Hiện nay, nhiều nơi trên dải đất hình chữ S có nhiều loại cây trồng đang chịu sự tàn phá nặng nề của loài Rệp sáp mà chưa biết cách nào để xử lý hiệu quả loài sinh vật này, đặc biệt là những nơi khó tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại.
Bài viết hôm nay, Vua Nệm sẽ giới thiệu đến bạn, một số phương án phòng trừ và xử lý Rệp sáp hiệu quả mà không cần đến sự tư vấn của các chuyên gia nông nghiệp. Hãy theo dõi bài viết để có thêm cho mình thêm nhiều kinh nghiệm nhé.
Nội Dung Chính
1. Tìm hiểu về Rệp Sáp
Rệp sáp là loài gây hại khá phổ biến cho nền nông nghiệp ở nước ta hiện nay. Chúng có tên khoa học là Planococcus, đây là một loại ký sinh trùng trên cây màu, thường gặp rất nhiều ở cây ăn quả có múi, cà phê, hồ tiêu, cacao,…đây đều là những loại cây có giá trị lớn về mặt kinh tế.
1.1. Đặc điểm bên ngoài
Rệp sáp là loại côn trùng có kích thước rất nhỏ, có chiều dài từ 2,5 – 3,5mm, chiều ngang khoảng 1,8 – 2,0mm. Cơ thể của chúng thường hình oval và có tới 18 cặp tua ngắn, trong đó có cặp thứ 17 dài hơn phần còn lại.
Thông thường rệp sáp có thân màu hồng, nâu nhạt hoặc vàng nâu và được phủ bởi một lớp sáp trắng bên ngoài nên thường được gọi là Rệp Sáp. Mặc dù kích thước Rệp Sáp khá nhỏ nhưng bạn vẫn có thể quan sát được các ngấn trên thân của chúng.
Bên cạnh đó, Rệp Sáp còn là loại có tốc độ sinh sản khá nhanh. Mỗi con có thể đẻ từ 200 – 250 quả trứng trên một lần và chúng thường sinh sản mạnh nhất vào mùa hè. Vòng đời của Rệp sáp từ lúc trong trứng cho đến khi trở thành Rệp cái là 115 ngày.
Ngoài ra, các con Rệp đực thường có kích thước nhỏ hơn so với Rệp cái, chúng chỉ dài khoảng 1mm và có vòng đời rất ngắn, chỉ 27 ngày.
1.2. Quá trình gây hại của Rệp sáp
Kể từ khi nở ra từ quả trứng, Rệp non sẽ có màu hồng, hình bầu dục, chúng có khả năng di chuyển rất nhanh và thường tấn công vào các phần non của cây. Khi được vài ngày, chúng sẽ có thêm lớp sáp bao bọc bên ngoài và ở yên tại chỗ, rất ít khi di chuyển.
Rệp sáp là loại chích hút, chúng thường hút nhựa cây, các chất dinh dưỡng của cây tại nhiều vị trí trên cây, ví dụ như rễ cây, cành cây, lá cây, đọt non.
Nếu các cây bị Rệp sáp tấn công trong thời gian dài ở mức độ nặng sẽ bị vàng lá, rụng lá, cây không phát triển được dẫn đến còi cọc, cằn cỗi và chết dần. Điều nguy hiểm nhất chính là khả năng lan truyền của chúng rất nhanh. Khi bạn không biết và xử lý ngay từ đầu, thì chúng có thể lan ra cả vườn, ảnh hưởng đến năng suất, gây thiệt hại lớn cho chủ vườn.
- Rệp sáp tấn công phần khí sinh như cành, lá
Nếu Rệp sáp tấn công vào các vị trí như cành hoặc lá, thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm muội đen phát triển theo. Nấm muội đen sẽ bao bọc tất cả các vị trí này, khiến cho lá cây không thể quang hợp, từ đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây. Cuối cùng là ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.
- Rệp sáp tấn công vào phần gié bông, gié trái, đọt non, kẽ cành hoặc phần dưới lá tiêu
Đây là các vị trí trọng yếu trên cây. Khi rệp sáp tấn công vào những vị trí này sẽ hút hết chất dinh dưỡng và làm cho chúng bị khô héo, chết dần.
- Rệp sáp tấn công phần rễ cây
Trong thời gian ký sinh, Rệp sáp thường cư trú tại gốc cây, các kẽ của rễ cây, nên đây thường là vị trí đầu tiên của cây bị chúng tấn công.
Rễ cây thường bị rệp non tấn công ngay từ rất sớm, chúng sẽ tấn công vào phần cổ rễ sau đó mới đến rễ ngang. Các vị trí bị chúng chích hút sẽ bị tổn thương từ đó tạo điều kiện cho nấm phát triển, làm thối rễ, khiến rễ không hút được chất dinh dưỡng, làm cho cây bị vàng lá và cằn cỗi.
Nếu bạn thấy Rệp xuất hiện ở gốc cây, hoặc rễ cây thì nên đào sâu xuống thêm để kiểm tra xem tình ra sao, từ đó sẽ đưa ra những biện pháp hợp lý giúp loại bỏ chúng.
