Tích cực độc hại là thuật ngữ khiến nhiều người cảm thấy mâu thuẫn. Tích cực theo lẽ thường sẽ mang đến điều tốt đẹp. Tuy nhiên ở đây nó lại khiến chúng ta bị ảnh hưởng xấu đi. Vậy để biết tích cực độc hại là gì, biểu hiện cũng như tác hại thật sự của nó, hãy cùng Vua Nệm đọc bài viết ngắn bên dưới nhé!
Nội Dung Chính
1. Tích cực độc hại là gì?
Tích cực độc hại có tên tiếng Anh là Toxic positivity. Đây là một thuật ngữ được dùng để chỉ việc lạc quan thái quá của cá nhân nào đó. Những người này có xu hướng chỉ muốn tập trung cảm xúc tích cực mà không quan tâm đến nhiều suy nghĩ khác.
Tích cực là tốt nhưng tích cực độc hại lại khiến chúng ta trở nên ngày càng tệ hơn, nhất là về mặt cảm xúc. Khi bạn chỉ muốn nhìn mọi việc theo hướng tích cực, chắc chắn bạn sẽ bỏ qua, từ chối hoặc đánh giá thấp những trải nghiệm khác xoay quanh một vấn đề.
Theo đó, nếu chuyện gì cũng được bạn nhìn dưới lăng kính lạc quan, rồi sẽ có những bất lợi không mong muốn xảy ra. Lúc này, vì chưa chuẩn bị đủ tinh thần để tiếp nhận mà bạn có thể rơi vào trạng thái “trầm cảm cười”.
Bạn có thể nhận thấy sự hiện diện của tích cực độc hại thông qua những tình huống sau:
- Những câu nói mang tính so sánh thời đại như “Thời tụi bây giờ sướng quá, thời ba mẹ hồi kia…”
- Những câu nói mang tính so sánh hoàn cảnh “Bị vậy đã là gì, còn nhiều người bị…”
- Lời khuyên “Chỉ nên nhìn vào mặt tích cực khi gặp khó khăn”.
- Lời tự an ủi “Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi”.
2. Biểu hiện của tích cực độc hại
2.1. Che giấu cảm xúc thật
Một con người sẽ không thể nào thoát khỏi những xúc cảm đa dạng như hỉ, nộ, ái, ố. Nếu là người bình thường, họ sẽ để mọi thứ đi theo quy luật tự nhiên. Vui thì cười, buồn thì khóc, thấy không ổn thì khó chịu, bất ngờ thì la lớn,… Tuy nhiên, đối với người tích cực độc hại, họ chỉ chọn cười trong mọi trường hợp. Điều này biến họ trở thành kẻ biết che giấu cảm xúc thật rất giỏi.
2.2. Hạ thấp cảm xúc bản thân
Người tích cực độc hại lúc nào cũng thích tỏ ra mình rất lạc quan. Do đó, họ sẵn sàng gạt bỏ tất cả những điều mình không thích để làm những điều mà người khác nghĩ là tích cực. Lâu dần, việc này trở thành thói quen và tạo nên áp lực vô hình.
2.3. Cảm thấy có lỗi khi tiêu cực
Có những người không giỏi kiềm chế cảm xúc và dù đã cố gắng nhưng vẫn thấy tiêu cực khi gặp chuyện tồi tệ. Tuy nhiên, sau khi để cảm xúc ấy “ghé thăm”, họ lại vô cùng tự trách. Lúc này họ sẽ nghĩ “Đáng lẽ mình không nên như thế”. Đó cũng là một trong những biểu hiện của sự tích cực độc hại.
2.4. Lên án người khác khi họ tiêu cực
Lý do mà có những lời khuyên chúng ta nên tránh xa người tích cực độc hại chính là họ sẽ lên án bạn nếu bạn buồn. Bên cạnh thái độ, họ còn nói những lời nói gây tổn thương như “Có vậy cũng buồn”, “Tích cực lên, vậy sao khá nổi”, “Đừng làm toxic cả team”,…
3. Hậu quả của tích cực độc hại
3.1. Hình thành cảm xúc thứ cấp
Cảm xúc thứ cấp là một thuật ngữ trong ngành tâm lý học. Để dễ hiểu thì bạn có thể nhìn vào ví dụ đơn giản sau. Bạn chia tay người yêu và khoảng thời gian đầu lúc nào cũng khóc hoặc làm loạn, đăng status buồn lên mạng xã hội,… Nhưng sau khi nhìn lại, bạn tỏ ra vô cùng xấu hổ với cảm xúc thật lúc ấy. Và sự xấu hổ này chính là cảm xúc thứ cấp.
