Sức khỏe giấc ngủ

Làm sao để ngày Tết không còn áp lực với mọi người?

CẬP NHẬT 29/07/2022 | BỞI Hương Lăng

“Chợp mắt một cái đã đến Tết”, hay “Đang yên đang lành tự nhiên Tết”… Đó là những câu nói “vừa mừng” “vừa lo” của rất nhiều người. Vòng quay hối hả mỗi dịp Tết đến Xuân về có thể đánh gục bất kỳ ai. Cuối năm là thời điểm mọi deadline dồn dập đổ về, deadline lương thưởng Tết, deadline “quà biếu Tết”, deadline “mang tiền về cho mẹ”, deadline “lấy vợ”, “lấy chồng”…

Những áp lực ngày Tết ấy đè nặng trĩu trên vai của những người lao động xa quê, người trẻ vừa tốt nghiệp đại học, người trưởng thành và nhất là sau thảm họa của một đại dịch Covid-19 tràn qua thành phố, để lại những tác hại vô cùng nặng nề và đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Lễ Tết có thể đưa bạn vào những áp lực phải cố gắng làm và hoàn thành mọi thứ, từ deadline công việc trước ngày nghỉ, sau đó dọn dẹp nhà cửa, mua sắm thực phẩm, đồ đạc, cây cối trang trí, chăm sóc con cái, lên kế hoạch cho kỳ nghỉ, hay những bữa tiệc, về quê, thăm gia đình, họ hàng…

Áp lực ngày Tết khiến nhiều người trở nên căng thẳng
Áp lực ngày Tết khiến nhiều người trở nên căng thẳng

1. Làm quá nhiều…

Cuối năm là thời điểm mà người người, nhà nhà đều đầu tắt mặt tối, bao việc dồn dập, câu cửa miệng của chúng ta mỗi khi ai đó hỏi thăm là “Bận lắm, làm gì còn có thời gian”.

Không bận mới lại, cuối năm là thời điểm báo cáo, tổng kết, thanh toán, tất toán, dư nợ, công nợ… đều dồn hết vào dịp này. Bên cạnh đó là khối công việc hàng ngày vẫn phải chạy đều đều. Đối với người làm nghề tự do, buôn bán, Tết đến là thời điểm phải “cố gắng kiếm thêm”, vì bận rộn thì mới có tiền, mới hi vọng một cái Tết “bánh chưng có thịt”.

Biết là thế, nhưng đôi khi công việc quá nhiều khiến chúng ta “chết ngộp”, ngổn ngang rối bời, không biết nên xử lý cái nào trước, bởi cái nào cũng ở trạng thái… nước đến chân.

Trạng thái căng thẳng có thể khiến bạn cảm thấy uể oải, ăn uống và nghỉ ngơi không hợp lý, sức khỏe giảm sút, dẫn đến công việc càng khó hoàn thành. Rồi những bữa cơm gia đình vào dịp cuối năm cũng khiếm khi đông đủ. Việc công đã nhiều, việc “tư” cũng không kém, với các lịch thăm hỏi, cảm ơn, tất niên gần như bắt buộc. Tình trạng bất ổn này khiến cho nhiều người cảm thấy áp lực vào mỗi dịp Tết đến.

Để cuối năm không còn ám ảnh quay cuồng, có lẽ mỗi chúng ta nên điều chỉnh một chút về quản trị thời gian và sắp xếp mọi việc theo thứ tự ưu tiên. Dù bạn cố đến đâu, quỹ thời gian một ngày cũng chỉ có 24 giờ. Bạn hãy phân chia thời gian một cách thật mạch lạc dành cho công việc, cho gia đình, rèn luyện sức khỏe của bản thân và nhất là mối quan hệ xã hội theo tỷ lệ mà bạn cho là ổn nhất. Rồi sau đó sẽ nghiêm túc tuân thủ để nhịp sống không bị đảo lộn.

