Chuyện quanh ta

Ngày Vu Lan 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Vu Lan

CẬP NHẬT 16/08/2023 | BỞI Tôn Vân

Mỗi năm đến Rằm tháng 7, người người lại tươm tất chuẩn bị đón mùa vu lan báo hiếu – một ngày lễ báo hiếu cha mẹ nổi tiếng tại Việt Nam. Đây là một cơ hội để con cái bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng đối với những người sinh ra và nuôi dưỡng mình.

Vậy lễ Vu Lan có gì đặc biệt? Cần chuẩn bị gì cho ngày lễ này? Hãy cùng Vua Nệm tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!

1. Lễ Vu Lan Là Gì?

Lễ Vu Lan là một ngày lễ được rất nhiều người quan tâm, chẳng những Phật tử mà bất cứ người con Việt Nam nào cũng xem đây là một ngày quan trọng đối với bản thân mình. Khi lễ Vu Lan diễn ra, những người con sẽ bày tỏ tình cảm với cha mẹ bằng tất cả tấm lòng thành của mình. Nhiều người tham gia một số hoạt động vào ngày này như: thả hoa đăng, phóng sinh,…

lễ vu lan báo hiếu
Lễ Vu Lan là một ngày lễ quan trọng đối với những người con Việt Nam

Lễ Vu Lan được cho rằng là xuất phát từ thời vua Lê Thánh Tông qua sự kiện ông lập đàn cầu siêu cho cha mẹ. Thể hiện tấm lòng hiếu thảo và tinh thần “uống nước nhớ nguồn”,  dần dần lễ Vu Lan trở thành ngày lễ báo hiếu của toàn dân Việt Nam. 

2. Ngày Vu Lan Báo Hiếu 2023 Vào Ngày Nào?

Ngày lễ Vu Lan báo hiếu năm 2023 sẽ rơi vào ngày thứ tư, 30 tháng 08 năm 2023 (dương lịch). Đây là ngày mà tất cả những người con Việt Nam làm lễ báo hiếu cho cha mẹ của mình. Để tỏ lòng biết ơn về công đức sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ dành cho mình. 

3. Nguồn Gốc, Ý Nghĩa Ngày Lễ Vu Lan

3.1 Nguồn gốc ngày lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ câu chuyện Mục Kiền Liên Bồ Tát cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Tương truyền dưới thời Đức Phật Thích Ca có một vị Bồ Tát bằng mọi cách cứu mẹ mình khỏi chốn địa ngục đầy rẫy những điều đáng sợ. 

Mẹ của ông là bà Thanh Đề, lúc còn sống bà đã gây nên quá nhiều tội, nào là tội sát sinh, khẩu nghiệp nhưng nặng nhất vẫn là hủy báng Tam  Bảo. Sau khi chết, bà bị đọa xuống địa ngục và phải chịu nhiều cực hình đau đớn. Thậm chí, cơm còn không có để ăn. Lúc ấy, Ngài Mục Kiền Liên đã dùng quả La Hán, Ngài nhìn thấy được sự khổ hạnh của mẹ mình nên đã đem một bát cơm đến cho mẹ.

tìm hiểu về ngày lễ vu lan
Bồ Tát Mục Kiền Liên dùng tấm lòng hiếu thảo cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ

Bà Thanh Đề lúc còn sinh tiền lòng tham quá lớn đến khi chết đi cũng không buông bỏ được tính tham lam ấy. Bà một tay cầm bát cơm, một tay lấy vạt áo che lại đề phòng ngạ quỷ đến gần.

Vì tạo nghiệp quá nhiều nên bát cơm khi đưa lên đến miệng liền hóa thành lửa, không thể ăn được. Đây là quả báu mà bà phải nhận khi gieo quá nhiều nhân dữ, Mục Kiền Liên dù có thần thông đến đâu Ngài cũng không giúp được bà. 

Một lòng muốn giúp mẹ mình thoát khỏi cảnh khổ nên Mục Kiền Liên đã đến thưa với Đức Phật Thích Ca. Đức Phật giải thích rằng mẹ ông tội nghiệp quá nặng, một mình ông không thể làm được gì. Đức Phật khuyên ông nếu muốn cứu mẹ thì vào ngày Rằm tháng bảy – Ngày chư Phật hoan hỉ, hãy thiết lễ Vu Lan Bồn.

