tiết lạnh: cơ thể nổi mẩn đỏ là hiện tượng xảy ra vào mùa đông. Nhiệt độ hạ thấp làm không khí trở nên khô hơn khiến cho tình trạng dị ứng xảy ra. Ngoài ra, những lúc trời mưa hoặc có gió cũng có thể dẫn đến tình trạng dị ứng thời tiết này.
2. Tại sao trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết?
Như chúng ta đã biết, hệ miễn dịch của trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa phát triển toàn diện nên còn rất yếu. Do vậy, trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh hơn so với người trưởng thành. Bên cạnh đó, sự thay đổi thời tiết đột ngột cũng là một yếu tố bất lợi gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các bé.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết:
- Thời tiết thay đổi đột ngột
Thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng đều gây tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch của trẻ. Khi đó, cơ thể trẻ sẽ tăng cường sản xuất ra một lượng histamin và gây ra tình trạng trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết.
- Điều kiện thời tiết thất thường
Thời điểm chuyển mùa, các loại nấm mốc, phấn hoa hay bụi bẩn có thể phát tán mầm bệnh nhanh chóng, khiến trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết.
- Các dị nguyên xâm nhập
Các dị nguyên (nguyên nhân gây dị ứng) có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh qua nhiều đường như hít thở, ăn uống, tiêm hoặc tiếp xúc qua da. Một số dị nguyên thường gặp như:
- Phấn hoa từ các loại cỏ dại, cây cối;
- Tình trạng ẩm mốc cả trong nhà lẫn ngoài trời;
- Tình trạng mối mọt trong chăn ga gối đệm, thảm và các vật dụng dễ hút ẩm khác;
- Vảy da, lông vật nuôi như chó, mèo, ngựa và thỏ;
- Do một số loại thuốc và đồ ăn;
- Do nọc độc từ vết chích của côn trùng;
- Do di truyền. Nếu cha mẹ có tiền sử dị ứng thì con cái nhiều khả năng cũng bị dị ứng.
3. Các triệu chứng khi trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết
Khi trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết, chúng sẽ gặp phải một số triệu chứng như sau:
- Da nổi mẩn đỏ, các bé thường xuyên bị chảy nước mũi, hay hắt hơi, ho, nghẹt mũi, mắt ửng đỏ, đau đầu,…
- Nếu tình trạng dị ứng kéo dài thì có thể do một số bệnh lý như bệnh hen suyễn, bệnh viêm mũi dị ứng và bệnh eczema,…
- Trong trường hợp bạn nhận thấy bé có hiện tượng thở dốc, hụt hơi đi kèm một số dấu hiệu dị ứng thì rất có thể con đang gặp phải cơn hen suyễn cấp tính do thời tiết thay đổi.
Cha mẹ cần lưu ý, những biểu hiện khi trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết khá giống với tình trạng cảm lạnh. Bạn cần quan sát chú ý để tránh nhầm lẫn.
4. Chăm sóc trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng chỉ có thời tiết nắng nóng mới tác động tiêu cực đến da bé, nhưng thật ra ngay cả khi thời tiết lạnh, nhiều gió thì da của bé cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các bạn có thể tham khảo một số cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết như sau:
4.1. Với những trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết khô
- Tắm cho con bằng nước ấm và trong không gian kín gió
Bạn cần lưu ý không nên kiêng tắm cho con để ngăn ngừa vi khuẩn có cơ hội khu trú và làm tổn thương da của các bé. Mẹ nên cho con tắm bằng nước ấm và trong không gian kín gió. Khi tắm xong, mẹ cần nhanh chóng lau khô người cho trẻ. Lưu ý nên dùng khăn mềm và sạch sẽ bởi da của bé rất nhạy cảm.
Ngoài ra, khi trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết, mẹ nên mặc cho bé những bộ đồ rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Tuyệt đối không cho bé mặc những bộ đồ quá chật bởi điều này có thể khiến triệu chứng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.
- Bôi kem dưỡng ẩm
Sau khi tắm cho con xong, mẹ có thể dùng kem dưỡng ẩm cho trẻ để duy trì độ ẩm trên bề mặt da. Tuy nhiên, trước đó, các bạn lưu ý nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn về loại kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da nhạy cảm của bé.
Không tùy tiện cho con sử dụng bất cứ loại kem nào nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng những loại kem bôi không phù hợp thì các triệu chứng dị ứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
- Hạn chế để con gãi lên vùng da mẩn đỏ
Khi chăm sóc cho trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết khô, mẹ cần hạn chế để con gãi lên vùng da bị mẩn ngứa. Nếu trẻ gãi quá nhiều có thể khiến da bị trầy xước và tổn thương nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng lưu ý nên thường xuyên cắt móng tay và mang bao tay bảo vệ cho bé.
4.2. Chăm sóc bé bị dị ứng do gió
- Hạn chế cho con ra ngoài
Bạn không nên cho trẻ ra gió, hãy hạn chế cho trẻ ra ngoài khi thời tiết đang giao mùa. Trong trường hợp bắt buộc phải đi ra ngoài, bạn hãy che chắn thật cẩn thận, giữ ấm cho trẻ.
- Bôi kem dưỡng da cho con
Gió khô, gió độc có thể khiến trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết. Cha mẹ nên bôi kem dưỡng ẩm cho bé để giữ cho làn da của con mịn màng suốt cả ngày. Tuy nhiên, bạn cũng cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn
Trong khi trẻ sơ sinh bị dị ứng thời tiết, mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn để ngăn ngừa tình trạng khô da và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đối với những trẻ đã bước vào thời kỳ ăn dặm, bạn cũng cần để tâm nhiều hơn đến chế độ ăn của bé. Nên cho bé ăn đủ dưỡng chất, đặc biệt cần bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng, giúp bé sớm cải thiện tình trạng dị ứng.
Hơn nữa, trong quá trình chế biến thức ăn cho con, mẹ cần đảm bảo rửa tay sạch sẽ trước khi nấu, chọn lựa nguồn thực phẩm an toàn, vệ sinh dụng cụ nấu ăn cho trẻ thật sạch sẽ.
Cha mẹ cần lưu ý, nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường như ho, sổ mũi kéo dài, cơ thể mệt mỏi,… tốt nhất hãy đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và chỉ định thời gian sử dụng phù hợp.
Trên đây là những thông tin về dị ứng thời tiết ở trẻ sơ sinh mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có thêm những kiến thức hữu ích để chăm sóc con trẻ.