Du nhập từ văn hoá Trung Hoa, Tết Nguyên Tiêu là ngày lễ tuy quen mà lạ đối với người dân đất Việt. Hầu hết người Việt Nam đều đã nghe đến Tết Nguyên Tiêu, nhưng không phải ai cũng hiểu ý nghĩa và phong tục tập quán trong ngày Tết này! Thậm chí nhiều người vẫn còn nhầm lẫn Tết Nguyên Tiêu chính là Tết Nguyên Đán.
Vậy Tết Nguyên Tiêu là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết này? Các phong tục tập quán của người Việt trong ngày Tết Nguyên Tiêu. Cùng Vua Nệm tìm hiểu nhé!
Nội Dung Chính
1. Tết Nguyên Tiêu là gì?
Là ngày hội cổ truyền trong văn hoá Trung Quốc, Tết Nguyên Tiêu còn có tên gọi là Tết Thượng Nguyên hay Rằm Tháng Giêng. Ngày Tết này thường được tổ chức vào đêm ngày 14 đến đêm ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Trong tiếng Hán, “nguyên” mang ý nghĩa là mở đầu, còn “tiêu” lại có nghĩa là ban đêm. Tết Nguyên Tiêu là dịp để đánh dấu ngày rằm đầu tiên trong một năm mới. Đây cũng là một ngày lễ quan trọng trong văn hoá Trung Hoa, bên cạnh dịp Tết Nguyên Đán quen thuộc.
2. Sự tích của ngày Tết Nguyên Tiêu
Theo một số chuyên gia sử học, có rất nhiều giai thoại, phiên bản khác nhau về sự tích ngày Tết Nguyên Tiêu. Giai thoại phổ biến nhất đã nhắc đến Tết Nguyên Tiêu có nguồn gốc từ thời Tây Hán, Trung Quốc với nét đặc trưng về lễ rước đèn linh đình, long trọng.
Sự tích kể lại rằng thời bấy giờ, mỗi dịp Tết đến xuân sang, các cung nữ thường rất nhớ nhà, cha mẹ và người thân. Tuy nhiên, cung vua luôn được canh gác nghiêm ngặt, chặt chẽ nên các cung nữ không thể tìm cách lẻn ra để về thăm quê nhà.
Biết được nỗi trăn trở của các cung nữ, Đông Phương Sóc (viên sủng thần của nhà vua Hán Vũ Đế) đã động lòng và nghĩ cách giúp các cung nữ. Ông đã loan tin thất thiệt rằng cung Trường An sẽ bị thiêu rụi bởi Hoả thần vào ngày rằm âm lịch. Không chỉ làm người dân lo lắng, tin tức này cũng khiến nhà vua hoang mang.
Đông Phương Sóc đã hiến kế cho nhà vua rằng ngài và gia đình nên ra khỏi cung để lánh tạm vào ngày rằm tháng giêng. Ngày hôm đó, Đông Phương Sóc sẽ cho các quan đại thần treo đèn lông đầy cung, nhằm giả cảnh lửa cháy, đánh lừa Hoả thần.
Nhà vua đã đồng ý với kế sách này và kể từ đó, vào ngày rằm tháng giêng hàng năm, đèn lồng sẽ được treo khắp cả nước. Các cung nữ cũng được về thăm gia đình, đoàn tụ với người thân. Ngày Tết Nguyên Tiêu đã du nhập vào Việt Nam, tuy nhiên có nhiều thay đổi về ý nghĩa và hình thức, trở thành phiên bản khác biệt hơn so với ngày lễ cổ truyền tại đất nước Trung Hoa.
3. Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Tiêu là gì?
Trong văn hoá Trung Hoa, 3 ngày rằm quan trọng nhất trong năm là rằm tháng giêng (hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên), rằm tháng 7 (còn có tên gọi là Tết Trung Nguyên) và rằm tháng 10 (hay còn gọi là Tết Hạ Nguyên).
Trong tiếng Hán Việt, nguyên có nghĩa là đầu tiên, tiêu là đêm. Tết Nguyên Tiêu mang ý nghĩa là đêm rằm đầu tiên trong năm. Đây là dịp quan trọng đối với người Trung Hoa, đặc biệt là người theo Phật giáo.
Vào ngày này, những gia đình theo đạo Phật thường chuẩn bị các mâm cỗ để dâng lên Phật và tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính và nhớ ơn. Qua đó, cầu mong một năm mới nhiều bình an và may mắn. Tuỳ theo phong tục từng gia đình mà mâm cỗ cũng khác nhau.
Rằm tháng giêng là dịp lễ quan trọng đối với người nhà Phật, thể hiện qua các câu ca dao tục ngữ Việt Nam như “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”, hay “Cúng quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng.”
