Giựt cô hồn là gì, có xui không? Những điều kiêng kỵ khi giựt cô hồn

CẬP NHẬT 13/02/2023 | Bài viết bởi: Dương Dương

Giựt cô hồn là một nét tín ngưỡng độc đáo của người Việt được diễn ra vào tháng 7 âm lịch hàng năm. Trước khi kết thúc buổi lễ, chúng ta thường thấy gia chủ bê ra một mâm lễ gồm có tiền lẻ, bỏng ngô, khoai luộc, bánh, kẹo… ra ngoài đường để trẻ con tranh cướp nhau. Để hiểu rõ hơn về phong tục này hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của Vua Nệm nhé.

1. Giựt cô hồn là gì? 

Giựt cô hồn là một hoạt động tín ngưỡng, văn hóa rất quen thuộc ở Việt Nam vào dịp rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Theo quan niệm dân gian, vào thời gian này, quỷ môn quan sẽ được mở cửa, các vong hồn được tự do đi lại trên dương thế. Để không bị ma quỷ trong tháng này quấy nhiễu, đồng thời phát tâm công đức thì các gia đình sẽ làm lễ cúng, lễ xá tội vong nhân (xin ân xá, tha tội cho các vong nhân – người đã chết).

Giựt cô hồn là gì?
Người dân sẽ tranh nhau lấy đồ cúng trong ngày cúng cô hồn

Chuyện cúng cô hồn theo quan niệm dân gian chính là để giúp đỡ, bố thí cho những cô hồn vất vưởng, lang thang, không có người thờ cúng. Chuyện giựt cô hồn cũng là một trong những hoạt động của lễ cúng này. 

Theo đó mâm cúng sẽ gồm gà luộc, trái cây, bánh kẹo, tiền… được bày trước sân. Sau khi chủ nhà cúng xong mọi người sẽ ập vào lấy những đồ trên mâm cúng. Sở dĩ gọi là “giựt cô hồn” vì mọi người sẽ tranh nhau để lấy được những món đồ cúng có giá trị như tiền, gà luộc… Và người trong nhà sẽ không tham gia giựt. 

Ý nghĩa của việc này đó là khi người khác giựt cô hôn cũng sẽ lấy đi những điều xui xẻo, không may mắn mà chủ nhà có thể gặp phải trong tháng, vì vậy nhiều chủ nhà còn hy vọng có càng nhiều người giựt càng tốt. Và đồ ăn, thức uống giựt được thì đều ăn uống bình thường, người giựt không phải lo lắng điều gì.

2. Giựt cô hồn có xui không?

Nhiều người lầm tưởng rằng giựt cô hồn là giựt đồ của ma sẽ tự rước xui xẻo về mình. Điều này là không đúng, dựa trên từ ngữ thì cụm từ đó có ý nghĩa là giựt đồ cúng trong ngày cúng cô hồn. Đây là một nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người Việt, mang ý nghĩa hết sức nhân văn.

Việc giựt đồ cúng sau khi cúng xong là chuyện rất bình thường. Các cô hồn đã được hưởng hương hoa, gạo, muối… Nhiều nơi còn gọi đồ cúng là lộc và ra sức giựt trong ngày này. Điều này đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vì có không ít người “bội thu” trong mùa cúng cô hồn tháng 7 âm lịch với nào là tiền, gà, hoa quả, bánh trái… Vì vậy bạn không cần phải lo ngại nếu có tham gia vào việc giựt cô hồn bạn nhé.

Bạn có biết là, trong trường hợp chủ nhà cúng nhưng không có ai giựt cũng là một điều không được may mắn. Gia chủ cũng không thể sử dụng đồ cúng đó cho gia đình mình mà phải gói lại, mang chia cho những người vô gia cư, ăn xin ngoài đường.

Giật cô hồn có xui không
Giựt cô hồn không xui, đây còn được xem là lộc

3. Những lưu ý khi giựt cô hồn

Như đã nói việc giựt cô hồn là một nét tín ngưỡng mang nhiều ý nghĩa tích cực của người Việt từ xưa đến nay. Hiện nay, không chỉ có giựt “offline” mà còn có cả “online” với các hoạt động, sự kiện được tổ chức trên các trang thương mại điện tử, ứng dụng trực tuyến… Các hoạt động này nhằm mang đến những mục đích tích cực như để xả xui, cầu an, tạo phúc, kiếm tài lộc…

Những lưu ý khi giựt cô hồn
Đừng để xảy ra mâu thuẫn, ẩu đả trong lúc giựt

Tuy nhiên, cùng với sự tích cực vẫn có những nhiều cần phải phê bình, cần được sửa đổi. Chẳng hạn như vì giựt cô hồn mà xảy ra tranh giành, mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả. Việc này là không hề hiếm khi ai cũng muốn giật về những thứ giá trị nhất. Hoặc như những trường hợp lợi dụng việt giựt cô hồn thì giựt, cướp giật luôn đồ của người sống, của gia chủ… Đây là những hành vi rất đáng lên án, không chỉ là vấn đề tín ngưỡng nữa mà đã phạm đến pháp luật.

