Phương pháp Feynman được biết đến là phương pháp giúp tối ưu khả năng ghi nhớ, lĩnh hội kiến thức. Hiệu quả của phương pháp này đã được kiểm chứng bởi một trong số những người giàu nhất thế giới – tỷ phú Bill Gates. Thậm chí ông còn không tiếc lời tán dương rằng đây là: “Người thầy vĩ đại nhất mà tôi từng có”. Phương pháp Feynman có gì đặc biệt đến vậy? Chi tiết sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây của Vua Nệm.
NỘI DUNG CHÍNH:
1. Phương pháp Feynman là gì?
Bạn có bao giờ rơi vào trường hợp dành hàng giờ để nghe giảng, đọc tài liệu,.. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mọi thông tin vừa nạp vào đầu đã “không cánh mà bay”. Lý do là vì bộ não con người có cơ chế sàng lọc, loại bỏ bớt những thông tin được cho là không cần thiết để tránh sự kích thích quá mức. Vì vậy mà việc quên hết những thông tin, nội dung vừa tiếp nhận là điều không tránh khỏi.
Để nâng cao khả năng ghi nhớ, rất nhiều phương pháp đã được sáng tạo, ứng dụng. Đáng chú ý phải kể đến phương pháp Feynman, được nghiên cứu bởi Richard Feynman – nhà vật lý đoạt giải Nobel. Feynman là một phương pháp học tập nổi tiếng giúp mọi người hiểu sâu và nhanh chóng ghi nhớ kiến thức, tránh được tình trạng “học trước quên sau”.
Phương pháp Feynman bao gồm 4 bước, thường được áp dụng để ghi nhớ các văn bản tài liệu, giải quyết những lý thuyết khó nhằn. Phương pháp này giúp chúng ta:
- Dễ nhớ, hiểu sâu nội dung, kiến thức
- Nâng cao kỹ năng trình bày vấn đề và tư duy phản biện
- Biết cách ứng dụng kiến thức vào thực tế một cách dễ dàng
2. Quy trình áp dụng phương pháp Feynman
2.1 Bước 1: Tìm hiểu, nghiên cứu ban đầu
Bắt đầu, hãy xác định cho mình một chủ đề cần học. Việc cụ thể hóa lựa chọn giúp ta xác định được những mảng kiến thức cần tập trung và biết nên xuất phát từ đâu.
Tiếp đến, tìm tòi, tập trung nghiên cứu những giáo trình, tài liệu liên quan để có một nền tảng kiến thức ổn định. Lưu ý, người học cần đi sâu vào trọng tâm chứ không chỉ đọc lướt qua văn bản. Một mẹo nhỏ để có thể hiểu sâu kiến thức là khi đọc hãy giải thích từng dòng, điều này cho phép bạn hiểu rõ khái niệm và ghi nhớ chúng nhanh hơn.
2.2 Bước 2: Viết và giải thích lại theo cách đơn giản nhất
Sau khi đọc, nghiên cứu thông tin thì hãy viết những gì mình hiểu về chủ đề đang đọc ra một tờ giấy. Không quá quan trọng việc liệt kê đầy đủ hoặc đúng trình tự như trong sách giáo khoa, thay vào đó chỉ cần liệt kê những nội dung bản thân tiếp nhận được và định nghĩa lại bằng những thuật ngữ cơ bản nhất kèm ví dụ minh hoạ.
Điểm mấu chốt là hãy đơn giản hoá kiến thức, đảm bảo rằng một đứa trẻ đọc vào cũng có thể hiểu được. Đơn giản là một sự thông thái, việc sử dụng những thuật ngữ “chuyên môn”, “to tát” chỉ khiến nội dung trông càng phức tạp, khó hiểu, khiến chúng ta không thể đào sâu vấn đề. Tuy nhiên kỹ thuật đơn giản hoá cần có thời gian để trau dồi và tiến bộ dần.
Hoặc ở bước này, bạn có thể thử dạy, chia sẻ lại với những người thân xung quanh để nhận được những phản ứng khách quan từ họ. Những câu hỏi, những lời góp ý sẽ giúp ta học hỏi, rèn luyện tư duy nhanh hơn. Không chỉ vậy, việc giảng dạy rèn giũa cho bạn sự tự tin, cải thiện khả năng truyền đạt, giải thích vấn đề.
2.3 Bước 3: Rà soát lại những lỗ hổng kiến thức
Đây là bước để bạn rà soát lại và phát hiện những vấn đề bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn. Liệu rằng kiến thức, ý tưởng bạn vừa đưa ra đã rõ ràng, thấu đáo và gãy gọn hay chưa? Nếu phát hiện còn vấn đề, hãy khắc phục, tối ưu nó hơn nữa.
Song song với đó là tiếp tục dành thời gian tìm hiểu các tài liệu, đặc biệt là những tài liệu nghiên cứu để đào sâu vấn đề, chú ý tới những phần chưa hiểu rõ. Mở rộng vốn hiểu biết của bản thân là điều rất cần thiết. Thực tế đã chứng minh, con người học càng nhiều, năng lực tiếp thu càng tăng lên.