Theo lời dạy bảo của Đức Phật Thích Ca, Mục Kiền Liên Bồ Tát đã cúng dường mười phương Tăng, cúng dường Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng và khi đó mẹ ông là bà Thanh Đề đã được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Đức Phật cũng nói thêm “Nếu ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng làm cách này”. Từ đó ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

3.2 Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan là một ngày lễ lớn trong năm, ở các chùa luôn đông nghẹt những người con đến làm lễ báo hiếu cho cha mẹ mình. Báo hiếu ở đây không chỉ là báo hiếu cho cha mẹ hiện tại mà còn cả cha mẹ trong quá khứ từ nhiều đời nhiều kiếp.

Theo quan niệm của Phật giáo, những người Phật tử đều tin rằng  “Muôn việc lành hiếu thuận đứng đầu” và tin vào sự tồn tại của luật nhân quả.

nguồn gốc ngày lễ vu lan báo hiếu
Vu Lan là một dịp để con cái tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ mình

Một mùa lễ Vu Lan nữa sắp đến, đây là dịp để mọi người sống chậm lại và quan tâm nhiều hơn đến gia đình. Khi chúng ta lớn, chúng ta có nhiều thứ để quan tâm, có cuộc sống của riêng mình nên đôi lúc chúng ta quên mất những người luôn chờ ta quay về.

Hãy làm ngày này trở nên ý nghĩa. Và chẳng những ngày hôm nay mà cả những ngày sau nữa, hãy nhắc nhở bản thân rằng đừng mãi sống cho riêng mình. Đừng cố gắng trở nên vĩ đại trong mắt người khác nữa, hãy làm cho người sinh ra mình cảm thấy tự hào thì bạn chính là người vĩ đại. 

3.3 Vì sao phải cài hoa hồng lên áo trong ngày lễ Vu Lan?

Nghi thức cài hoa hồng lên áo trong ngày lễ Vu Lan được Thiền sư Thích Nhất Hạnh du nhập vào Việt Nam năm 1960. Theo quan niệm của người Nhật, hoa hồng tượng trưng cho sự hạnh phúc.

Trong ngày lễ Vu Lan, hoa hồng cài lên ngực áo thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn đối với đấng sinh thành. Vì đây là một nghi thức mang nhiều ý nghĩa nên được người Việt Nam đón nhận một cách rất nhiệt tình.

4. Cúng Lễ Vu Lan Như Thế Nào?

4.1 Mâm cúng lễ Vu Lan báo hiếu

Mâm cúng lễ Vu Lan là một yếu tố không thể thiếu trong mùa Vu Lan báo hiếu. Không cần phải quá cầu kỳ hay những món quá đắt tiền. Tùy vào điều kiện kinh tế mà bạn có thể chuẩn bị mâm cúng phù hợp. 

cúng lễ vu lan rằm tháng 7
Sự chuẩn bị mâm cúng Vu Lan sẽ tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình

Một mâm cúng cơ bản thường sẽ có: cơm trắng, cháo loãng, muối, gạo, xôi, chè, bánh kẹo, hoa quả, trầu cau, đồ mã, mâm cúng sinh,…Mỗi người sẽ có cách chuẩn bị mâm cúng khác nhau nhưng đều xuất phát từ lòng thành và sự tôn trọng dành cho cha mẹ, tổ tiên.

4.2 Trình tự cúng Vu Lan

Cúng Vu Lan thường sẽ được thực hiện theo trình tự: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng thí thực chúng sinh. 

  • Cúng Phật: nên chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc mâm ngũ quả, cần tìm hiểu về kinh Vu Lan Bồn để hiểu được ý nghĩa ngày này và cách cầu nguyện cho cha mẹ trong quá khứ của mình sớm được giải thoát. 
  • Cúng thần linh: có thể cúng gà nguyên con, bánh chưng đã được lột sẵn lá, xôi, rượu, trà, trái cây,…
  • Cúng gia tiên: chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc mặn, có thể cúng tiền vàng, vật dụng cho những người đã khuất. 
cách làm lễ vu lan
Chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc mặn, có thể cúng tiền vàng..
  • Cúng chúng sinh: nên cúng ngoài trời, không nên cúng chung với bàn thờ gia tiên, đốt tiền vàng, quần áo khi cúng, rải gạo muối ra 5 phương 4 hướng. 

4.3 Văn khấn cúng lễ Vu Lan

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.

Con kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy…….

Tín chủ chúng con là…..

Ngụ tại…….

Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mới ngài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, xét soi chứng giám.

Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội. Chúng con đội ơn Tam Bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng che chở, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền báo.

Do vậy kính dâng lễ bạc, giãi tỏ lòng thành, nguyện mong nạp thụ. Phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình luôn mạnh khỏe, già trẻ bình an, một lòng hướng về chính đạo, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long.

