Với sự phát triển của công nghệ 4.0, điện thoại thông minh đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Bên cạnh những công dụng hữu ích cho cuộc sống hàng ngày mà điện thoại mang đến, chúng ta vẫn nên lưu ý đến một số tác hại khôn lường.
Trong đó, Nomophobia – hội chứng sợ không có điện thoại chính là một trong những vấn đề nhức nhối không thể phớt lờ. Tham khảo ngay những thông tin dưới đây để kiểm chứng xem bạn có đang mắc phải hội chứng này hay không nhé!
Nội Dung Chính
1. Hội chứng sợ không có điện thoại là gì?
1.1. Định nghĩa của hội chứng sợ không có điện thoại
Nomophobia – hội chứng sợ không có điện thoại là một trong những căn bệnh thời công nghệ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý của con người. Theo đó, thuật ngữ này là từ viết tắt của “no-mobile-phone phobia” và xuất hiện vào năm 2010, sau cuộc khảo sát của Bưu điện Anh – Ủy ban YouGov về mức độ sử dụng điện thoại.
Theo khảo sát, có đến 53% người dùng smartphone cảm thấy lo lắng khi điện thoại bị hết pin, mất điện thoại hoặc ở ngoài vùng phủ sóng. Trong đó, 47% phụ nữ và 58% đàn ông biểu hiện sợ hãi thái quá khi điện thoại tắt nguồn. Con số ngày càng tăng nhanh sau mỗi năm được tiến hành nguyên cứu.
Thông thường, khi đối diện với tình huống mất điện thoại, không có wifi, điện thoại hết pin… chúng ta thường cảm thấy lo sợ bị mất thông tin mật hoặc tốn tiền mua điện thoại mới. Tuy nhiên, người mắc hội chứng sợ không có điện thoại lại có biểu hiện rối loạn tâm lý, thể hiện thông qua sự lo lắng quá mức, bất an, bồi hồi khi không có điện thoại bên cạnh.
Hội chứng nomophobia xuất hiện ở hầu hết các quốc gia phát triển. Tại mỹ, chứng nghiện điện thoại càng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở đối tượng người trẻ. Theo thống kê, cứ 3 người thì lại có 2 người để điện thoại bên cạnh mình khi đi ngủ. Bên cạnh đó, có gần 66% người lớn mắc chứng nghiện điện thoại.
Có thể thấy, dù smartphone giữ vai trò quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, con người đang dần trở nên lệ thuộc vào những thiết bị điện tử này một cách quá mức cho phép.
1.2. Nguyên nhân gây hội chứng sợ không có điện thoại
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc phụ thuộc vào công nghệ chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng sợ không có điện thoại.
Chúng ta không chỉ sử dụng smartphone để liên lạc mà còn dùng chúng để lưu trữ, ghi chép thông tin, hình ảnh cũng như sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với mọi người. Điều này vô tình đã khiến con người luôn đòi hỏi phải có điện thoại bên cạnh 24/7, nếu không họ sẽ cảm thấy bất an.
Bên cạnh đó, việc sợ hãi khi không có điện thoại còn xuất phát từ tâm lý sợ bị cô lập, không thể giao tiếp và hòa nhập với mọi người trên mạng xã hội.
Một số người bị sang chấn tâm lý có liên quan đến điện thoại như bỏ lỡ cuộc gọi quan trọng, mất điện thoại, không thể liên lạc với người thân… cũng dễ bị ám ảnh và lo lắng khi không mang điện thoại bên người.
Ngoài ra, tiếp xúc thường xuyên với những người có biểu hiện nghiện điện thoại cũng có thể là yếu tố tác động đến việc hình thành hội chứng Nomophobia.
1.3 Ảnh hưởng của hội chứng sợ không có điện thoại
Đến hiện tại, hội chứng Nomophobia vẫn chưa chính thức được công nhận là một dạng rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy hội chứng này có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sức khỏe con người.
Việc lo lắng và sợ hãi thái quá có thể khiến người bệnh dễ bị căng thẳng, dẫn đến mất ngủ, khó tập trung, cao huyết áp… về lâu dài dễ mắc các bệnh như trầm cảm, stress, chứng rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh…
Việc liên tục sử dụng điện thoại còn gây lãng phí thời gian, giảm hiệu suất làm việc và học tập của mỗi người. Bên cạnh đó, quan tâm quá mức đến điện thoại sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ những niềm vui khác trong cuộc sống hàng ngày.