Cảm xúc thứ cấp khiến bạn không dám sống thật với chính mình vì sợ sau này nhìn lại sẽ không dám đối diện. Ngoài ra, họ cũng có cảm giác xấu hổ với những ai từng chứng kiến bản thân mình khi đó.
3.2. Tăng sự tiêu cực
Nhà tâm lý học Jaime Zuckerman cho biết tích cực độc hại thực chất chính là việc ai đó cố gắng phớt lờ vấn đề. Chính vì vậy, những cảm xúc tiêu cực không nhưng không mất đi mà còn bị dồn nén. Đến một lúc nào đó nó sẽ trở nên quá sức và bùng phát.
3.3. Bỏ lỡ thông tin quan trọng
Mỗi cảm xúc luôn mang trong mình một thông tin nào đó. Đôi khi cơ thể muốn giao tiếp với bạn thông qua những cảm xúc này. Tuy nhiên, tích cực độc hại sẽ khiến bạn sẵn sàng từ chối và phớt lờ chúng. Kết quả là chúng ta có thể bỏ lỡ một số thông tin quan trọng.
3.4. Mất sự kết nối
Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu đang ở bên cạnh một người lúc nào cũng có vẻ rất ổn? Đa số câu trả lời sẽ là không cần quan tâm quá nhiều hoặc khó tiếp cận. Tích cực độc hại khiến bạn mất đi sự kết nối với bản thân. Đồng thời, đó cũng chính là lý do khiến bạn gần như xa lánh tất cả mọi người.
3.5. Đánh mất động lực
Người tích cực nếu không biết cách điều khiển suy nghĩ rất dễ rơi vào tình trạng đánh mất động lực. Một khi bạn chỉ nhìn cuộc đời với mảng màu hồng, mảng màu đen vẫn ở đó và âm thầm làm hại bạn. Nhưng điều quan trọng là bạn không hề nhận ra cho đến khi mất hết tất cả. Người tích cực độc hại luôn “bận” với viễn cảnh tươi đẹp phía trước và quên mất rằng bản thân phải cố gắng thật nhiều mới có thể đạt được điều đó.
4. Cách không bị tích cực độc hại
4.1. Chấp nhận cảm xúc thật
Để tránh xa tình trạng tích cực độc hại, có lẽ việc đầu tiên bạn cần làm chính là chấp nhật cảm xúc thật của chính mình. Hãy sống thật với những diễn biến tâm trạng khi đứng trước mọi vấn đề, kiểm soát nó một cách vừa phải, chứ không phải là phớt lờ.
Bạn có thể khóc để giải toả sự mệt mỏi, bực bội hay oan ức. Nhưng sau đó, hãy thật mạnh mẽ đứng dậy và đối diện với điều khiến bạn mệt mỏi. Tìm cách xử lý nó dứt điểm và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Đôi khi, mạnh mẽ sau vấp ngã cũng là một biểu hiện của sự tích cực.
4.2. Tôn trọng cảm xúc của người khác
Hãy dừng ngay việc so sánh cảm xúc của bất cứ ai với cảm xúc của mình hoặc những người khác. Bạn không nên nói những lời nói ngắn gọn nhưng lại gây ra thương tích rất lớn cho người nghe như “Vui lên, có gì đâu mà khóc”, “Đúng là chuyện bé xé to”, “Đừng làm quá mọi chuyện lên, chuyện có gì đâu”, “Hồi kia tôi cũng…, bình thường mà”,…
Thay vào đó, bạn có thể an ủi người khác khi họ buồn, nói những lời mang tính chia sẻ và đồng cảm, không nên khuyên họ vui lên. Thật sự những câu nói ấy đối với họ lúc đó rất sáo rỗng và khiến họ tệ hơn.
4.3. Thay đổi tư duy về tiêu cực
Đa số những người bị tích cực độc hại luôn cảm thấy tiêu cực hoàn toàn có hại. Tuy nhiên, sự có hại của tiêu cực chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tiêu cực đôi khi là xấu, nhưng cũng có lúc nó biến thành động lực để ai đó chăm chỉ hơn. Nói chung, nếu bạn muốn tích cực lành mạnh, hãy thôi có cái nhìn phiến diện về tiêu cực.
>> Xem thêm:
- Tư duy tích cực là gì? Cách rèn luyện tư duy tích cực hiệu quả
- Tinh thần lạc quan là gì? Làm thế nào để giữ được tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh
Sau bài viết này, hy vọng mọi người đã có thể hiểu được tích cực và tích cực độc hại hoàn toàn khác nhau. Quan trọng là tích cực độc hại mang đến ảnh hưởng xấu và cần tránh xa. Từ bỏ tích cực độc hại chính là cách bạn cho bản thân cơ hội cũng như tôn trọng người khác.