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám!

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

4.4 Kinh Vu Lan Bồn

văn khấn lễ vu lan rằm tháng 7
Kinh Vu Lan Bồn

Một thuở nọ Thế Tôn an trụ,

Xá Vệ thành Kỳ Thụ viên trung,

Mục Liên mới đặng lục thông,

Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm luân.

Công dưỡng dục thâm ân dốc trả,

Nghĩa sanh thành đạo cả mong đền,

Làm con hiếu hạnh vi tiên,

Bèn dùng huệ nhãn dưới trên kiếm tầm

Thấy vong mẫu sanh làm ngạ quỷ,

Không uống ăn tiều tuỵ hình hài,

Mục Liên thấy vậy bi ai!

Biết mẹ đói khát ai hoài tình thâm.

Lo phẩm vật đem dâng từ mẫu,

Đặng đỡ lòng cực khổ bấy lâu,

Thấy cơm, mẹ rất lo âu,

Tay tả che đậy hữu hầu bốc ăn.

Lòng bỏn xẻn tiền căn chưa dứt,

Sợ chúng ma cướp giựt của bà,

Cơm đưa chưa đến miệng đà,

Hoá thành than lửa nuốt mà đặng đâu.

Thấy như vậy âu sầu thê thảm,

Mục Kiền Liên bi cảm xót thương,

Mau mau về đến giảng đường,

Bạch cùng Sư phụ tầm phương giải nàn.

Phật mới bảo rõ ràng căn cội.

Rằng mẹ ông gốc tội rất sâu,

Dầu ông thần lực nhiệm mầu,

Một mình không thể ai cầu đặng đâu.

Lòng hiếu thảo của ông dầu lớn,

Tiếng vang đồn thấu đến cửu Thiên,

Cùng là các bậc Thần kỳ,

Tà ma ngoại đạo, bốn vì Thiên vương

Cộng ba cõi sáu phương tụ tập,

Cũng không phương cứu tế mẹ ngươi,

Muốn cho cứu đặng mạng người,

Phải nhờ thần lực của mười phương Tăng.

Pháp cứu tế Ta toan giảng nói,

Cho mọi người thoát khỏi ách nàn

Bèn kêu Mục Thị đến gần,

Truyền cho Diệu pháp ân cần thiết thi.

Rằm tháng Bảy là ngày Tự tứ,

Mười phương Tăng đều dự lễ này,

Phải toan sắm sửa chớ chầy,

Thức ăn trăm món, trái cây năm màu.

Lại phải sắm giường nằm nệm lót,

Cùng thau, bồn, đèn, đuốc, nhang, dầu,

Món ăn tinh sạch báu mầu,

Đựng trong bình bát vọng cầu kính dâng.

Chư Đại đức mười phương thọ thực

Trong bảy đời sẽ được siêu thăng,

Lại thêm cha mẹ hiện tiền,

Đặng nhờ phước đức tiêu khiên ách nàn.

Vì ngày ấy Thánh Tăng đều đủ,

Dầu ở đâu cũng tụ hội về,

Như người thiền định sơn khê,

Tránh điều phiền não chăm về Thiền-na.

Hoặc người đặng bốn toà đạo quả,

Công tu hành nguyện thoả vô sanh,

Hoặc người thọ hạ kinh hành,

Chẳng ham quyền quý ẩn danh lâm tòng.

Hoặc người đặng Lục thông tấn phát,

Và những hàng Duyên Giác, Thanh Văn,

Hoặc chư Bồ-tát mười phương,

Hiện hình làm sãi ở gần chúng sanh.

Đều trì giới rất thanh, rất tịnh,

Đạo đức dày chánh định chơn tâm,

Tất cả các bậc Thánh, phàm,

Đồng lòng thọ lãnh bát cơm lục hòa.

Người nào có sắm ra vật thực,

Đặng cúng dường Tự tứ Tăng thời,

Hiện tiền phụ mẫu của người,

Bà con quyến thuộc thảy đều nhờ ơn.

Tam đồ khổ chắc rằng ra khỏi,

Cảnh thanh nhàn hưởng thọ tự nhiên,

Như còn cha mẹ hiện tiền,

Nhờ đó cũng đặng bá niên thọ trường;

Như cha mẹ bảy đời quá vãng,

Sẽ hoá sanh về cõi Thiên cung,

Người thời tuấn tú hình dung,

Hào quang chiếu sáng khắp cùng châu thân,

Phật dạy bảo mười phương Tăng chúng,

Phải tuân theo thể thức sau này:

Trước khi thọ thực đàn chay,

Phải cầu chú nguyện cho người tín gia.

