Hiện nay, thẻ tín dụng được sử dụng rất phổ biến trong các giao dịch hàng ngày. Thẻ tín dụng giúp bạn quản lý tài chính cá nhân một cách thông minh. Vậy thẻ tín dụng là gì, tính tiện lợi và cách sử dụng loại thẻ này như thế nào…? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này.
Gợi ý các sản phẩm bán chạy tại Vua Nệm
Nội Dung Chính
1. Thẻ tín dụng là gì?
Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ ngân hàng cho phép chủ thẻ thanh toán các giao dịch ngay cả khi không có tiền, nói cách khác là bạn sẽ được sử dụng thẻ để thanh toán trong một phạm vi hạn mức đã được thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ trước đó.
Hiểu một cách đơn giản hơn là bạn có thể mua hàng trước và thanh toán sau trong giới hạn phạm vi của thẻ. Bạn được sử dụng thẻ để mua hàng trực tuyến, thanh toán các hóa đơn tại cửa hàng, đại lý, siêu thị hay những nơi chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Bạn cũng có thể rút tiền ở cây ATM bằng thẻ tín dụng. Bạn sẽ phải hoàn trả số tiền này vào đúng hạn mà ngân hàng đã quy định với bạn.
Hạn mức tín dụng sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính của chủ thẻ có thể là dựa vào mức thu nhập hàng tháng và các tài sản có thể dùng thế chấp.
2. Cấu tạo của thẻ tín dụng
Mỗi thẻ tín dụng đều có cấu tạo hai mặt. Cụ thể:
2.1. Mặt trước thẻ tín dụng
Biểu tượng tổ chức quốc tế phát hành thẻ.
Ví dụ:
- Amex có biểu tượng đầu người chiến binh.
- Visa có biểu tượng hình chữ nhật gồm 3 màu xanh, trắng, vàng cùng hình một con chim bồ câu đang bay.
- Masters Card có dòng chữ “Masters Card” chạy giữa 2 vòng tròn màu da cam và đỏ lồng vào nhau.
Tên và logo: Của ngân hàng phát hành thẻ.
Số thẻ, tên: Của chủ thẻ được in nổi.
Thời gian hiệu lực của thẻ: Là thời gian thẻ được phép lưu hành (tuỳ từng loại thẻ) và được thống nhất tính theo dương lịch
Ký tự an ninh: Là số mật mã của đợt phát hành, mỗi loại thẻ luôn có ký tự an ninh kèm theo, in phía sau của ngày hiệu lực.
Ví dụ:
- Thẻ Visa có chữ V (hoặc CV, PV, RV)
- Thẻ Mastercard có chữ M và chữ C lồng vào nhau.
2.2. Mặt sau thẻ tín dụng
Dải băng từ: chứa các thông tin đã được mã hoá theo một tiêu chuẩn đã được thống nhất như: Số thẻ, ngày hết hạn và các yếu tố kiểm tra an toàn khác.
Ô chữ ký dành cho chủ thẻ
Mã bảo mật CVV: Mã bảo mật thẻ
3. Phân loại thẻ tín dụng
Có 4 cách phổ biến dùng để phân loại thẻ tín dụng hiện nay:
3.1. Dựa vào phạm vi sử dụng
Căn cứ vào phạm vi sử dụng, thẻ tín dụng được phân chia thành 2 dạng, cụ thể:
- Thẻ tín dụng nội địa: cho phép bạn thanh toán và thực hiện các giao dịch trong nước. Ưu điểm của loại thẻ này là chi phí cho quản lý và sử dụng các dịch vụ không quá cao. Tuy nhiên, so với thẻ quốc tế thì hạn mức thanh toán của thẻ nội địa không cao bằng.
- Thẻ tín dụng quốc tế: cho phép bạn thực hiện các giao dịch trên toàn thế giới bằng mọi loại tiền tệ với hạn mức khá cao.
3.2. Phân loại theo thương hiệu
- Thẻ tín dụng Visa: Do công ty Visa International Service Association của Mỹ phát hành. Với Châu Á, loại thẻ này được sử dụng tương đối phổ biến, tuy nhiên nó lại bị hạn chế ở một số điểm thanh toán của khu vực châu Mỹ.
- Thẻ tín dụng MasterCard: Do công ty MasterCard Worldwide cung cấp. Loại thẻ này được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, do đó rất thích hợp khi bạn đi du lịch hay công tác nước ngoài hoặc đi du học.
