Chuyện quanh ta

Tìm hiểu về các loại bằng lái xe ô tô

CẬP NHẬT 08/12/2022 | BỞI Tôn Vân

Nhờ sự phát triển kinh tế như vũ bão của nước ta từ khi hội nhập đã giúp con người cải thiện đời sống vật chất ngày một tốt hơn. Khi đã có điều kiện về kinh tế, mọi người cũng bắt đầu chú ý đến sự tiện nghi trong cuộc sống. Từ đó mà thị trường ô tô ở nước ta đang ngày càng phát triển trong thời gian qua. Đi kèm với nó chính là nhu cầu tìm hiểu cũng như học bằng lái xe ô tô ngày một nhiều hơn.

Để hiểu rõ hơn về các loại giấy phép lái xe ô tô và điều kiện để có cho mình một tấm bằng, hãy tham khảo qua bài viết sau đây của Vua Nệm.

Bằng lái xe ô tô tại Việt Nam
Bằng lái xe ô tô tại Việt Nam bao gồm những loại nào?

1. Bằng lái xe ô tô là gì?

Bằng lái xe ô tô hay còn gọi là giấy phép lái xe. Đây là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một người cụ thể cho phép người sử dụng được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông.

Tùy vào loại xe được sử dụng, bằng lái sẽ có các loại khác nhau. Các loại xe phổ biến hiện nay ở nước ta như: xe hơi, xe tải, xe buýt, xe khách, xe đầu kéo hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng. Mỗi một loại xe sẽ yêu cầu người lái phải có một loại bằng tương ứng.

2. Các loại bằng lái xe ô tô tại Việt Nam

2.1. Bằng lái xe ô tô hạng B1 số tự động

Bằng lái xe hạng B1 số tự động là loại bằng được áp dụng cho người không hành nghề lái xe và được sử dụng các loại xe số tự động sau đây:

  • Xe ô tô có 9 chỗ ngồi trở xuống, kể cả người lái xe.
  • Ô tô tải hoặc ô tô tải chuyên dùng có số tự động có trọng tải dưới 3500kg.

Ngay từ khi mới bắt đầu được triển khai từ năm 2016 thì bằng lái xe hạng B1 số tự động đã được rất nhiều người lựa chọn vì có ưu điểm là dễ học, nhanh biết lái hơn.

Nhược điểm duy nhất của loại bằng này là không được hành nghề lái xe và điều khiển xe ô tô số sàn. Nhưng với việc các mẫu ô tô hiện đại ngày nay chủ yếu dùng số tự động nên mọi người có thể yên tâm lựa chọn.

Bằng lái xe ô tô hạng B1
Bằng lái xe ô tô hạng B1 số tự động dành cho người lái xe số tự động và không hành nghề lái xe

2.2. Bằng lái xe ô tô hạng B1

Bằng lái xe ô tô hạng B1 cũng không được cấp cho người hành nghề lái xe. Bằng có thể điều khiển được cả xe ô tô số sàn và số tự động, cụ thể các loại xe như sau:

  • Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, bao gồm cả người lái xe.
  • Ô tô tải và cả ô tô tải chuyên dùng số sàn hoặc số tự động có trọng tải dưới 3500kg.
  • Máy kéo có 1 rơ moóc trọng tải dưới 3500kg.

Vì có nhược điểm là không thể hành nghề lái xe nên loại bằng này thường không được ưa chuộng, thay vào đó họ sẽ học bằng B1 số tự động, hoặc bằng cao hơn.

Bằng lái xe ô tô hạng B1 ở nước ta
Bằng lái xe ô tô hạng B1 ở nước ta

2.3. Bằng lái xe hạng B2

Bằng lái xe hạng B2 là loại bằng được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Bằng cho phép điều khiển được nhiều loại xe và đặc biệt là có thể hành nghề vận tải. Sau đây là một số loại xe bằng B2 được phép điều khiển.

  • Xe ô tô chở đến 9 chỗ ngồi, xe tải chuyên dùng có trọng tải dưới 3500kg.
  • Các loại xe mà giấy phép lái xe hạng B1 được điều khiển.

Với lợi thế là có thể hành nghề vận tải và điều khiển được nhiều loại xe cơ bản nên dễ hiểu bằng B2 luôn được những người mới học lái xe lựa chọn. 

Điểm lưu ý là bằng chỉ có thời hạn 10 năm nên bạn sẽ phải đăng ký để được cấp lại bằng sau khi hết hạn.

2.4. Bằng lái xe hạng C

Bằng lái xe ô tô hạng C
Bằng lái xe ô tô hạng C cho người hành nghề vận tải

Đối với những người xác định hành nghề vận tải lâu dài thì bằng lái xe hạng C thường là ưu tiên hàng đầu khi mới học. Bằng cho phép điều khiển xe tải cỡ lớn hơn, cụ thể là các xe sau đây:

  • Ô tô tải, kể cả ô tải chuyên dùng có trọng tải từ 3500kg trở lên.
  • Máy kéo sử dụng 1 rơ moóc có trọng tải từ 3500kg trở lên.
  • Bao gồm các loại xe bằng B1 và B2 được điều khiển.