Một số người mắc hội chứng sợ không có điện thoại còn có xu hướng ngại ra đường giao tiếp với người khác. Điều này sẽ gây ra không ít phiền toái cho cuộc sống của họ nếu không thể can thiệp kịp thời.
2. Dấu hiệu cho biết bạn đang mắc hội chứng sợ hãi không có điện thoại
Vì Nomophobia vẫn chưa được công nhận là bệnh tâm thần chính thức nên Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần Hoa Kỳ DSM-5 và ICD-10 vẫn chưa có thông tin đề cập về hội chứng này. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân mắc hội chứng sợ không có điện thoại.
Hội chứng này có biểu hiện phức tạp, bao gồm các triệu chứng về cả thể chất lẫn cảm xúc. Theo đó, người bị hội chứng sợ không có điện thoại có thể xuất hiện một số tình trạng như:
- Thường cảm thấy lo lắng, bất an khi không có điện thoại bên cạnh hoặc điện thoại hết pin, ngoài vùng phủ sóng, bị mất…
- Sử dụng điện thoại liên tục, gần như cả ngày. Thậm chí, họ còn mang điện thoại vào nhà tắm, khi đi vệ sinh.
- Thường xuyên cập nhật mạng xã hội thay vì giao tiếp thực tế với mọi người.
- Liên tục giật mình và kiểm tra xem có đem theo điện thoại hay không.
- Xuất hiện những giấc mơ về điện thoại, những cơn ác mộng khi liên tục chạy theo một chiếc smartphone.
- Không thể ngủ khi không có điện thoại, trước khi ngủ phải sử dụng.
- Không thể giao tiếp trọn vẹn với bạn bè xung quanh khi không dùng điện thoại để trao đổi.
- Có xu hướng tìm kiếm những địa điểm có sẵn wifi thể online, mang theo sạc điện thoại vì sợ điện thoại bị tắt nguồn.
- Một số người sẽ có biểu hiện kích động nếu không sử dụng điện thoại trong một khoảng thời gian. Họ liên tục bất an khi phải thi cử hay trong các cuộc họp không được phép dùng điện thoại.
Bên cạnh một số biểu hiện về trạng thái cảm xúc, người mắc hội chứng sợ không có điện thoại còn xuất hiện một vài triệu chứng thể chất như: đổ mồ hôi, run rẩy, tim đập nhanh, chóng mặt, khó thở, tức ngực hay thậm chí là ngất xỉu.
3. Các biện pháp tự điều chỉnh khi mắc hội chứng Nomophobia
Khi xác định bản thân đã mắc hội chứng sợ không có điện thoại, bạn có thể thử một số liệu pháp tự điều trị dưới đây như:
- Tăng cường gặp gỡ trực tiếp bạn bè, người thân để quên đi nỗi sợ thiếu điện thoại.
- Dành thời gian cho những sở thích cá nhân khác như nấu ăn, may vá, chơi với thú cưng, đi dạo, chạy bộ…
- Đặt mục tiêu về thời gian giới hạn sử dụng công nghệ trong ngày.
- Đặt điện thoại cách xa giường để tránh cảm thấy bồn chồn và tiếp tục sử dụng khi không ngủ được.
- Tìm đến các biện pháp giải tỏa căng thẳng như tập thể thao, yoga, bơi lội, ngồi thiền, nghe nhạc, tắm nước ấm…
- Tập thói quen không dùng điện thoại khi không cần thiết. Bạn có thể sử dụng một số công cụ hỗ trợ khác như sổ ghi chép, đồng hồ báo thức, máy đọc sách… để giảm mức độ phụ thuộc vào smartphone.
Với những trường hợp nhẹ, bạn có thể tự điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày để thoát khỏi hội chứng Nomophobia. Tuy nhiên, với những trường hợp nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý thì bạn nên tìm đến các chuyên gia, bác sĩ để tiến hành điều trị kịp thời. Việc thăm khám và chữa trị sớm sẽ giúp bạn tránh khỏi các ảnh hưởng xấu về lâu dài.
Trên đây là bài viết tổng hợp về hội chứng sợ không có điện thoại. Chúng ta không thể phủ nhận rằng smartphone đã giúp cuộc sống dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại có chừng mực, không phụ thuộc sẽ giúp bạn cân bằng được cuộc sống vốn có cũng như hạn chế mắc phải những căn bệnh tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.
Nguồn tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/Nomophobia