Hoặc chuyện lao vào giành giật khi chủ nhà còn chưa hoàn tất lễ cúng. Đây là điều hoàn toàn không nên vì gia chủ còn dang dở lễ cúng của họ. Chưa kể khi lễ cúng chưa hoàn tất thì cô hồn cũng chưa được hưởng, việc giành giật của bạn cũng có thể coi là giành giật, “phỗng tay trên” cả với những người đã mất, là vô lễ.

Vì vậy, hãy đảm bảo giựt cô hồn một cách văn minh, đúng tín ngưỡng, đúng luật pháp… Hãy xem đây là một việc chỉ để lấy lộc trong tháng, có thể chỉ là một hộp bánh, bịch kẹo cũng là điều may mắn rồi, đừng xem nó như là cách kiếm tiền, bằng mọi giá phải hơn thua, chiếm được.

4. Nghi thức cúng cô hồn

Việc cúng cô hồn vào rằm tháng 7 dường như đã trở thành nếp của mọi gia đình vào khoảng thời gian này. Nếu bạn chưa rành rọt về việc này thì cùng tham khảo nội dung dưới đây của Vua Nệm để có thêm kinh nghiệm thực hiện lễ cúng nhé.

Các gia đình nên thực hiện lễ cúng vào buổi chiều là thích hợp nhất vào buổi chiều tối. Lý do là vì lúc này ánh sáng cũng đã dịu đi, các cô hồn có thể thoải mái đi lại nhận hương quả của người cúng. Nếu cúng vào buổi sáng, trưa, thời điểm có nhiều ánh sáng sẽ khiến cô hồn không dám đến.

Nghi thức cúng cô hồn
Mâm cúng cô hồn phải đặt ngoài sân để cô hồn khắp nơi có thể đến nhận hưởng

Khi cúng, gia chủ phải ăn mặc chỉnh tề, không cần quá phô trương nhưng phải lịch sự, không được mặc quần cộc. Ngoài ra, trong lúc cúng không nên để người già, trẻ con hay phụ nữ mang thai lại gần vì dễ bị cô hồn trêu chọc, quấy rối. Gia chủ sẽ đứng ở giữa mâm cúng, chắp tay đưa lên ngang trán, vái ba cái rồi đọc văn khấn. Sau cùng sẽ lạy 4 lạy và vái thêm 3 vái.

Lưu ý là mâm cúng phải được đặt ở ngoài sân để cô hồn tứ phương có thể ghé đến nhận lễ. Nếu đặt trong nhà cô hồn sẽ không thể nhận lễ cúng vì có thần nhà trấn giữ, linh hồn vất vưởng không thể xâm phạm. Gạo, muối cũng phải được rắc 4 hướng để các linh hồn có thể được hưởng.

>>Đừng bỏ lỡ: Tại sao nên cúng cô hồn hàng tháng? Cách cúng cô hồn hàng tháng như thế nào? 

5. Văn khấn cúng cô hồn

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Hôm nay là ngày rằm tháng 7…, năm …

Tín chủ chúng con là… Ngụ tại… Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mới ngài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả. Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, xét soi chứng giám. Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội. Chúng con đội ơn Tam Bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng che chở, công đức lớn lao này không biết lấy gì đền báo. Do vậy kính dâng lễ bạc, giải tỏ lòng thành, nguyện mong nạp thụ. Phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình luôn mạnh khỏe, già trẻ bình an, một lòng hướng về chính đạo, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long. Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám!

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).

Nói tóm lại, giựt cô hồn là một nét tín ngưỡng, văn hóa đậm tính nhân văn của người Việt Nam ta, thể hiện được sự nhân đạo đối với cả những người đã khuất, cầu mong cho họ được siêu thoát, đồng thời cầu cho gia đình bình an, không bị quấy phá trong tháng 7 âm lịch. Chúng ta sẽ phát huy những điểm tích cực và dần loại bỏ đi những điểm đáng lên án trong hoạt động này.

>>>Đọc thêm: Tháng cô hồn và 15 điều cấm kỵ theo quan niệm dân gian

Đánh giá post