Cầu thất thế mẹ cha thí chủ,

Định tâm thần quán đủ đừng quên,

Cho xong định ý hành thiền,

Mới dùng phẩm vật đàn tiền hiến dâng.

Khi thọ dụng, nên an vật thực,

Trước Phật đài hoặc tự tháp trung,

Chư Tăng chú nguyện viên dung,

Sau rồi tự tiện thọ dùng bữa trưa.

Pháp cứu tế Phật vừa nói dứt,

Mục Liên cùng Bồ-tát chư Tăng

Đồng nhau tỏ dạ vui mừng,

Mục Liên cũng hết khóc than rầu buồn.

Mục Liên mẫu cũng trong ngày ấy,

Kiếp khổ về ngạ quỷ được tan,

Mục Liên bạch với Phật rằng:

Mẹ con nhờ sức Thánh Tăng khỏi nàn.

Lại cũng nhờ oai thần Tam Bảo,

Bằng chẳng thì nạn khổ khó ra.

Như sau đệ tử xuất gia,

Vu Lan Bồn pháp dùng mà độ sanh.

Độ cha mẹ còn đương tại thế,

Hoặc bảy đời có thể đặng không?

Phật rằng: Lời hỏi rất thông,

Ta vừa muốn nói con liền hỏi theo.

Thiện nam tử, Tỳ-kheo nam nữ,

Cùng Quốc vương, Thái tử, Đại thần,

Tam công, Tể tướng, Bá quan,

Cùng hàng lê thứ vạn dân cõi trần.

Như chí muốn đền ơn cha mẹ,

Hiện tại cùng thất thế tình thâm.

Đến Rằm tháng Bảy mỗi năm,

Sau khi kiết hạ chư Tăng tựu về.

Chính ngày ấy Phật Đà hoan hỷ,

Phải sắm sanh bá vị cơm canh,

Đựng trong bình bát tinh anh,

Chờ giờ Tự tứ chúng Tăng cúng dường.

Đặng cầu nguyện song đường trường thọ,

Chẳng ốm đau cũng chẳng khổ chi,

Cùng cầu thất thế đồng thì,

Lìa nơi ngạ quỷ sanh về nhơn thiên,

Đặng hưởng phước nhân duyên vui đẹp,

Lại xa lìa nạn khổ cực thân,

Môn sanh Phật tử ân cần,

Hạnh tu hiếu thuận phải cần phải chuyên.

Thường cầu nguyện thung huyên an hảo

Cùng bảy đời phụ mẫu siêu sanh,

Ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm,

Vì lòng hiếu thảo ân thâm phải đền.

Lễ cứu tế chí thành sắp đặt,

Ngõ cúng dường chư Phật, chư Tăng,

Ấy là báo đáp thù ân,

Sanh thành dưỡng dục song thân buổi đầu,

Đệ tử Phật lo âu gìn giữ,

Mới phải là Thích tử Thiền môn.

Vừa nghe dứt Pháp Lan Bồn,

Môn sanh tứ chúng thảy đồng hỷ hoan.

Mục Liên với bốn ban Phật tử,

Nguyện một lòng tín sự phụng hành.

Trước là trả nghĩa sanh thành,

Sau là cứu vớt, chúng sanh muôn loài.

NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ-TÁT. (3 lần)

5. Lời Chúc Cha Mẹ Nhân Ngày Lễ Vu Lan ý Nghĩa

  1. Lại một năm nữa xa nhà, con nhớ mẹ, nhớ những món ăn mẹ nấu, con nhớ gia đình mình nhiều lắm. Chỉ khi sống xa nhà con mới hiểu gia đình quan trọng đến nhường nào. Nhân dịp lễ Vu Lan, con gửi tặng mẹ bó hoa tình cảm từ trái tim của các anh em con và chúng con chúc mẹ luôn vui, khỏe và sống thật hạnh phúc. 
  2. Con biết con không phải là một đứa con ngoan, nhiều lúc con làm mẹ phải bận lòng. Con đã nói rất nhiều lời xin lỗi với mẹ nhưng con biết có nói bao nhiêu lần cũng không đủ. Có một điều chưa bao giờ con làm đó là nói lời yêu mẹ mặc dù từ tận đáy lòng con rất yêu và kính trọng mẹ. Mẹ là người quan trọng nhất đời con. Con yêu mẹ nhiều và mỗi ngày tình yêu đó vẫn luôn nguyên vẹn. 
  3. Kính chúc cha mẹ không chỉ ngày Lễ Vu Lan mà tất cả 365 ngày đều vui vẻ, hạnh phúc. Để cho con luôn được nhìn thấy nụ cười, ánh mắt, cho con được cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ suốt cuộc đời… Và nhiều hơn thế nữa.
  4. Lạy tạ ơn mẹ, sứ mệnh thiêng liêng, lời mẹ êm ái, thiết tha êm đềm