- Thẻ tín dụng JCB: Loại thẻ này có chức năng chính là giúp khách hàng chi tiêu trước, trả tiền sau, do ngân hàng liên kết với JCB để phát hành. Thẻ tín dụng JCB có những ưu điểm khá hấp dẫn. Ngoài chức năng thanh toán cũng như rút tiền, quẹt thẻ tại các máy có hỗ trợ JCB, thẻ này còn có các ưu đãi như miễn phí truy cập wifi khi du lịch Nhật Bản, giảm giá các chuyến bay…
3.3. Phân loại theo hạng thẻ
- Hạng chuẩn: Với hạn mức tín dụng là 50 triệu đồng (tuỳ ngân hàng), mức thu nhập tối thiểu người dùng cần đạt được để mở thẻ này là 4.5 triệu đồng/tháng.
- Hạng vàng: Với hạn mức khoảng 200 triệu đồng, thậm chí có ngân hàng còn lên tới 500 triệu đồng. Mức thu nhập tối thiểu của người dùng để mở thẻ khoảng 10 triệu/tháng.
- Hạng bạch kim: Với hạn mức tín dụng là con số hàng tỷ đồng, thu nhập mà người dùng cần đạt để mở thẻ lên tới 20 triệu đồng/tháng.
3.4. Phân loại theo nhu cầu của khách hàng
- Thẻ tín dụng tích điểm: có chức năng tích điểm cho người dùng sau mỗi lần họ thanh toán bằng thẻ tín dụng. Điểm thường được quy đổi thành quà tặng, các chương trình khuyến mãi, chính sách ưu đãi.
- Thẻ tín dụng hoàn tiền: loại thẻ này giúp bạn hoàn lại một số tiền nhất định sau mỗi giao dịch
- Thẻ tín dụng chuyên rút tiền mặt: Cho phép người dùng rút tiền từ thẻ tín dụng nhiều lần và không tính phí.
- Thẻ tích dặm: thường dành cho khách hàng hay di chuyển bằng máy bay và thanh toán bằng thẻ tín dụng. Thẻ tích dặm giúp chủ thẻ sử dụng số dặm bay này để đổi thành các dịch vụ trên chuyến bay như dịch vụ phòng chờ, trả góp vé bay bay với 0% lãi suất.
4. Tại sao nên sử dụng thẻ tín dụng
Khi bạn sử dụng thẻ tín dụng với tinh thần trách nhiệm cao bạn sẽ nhận được nhiều giá trị có ý nghĩa. Cụ thể:
- Giúp bạn chia nhỏ những thanh toán lớn bằng cách trả góp: Khi bạn cần phải thanh toán hoá đơn có giá trị lớn, bạn được phép chi trả trước và trả góp trong vài tháng tiếp theo.
- Xây dựng xếp hạng tín dụng cá nhân: Thẻ tín dụng giúp bạn tạo được lịch sử thanh toán các khoản nợ với ngân hàng, nhờ vào lịch sử này bạn có thể đánh giá được năng lực thanh toán của mình. Nếu bạn có lịch sử tốt có thể chứng minh bạn sẽ có khả năng chi trả nếu bạn đăng ký các khoản vay lớn hơn như mua đất, nhà…
- Giúp bạn luôn sẵn sàng trong mọi trường hợp: Với những tình huống chi trả chi phí bất ngờ bạn sẽ có được phương pháp xử lý tức thì mà không cần quá lo lắng về việc huy động tài chính khẩn cấp
- Ngoài ra, sử dụng thẻ tín dụng còn cho phép bạn có nhiều cơ hội tiếp cận với các chương trình khuyến mãi, mã giảm giá, trả góp, các điểm thưởng, hoàn tiền…
5. Điều kiện đăng ký và thủ tục làm thẻ tín dụng
Chỉ khi bạn đạt được những điều kiện sau, bạn mới có đủ điều kiện để xin cấp thẻ tín dụng. Các điều kiện cụ thể là:
- Đảm bảo nguồn tài chính ổn định: Chứng minh qua thu nhập hàng tháng và các tài sản có thể thế chấp của bạn
- Vị trí: phải sinh sống ở những nơi/vùng địa lý được hỗ trợ mở và sử dụng thẻ
- Uy tín dịch vụ: Ngân hàng kiểm tra lịch sử tín dụng của bạn, nếu bạn nằm trong nhóm nợ xấu thứ 2 trở lên sẽ rất khó khăn để được mở thẻ.