Đây cũng là loại bằng cho phép học trực tiếp và thi lấy bằng. Nó phù hợp với những người mới bắt đầu bước vào nghề vận tải chuyên nghiệp. Khi học bằng C bạn sẽ dễ dàng khi muốn thi lên bằng cao hơn. Thời hạn của bằng C là 3 năm kể từ ngày cấp bằng, bạn cần chú ý để tránh bị gặp rắc rối khi di chuyển trên đường. 

2.5. Bằng lái xe hạng D

Bằng lái xe hạng D thường được sử dụng cho dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách. Bằng được phép điều khiển các loại xe sau:

Bằng lái xe hạng D
Bằng lái xe hạng D thường được sử dụng cho dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách
  • Xe ô tô chở khách từ 10 chỗ đến 30 chỗ ngồi, bao gồm cả tài xế.
  • Điều khiển được tất cả các loại xe mà bằng B1, B2, C được điều khiển.

Để có thể lấy được bằng lái xe ô tô hạng D thì bạn phải đủ 24 tuổi và có bằng tốt nghiệp THPT Đây là loại bằng không thể học trực tiếp rồi thi bằng. Thay vào đó, người thi phải nâng bằng từ hạng B2 hoặc bằng C lên dần, cụ thể như sau:

  • Bằng B2 lên hạng D: 5 năm kinh nghiệm lái xe và 100.000km lái xe an toàn.
  • Bằng C lên hạng D: 3 năm kinh nghiệm và 50.000km lái xe an toàn trở lên.

Bằng lái xe hạng D cũng có kỳ hạn là 3 năm kể từ ngày cấp, sau 3 bạn phải đi gia hạn thêm để tiếp tục sử dụng.

2.6. Bằng lái xe ô tô hạng E

Tài xế có bằng lái hạng E
Tài xế có bằng lái hạng E sẽ được phép điều khiển xe chở khách trên 30 chỗ

Bằng lái xe ô tô hạng E là bằng cấp cho các tài xế có kinh nghiệm nhiều năm lái xe an toàn. Tài xế có bằng lái hạng E sẽ được phép điều khiển xe chở khách trên 30 chỗ ngồi, cùng với đó là các xe được quy định dành cho bằng B1, B2, C, D.

Để có thể lấy được bằng E các tài xế cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như khi thi sát hạch lấy bằng lái xe hạng D. Tuy nhiên, số năm kinh nghiệm khi nâng từ bằng C lên bằng E phải đạt 5 năm kinh nghiệm trong nghề vận tải trở lên.

Chú ý: Khi điều khiển các loại xe tương ứng dành cho các hạng B1, B2, C, D, E, lái xe có thể được kéo thêm một rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750kg.

2.7. Bằng lái xe ô tô hạng F

Bằng lái xe ô tô hạng F
Bằng lái xe ô tô hạng F là bằng được cấp cho những người đã có kinh nghiệm lâu năm và kỹ năng lái xe rất tốt.

Bằng lái xe ô tô hạng F là bằng được cấp cho những người đã có kinh nghiệm lâu năm và kỹ năng lái xe rất tốt. Cùng với đó là đã có các bằng B2, C, D, E để điều khiển các loại xe tương ứng kéo theo rơ moóc có trọng tải lớn hơn 750kg, sơ mi rơ moóc hoặc ô tô khách nối toa, bao gồm những loại sau đây:

  • Hạng FB2: Đây là loại bằng được cấp cho những người điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2 có kéo theo rơ moóc và còn được lái các xe được quy định cho hạng B1 và B2.
  • Hạng FC: Đây là loại bằng được cấp cho lái xe điều khiển các loại xe theo quy định dành cho hạng C có kéo rơ moóc. Ngoài ra còn được lái ô tô đầu kéo sơ mi rơ moóc và các xe quy định dành cho bằng B2, C, D, E, FB2.
  • Hạng FD: Bằng lái xe hạng FD được cấp cho người lái các xe được quy định dành cho hạng D có kéo theo rơ moóc và các loại xe được quy định dành cho hạng B2, C, D, E, FB2.
  • Hạng FE: Bằng lái xe hạng FE được cấp cho những người lái các loại xe quy định cho bằng E có kéo theo rơ moóc, ô tô chở khách nối toa và những loại xe được quy định cho các hạng B2, C, D, E, FB2, FD.

2.8. Giấy phép lái xe khách giường nằm và xe buýt

Hiện tại ở Việt Nam thì bằng lái xe hạng E có thể điều khiển được cả xe khách giường nằm và xe buýt. 

Đối với giấy phép lái xe hạng D vẫn có thể điều khiển xe giường nằm 20 chỗ và xe buýt cỡ nhỏ, có kích thước: chiều dài 6.2-7.5m, chiều rộng 2-2.5m, chiều cao 3.1-4.5m.

bằng lái xe hạng E
Người lái xe giường nằm cần có bằng lái xe hạng E

Bằng lái xe ô tô là một giấy phép thông hành không thể thiếu mỗi khi chúng ta tự điều khiển xe trên đường. Trên đây là chia sẻ của chúng về tất cả các loại bằng lái xe ô tô đang có ở nước ta. Để đảm bảo an toàn và tránh gặp những rắc rối không cần thiết, các bạn nên học và thi một loại bằng lái phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình nhất.

Bài viết liên quan:

Tôn Vân
Tôn Vân