2. Phương án phòng trừ và xử lý khi hoa màu bị Rệp Sáp tấn công
Hiện nay có rất nhiều phương án để xử lý Rệp Sáp khi bị chúng tấn công, nhưng nếu bị chúng tấn công trên diện rộng thì không hề dễ diệt trừ tận gốc.
2.1. Phòng trừ Rệp Sáp
Để phòng trừ Rệp Sáp một cách hiệu quả thì bạn nên thực hiện ngay từ những bước ban đầu. Ngay khi trong khâu cải tạo đất, bạn nên cày, xới tơi đất và phơi khô trước khi trồng cây. Như vậy bạn sẽ loại bỏ bớt các mầm bệnh có sẵn trong đất, từ đó sẽ hạn chế bị Rệp Sáp tấn công sau này.
Cần vệ sinh, dọn dẹp khu vườn, nhằm loại bỏ kiến vì kiến sẽ giúp Rệp Sáp lây nhanh hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý cắt tỉa các cành cây sát với mặt đất, làm như vậy sẽ hạn chế được khả năng lây lan của Rệp Sáp từ gốc cây lên cành, hoa và lá.
Luôn quan sát, theo dõi khu vườn thường xuyên hơn, để phát hiện và loại bỏ ngay khi Rệp mới xuất hiện. Nếu để cây bị vàng lá rồi thì lúc đó đã muộn. Nên cắt bỏ tất cả các cành có Rệp Sáp và mang đi tiêu huỷ.
Đặc biệt, đối với cây hồ tiêu thì bạn không nên trồng trên vùng đất đã từng bị Rệp Sáp tấn công mạnh trước đó, vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Nếu bạn phát hiện nhiều kiến trong vườn tiêu đã có dấu hiệu bị Rệp Sáp tấn công, thì nên sử dụng Regent 5SC để phòng trừ.
2.2. Cách xử lý khi hoa màu bị Rệp Sáp tấn công
Khi đã phát hiện Rệp Sáp, thì tốt nhất bạn nên tìm cách để tiêu diệt chúng tận gốc, nếu không chúng sẽ lây lan rất nhanh, gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Hiện nay có nhiều phương án xử lý Rệp Sáp khác nhau, các phương án thủ công chỉ phù hợp với Rệp Sáp đang còn non, còn khi chúng đã trưởng thành bạn có thể sử dụng các loại thuốc sau để diệt trừ chúng.
- Rệp tấn công phần thân, lá, cành, gié bông
Mỗi vị trí khác nhau thì chúng ta cần sử dụng các loại thuốc khác nhau để trị được Rệp Sáp. Khi chúng tấn công vào phần thân, cành, lá, gié bông thì bạn có thể sử dụng Supracide 40EC (0,3%), Suprathion 40EC (0,3%), Vua Sâu Rệp, Actara 25WG (1g/8 lít nước), Pyrinex 20EC (0,3%), Subatox 75EC (0,3%) để loại trừ Rệp.
Bạn nên phun trực tiếp vào toàn bộ cây để loại bỏ rệp sáp. Nhưng đặc biệt chú ý vào các vị trí bị rệp tấn công mạnh, nên phun kỹ các vị trí này hơn chỗ khác. Chú ý phần dưới của lá, vì vị trí này ít được thuốc sau phun vào nhưng lại là nơi rệp trú ngụ rất nhiều.
- Rệp tấn công phần rễ
Khi bạn phát hiện Rệp Sáp ở phần cổ rễ của các loại cây ăn trái, tiêu, cà phê… thì bạn cần đào sâu xuống phần rễ để kiểm tra tình hình. Sau đó hãy sử dụng các loại thuốc Vua Sâu Rệp, Dathyphot 600EC, Chlophot 500EC, Tadagon 700EC, Fotox 600EC, Tungcydun 60EC (liều lượng như thế nào có thể tham khảo trên hướng dẫn bao bì ), sau đó hãy kết hợp với 0,5% dầu khoáng Enspay 99EC hoặc dầu lửa, rồi tưới trực tiếp vào gốc.
Trước khi tưới bạn nên đào đến vị trí của Rệp sáp sống, đào tới đâu tưới hoặc phun tới đó, chờ thuốc ngấm vào đất rồi lấp lại là được.
Rệp Sáp là loài gây hại khá phổ biến và có thể tự diệt trừ mà không cần đến các chuyên gia nông nghiệp. Bạn nên tập chung hơn vào khâu chuẩn bị trước khi trồng cây, chú ý đến khâu phòng bệnh, như vậy sẽ không cần quá lo lắng về Rệp Sáp.
>> XEM THÊM: Hướng dẫn nhận biết và xử lý rệp giường, mạt giường
Trên đây là những kinh nghiệm diệt trừ Rệp Sáp do Vua Nệm đã tổng hợp từ các nguồn uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp. Hy vọng các thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích đối với các bạn.
Nguồn tham khảo: https://www.wikihow.com/Kill-Mealybugs