Lạy tạ ơn cha, vũ trụ muôn lối, hiến dâng cuộc đời, vui buồn đầy vơi

Lạy tạ ơn mẹ, suốt đời hy sinh, cần cù năm tháng, xiết bao ân tình

Lạy tạ ơn cha, dãi dầu mưa nắng, xá chi nhọc nhằn, gieo mầm ngày ngày mai”

Lạy tạ ơn mẹ, có mẹ trong tâm, tình mẹ nhung gấm, chứa chan vô vàn

Lạy tạ ơn cha, vững lòng đi tới, bước chân vào đời, an lành thảnh thơi

Lạy tạ ơn mẹ, bóng mẹ lung linh, mẹ là tia sáng, chiếu soi đưa đường

Lạy tạ ơn cha, sánh bằng non thái, khắc ghi trong lòng muôn đời nào quên.

  1. Cám ơn cha mẹ đã sinh ra con và nuôi dưỡng con cho đến ngày trưởng thành. Cám ơn cha mẹ về những tháng ngày nhọc nhằn, về những nỗi buồn lo mà cha mẹ đã từng âm thầm chịu đựng. Con chúc cha mẹ của con mỗi ngày đều vui vẻ và sống khỏe, con yêu cha mẹ nhiều.
lời chúc cho ngày lễ vu lan
Lời Chúc Cha Mẹ Nhân Ngày Lễ Vu Lan ý Nghĩa

6. Vu Lan Mùa Hiếu Hạnh – Cách Để Báo Hiếu Cha Mẹ 

Đức Phật từng dạy rằng: “Trong tứ đại trọng ân, ân tổ tiên cha mẹ là một ân quan trọng mà ai trong chúng ta cũng phải báo đáp, kể cả Đức Phật. Không có cha mẹ thì không có sự tồn tại của chúng ta ngày hôm nay”. Chúng ta có thể đền ơn cha mẹ bằng một số cách đơn giản sau đây:

  • Nói lời yêu thương với cha mẹ mỗi ngày: đây tưởng chừng là một việc làm rất đơn giản nhưng mấy ai làm được. Từ nhỏ chúng ta được dạy phải nói lời yêu thương cha mẹ nhưng khi dần lớn lên chúng ta lại ngại ngùng khi làm điều đó. Hãy tập nói lời yêu thương cha mẹ mỗi ngày, dù có khó nhưng chắc chắn cha mẹ sẽ rất hạnh phúc khi được nghe những lời này.
lời chúc ngày lễ vu lan
Hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện với cha mẹ
  • Dành thời gian trò chuyện với cha mẹ: khi chúng ta lớn lên, cha mẹ chúng ta già đi. Có thể những câu chuyện của chúng ta cha mẹ nghe chẳng hiểu. Nhưng cha mẹ lúc nào cũng muốn hiểu ta như ngày ta còn bé. Vậy nên hãy chia sẻ mọi thứ với cha mẹ để cha mẹ không cảm thấy cô đơn và lạc lõng. 
  • Bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ trong ngày sinh nhật của mình: vào ngày sinh nhật mình hãy tỏ lòng biết ơn với cha mẹ – người đã cho ta sự sống, cho ta đến với cuộc đời. Mẹ đã mang nặng chín tháng mười ngày mới sinh ra ta, trong khoảng thời gian đó mẹ phải chịu biết bao điều khó nhọc. Cha là người vất vả chăm lo cho cả gia đình. Ân tình này có trả cả đời cũng không hết, vậy nên hãy tỏ lòng biết ơn cha mẹ bằng sự kính trọng và tình yêu thương của mình.

XEM THÊM: Mùa Vu Lan – Tặng cha mẹ món quà vàng cho sức khỏe

Trên đây là những thông tin về ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Vua Nệm hy vọng bài viết này có thể giúp bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho ngày Vu Lan sắp tới. Và càng hy vọng sau khi đọc những chia sẻ trên đây, bạn sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình mình hơn, dành nhiều thời gian cho những người đã cho mình có cơ hội được tồn tại trên thế giới này. 

Bài viết liên quan:

Tôn Vân
Tôn Vân