Theo phong tục truyền thống của Việt Nam, mỗi gia đình hàng năm sẽ có những ngày giỗ chạp để dâng hương và làm cơm cúng bái ông bà tổ tiên. Việc làm này để thể hiện được lòng kính trọng của con cháu với tổ tiên của mình. Sau đây sẽ là hướng dẫn chi tiết cách bày mâm cúng giỗ ông bà tổ tiên đầy đủ từ A-Z để bạn có thể tham khảo.
Nội Dung Chính
1. Ý nghĩa của việc cúng giỗ
Theo quan niệm trong dân gian, cho dù ông bà đã mất đi nhiều năm nhưng vẫn sẽ luôn ở bên và theo dõi cũng như giúp đỡ chúng ta mỗi khi gặp bất kỳ vấn đề khó khăn nào trong cuộc sống. Cuộc sống hiện đại ngày nay, mỗi người lại có những công việc riêng, gia đình nhỏ riêng, thời gian dành cho anh em, họ hàng dần ít lại.
Chính vì vậy mà những ngày cúng giỗ cũng chính là thời điểm mà anh em, họ hàng trong một gia đình lớn lại có cơ hội được quây quần cũng như hỏi thăm nhau. Có thể nói, những ngày đặc biệt này trong năm như một dịp để gắn kết tình cảm gia đình của các thành viên.
Ngoài ra, ý nghĩa quan trọng nhất của việc cúng giỗ là thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên đã qua đời. Và để cầu mong ông bà tổ tiên giúp đỡ các thành viên trong gia đình đối với những vấn đề trong cuộc sống hàng.
2. Những ngày giỗ cần nhớ
Với ngày giỗ, có mốc thời gian quan trọng mà bạn cần phải nhớ. Đó là:
- Ngày giỗ đầu: Hay còn được gọi là giỗ tiểu đường. Đây là ngày giỗ đầu tiên của người đã mất sau khoảng thời gian là 1 năm. Và đây cũng là ngày có ý nghĩa quan trọng nhất cũng thường được gia chủ tổ chức trang nghiêm và mời nhiều khách nhất.
- Ngày giỗ hết tang: Hay còn gọi là giỗ đại trường. Ngày này sẽ được tổ chức sau 2 năm kể từ ngày mất của người đã khuất. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ tang thương và đầy nước mắt. Kể từ ngày này trở đi thì bàn thờ vong của người đã mất cũng được dọn đi và thay vào đó là bài vị đặt lên bàn thờ.
- Ngày giỗ thường: Được tổ chức hàng năm sau 3 năm kể từ ngày mất của người đã khuất. Ngày này không chỉ là nghi lễ để tưởng nhớ người đã khuất mà còn là dịp mà con cháu tụ họp.
3. Mâm cúng giỗ ở 3 miền Bắc – Trung – Nam
Mỗi vùng miền trên đất nước sẽ có những phong tục, tập quán riêng. Chính vì điều đó cũng khiến cho cách bày mâm cúng giỗ ở 3 miền có sự khác biệt.
3.1. Cách bày mâm cúng giỗ ở miền Bắc
Với mâm cúng giỗ của người miền Bắc, các món đồ lễ thường gặp trong mâm cúng bao gồm:
- Cơm trắng (Sẽ được chia ra làm 6 bát cơm nhỏ cùng với 6 đôi đũa được bày cùng trên mâm hoặc bàn)
- 1 đĩa xôi (thường sẽ sử dụng xôi đỗ xanh hoặc xôi gấc)
- Bánh chưng hoặc bánh dầy
- 1 đĩa giò lụa hoặc chả
- 1 đĩa thịt nạc luộc
- 1 bát thịt kho tàu
- 1 bát canh (Người miền bắc thường hay nấu canh xương hầm với rau củ quả hoặc hầm với măng)
- 1 đĩa gà luộc (Gà luộc vừa tới, chặt miếng và xếp vào đĩa sao cho gọn gàng, đẹp mắt, tránh xếp lộn xộn)
- 1 đĩa nộm rau tùy chọn
- 1 đĩa miến xào lòng gà hoặc miến nấu canh
- 1 đĩa nem rán.
Ngoài ra thì người miền Bắc cũng sẽ chuẩn bị thêm các món đồ cúng khác như:
- 1 bình hoa tươi
- 1 mâm ngũ quả
- Hương và nhang
- Vàng mã, giấy tiền,…
3.2. Cách bày mâm cúng giỗ ở miền Trung
Mâm cúng giỗ ở miền Trung sẽ có đầy đủ 4 món chính là món xào, canh, món thịt và món từ tôm cá. Bao gồm:
- Thịt vịt luộc kèm với mắm gừng
- Thịt gà luộc
- Thịt nạc heo luộc kèm với mắm tôm và rau sống
- Thịt heo quay
- Thịt bò nướng
- Thịt lợn kho
- Nem rán
- Cá cắt khúc chiên
- Cá chiên
- Tôm rang
- Đậu trắng
- Khoai tây chiên
Bên cạnh đó cũng có các món đồ cúng cơ bản:
- Hương và nhang
- Giấy tiền, vàng mã
- Hoa quả tươi
- Bình hoa
3.3. Cách bày mâm cúng giỗ ở miền Nam
Với mâm cúng giỗ ở miền Nam sẽ thường bao gồm:
- 1 món kho có thể sẽ là heo kho hoặc cá kho
- 1 món luộc là thịt ba chỉ luộc hoặc thịt gà luộc
- 1 món hầm là xương hầm hoặc móng giò hầm măng
- 1 món xào là thịt xào rau củ hoặc hải sản xào.