2.4 Bước 4: Ôn tập lại và lặp lại quy trình
Bước cuối cùng trong phương pháp Feynman là việc ôn tập lại và tiếp tục quá trình đơn giản hoá các thông tin. Ngay cả khi bạn cho rằng kiến thức mình tiếp thu đã được trôi chảy thì vẫn có khả năng thiếu hoặc sai sót. Kiểm tra lại hoặc cách tốt nhất là chia sẻ kiến thức với những người có chuyên môn, họ có thể chỉ điểm cho bạn những điều chưa tốt. Phương pháp Feynman sẽ càng hiệu quả hơn nếu bạn thật sự kiên trì, dành thời gian để lặp lại các bước trong quy trình.
3. Một số phương pháp học tập khác có thể kết hợp cùng Feynman
Để nâng tầm phương pháp Feynman giúp tối ưu hiệu quả học tập, bạn có thể kết hợp với các phương pháp khác. Chẳng hạn như:
- Lặp lại ngắt quãng: Như đã nói ở trên, phương pháp học tập Feynman sẽ hiệu quả hơn nếu bạn có sự lặp lại các bước trong quy trình. Các thuật toán lặp lại đã được chứng minh là mang đến hiệu quả ghi nhớ cao, giúp các kiến thức không bị “bỏ rơi”, bắt buộc não bộ phải ghi nhớ chúng là một nội dung quan trọng.
- Chủ động gợi nhớ: Kỹ thuật này yêu cầu bạn chủ động kiểm tra, truy hồi kiến thức đã học mà không phải dựa vào bất kỳ gợi ý hay sách vở nào. Điều này cực kỳ cần thiết và mang lại hiệu quả trước khi bước vào những kỳ thi, giúp bạn làm chủ kiến thức của mình bởi có không ít trường hợp bỗng dưng quên sạch trước khi bước vào phòng thi.
- Quả cà chua (Pomodoro): Đây là phương pháp giúp quản lý thời gian học, cải thiện sự tập trung, mang lại hiệu quả học tập cao mà không hề mệt mỏi. Phương pháp này sẽ thực hiện luân phiên giữa các phiên làm việc với quãng nghỉ ngắn để thúc đẩy sự tập trung và ngăn chặn mệt mỏi. Ví dụ: chọn công việc sẽ làm – đặt thời gian thực hiện trong 1 phiên (thường là 25 phút) – tập trung làm việc cho đến hết 25 phút – nghỉ giải lao 5 phút – đặt thời gian làm việc và quãng nghỉ cho các phiên tiếp theo.
4. Lưu ý khi áp dụng phương pháp Feynman
4.1 Tuân thủ quy trình các bước
4 bước trong phương pháp Feynman đã được trình bày rõ kể trên. Khi áp dụng bạn cần đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, tránh việc thiếu sót hoặc bỏ bước dẫn đến hiệu quả học tập không được như mong muốn.
4.2 Đơn giản hoá lý thuyết
Đây là điều quan trọng thiết yếu để phương pháp học tập Feynman đạt được độ hiệu quả. Nếu như bạn không thể đơn giản hóa thuật ngữ, lý thuyết thì rất khó ghi nhớ và hiểu sâu vấn đề. Vì vậy hãy đơn giản hoá nhất có thể kiến thức mình tiếp thu, thấu hiểu và diễn đạt theo cách của mình miễn là đảm bảo đúng tính chất nội dung. Để nâng cấp hơn, hãy lồng ghép kiến thức vào những câu chuyện, biến những kiến thức có phần khô khan trở nên sinh động và có tính minh họa thực tế.
4.3 Học tập đa giác quan
Càng nhiều giác quan tham gia vào việc học tập, nghiên cứu thì hiệu quả tiếp thu càng cao. Mắt đọc, tai nghe, tay viết, óc suy nghĩ… Sự phối hợp nhịp nhàng này giúp bạn ghi nhớ kiến thức một cách nhanh chóng.
4.4 Kiên trì thực hiện
Để lĩnh hội những kiến thức mới không phải là điều dễ dàng, cần phải có thời gian và sự quyết tâm lớn từ người học. Cần phải hiểu rằng, phương pháp Feynman chỉ giúp bạn tối ưu hiệu quả học tập, giúp ghi nhớ và khắc sâu kiến thức tốt hơn, mấu chốt vẫn là tinh thần học tập của mỗi cá nhân. Vì vậy hãy kiên trì bạn nhé.
Trên đây là tất tần tật về phương pháp Feynman sẽ giúp bạn tối ưu hiệu quả học tập, có giá trị đối với tất cả mọi người, ở mọi trình độ khác nhau. Áp dụng ngay để kiếm chứng liệu rằng phương pháp này có thực sự là “người thầy vĩ đại” như lời tỷ phú Bill Gate đã nói không nhé. Chúc bạn thành công.
>>>Xem thêm:
- Sketchnote là gì? Lợi ích và ưu – nhược điểm của phương pháp vẽ Sketchnote
- Quy tắc Smart là gì? Cách thiết lập quy tắc Smart đạt hiệu quả tối ưu