Công việc căng thẳng, bận rộn vào dịp tết
Công việc căng thẳng, bận rộn là một áp lực ngày Tết

2. Chi tiêu quá nhiều

Mùa lễ Tết là thời điểm khiến chúng ta dễ “vung tay quá trán” vào việc mua sắm, trang hoàng nhà cửa, quà biếu Tết, lì xì trẻ nhỏ… để sau đó phải đối mặt với những hậu quả lâu dài như nợ nần. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã khiến không ít người bị giảm thu nhập, song vẫn cố gắng để sắm sửa một mùa Tết đầy đủ và tươm tất nhất cùng bữa ăn thịnh soạn để đãi khách, từ đó càng tạo ra áp lực tài chính vào ngày Tết.

Tết là dịp để gia đình đoàn viên, gặp gỡ và sum họp, chỉ cần thấy nhau vẫn khỏe mạnh, vui vẻ là những điều trân quý nhất. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể cân đối và chi tiêu tiết kiệm nhất.

Tết là thời điểm khiến mọi người dễ dàng vung tay quá trán
Vung tay quá trán cũng được xem là một áp lực ngày Tết

3. Áp lực từ sự quan tâm “quá mức”

Tết là dịp để gia đình, họ hàng sum họp, chia sẻ với nhau những câu chuyện vui buồn sau một năm làm việc, học tập. Vào dịp này, nhiều người trẻ phải lo sợ khi đứng trước câu hỏi tế nhị như “Lương tháng bao nhiêu”, “Chừng nào lấy chồng”, số khác phải “ôm mặt” vì sự so sánh, đánh giá của họ hàng như “Người ta từng ấy tuổi đã có nhà có xe”, hay “Người ta bằng tuổi cháu mà đã có con, đằng này người yêu còn chưa có”… Đây chắc chắn là áp lực ngày Tết mà không ít người gặp phải.

Mọi người sẽ thường lấy lý do “quan tâm thì mới hỏi” nhưng có ai ngờ câu hỏi như một “nhát dao” xoáy sâu vào nỗi lòng của người nghe. Ai mà chẳng thích thưởng Tết nhiều, ai mà chẳng thích có người yêu, hay lấy chồng, đẻ con.

Những câu hỏi vô tư của người thân, hàng xóm, bạn bè… đôi khi khiến bạn “chạnh lòng” và khó chịu. Dù vậy, đây là những tâm lý tiêu cực mà bạn nên tránh trong những ngày xuân. Do đó, bạn hoàn toàn có thể sử dụng khiếu hài hước của mình để trả lời câu hỏi này. Sự dí dỏm sẽ giúp bạn “đánh trống lảng” và giúp cho bầu không khí vui tươi, phấn khởi hơn đấy!

Áp lực từ sự quan tâm
Áp lực ngày Tết từ sự quan tâm

4. Áp lực ngày tết: Những bữa tiệc triền miên

Bên cạnh những lời chúc tụng dịp năm mới đến là bữa tiệc rượu bia triền miên, bánh chưng, bánh tét, thịt mỡ dưa hành… là “thủ phạm” khiến nhiều người bị tăng ký, bên cạnh đó cũng không ít người bị tuột ký không phanh. Đồng thời, áp lực ngày Tết này cũng làm cho lịch trình sinh hoạt bị đảo lộn và từ bỏ thói quen lành mạnh như việc đi tập gym, chạy bộ, tự nấu nướng ở nhà… thường bị gạt bỏ sang một bên.

Vì vậy, để có cơ thể mạnh khỏe và sẵn sàng cho mọi cuộc vui, bạn hãy đảm bảo rèn luyện sức khỏe thật tốt. Đặc biệt là đi ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ, bởi vì giấc ngủ sẽ là thần dược để cơ thể của bạn hồi phục, xoa dịu những mệt mỏi ngày qua.

Hãy chăm sóc sức khỏe và giấc ngủ của bản thân thật tốt
Những bữa tiệc triền miên là áp lực ngày Tết khiến bạn mất ngủ

Tìm hiểu bí kíp cân bằng dinh dưỡng trong dịp Tết đầy đủ và chi tiết tại đây! https://vuanem.com/blog/che-do-dinh-duong-trong-dip-tet-nguyen-dan.html

Trên đây là những thông tin hữu ích về những áp lực ngày Tết phải đối mặt và giải pháp mà Vua Nệm muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng rằng điều bổ ích này sẽ giúp bạn đón một mùa Tết trọn vẹn và ý nghĩa!

Bài viết liên quan:

Hương Lăng
Hương Lăng