- 1 món rau củ luộc
Và không thể thiếu các đồ lễ khác như:
- Hương nhang
- Bình hoa tươi
- Mâm ngũ quả
- Giấy tiền, vàng mã
- Bánh kẹo
4. Cách bày mâm cúng giỗ
Khi đã chuẩn bị đầy đủ món ăn cũng như đồ lễ phù hợp với vùng miền, bạn cũng cần biết đến các quy tắc và cách bày mâm cúng giỗ sao cho chuẩn nhất.
- Các món ăn chính như thịt gà, thịt vịt hoặc thịt lợn cần được đặt ở trung tâm. Tiếp theo đó là các món chiên, rán, xào và ngoài cùng là các món canh, hầm. Khi bày mâm cần đặt các đĩa và bát đồ ăn thành hình vòng tròn và đặt trong mâm to để đảm bảo được tính thẩm mỹ.
- Món ăn đã bày lên bát đĩa cần để sao cho cân đối giữa lượng thức ăn và kích thước bát đĩa. Không nên sử dụng bát đĩa quá to cho lượng thức ăn ít sẽ gây mất thẩm mỹ.
- Nước chấm cũng nên sử dụng chén bát riêng cho đồ chấm
- Bát đĩa, đũa thìa nên sử dụng cùng bộ, cùng họa tiết hoa văn và đặt đối xứng trong mâm cơm.
- Vàng mã, giấy tiền đặt bên cạnh mâm cơm cúng và đặt ở mâm nhỏ hơn.
5. Quy trình cúng giỗ đúng chuẩn
Tùy từng gia đình sẽ có tổ chức cúng vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Tuy nhiên, quy trình cúng giỗ cơ bản sẽ được diễn ra theo trình tự như sau:
- Chuẩn bị mâm cỗ cúng
Mâm cỗ cúng bao gồm các món ăn theo địa phương cũng như tùy từng gia đình và sẽ được con cháu trong gia đình cùng nhau chuẩn bị. Từ khâu đi chợ chọn thực phẩm đến nấu nướng hoặc đặt các món ăn sẵn ở ngoài.
Đây có thể nói là khoảng thời gian mà anh chị em trong gia đình có thể được trò chuyện với nhau nhiều hơn, hàn huyên sau thời gian dài không gặp mặt.
- Bày biện mâm cúng
Các đồ lễ, món ăn sau khi được chuẩn bị và mua về sẽ được bày biện trên mâm hoặc bàn, ở trước bàn thờ gia tiên. Các món ăn cũng được bày theo đúng quy cách, sắp xếp theo trình tự và bày biện gọn gàng.
- Nghi thức cúng lễ
Sau khi thắp ba nén hương và cắm trên bát hương, gia chủ sẽ vái ba vái và bắt đầu đọc bài văn khấn. Nội dung bài cúng ông bà thường sẽ nêu rõ tên tuổi của ông bà, người đã mất cũng như nơi an táng để chắc chắn mời đúng người về. Và cũng như để thể hiện lòng thành kính của con cháu mong muốn mời ông bà về thụ hưởng và phù hộ cho các thành viên trong gia đình sức khỏe và bình an.
- Hóa vàng
Sau khi hương đã cháy hết, gia chủ cần mang tiền vàng, quần áo đã cúng của ông bà ra sân để hóa vàng. Khi cúng và hóa vàng thì nên mở rộng cổng chính để ông bà có thể vào nhà và thụ hưởng.
Ngoài ra, khi đốt tiền vàng, cũng nên đốt cho thổ công, thần đất sau đó mới nêu tên của người đã khuất trong nhà để mọi người biết phần mình và nhận lễ chứ không tranh nhau.
Đốt tiền vàng, gia chủ cũng nên lưu ý đốt cho cháy hết. Không được để quần áo, tiền vàng đốt chưa hết. Như vậy theo quan niệm dân gian thì người âm sẽ không nhận được những phần chưa cháy hết. Tức là tiền vàng và quần áo sẽ không nguyên vẹn.
- Hạ lễ và thụ lộc
Khi đã hóa vàng xong, con cháu sẽ xin hạ lễ để thụ lộc. Thường nếu đám giỗ có đông người thì gia đình sẽ chuẩn bị nhiều mâm cơm hơn để đủ cho mọi người nhưng chỉ cần đặt 1 mâm cơm lên để làm lễ cúng.
Các mâm cơm còn lại sẽ được mang lên khi đã đến giờ ăn. Mọi người trong gia đình cần tuyệt đối tránh không được ăn vụng hay ăn trong mâm khác trước khi hạ lễ vì đó được xem là hành vi bất kính.
Sau khi ăn xong, trước khi ra về mọi người sẽ cùng chia cho nhau những thức đồ cúng như trái cây, bánh kẹo để cùng nhau hưởng lộc từ ông bà.
6. Lưu ý trong cách bày mâm cúng giỗ
Dù ở miền nào, mâm cỗ cúng có khác nhau ra sao thì khi bày mâm cỗ cúng, mọi người cũng cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Đối với bàn thờ gia tiên, cần để bát cơm vào mâm cỗ chứ không được để dưới đất
- Bát đĩa phải dùng đồ nguyên vẹn, tránh sứt mẻ
- Không bày biện đồ sống lên bàn thờ cúng gia tiên
- Đối với những gia đình có 3 bàn thờ thì cần chuẩn bị 3 mâm cúng với thức ăn giống nhau
- Tránh cúng hoa quả giả
7. Kết luận
Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách bày mâm cúng giỗ cũng như mâm cúng ở ba miền Bắc – Trung – Nam mà có thể bạn chưa biết. Ngày giỗ là ngày thể hiện lòng thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên và cũng là dịp để mọi người trong gia đình tụ họp, tăng thêm sự gắn kết.