4. Các tục lệ vào ngày Tết Nguyên Tiêu tại các quốc gia
Ở mỗi đất nước, ngày Tết Nguyên Tiêu được tổ chức theo các hình thức và phong tục khác nhau. Cùng Vua Nệm tìm hiểu các tục lệ của ngày Tết Nguyên Tiêu tại các quốc gia nhé!
4.1 Ngày Tết Nguyên Tiêu tại Việt Nam
Tương tự như văn hóa Trung Hoa, người Việt theo đạo Phật rất coi trọng 3 ngày rằm lớn trong năm, gồm: rằm tháng giêng, rằm tháng mười và rằm tháng chạp.
Vào ngày Tết Nguyên Tiêu, người Việt thường đến chùa để cúng sao, cầu nguyện, mong những điều tốt lành nhất đến với bản thân cũng như gia đình mình. Bên cạnh đó, một số gia đình còn chuẩn bị trái cây, bánh trái, để bày lên bàn thờ để tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên.
Với những khu vực tập trung đông dân cư người Hoa, có thể kể đến như: Chợ Lớn, phố cổ Hội An…, Tết Nguyên Tiêu lại càng đặc sắc hơn với nhiều hoạt động lễ hội đa dạng, nhiều màu sắc.
Đặc biệt, tại khu Chợ Lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng người Hoa thường tổ chức các nghi lễ truyền thống cùng các màn trình diễn nghệ thuật cổ truyền như: thư pháp, ca kịch, múa lân…Đây cũng là dịp để cộng đồng người Hoa sinh hoạt, quây quần bên nhau trong dịp đầu năm mới.
4.2 Tết Nguyên Tiêu tại Trung Quốc
Trong ngôn ngữ Trung Quốc, Tết Nguyên Tiêu thường được gọi là Tết Thượng Nguyên (hay Tết Trạng Nguyên). Đây được xem là dịp lễ hội quan trọng của người dân đất nước này (chỉ sau Tết Nguyên Đán).
Vào ngày Tết Nguyên Tiêu, người Trung Quốc sẽ thường thực hiện nghi lễ cung tế với mục đích cầu an, cầu phước cho một năm mới suôn sẻ, thuận lợi. Bên cạnh tục lệ cầu nguyện, người Trung Hoa còn ăn thang viên (tức là bánh trôi nước).
Bánh trôi nước có hình tròn tượng trưng cho sự ấm no, đủ đầy và hạnh phúc. Theo phong tục cổ xưa, ăn bánh trôi nước vào Tết Nguyên Tiêu giúp gia đình cả năm phát đạt, gặt hái nhiều thành công.
Ngoài ra, người Trung Quốc cũng tổ chức một số hoạt động thi tài, vui chơi vào dịp Tết Nguyên Tiêu hàng năm như: thả lồng đèn lên trời, cuộc thi đoán hình thú trên các đèn lồng, ngâm thơ, thi hò vè…
4.3 Tết Nguyên Tiêu tại Hàn Quốc
Trong tiếng Hàn, rằm tháng giêng được gọi là lễ Daeboreum. Vào ngày lễ này hàng năm, mọi người trong làng, trong khu phố hoặc trong gia đình sẽ cùng nhau chơi các trò chơi truyền thống.
Đêm trước ngày rằm, người Hàn Quốc còn tổ chức Lễ hội lửa hay còn được gọi là Jeongwol Daeboreum. Người dân Hàn Quốc sẽ thi nhau leo núi để trở thành người đầu tiên nhìn thấy mặt trăng mọc lên. Họ tin rằng, dưới ánh trăng, mọi điều ước của họ đều được sáng soi và sẽ thành sự thật một ngày không xa.
4.4 Tết Nguyên Tiêu tại Nhật Bản
Tết Nguyên Tiêu được gọi là lễ Koshogatsu trong tiếng Nhật. Vào ngày rằm tháng giêng, người Nhật Bản thường giữ truyền thống ăn cháo đậu đỏ vào buổi sáng, để cầu nguyện cho một vụ mùa tươi tốt, bội thu.
XEM THÊM:
- Tết hàn thực là ngày gì? Ý nghĩa của tết hàn thực trong văn hoá của người Việt
- Tết Thanh minh là gì? Tết Thanh minh có ý nghĩa gì trong văn hoá người Việt
- Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 là ngày gì?
Bài viết đã cung cấp đầy đủ các thông tin về Tết Nguyên Tiêu là gì và phong tục của ngày lễ này tại từng quốc gia. Bạn đã hiểu về ngày Tết cổ truyền này chưa? Tết Nguyên Tiêu quả thực là một dịp lễ thú vị và đáng mong đợi phải không?
Hy vọng Vua Nệm đã cung cấp những thông tin bổ ích cho quý độc giả. Tiếp tục theo dõi Vua Nệm ở những bài viết tiếp theo nhé!