- Điều kiện nhân khẩu học: Trên 18 tuổi là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú tại Việt Nam
Để xin cấp thẻ tín dụng, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:
- Giấy yêu cầu phát hành và hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng phía ngân hàng cung cấp.
- Bản sao hai mặt CMND hoặc hộ chiếu.
- Giấy tờ chứng minh thu nhập.
6. Những lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng
Để tránh rơi vào sự cám giỗ của bẫy tín dụng và trở thành “kẻ” nợ xấu, bỏ túi những lưu ý dưới đây để trở thành người sử dụng thẻ thông minh.
6.1. Cần phải kiểm soát chi tiêu
Tư tưởng mua hàng trước thanh toán sau rất dễ gây ra tâm lý bốc đồng dẫn đến thiếu kiểm soát trong chi tiêu. Nếu không có một kế hoạch chi tiêu rõ ràng, khả năng bạn bị vỡ nợ là rất cao. Điều này gây ra ảnh hưởng lớn trong vấn đề tài chính đồng thời gây ra áp lực tinh thần cho bạn
Để không trở thành khách hàng có lịch sử nợ xấu, bạn nên đặt ra các mốc chi tiêu quy định trong mỗi tháng và kiểm soát hành vi của bản thân trong những nguyên tắc đó.
6.2. Không nên dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt
Một số thẻ tín dụng cho phép bạn sử dụng tính năng rút tiền mặt tại các cây ATM, nhưng tại sao chúng ta lại không nên dùng thẻ dưới hình thức này? Việc bạn rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng, bạn sẽ bị tính lãi ngay khi hoàn tất giao dịch và việc này sẽ làm cho khoản tiền lãi phải trả của bạn tăng lên chóng mặt
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên sử dụng thẻ với các giao dịch có giá trị lớn như mua xe hơi, mua nhà, đất bởi lãi suất khá cao sẽ làm tăng gánh nặng trả “nợ” của bạn.
6.3. Nắm rõ về ngày thanh toán/ngày sao kê
Các ngân hàng thường cho phép bạn được hoàn trả lại số tiền trong vòng 45 ngày với lãi suất 0% (ngày sao kê tháng này đến ngày sao kê tháng tiếp theo và cộng thêm 15 ngày).
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này, bạn sẽ phải trả lãi suất theo quy định của ngân hàng. Việc không nắm rõ ngày sao kê sẽ làm cho bạn rơi vào tình huống phải trả lãi bất đắc dĩ. Vì vậy, hãy luôn ghi nhớ những mốc thời gian quan trọng này để có thể trả nợ đúng hạn và tránh phát sinh lãi suất.
6.4. Hiểu cách ngân hàng tính lãi suất thẻ tín dụng
Cần làm việc với ngân hàng để thực sự hiểu về cách tính lãi suất của họ trước khi ra quyết định mở thẻ. Bởi trong quá trình sử dụng thẻ, bạn có thể phải chịu thêm các loại phí như phí vượt hạn mức, phí trả trễ… Luôn nắm rõ những điều này sẽ giúp bạn tính toán và đảm bảo được khả năng chi trả của mình.
6.5. Bảo mật thông tin thẻ
Thẻ tín dụng không yêu cầu nhập mã PIN khi giao dịch tại quầy thanh toán. Do vậy bạn cần luôn luôn bảo mật thẻ của mình ở mức độ cao nhất. Việc để lộ thông tin thẻ hay làm mất thẻ sẽ tạo cơ hội để kẻ xấu lợi dụng và sử dụng thẻ của bạn một cách dễ dàng.
Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, bạn nên gọi điện đến ngân hàng để yêu cầu khoá thẻ.
6.6. Không mở quá nhiều thẻ tín dụng
Việc mở nhiều thẻ tín dụng buộc bạn phải đối mặt với các tình trạng: khó quản lý tài chính cá nhân, chủ quan và mất kiểm soát trong chi tiêu, quên ngày sao kê,… chúng sẽ làm cho bạn rơi vào trạng thái mất cân đối tài chính và khó có thể hoàn trả đúng thời hạn cho ngân hàng.
Trên đây là tất cả những thông tin cần thiết khi bạn tìm hiểu về thẻ tín dụng. Hy vọng những chia sẻ trên có thể giúp bạn giải đáp những thắc mắc của mình.